TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Về vị Đại tướng tròn 100 tuổi
Ngày cập nhật 26/08/2010

Mùa Thu này, hoà với dịp kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh , lại trước thềm Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, người Việt Nam lại được chia sẻ niềm vui mừng chúc thọ vị Đại tướng của nhân dân võ Nguyên Giáp tròn 100 tuổi. Trong bề bộn những sách báo có liên quan, thấy có hai tài liệu đáng được chia sẻ với bạn đọc.

Có một cuốn sách được xuất bản tại Anh năm 2008 mang tựa đề “Những nhà lãnh đạo quân sự lớn và những chiến dịch của họ” (Great Military Leaders and Their Campaigns). Một cuốn sách bề thế, dày hơn 300 trang khổ lớn, với hơn 500 tấm ảnh màu minh hoạ của Nhà xuất bản Thames&Hudson dành để giới thiệu 59 nhân vật danh tiếng nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh của thế giới trong 2500 năm qua. Khái niệm “Great Military Leaders” được giải thích trong chương mở đầu là các vị tướng chiến lược, người đưa ra được những tư tưởng quân sự nhưng lại trực tiếp chỉ đạo những chiến dịch mang tính chất quyết định của các cuộc chiến tranh lớn...


 

Trang viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong“
Great Military Leaders and Their Campaigns”.


Người đầu tiên trong danh sách là Cyrus Đại đế (Cyrus the Great 598-529 trước công nguyên) người đã gây dựng Đế chế Ba Tư và người cuối cùng, nhân vật số 59 được lựa chọn là
Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Có thể thấy trong danh sách này những tên tuổi lừng lẫy như Alexandre Đại đế, Tần Thuỷ Hoàng, Hannibal, Julius Ceasar Charlemagne, Chingiz Khan, Edward I, Peter Đại đế... của thời cổ và trung đại cho đến George Washington, Napoléon, Nelson, Simon Bolivar, Giuseppe Garibaldi... của thời cận đại và Mustafa Kemal, Erich von Manstein, Togo, Dwight Eisenhower (Hoa Kỳ), George Zhukov ... và người liền kề với Đại tướng của chúng ta là Đô đốc Nimitz của Hoa kỳ, người chỉ huy mặt trận Thái Bình Dương trong Đại chiến II.

Phần viết về
Đại tướng Võ Nguyên Giáp gồm hai trang được rút tít bằng sự định danh “vị tướng đã đánh bại người Pháp và người Mỹ” kèm theo một câu trích của vị tướng Việt Nam : “Kế thừa và tiếp tục truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc ta, nhân dân ta đã đánh bại kẻ mạnh hơn bằng sức nhỏ hơn” (lấy yếu thắng mạnh). Ngoài 2 tấm ảnh chân dung của 2 thời kỳ vẻ vang kết thúc Điện Biên Phủ (1954) và kết thúc Kháng chiến chống Mỹ, phần viết về Võ Nguyên Giáp còn đưa ra những sơ đồ chiến trận ở Điện Biên Phủ và Tết Mậu Thân. Đúng là phần viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngắn và có phần chưa đầy đủ hơn các nhân vật còn lại... nhưng đó cũng là lẽ đơn giản vì Đại tuớng Võ Nguyên Giáp là nhân vật duy nhất... đến nay vẫn còn sống!

Người chủ biên cuốn sách này, giáo sư sử học Jeremy Black, tác giả nhiều công trình lịch sử chiến tranh đã lựa chọn
Võ Nguyên Giáp là nhân vật duy nhất của lịch sử đương đại cho thấy sự đánh giá tầm vóc của các cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân Pháp và Mỹ đươc tiến hành dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng tổ chức cách mạng của mình có một vị trí quan trọng như thế nào trong lịch sử hiện đại thế giới mà theo cách nhìn của giới sử học phương Tây thì Võ Nguyên Giáp là một biểu tượng.

Cũng trong thời gian này, đọc được ở trên mạng một bài viết đáng chú ý. Đó là bài viết : “Tôi đọc bài của Phạm Cao Dương về Đại tướng Võ Nguyên Giáp” ký tên tác giả là Trần Chung Ngọc. Cả hai tác giả trên hiện đều là người Việt sống tại hải ngoại.

