Nhận thức ý nghĩa và tầm quan trọng về Chiến lược cải cách tư pháp trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan tư pháp của tỉnh thực hiện thường xuyên nhiệm vụ tham gia xây dựng, hoàn thiện các chính sách, pháp luật hình sự, dân sự và thủ tục tố tụng; đặc biệt là việc tham gia ý kiến đóng góp xây dựng các dự án Luật, dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992 và văn bản pháp quy. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp kiện toàn, hoàn thiện tổ chức, bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ hoạt động tư pháp để đáp ứng nhu cầu về chất lượng và số lượng trong giai đoạn mới. Cùng với đó, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc tại các cơ quan tư pháp ngày càng được hoàn thiện, hiện đại hóa và ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi, đáp ứng yêu cầu công tác, nhất là công tác cải cách hành chính trong hoạt động tư pháp.
Từ tháng 5/2009, các cơ quan tư pháp đã hoàn thành việc tăng thẩm quyền xét xử cho 9/9 đơn vị cấp huyện; nghiên cứu kiện toàn tổ chức và hoạt động của cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án dân sự, các cơ quan bổ trợ tư pháp và các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tư pháp. Đội ngũ cán bộ bổ trợ tư pháp ngày càng hoàn thiện, tăng về số lượng, chất lượng với 17 tổ chức hành nghề Luật sư trên các lĩnh vực dân sự, hình sự, hôn nhân-gia đình, lao động, hành chính…Hoạt động hành nghề của các tổ chức này đã từng bước được nâng cao, đáp ứng kịp thời yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và trợ giúp pháp lý; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo và các đương sự khác, phục vụ tích cực cho công cuộc cải cách tư pháp.
Trên cơ sở Luật Công chứng 2006, đến nay trên địa bàn tỉnh có 04 tổ chức hành nghề công chứng tại địa bàn (02 Phòng Công chứng và 02 Văn phòng Công chứng). Công tác giám định tư pháp được thực hiện theo luật Giám định Tư pháp, trong đó đã kiện toàn và ban hành quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp”, qua đó chất lượng hoạt động giám định tư pháp cơ bản đáp ứng được yêu cầu của công tác điều tra, truy tố, xét xử.
Trong những năm qua, công tác giám sát của các cơ quan dân cử và phát huy quyền dân chủ của nhân dân đối với các cơ quan tư pháp và hoạt động tư pháp ngày càng được tăng cường. Hàng năm, HĐND tỉnh đều ban hành chương trình giám sát, kế hoạch thẩm tra, giám sát và tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát trong hoạt động của các cơ quan tư pháp các cấp trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án…Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể các cấp luôn chủ động thực hiện vai trò giám sát thông qua việc tham gia các đoàn giám sát, kiểm tra; việc tuyển chọn, bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên; giám sát công tác xét đặc xá…
Hoạt động đối ngoại, tăng cường hợp tác quốc tế được quan tâm, nhất là đối với các tỉnh nước ban Lào có chung đường biên giới nhằm giải quyết tốt các vấn đề pháp lý và tư pháp phát sinh liên quan đến hộ tịch, quốc tịch; phối hợp giải quyết các vấn đề an ninh, phòng chống, đấu tranh với các loại tội phạm…
|
Xét xử sơ thẩm vụ án Mua bán trái phép chất ma túy (ảnh TAND tỉnh)
|
Từ năm 2006 đến nay, cơ quan điều tra các cấp thụ lý điều tra 4.035 vụ/ 6.502 bị can; đề nghị truy tố 3.617 vụ/5.959 bị can; đình chỉ điều tra 73 vụ/114 bị can; tạm đình chỉ điều tra 172 vụ/161 bị can; quyết định nhập vạ án 30 vụ/17 bị can…Tiến độ điều tra đảm bảo đúng quy định, chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm ngày càng được nâng lên, các vụ án, bị can đình chỉ điều tra cơ bản có căn cứ pháp luật.
Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 3.585 vụ/5.863 bị can; kiểm sát xét xử sơ thẩm 3.623 vụ/5.942 bị cáo; kiểm sát xét xử phúc thẩm 1.090 vụ/1.498 bị cáo. Tỷ lệ trả hồ sơ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng đã được hạn chế dần qua từng năm (năm 2005 có 24 vụ trả hồ sơ cho cơ quan điều tra, chiếm 6,8% đến năm 2006 có 20 vụ, chiếm 5,1% và năm 2012 có 11 vụ, chiếm 0,7%).
Tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết 14.178/14.776 vụ án các loại, đạt 96%. Hầu hết các vụ án được xét xử trong hạn định, trình tự thủ tục xét xử các vụ án được thực hiện chặt chẽ, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật; tính dân chủ trong hoạt động xét xử được đề cao. Các vụ án tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính được thẩm phán đầu tư thời gian thu thập chứng cứ, kiên trì hòa giải.
Việc thi hành án dân sự các cấp có chuyển biến tích cực, bao gồm cả việc thi hành án dân sự xong và tiền thu hồi trong thi hành án dân sự. Năm 2005, tỷ lệ thi hành án dân sự đạt 82,2% đến năm 2013 đạt 92%; về tiền đạt từ 79,6% lên 90%. Thi hành án hình sự đã đảm bảo theo Luật định, trong đó Tòa án nhân dân các cấp ra quyết định thi hành 5.345/5.870 bị án. Công an các cấp đã thi hành 3.948/3.997 bị án phải thi hành quyết định hình phạt tù; 1.540 bị án phải thi hành án không phải là hình phạt tù, tử hình. Các cấp, ngành đã phối hợp xét giảm thời giạn chấp hành hình phạt tù và tha tù trước thời hạn cho 10.932 phạm nhân.
Tuy nhiên, qua 8 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh cũng đã bộ lộ những tồn tại, hạn chế thể hiện ở vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp ở một số cơ quan tư pháp và cấp ủy địa phương có lúc, có việc chưa thường xuyên. Vẫn có trường hợp bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, không khởi tố, đình chỉ điều tra vụ án hình sự không có căn cứ. Chất lượng điều tra và kiểm sát điều tra ở một số vụ án chưa tốt, dẫn đến phải trả lại hồ sơ, chất lượng kháng nghị ở một số vụ án của Viện kiểm sát cấp huyện chưa cao, vẫn còn trường hợp giải quyết quá hạn theo Luật định, đặc biệt có tình trạng án dân sự bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán…
Thời gian tới, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan tư pháp tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị “về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” theo tinh thần Kết luận 92 của Bộ Chính trị khóa XI. Về nhiệm vụ, tiếp tục hoàn thiện, triển khai thực hiện các đề án về việc tổ chức hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính; hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp; xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh; nâng cao vai trò hoạt động giám sát của HĐND, các đoàn thể và nhân dân; đặc biệt là nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức Đảng đối với tổ chức và hoạt động tư pháp trên địa bàn tỉnh.