Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.871.386
Truy câp hiện tại 2.009
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
50 năm ngày mở đường Trường Sơn - Bài 4: Người vẽ bản đồ đường Trường Sơn
Ngày cập nhật 03/04/2009
Ông Cảnh (thứ hai từ phải sang) cùng trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

Ông đã ròng rã, miệt mài, tỉ mẩn làm một việc cực kỳ bí mật và tối quan trọng trong suốt những năm chống Mỹ.

Với ông, những ngày tháng làm công việc ít ai biết đó là quãng thời gian đẹp nhất, vinh quang nhất! Tên ông, Nguyễn Lương Cảnh, nay đã 63 tuổi, sống ở tiểu khu 9, phường Bắc Lý, TP Đồng Hới, Quảng Bình.

Từ tấm bia mộ cho đồng đội

Tháng 2-1965, Mỹ ném bom Đồng Hới. Đang là dân quân địa phương, cậu trai trẻ Nguyễn Lương Cảnh xung phong ra trận tuyến - đường 16 (thuộc làng Ho, Quảng Bình). Đơn vị ông phụ trách làm, sửa đường sau khi bị quân địch phá hủy để cho bộ đội hành quân. Một thời gian sau đó, ông chuyển qua đường 20 quyết thắng dài 123 km từ Phong Nha (Quảng Bình) đến Lùm Bùm (Lào).

Ông Cảnh nhớ lại: “Sau một loạt thả bom của giặc Mỹ, đồng chí Lê Văn Dị, đội trưởng đội cầu 4 - Quảng Bình hy sinh. Người đồng đội mà tui rất kính mến đã ngã xuống. Tui sử dụng một tuốc-nơ vít, tìm đá khắc cho bạn một tấm bia liệt sĩ tại Km 39, U Bò, đường 20 quyết thắng để xoa dịu lòng mình”.

Theo ông kể lại thì lúc đó, ở đơn vị ông có chín người đã hy sinh ngay tại địa điểm anh Dị đã hy sinh. Ban chỉ huy thấy ý nghĩa mà ông lại khắc được, đẹp nên điều ông về khắc cho chín ngôi mộ đó, dự định làm xong rồi về lại. Nhưng chiến tranh, đồng đội hy sinh không dừng lại, thế là ông cứ thế tiếp tục khắc bia cho đồng đội. Thậm chí ông khắc không kịp với số đồng đội hy sinh.

Công việc khá vất vả, cực nhọc, bởi ban ngày tìm đá, khắc bia, ban đêm ông đi cắm bia mộ cho đồng đội. Lúc có xe thì đỡ đôi chút chứ không thì ông đi bộ, vác bia mộ trên vai đến địa điểm đồng đội hy sinh đã được báo về. Có lúc ông vác bia đá đi bộ cả 50 km đường trong đạn lửa là chuyện thường. Nhiều ngôi mộ phải cắm đi cắm lại ba lần vì máy bay đánh tan bia, có mộ 10 ngày sau khi hy sinh thì tìm chẳng ra vì đã bị san bằng...

Những điều ấy khiến ông luôn trăn trở, nghĩ suy... “Tình thương vượt lên hàng đầu. Có người tui vừa mới gặp xong chưa đầy 30 phút lại phải cắm bia cho họ thì sao cầm lòng. Những hình ảnh ấy cứ theo mãi trong tui” - ông Cảnh lau dòng nước mắt rồi kể tiếp. Trước khi ông chưa khắc bia, đồng đội hy sinh chỉ cắm tấm gỗ viết sơn đỏ về những thông tin cần thiết, người nào may mắn thì có lọ pexilin đựng mảnh giấy ghi lai lịch, chôn theo.

Công việc ông cứ thế cho đến tháng 2-1967, ban chỉ huy thấy ông khéo tay nên chuyển ông về Bộ tư lệnh 559 để vẽ bản đồ. Giờ đây, trên những nẻo đường Trường Sơn những tấm bia lưu dấu đồng đội đã là “địa chỉ đỏ” cho biết bao đơn vị, gia đình tìm đến đưa người thân về với quê hương, gia đình...

Ông Cảnh đang xem lại những sử liệu về đường Trường Sơn.