Phạm Cao Dương là một giáo sư đã từng giảng dạy đại học ở Sài Gòn trước 1975, là tác giả bài viết “Vài ghi chú về Võ Nguyên Giáp”, còn Trần Chung Ngọc là một người cầm bút thấy lương tâm phải lên tiếng khi đọc bài của vị Giáo sư họ Phạm. Vị họ Trần bằng tất cả sự cẩn trọng của một người viết sử không chỉ phê phán vị giáo sư sử học về sự tuỳ tiện về nghề nghiệp và hơn nữa là phê phán một khuynh hướng đang tồn tại trong một số người cầm bút ở hải ngoại mang “những quan điểm cá nhân, đầy cảm tính và không ngoài tâm cảnh chống Cộng một chiều” muốn bóp méo lịch sử vì những hận thù đối với cuộc cách mạng đã từng diễn ra ở Việt Nam. Ông Trần Ngọc Chung khẳng định: “Dù nhóm người xu thế nào đó tìm cách giảm thiểu công trạng những người đem lại vinh quang cho nhân dân Việt như Hồ Chí Minh,
Võ Nguyên Giáp,… rồi tiến đến xóa bỏ hẳn công lao, biến họ thành “tội đồ” đi nữa, cho đến ngàn năm sau, lịch sử của dân Việt (và cả thế giới gồm các quốc gia chiến bại) vẫn ghi nhớ vị tướng tài xuất chúng của người dân Việt. Đó là niềm tự hào của những người dân vẫn còn biết đến nguồn cội của mình. Máu sẽ chảy về tim”.

Ông viết tiếp: “Viết về một nhân vật như
Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà cả thế giới đều biết đến thì có lẽ chúng ta nên viết về ông ta như một vị Tướng, những yếu tố nào đã tạo thành một con người như ông ta, để tạo được những chiến công mà cả thế giới phải cúi đầu ngưỡng mộ như vài tài liệu sau đây.... Chúng ta hãy đọc một nhận định về Tướng Võ Nguyên Giáp trên Wikipedia:

“Cuộc chiến thắng Pháp (ở Điện Biên Phủ) của Giáp đã nghiền nát truyền thuyết về “Tây phương bất bại” và do đó đã mở ra một kỷ nguyên mới cho sự tranh đấu chống chủ nghĩa thực dân cho nền độc lập quốc gia. Với chiến thắng này, tên của Võ Nguyên Giáp đã đồng nhất với sự thất bại của chủ nghĩa thực dân trong toàn cõi Phi Châu và Nam Mỹ.

Và một tài liệu khác: Theo Kay Johnson “Đánh bại Pháp ở Điện Biên Phủ, Đại tướng Giáp đã báo trước sự tận cùng của chủ nghĩa đế quốc. Cuộc chiến thắng của Việt Minh ở Điện Biên Phủ là cuộc chiến thắng đầu tiên của một nhóm kháng chiến Á Châu chống lại một đoàn quân thuộc địa trong một cuộc chiến quy ước. Cuộc chiến thắng này đã đánh đổ huyền thoại “Tây Phương bất bại”, đưa đến sự rút ra khỏi Việt Nam một cách nhục nhã của Pháp, và gây cảm hứng chống những thế lực đế quốc trên khắp thế giới. (http://www.time.com.time/asia/2006/heroes/nb_nguyen.html)

Đó là “công thành” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, ở những nơi bị chế độ thực dân ngự trị..
Đề cập tới một số người hận thù với những thành qủa của những người cộng sản, bài viết của ông Trần xác định : “Nhưng thành phần nào trong dân tộc ngưỡng mộ và thành phần nào thù hận?... Thành phần ngưỡng mộ là thành phần yêu nước vì Tướng Giáp đã mang lại vinh quang cho xứ sở trên chính trường quốc tế. Đối với họ, biết Tướng Giáp qua những tài liệu nhận định về Tướng Giáp như trên kể ra cũng đủ. Còn thành phần thù hận là thành phần thiểu số ở hải ngoại, vì lý do này hay lý do khác, không hề chấp nhận “công thành” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và còn đang cố gắng tìm cách phủ bác “công thành” của Tướng Giáp và hạ uy tín của ông ta, qua những điều bịa đặt dỏm… Thí dụ như: chiến thắng ĐBP không phải là của Tướng Giáp mà là của Tàu, một lý luận ngu xuẩn bất kể sự thực lịch sử... Chúng ta hãy đọc lời bình luận của Giáo sư Mortime T. Cohen về việc này trong cuốn From Prologue To Epilogue In Viet Nam, trang 201 – 202: Gốc rễ vấn đề của Dulles là nếu Việt Minh đang đánh bại Pháp, và nước Việt Nam của người Việt Nam - bất cứ nước nào khác lấy quyền gì để vào đó đánh cho Pháp? Câu trả lời của Dulles là không phải là người Việt đánh bại Pháp mà là người Tàu. Người Tàu đã xâm lược Việt Nam và Pháp đã chống lại xâm lược, giống như Hoa Kỳ đã chống lại sự xâm lược ở Triều Tiên.

Chỉ có điều là - chẳng có tí sự thực nào trong đó. Không có Tàu ở Điện Biên Phủ như Dulles đã khẳng định. Bộ Tổng Tham mưu của Pháp nói rằng không có một tù binh nào, sống cũng như chết, là Tàu. Jules Roy tóm tắt thật hay như sau: “Những lời tuyên bố của John Foster Dulles và Tướng Navarre về những chuyên viên Trung Quốc đơn giản chỉ là truyền cảm ý muốn bào chữa cho những sự thất bại của họ”.
Tưởng chúng ta cũng nên đọc thêm nhận định của Giáo sư Mortime T. Cohen về chiến thắng Điện Biên Phủ: “Điện Biên Phủ là sự diễn đạt tinh thần quốc gia và sự hãnh diện của người Việt mạnh nhất về một biến cố trong dòng lịch sử của họ. Có một đứa trẻ nào ở trong làng mà không biết đến những chiến thắng đối với Trung Hoa và Mông Cổ - hai lực lượng quân sự mạnh nhất ở Á Châu? Những biến cố này và cuộc tranh đấu ngàn năm chống ngoại xâm đã được lồng vào trong văn học, ca nhạc, và châm ngôn của họ. Đối với người Việt, Điện Biên Phủ là một trận chiến khác trong đó họ đã đánh bại quân xâm lược. Và hầu hết mọi người, bất kể là thuộc tôn giáo, tầng lớp xã hội nào, hoặc phục vụ cho quân đội Pháp, đều hãnh diện vì nó.

Người Mỹ có hiểu được như vậy không? Người Mỹ có biết gì về Việt Nam và lịch sử, văn hóa Việt Nam không? Hoàn toàn không”.

Ông Trần viết tiếp: “Cũng như những người thù hận Hồ Chí Minh thường ở trong chiến dịch “No Hồ” của một thiểu số cuồng tín ở hải ngoại, những người thù hận Tướng Giáp cũng thường ở trong chiến dịch “No Giáp” và đang cố tìm cách hạ thấp “công thành” và uy tín của Tướng Giáp bất kể đến những sự thực lịch sử. Nhưng thực tế cho thấy, “No Hồ” hay “No Giáp” đều không gây được bất cứ một ảnh hưởng nào, ít ra là trong giới hiểu biết và trí thức, vì ngày nay chúng ta không thiếu gì những tài liệu viết về ông Hồ và Tướng Giáp của những học giả Tây phương mà không ai có thể bảo là họ thiên vị Cộng sản hay thiên vị Pháp, Mỹ…”.

Chúng tôi lục tìm trong mạng và được biết thêm rằng tác giả Trần Chung Ngọc cũng đã từng là người đứng trong hàng ngũ Quân đội Việt Nam Cộng hoà, nhưng đến nay ông đã 3 lần trở về nước và cho biết rằng ông sẽ về Hà Nội để dự Đại lễ 1000 năm, ở đó mọi người đều hướng tới tương lai với niềm tự hào chứ không còn muốn đào sâu những hận thù của quá khứ.

Dương Trung Quốc ( Lao Động cuối tuần)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.798.022
Truy câp hiện tại 1.843