Song song đó, hoạt động văn hóa quần chúng có nhiều bước phát triển mới, nhiều hình thức hoạt động văn hóa đa dạng, phong phú mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc được tổ chức ở nhiều vùng, miền. Các hoạt động văn hóa đã hướng vào xây dựng nền văn hóa mới, xây dựng con người mới hoàn thiện về tư tưởng, đạo đức, lối sống, thẩm mỹ… thông qua văn hóa để nâng cao tâm hồn, tính cách con người, để văn hóa trở thành công cụ “đào tạo con người mới, cán bộ mới”, góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng trên địa bàn Tỉnh.
Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã phát triển cả bề rộng và chiều sâu, tính đến nay, toàn tỉnh đã có 1.496/1.530 làng, bản, khu phố cơ quan, đơn vị đăng ký xây dựng đơn vị văn hóa, trong đó đã công nhận 1.398 đơn vị; có 87,6% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa, 88,6 % cơ quan đơn vị văn hóa; ngoài ra, phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa, điển hình tiên tiến, phong trào "Học tập, lao động sáng tạo" cũng nhận được sự hưởng ứng sôi nổi và mạnh mẽ của nhân dân.
Tập trung đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa
Công cuộc bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá (DSVH) của dân tộc đã đạt được nhiều tiến bộ. Nhiều DSVH vật thể và phi vật thể được bảo vệ và phát huy giá trị, các nghệ nhân được tôn vinh, công tác xã hội hoá được tăng cường và thu hút được đông đảo các tổ chức và cá nhân tham gia bảo vệ và phát huy giá trị DSVH.
Thừa Thiên Huế với hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng, danh lam thắng cảnh với trên 900 di tích và địa điểm di tích được tổng kê và lên phương án bảo vệ. Trong đó, Quần thể Di tích Cố đô Huế được Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 85 di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di tích cấp quốc gia, 52 di tích được công nhận di tích cấp tỉnh. Đặc biệt, trong 15 năm qua, Quần thể Di tích Cố đô Huế được tập trung tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị; nhiều công trình trọng điểm có giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc tiêu biểu được đầu tư có tổng kinh phí từ các nguồn trong nước và tài trợ quốc tế là 600 tỷ đồng với hơn 150 công trình được tôn tạo, tu bổ.
Bên cạnh đó, những giá trị văn hóa phi vật thể bao gồm các loại hình nghệ thuật cung đình, nghệ thuật dân gian, lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc văn hóa Huế, các loại hình ca Huế, ca kịch Huế và các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ của các dân tộc thiểu số đã và đang dược đầu tư nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục và phát huy giá trị. Các loại hình lễ hội dân gian, lệ hội truyền thống được giữ gìn, tái hiện một cách đặc sắc như: lễ hội điện Huệ Nam, lễ hội Cầu Ngư, Lễ hội vật võ làng Sình; Lễ hội đua ghe truyền thống
|
Cổng vào Cung Trường Sanh (đã được trùng tu)
|
Đưa văn hóa thấm sâu vào mọi mặt của đời sống xã hội
Thời gian qua, hoạt động báo chí xuất bản trên địa bàn Thừa Thiên Huế có bước phát triển cả về chất lượng và số lượng, nội dung, hình thức, cơ sở vật chất kỹ thuật và công nghệ. Các sản phẩm báo chí, in ấn, xuất bản đã góp phần quan trọng vào công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và Nước, giáo dục truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạnh, giới thiệu Thừa Thiên Huế và văn hóa Huế với bạn bè trong nước và quốc tế.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 05 cơ quan báo chí địa phương, 02 cơ quan báo chí Trung ương, 9 cơ quan đại diện, cơ quan thường trú và 03 phóng viên thường trú, 17 trang thông tin điện tử tổng hợp của các đơn vị; 166 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam sinh hoạt trong 08 chi hội trực thuộc Hội Nhà báo tỉnh.
Công tác thông tin, tuyên truyền và hệ thống thông tin đại chúng có nhiều cải tiến, nội dung và hình thức thông tin được nâng lên, các hình thức thông tin đại chúng được chú trọng, bảo đảm chất lượng, số lượng, thực hiện tốt chức năng là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội, là diễn đàn của nhân dân. Hệ thống thông tin ngành Văn hóa được đẩy mạnh và từng bước đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ mới.
Nhìn chung, quá trình thực hiện NQTW5 “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” tại Thừa Thiên Huế đã góp phần khẳng định sự đúng đắn trong đường lối chiến lược về văn hóa của Đảng. Các hoạt động đã làm phong phú đời sống sinh hoạt người dân, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc và góp phần nâng cao vị thế văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế đối với thế giới. Với những thành tựu và kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã được Nhà nước tặng thưởng Huân Chương Lao động Hạng Ba, Chính phủ tặng Cờ thi đua, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tặng nhiều Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen...