TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Ngày 22/5/2011 sẽ thật sự là ngày hội lớn của toàn dân
Ngày cập nhật 13/05/2011

Ngày 21 tháng 01 năm 2011, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết công bố ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 vào ngày chủ nhật, 22 tháng 5 năm 2011. Đây sẽ là ngày hội của toàn dân, có ý nghĩa chính trị to lớn trong đời sống xã hội của đất nước. Để hiểu rõ hơn về cuộc bầu cử này và quá trình chuẩn bị, Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế đã có cuộc trao đổi với ông Trần Phùng, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh Thừa Thiên Huế xung quanh vấn đề này, trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

  Xin ông cho vài nhận xét về thực hiện quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và đại biểu HĐND các cấp? Kết quả hiệp thương lần thứ ba ở Thừa Thiên Huế như thế nào?

Ông Trần Phùng: Có thể khẳng định rằng, quy trình hiệp thương lựa chọn giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp do MTTQ Việt Nam các cấp chủ thể tổ chức là một quy trình nhiều bước chọn lọc với 3 lần hiệp thương thoả thuận lựa chọn, là một quá trình chặt chẽ, lô gíc, dân chủ và công khai để lựa chọn người có đức, có tài giới thiệu ứng cử. Quy trình này thể hiện ý chí nguyện vọng của nhân dân, là một cơ chế làm chủ của nhân dân trong việc lựa chọn bầu ra cơ quan quyền lực nhà nước của Trung ương và địa phương. Nhờ thực hiện tốt quy trình trên nên kết quả hiệp thương lần thứ 3 tại Thừa Thiên Huế đã giới thiệu 10 người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIII cùng với 3 người do Trung ương giới thiệu để bầu 7 đại biểu Quốc hội. Đã giới thiệu 6.409 người ứng cử đại biểu HĐND các cấp để bầu 4.230 người, trong đó có 84 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh để bầu 52 người, 458 người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện để bầu 303 người, 5.867 người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã đều bầu 3.868 người. Những người được lập danh sách chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp đảm bảo tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần và số lượng, trình độ các mặt nâng cao hơn nhiệm kỳ trước.
Thưa ông, công tác giám sát bầu cử là một công tác rất quan trọng, MTTQ tỉnh đã thực hiện công tác này như thế nào?
Ông Trần Phùng: Công tác giám sát là một trong 6 nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận trong công tác bầu cử. Giám sát là nhằm để đảm bảo cuộc bầu cử được tiến hành thật sự dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, là ngày hội toàn dân tham gia xây dựng chính quyền. Nội dung giám sát tập trung là: giám sát việc thành lập và hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử bảo đảm cơ cấu, thành phần, số lượng và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật; Giám sát việc giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; Giám sát việc lập danh sách cử tri, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về danh sách cử tri; Giám sát việc niêm yết danh sách những người ứng cử; Giám sát việc vận động bầu cử của người ứng cử để công tác vận động bầu cử đảm bảo dân chủ, bình đẳng, đúng luật; Giám sát trình tự bầu cử, thể thức bỏ phiếu trong ngày bầu cử.
Để thực hiện tốt việc giám sát bầu cử, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cần nắm chắc luật và những quy định liên quan đến công tác bầu cử, phải dựa vào dân, lắng nghe ý kiến của dân, phát huy vai trò của Ban Thanh tra nhân dân... và phối hợp với các tổ chức thành viên để kịp thời phát hiện, kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết những trường hợp vi phạm pháp luật về bầu cử.
Hiện nay các ứng cử viên đang trong thời gian vận động bầu cử, ông có thể cho biết công tác vận động bầu cử được tổ chức như thế nào?
 
Ông Trần Phùng: Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp cùng chính quyền chủ trì các cuộc tiếp xúc cử tri để các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khoá XIII, đại biểu HĐND các cấp vận động bầu cử. Có 38 cuộc tiếp xúc cử tri vận động bầu cử của đại biểu Quốc hội và 87 cuộc tiếp xúc cử tri vận động bầu cử của đại biểu HĐND tỉnh. Việc tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử phải được tiến hành công khai, dân chủ, bình đẳng, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện cho người ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri để báo cáo với cử tri dự kiến chương trình hành động của mình nhằm thực hiện trách nhiệm người đại biểu nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, HĐND đồng thời tạo điều kiện để cử tri tiếp xúc với người ứng cử, hiểu rõ hơn người ứng cử, đề đạt nguyện vọng của mình với những người ứng cử trên cơ sở đó cân nhắc, lựa chọn, bầu những người xứng đáng nhất làm đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.
 
Thưa ông, trước đây có hiện tượng chạy theo thành tích, một số đơn vị yêu cầu cử tri đi bầu cử sớm, có trường hợp đi bầu thay, ảnh hưởng đến chất lượng bầu cử. Lần bầu cử này, MTTQ có biện pháp gì khắc phục hiện tượng trên, thưa ông?
Ông Trần PhùngĐúng trước đây có một số nơi chạy theo thành tích, nôn nóng kết thúc sớm bầu cử. Tôi tin rằng lần này những hiện tượng này sẽ không lặp lại, vì mục đích của bầu cử không phải kết thúc sớm hay muộn mà chính là phải có đông đảo cử tri trực tiếp đi bầu cử và sáng suốt lựa chọn lựa chọn những người có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân bầu vào Quốc hội và HĐND các cấp, đó mới chính là thành tích lớn nhất của cuộc bầu cử. Để đạt mục tiêu đó, MTTQ các cấp phải đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền bầu cử. Và tôi tin chắc rằng với ý thức và trách nhiệm của công dân, ngày 22/5/2011 sẽ thật sự là ngày hội lớn của toàn dân tham gia xây dựng chính quyền, đông đảo cử tri đi bầu cử để chọn những đại biểu xứng đáng nhất bầu vào Quốc hội khoá XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016.
Xin chân thành cám ơn ông!

www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.798.022
Truy câp hiện tại 1.648