Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.861.433
Truy câp hiện tại 559
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Đôi điều góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Ngày cập nhật 25/02/2013

Bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới, đã thể chế hóa các nội dung của Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, đặc biệt là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Có thể nói dự thảo Hiến pháp lần này đã đạt được những bước tiến hết sức rõ rệt trong tư duy lập hiến của Đảng và Nhà nước ta.Tuy vậy, để bản Dự thảo này thực sự phản ánh đầy đủ ý chí và nguyện vọng của mọi tầng lớp  nhân dân, nó vẫn cần đến sự đóng góp ý kiến sâu rộng hơn nữa của toàn xã hội, đặc biệt là của những nhà lý luận, nhà lập pháp và cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam.

Từ giác độ khoa học chính trị-pháp lý và dựa trên những sự phát triển mới trong lý luận về nhà nước-pháp luật, tôi xin góp ý một số điểm  trong Dự thảo như sau:
- Tại điều 2 quy định: “…Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.Theo tôi, cần có quy định cụ thể về cơ chế “kiểm soát bên trong  giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” và quy định thêm cơ chế “kiểm soát bên ngoài  của  nhân dân, tổ chức chính trị - xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng ”kiểm soát đối với các cơ quan nhà nước trong Hiến pháp. Đồng thời cần xác định rõ thẩm quyền kiểm soát cụ thể từng cơ quan nhà nước. Chẳng hạn như bổ sung thêm một ý ở Điều 2 của dự thảo: “ quyền kiểm soát tối cao đối với các cơ quan nhà nước là Quốc hội và các cơ quan trực thuộc Quốc hội ”.
- Tại Điều 8 Khoản 1, khoản 3 và một số điều khoản khác có dùng từ “Hiến pháp và pháp luật”. Theo tôi là không cần thiết mà chỉ cần dùng từ “pháp luật” là đủ ý, bởi vì hiến pháp là một văn bản của pháp luật.
- Tại Điều 11 Khoản 2 ghi: Mọi hành vi “chống” lại độc lập… Nên sửa lại: “xâm phạm” độc lập…
- Tại điều 12 quy định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị và xã hội, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.”
Nên bỏ cụm từ “không phân biệt chế độ chính trị và xã hội”. Vì theo tôi, chỉ cần cụm từ tất cả các nước trên thế giới là đủ ý.
- Trong dự thảo hiến pháp 1992 tại chương II chưa bao quát hết các chủ thể chính của quyền con người, đặc biệt là các chủ thể quyền của các nhóm dễ bị tổn thương. Chẳng hạn, trong khi ghi nhận về quyền của trẻ em, quyền phụ nữ, dự thảo lại thiếu quyền  người khuyết tất, người cao tuổi, người đồng tính, song tính...Một số chế định trong  dự thảo Hiến Pháp sửa đổi 1992  đã vô hình chung giới hạn các quyền của những nhóm dễ bị tổn thương khác được chỉ dẫn ra. Chẳng hạn, Điều 27 chế định về“công dân nam, nữ có quyền ngang nhau về gia đình”, cần sửa đổi theo hướng khái quát là “mọi người đều có quyền ngang nhau về... gia đình”.  Vì hiện nay theo thống kê chưa đầy đủ ở Việt Nam có tới từ 5-7 triệu người thuộc “giới tính thứ ba” (tức là những người đồng tính, song tính và chuyển giới). Hơn nữa, cùng với sự nâng cao các điều kiện sống và mức sống, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam cũng ngày càng cao, tỷ lệ người cao tuổi ngày càng gia tăng, ước tính  khoảng hơn 30% dân số. Họ cũng là nhóm đặc biệt dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, nước ta cũng có tới hơn 7 triệu người khuyết tật, họ cũng là chủ thể đầy đủ của các quyền con người. Vì vậy, cần bổ sung “quyền của người cao tuổi” và quyền của người khuyết tật” vào Dự thảo chương quyền con người  hơn là đưa vào phần chế định về an sinh, xã hội, nhằm khẳng định tính  nhân đạo và bản chất của chế độ xã hội ta.
 - Điều 21 quy định: “Mọi người có quyền sống” là quy định mới quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên cần bổ sung thêm nội dung để làm rõ giới hạn của quyền này theo luật định. Quy định quá ngắn gọn (chỉ vỏn vẹn có 5 từ),  không nêu được sự liên hệ của quyền này với vấn đề hình phạt tử hình như trong Hiến Pháp Nga và hiến Pháp Trung Quốc  quy định . Chính vì vậy, Điều này xin viết lại: Mọi người đều có quyền được sống , quyền sống chỉ bị tước đi trong trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật” . Đồng thời nên đặt vị trí của điều này lên vị trí đầu tiên những điều quy định về quyền con người, cụ thể là trước điều 17. Vì “quyền sống” là quyền cơ bản nhất của con người.
- Điều 28 quy định: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp”. Nên bổ sung cụm từ “theo quy định của pháp luật” vào sau “hội đồng nhân dân các cấp”, để quy định chặt chẽ hơn. Vì việc bầu cử, ứng cử phải theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
- Tại Điều 32 Khoản 3 thay 2 từ “sử dụng” bằng từ “được” và Khoản 3 điều 32 quy định: “Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý của người bào chữa”. Nên bổ sung thêm quyền tự bào chữa của người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử, để những người này tự bào chữa cho mình nếu họ có đủ khả năng bào chữa, còn nếu họ không đủ khả năng thì họ sử dụng trợ giúp pháp lý. Quy định này được diễn đạt lại như sau: “Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa hoặc được trợ giúp pháp lý của người bào chữa”. Quy định thế này đầy đủ hơn và đảm bảo quyền tự bào chữa của người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử.
