Có thể nói, chiến thắng mùa xuân năm 1975 Đảng, Nhà nước và dân tộc ta đã đã hoàn thành khát vọng tột bậc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mùa xuân cuối cùng trước lúc Người đi xa:
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào.
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,
Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn".
Ba mươi sáu năm đã trôi qua, nhớ lại những sự kiện lịch sử trong mùa Xuân đại thắng, chúng ta không khỏi bồi hồi xúc động, trong huyết quản chảy rạo rực dòng máu anh hùng, bất khuất của cha ông, trên bầu trời xanh lá cờ thắm đỏ máu của bao thế hệ đang tung bay kiêu hãnh báo hiệu chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ.
Điểm lại những sự kiện lịch sử diễn ra cuối năm 1974, đầu năm 1975 để càng tự hào hơn những thành quả mà cha ông ta đã tốn bao máu, xương mới giành được, để thế con cháu hôm nay ngẩng cao đầu hòa nhập cùng năm châu bốn biển.
Đến năm 1974, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã bước sang năm thứ hai mươi, làm phá sản, tan rã ba chiến lược chiến tranh quy mô lớn của Mỹ - ngụy: Chiến tranh cục bộ, Chiến tranh đặc biệt, Việt Nam hóa chiến tranh. Cuối năm 1974, đầu năm 1975, so sánh lực lượng ở miền Nam thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng. Hội nghị Bộ Chính trị và Bộ Chính trị mở rộng đã bàn kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Đặc biệt, chiến thắng Phước Long (06/1/1975) và tình hình chiến sự sau Phước Long tạo thêm cơ sở để hội nghị Bộ chính trị mở rộng củng cố thêm quyết tâm chiến lược, bổ sung và hoàn chỉnh kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam. Hội nghị này có ý nghĩa lịch sử trọng đại, phân tích, đánh giá chính xác sự phát triển của tình hình, đề ra phương hướng đúng đắn, thể hiện quyết tâm giải phóng cao khi thời cơ đến. Là ngọn đuốc soi đường dẫn đến đại thắng của Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta ở miền Nam đã diễn ra gần hai tháng (từ 4/3 đến 30/4) với ba chiến dịch: Chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Huế - Đà Nẵng và đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đánh thắng vào Sài Gòn.
Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu diễn ra từ ngày 4 đến 24 tháng 3 năm 1975, tiêu diệt 7 vạn quân địch, xóa sổ Quân đoàn 2 và quân khu 2 của địch, tiêu diệt và làm tan rã một tập đoàn phòng ngự lớn, giải phóng một địa bàn chiến lược quan trọng, dẫn đến sự suy sụp và tan rã về chiến lược của địch, mở ra thời cơ tổng tiến công chiến lược, mở ra bước ngoặt quyết định của thời kỳ kết thúc chiến tranh.
Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi, ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị ra Quyết định số 241/NQTW thành lập Hội đồng chi viện miền Nam ở Trung ương.
Chiến dịch Huế - Đà Nẵng diễn ra từ ngày 21 đến 29 tháng 3 năm 1975, là một chiến dịch tiến công hình thành trong quá trình tổng tiến công chiến lược, từ hai chiến dịch của hai quân khu phát triển thành chiến dịch tổng tiến công có ý nghĩa chiến lược, đã tiêu diệt Quân đoàn I và Quân khu I ngụy; cùng với chiến dịch Tây Nguyên làm thay đổi hẳn so sánh lực lượng địch, ta, trực tiếp đánh bại âm mưu co cụm chiến lược của địch, tạo điều kiện cực kỳ quan trọng cho chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Ngày 1 tháng 4 năm 1975, Bộ Chính trị đã chỉ định 3 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị có mặt tại chiến trường chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị về chỉ đạo chiến dịch và ra Quyết định thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định: Tư lệnh: Đại tướng Văn Tiến Dũng. Chính ủy: Phạm hùng; Phó Tư lệnh: Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Lê Đức Anh, Trung tướng Đinh Đức Thiện (ngày 22/4 bổ sung Trung ướng Lê Trọng Tấn: Phó Tư lệnh. Trung tướng Lê Quang Hòa: Phó Chính ủy)
Ngày 8 tháng 4 năm 1975: Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên đặc biệt để nghe báo cáo về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân miền Nam từ đầu thắng 3 năm 1975.
Sau chiến công vang dội giải phóng Huế - Đà Nẵng, quân ta lại tiếp tục thực hiện chiến dịch Xuân Lộc, đánh vào tuyến phòng thủ kéo dài từ Phan Rang qua Xuân Lộc đến Tây Ninh, trong đó Xuân Lộc, một thị xã thuộc tỉnh Long Khánh, cách Sài Gòn 60 km về phía đông bắc là điểm trọng tâm nhằm ngăn chặn quân ta tiến theo đường số 1 và đường số 20 đánh vào Biên Hòa và Sài Gòn. Ngày 9 tháng 4 năm 1975, trên các hướng ta đồng loạt nổ súng tiến công địch, cuộc chiến đấu ở Xuân Lộc diễn ra hết sức quyết liệt, đến sáng ngày 21 tháng 4 thị xã Xuân Lộc và toàn tỉnh Long Khánh được giải phóng, chiến dịch Xuân Lộc kết thúc.