Đến vẽ bản đồ đường Trường Sơn!

Sau thời gian ngắn học việc, được sự đồng ý của Tư lệnh trưởng Đồng Sĩ Nguyên, ông Cảnh được tuyển vào Phòng Bản đồ. Công việc của ông là vẽ, quản lý toàn bộ bản đồ đường Trường Sơn từ tháng 5-1967. Thời gian đó, chỉ mới khoảng 10 tuyến đường chính như đường 10, 12, 16, 20, ... nhưng đến khi chiến tranh kết thúc, đến tháng 2-1976 toàn bộ đường Trường Sơn có 216 con đường (chưa kể đường sông) dài trên 20.000 km.

Công việc của người vẽ bản đồ đường Trường Sơn không hề đơn giản, phải tuyệt mật. Để vẽ được một cách chuẩn xác phải thu thập, nghiên cứu từ nhiều tài liệu, từ bản đồ thông thường, bản đồ của địch mình thu được và các đơn vị tại chỗ khảo sát gửi lên, trinh sát gửi về... Rừng núi mênh mông, điệp trùng, gập ghềnh... khiến cho người vẽ cực kỳ khó định vị nên phải tinh tế, chuẩn xác, đồng thời phải biết tập hợp vẽ mạng lưới đường hoàn chỉnh cho bộ tư lệnh, báo cáo bộ tham mưu.

Có nhiều tuyến đường chính phải luồn lách dưới lùm cây để vận chuyển ban ngày mà địch không phát hiện, đòi hỏi người vẽ phải dồn hết tâm lực mới chính xác. Thật khó cho người vẽ bản đồ, nhiều đoạn đường chưa làm xong đã bị địch ném bom rồi lại phải chỉnh sửa liên tục.

Người vẽ bản đồ như ông Cảnh không hề được tiếp xúc với ai ngoài những người chỉ huy và không được phép nói với ai về nghề nghiệp mình làm. Xác định được tầm quan trọng đó, trong thời gian ở chiến trường, ông không cho ai biết mình làm nghề gì.

Bộ đội hành quân và xe vận tải trên đường Trường Sơn những năm chiến tranh.

“Vẽ quá đúng!”

Ông kể về kỷ niệm nhớ đời sâu sắc: “Hôm đó, Tư lệnh trưởng Đồng Sĩ Nguyên bảo tui vẽ bản đồ chi tiết từ vị trí đóng quân của cấp đại đội đến cấp sư đoàn với đầy đủ trận địa, kho tàng, tỷ lệ 1: 500.000 để đưa báo cáo với tổng tư lệnh. Sau bốn tháng thì tui hoàn thành nhiệm vụ được giao. Khi đưa lên trình tư lệnh trưởng, sau một hồi xem xét, ông bảo “Về làm lại”. Tui sững sờ không biết mình sai chỗ nào, vì hầu như đã đầy đủ các chi tiết. Ai ngờ, “vì bản đồ vẽ đúng quá, cụ thể quá mới phải về làm lại”. Tui phân vân, tư lệnh trưởng cho rằng sợ bị phục kích sẽ rất nguy hiểm cho cuộc chiến. Sau đó tui về chỉnh sửa lại với tỷ lệ sai lệch khoảng 10km”...

Trong căn nhà, lúc trò chuyện với ông, chúng tôi không khỏi bất ngờ về trí nhớ của ông về những con đường Trường Sơn huyền thoại. Từng chi tiết, ông vẽ và kể vanh vách. Ông cho biết: “Thôi làm trên 40 năm nhưng không sao tui quên được những chi tiết đường Trường Sơn. Nó luôn hiển hiện trong những ngày sống, trong giấc ngủ, bữa ăn...”. Hòa bình, ông trở về làm ăn kinh tế và là một trong những doanh nghiệp mạnh ở TP Đồng Hới.

Những điều trong cuộc chiến được ông răn dạy lại cho thế hệ trẻ, con cháu: “Ở mọi thời đại, cái đức là trên hết cộng với sự quyết tâm, sự vị tha, lòng dũng cảm, trung thực; không vụ lợi, thủ đoạn...”.

Hưng Nguyễn (Theo Pháp luật TP Hồ Chí Minh)
Các tin khác
Xem tin theo ngày