 - Với khoản 2 điều 32 của dự thảo, quy định “Người bị buộc tội có quyền được Tòa án xét xử. Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm.” cũng cần được trình bày lại cho hợp lý hơn thành “…Không ai bị kết án hai lần đối với một lần phạm tội” vì cũng một tội phạm nhưng một người có thể thực hiện nhiều lần, mỗi lần như thế đều có thể bị kết án.
-  Tại Điều 37 Khoản 2 ghi: “không ai được vào chỗ ở hợp pháp của người khác nếu không được người đó đồng ý”. Nên thay từ “vào” bằng từ “xâm phạm” để toàn diện hơn.     
 - Tại Điều 38 khoản 2 “Nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng người lao động chưa thành niên trái pháp luật,” cũng cần bổ sung thêm “nghiêm cấm các hành vi không thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người lao động như đóng Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…, cũng như nghiêm cấm hành vi sử dụng lao động không đúng mục đích lao động.”
- Đối với khoản 2, điều 41, là “Nghiêm cấm các hành vi đe dọa đến cuộc sống và sức khỏe của người khác và cộng đồng.” xin được sửa thành “Nghiêm cấm các hành vi đe dọa hay xâm phạm đến cuộc sống và sức khỏe của người khác và cộng đồng” vì chỉ cấm hành vi đe dọa thôi thì không đủ.
- Tại Khoản 1 Điều 59 theo tôi nên diễn đạt lại thành câu: “Nhà nước có trách nhiệm thống nhất quản lý, sử dụng có hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch và đúng pháp luật đối với ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia, quỹ tài chính nhà nước và các nguồn tài chính công khác”.
- Tại Điều 92 của bản dự thảo hiến pháp chỉ mới quy định nhiệm kỳ của Chủ tịch nước cùng với nhiệm kỳ của Quốc hội mà chưa quy định Chủ tịch nước được làm bao nhiêu nhiệm kỳ. Qua nghiên cứu pháp luật một số nước trên thế giới đều quy định rõ số nhiệm kỳ làm việc của người đứng đầu Nhà nước. vì vậy theo tôi cần quy định cụ thể một người không được giữ chức vụ Chủ tịch nước quá hai nhiệm kỳ liên tục.
- Tại điều 93 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước. Quy định như Dự thảo Hiến pháp thì Chủ tịch nước chưa thực quyền, chưa tương xứng với vị trí “là người đứng đầu nhà nước”, theo tôi cần quy định thêm nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước trong Hiến Pháp để Chủ tịch nước thực quyền hơn.
- Tại Điều 111 dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi có ghi: “ Bản án quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trong ; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành” . theo tôi nên bỏ đoạn “cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải…”.Điều này có thể viết lại như sau:“ Bản án quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng;  nghiêm chỉnh chấp hành”
- Khoản 2 điều 116 quy định: “Ủy ban nhân dân là cơ quan chấp hành của hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương”. Theo tôi nên bổ sung thêm “chấp hành cơ quan nhà nước cấp trên”. Vì UBND trong thực tế là phải chấp hành các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên như: Quốc hội, Chính Phủ, UBND cấp trên; quy định này diễn đạt lại như sau: UBND là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, là cơ quan chấp hành của hội đồng nhân dân và cơ quan nhà nước cấp trên.
- Điều 120  trong dự thảo hiến pháp 1992 sửa đổi có quy định  thiết chế Hội đồng Hiến pháp, đây là một điểm mới  và có ý nghĩa quan trọng trong việc đề cao nguyên tắc pháp quyền.Tuy nhiên, nên quy định  rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của hội đồng này. Chẳng hạn cần trao cho cơ quan này chức năng “tài phán” (có thẩm quyền đưa ra phán quyết); để có thẩm quyền thực sự và theo tinh thần nhà nước pháp quyền đích thực. Vì theo quy định dự thảo Hiến pháp sửa đổi, thì Hội đồng Hiến pháp chỉ có nhiệm vụ yêu cầu và kiến nghị, các chức năng này về thực chất chỉ là sự khái quát lại của các chức năng đã có sẵn của các Ủy ban thuộc Quốc hội hiện nay, đặc biệt là Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Chỉ trao quyền tài phán cho Hội đồng Hiến pháp thì mới đảm bảo nguyên tắc nhà nước pháp quyền XHCN, bảo đảm được các quyền và tự do cơ bản của công dân, cũng như bảo đảm hiệu quả vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội.
Trên đây đôi điều tạm bàn tác giả xin cùng được chia sẻ, là những ý kiến của cá nhân, chắc chắn sẻ có rất nhiều thiếu sót, rất mong sự đóng góp của các đồng chí để hy vọng có một bản hiến pháp có chất lượng, đúng như giá trị pháp lý, ý nghĩa chính trị của nó và đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân và yêu cầu của một nhà nước pháp quyền đích thực.

Nguyễn Thị Châu - ĐB Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh
Các tin khác
Xem tin theo ngày