Cùng với các chiến dịch trên toàn miền Nam, ngày 14 đến 29 tháng 4 năm 1975 quân ta giải phóng các đảo do quân ngụy Sài Gòn chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa.
Ngày 16 tháng 4 năm 1975 Quân đoàn 2 (thiếu Sư đoàn 324), Sư đoàn 3 quân khu 5, Trung đoàn 25 bộ binh cùng các lực lượng xe tăng, pháo binh tăng cường tiến công tiêu diệt Quân đoàn 3 Ngụy, đập tan tuyến phòng thủ Phan Rang, bắt hai tướng ngụy, giải phóng thị xã và toàn tỉnh Ninh Thuận.
Ngày 20 đến 25 tháng 4 năm 1975, Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho các quân đoàn và các lực lượng vũ trang địa phương.
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, quân ta giải phóng tỉnh Long Khánh, mở toang “cánh cửa thép” phía Đông, tiến về Sài Gòn.
Nguyễn Văn Thiệu từ chức tổng thống, chính quyền Trần Văn Hương lên thay.
Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra từ 26 đến 30 tháng 4 năm 1975 là chiến dịch chiến lược tiến công lớn nhất của quân và dân Việt Nam đánh vào đầu não và lực lượng quan trọng nhất của chính quyền, quân đội ngụy ở Sài Gòn - Gia Định và các vùng phụ cận, kết thúc hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Sau một tháng tiến công và nổi dậy, quân dân ta đã giành toàn thắng trong hai chiến dịch Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng, giải phóng hơn nửa đất đai và nửa dân số toàn miền Nam, chiếm giữ một số lượng lớn vật chất, trang bị, phương tiện chiến tranh. Các lực lượng vũ trang ta đã trưởng thành nhanh chóng. Trong khi đó, lực lượng mọi mặt của địch giảm sút nghiêm trọng, chúng phải lùi về phòng thủ từ Phan Rang trở vào. Mỹ cũng đã hết sức giúp ngụy kéo dài cơn hấp hối bằng cách lập cầu hàng không viện trợ khẩn cấp cho chúng.
Về phía ta, Nghị quyết của Bộ Chính trị ngày 25 tháng 3 năm 1975 đã nêu rõ “Thời cơ chiến lược mới đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam… Phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí, kỹ thuật và vật chất giải phóng miền Nam trước mùa mưa”. Chiến dịch giải phóng Sài Gòn cũng được Bộ Chính trị quyết định mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.
Từ đầu tháng 4, trên mọi miền đất nước, nhân dân ta sống những ngày hết sức sôi động, một ngày bằng hai mươi năm. Cả dân tộc ta ra quân trong mùa xuân lịch sử với tinh thần “đi nhanh đến, đánh nhanh thắng” và với khí thế “thần tốc, bất ngờ, táo bạo, chắc thắng”.
17 giờ ngày 26 tháng 4, quân ta được lệnh nổ súng mở đầu chiến dịch. Tất cả 5 cánh quân từ các hướng vượt qua tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch tiến vào Sài Gòn.
Ngày 28 tháng 4, các trận địa pháo của ta đồng loạt nã đạn vào Tân Sơn Nhất, và chiều hôm đó phi công ta dùng năm máy bay chiến đấu phản lực A37 thu được của địch mở đợt tập kích vào khu vực chúa máy bay của chúng. Đêm 28 rạng ngày 29 tháng 4, tất cả các cánh quân của ta được lệnh đồng loạt tổng công kích vào trung tâm thành phố, đánh chiếm các cơ quan đầu não của địch.
9 giờ 30 phút, ngày 30 tháng 4, Tổng thống ngụy Dương Văn Minh vừa nhậm chức hôm 28/4 kêu gọi “ngừng bắn để điều đình giao chính quyền” nhằm cứu quân ngụy khỏi sụp đổ.
10 giờ 45 phút ngày 30 tháng 4, xe tăng của ta tiến thẳng vào dinh Độc lập, bắt toàn bộ chính quyền Sài Gòn, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc dinh Độc lập, báo hiệu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Thắng lợi lịch sử 30 tháng 4 năm 1975 là một thắng lợi oanh liệt trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, đồng thời là một trong những cuộc đấu tranh cách mạng kiện cường nhất của các dân tộc trên thế giới trong thời đại ngày nay, đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc bất hủ: “Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”.