Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.696.540
Truy câp hiện tại 568
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
50 năm ngày mở đường Trường Sơn - Bài 3: Những cô gái chinh phục Cổng Trời
Ngày cập nhật 03/04/2009
Trung đội lái xe nữ chụp ảnh kỷ niệm với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.

Đó là những nữ lái xe Trường Sơn và thanh niên xung phong trên tuyến đường lên Cổng Trời (Quảng Bình), một trong những nơi bị đánh phá ác liệt nhất.

Rất nhiều người biết bến ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), huyền thoại Hang Tám thanh niên xung phong (Quảng Bình), Truông Bồn (Nghệ An). Đồi Ba Bảy (Quảng Bình) cũng là một địa danh bi tráng như thế. Tên gọi ấy được đặt để nhắc về đêm 3-7-1966.

Huyền thoại đồi Ba Bảy

Tháng 6-1965, Trung đội C759 thanh niên xung phong (TNXP) được giao nhiệm vụ phụ trách bảo vệ cung đường 10 km từ Khe Cấy đi Bãi Dinh, trên đường lên Cổng Trời. Đoạn đường này rất hiểm trở, một bên là đèo cao, một bên là vực sâu, suốt ngày đêm còn bị đánh bom khốc liệt, trơ trụi không còn một bóng cây, lán trại phải làm sâu trong rừng sâu để tránh bị đánh phá.

Từ tháng 6-1965 đến tháng 5-1966, địch đã đánh xuống đồi Ba Bảy 633 trận với khoảng 6.000 quả bom tạ, bom tấn. Bình quân mỗi đội viên phải hứng chịu 40 quả bom lớn, không kể rocket, bom bi, đạn 12 ly.

C759 đã có khẩu hiệu bất tử: “Máu C759 có thể đổ, đường C759 không bao giờ tắc!”. “Trước lúc đi làm, chúng tôi làm lễ truy điệu sống, mỗi lần đi làm đều mang theo cồn để lỡ có ai hy sinh mà tẩn liệm” - nữ TNXP Trần Thị Huế nhớ lại.

Đêm 3-7-1966, nhiều tốp máy bay dội bom liên tục xuống ngọn đồi nơi hàng trăm TNXP của Trung đội C759 đang thi công đào đắp đường. Hàng ngàn tấn đất đá từ trên đồi đổ sập xuống đường, vùi lấp luôn cả bảy TNXP và 11 bộ đội công binh. Ngoài ra còn 68 người bị thương. Khi địch đánh bom, ba TNXP Hoàng Thị Minh Thú, Trần Thị Thế, Nguyễn Thị Tình vào hầm trú ẩn. Một quả bom tấn rơi trúng hầm khiến cả ba chị hy sinh. Trong túi áo chị Hoàng Thị Minh Thú - tiểu đội trưởng còn một lá thư chưa kịp gửi cho mẹ. Chị viết: “Mẹ ơi! Các con ở đây gian khổ và ác liệt lắm! Cái chết với con từng phút từng giây. Nhưng không may con có hy sinh thì xin mẹ đừng khóc, đừng buồn. Mà hãy tự hào về con!”. Lá thư này sau đó được lưu giữ tại Bảo tàng Trung ương Đoàn.

“Sau ba ngày đêm cật lực đào bới đã tìm kiếm được một số thi thể. Do yêu cầu chi viện từ tuyến trước nên mặc dù một số thi thể chưa tìm thấy vẫn phải san lấp mặt đường để thông xe. Đêm phát lệnh thông xe, anh em trong toàn đơn vị C759 ai nấy rưng rưng nước mắt vì xác đồng đội mình chưa được lấy lên hết. Có người được lấy lên sau tám ngày, lại có người sau năm năm mới tìm thấy” - ông Lại Văn Ly, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, nói.

Đại đội C759 được tuyên dương tập thể anh hùng. Nhưng ông Ly nói: “Có lẽ trong đời tôi ngậm ngùi nhất là 18 người hy sinh ở đồi Ba Bảy vẫn chưa có bia tưởng niệm sau ngần ấy năm chiến tranh”. Còn chị Trần Thị Huế thì ngậm ngùi: “Chúng tôi đã nhiều lần lên thắp hương cho đồng đội và lấy đá đắp một nấm mồ nhưng sau đó trở lại thì nấm mồ đá cũng bị cuốn trôi”.

Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế thay mặt lực lượng TNXP dâng hoa lên Bác Hồ tại Đại hội Thanh niên quyết thắng ở Hà Nội năm 1967. 

Tay lái nữ vượt mưa bom

Năm 1968, yêu cầu chi viện cho chiến trường ngày càng lớn, Binh trạm 12 đã tuyển chọn 24 nữ chiến sĩ đào tạo lái xe cấp tốc. Nữ tài xế Nguyễn Thị Kim Quy kể: “Tháng 7-1968, sau khóa học lái xe 45 ngày ở Thanh Hóa, chúng tôi được phân công hai người một xe thẳng tiến vào chiến trường. Nhiệm vụ của Trung đội lái xe nữ C13 là vận chuyển hàng hóa, thuốc men, dụng cụ y tế, quân trang, quân dụng đi từ Nghệ An vào Hà Tĩnh vào các kho của Binh trạm 12. Về sau đơn vị này vừa chở hàng đi vào các binh trạm vừa đón thương binh ra tuyến sau điều trị”.

Cổng trời (Quảng Bình) cao dựng ngược, ngay cả cánh tài xế nam cừ khôi cũng ngán ngại. Đèo cao, vực sâu, đường hẹp chỉ vừa đủ một chiếc xe đi. Máy bay Mỹ ném bom suốt đêm ngày khiến đất đá trên Cổng Trời tan thành những thảm bùn dày. Ấy vậy mà những nữ Trường Sơn lúc đó đã chinh phục Cổng Trời một cách ngoạn mục.

Ở Cổng Trời hy sinh tổn thất không kể xiết. Dưới thì chinh phục địa hình bị bom cày xới, trên thì đạn bom vãi như mưa. Có đồng nghiệp nam vừa dạy hát cho cánh lái xe nữ xong nhận nhiệm vụ “vượt khẩu” nhưng xe chưa kịp lên đỉnh đèo đã bị trúng bom tan tành. Trước sự khốc liệt đó, cấp trên mới lấy tinh thần xung phong “vượt khẩu”. Ngay tức thì các nữ lái xe là Phạm Thị Phàn, Nguyễn Thị Tiếp xung phong lên xe nhấn ga nhắm hướng Cổng Trời thẳng tiến trả hàng bên kia biên giới an toàn trở về. Sau chiến công ngoạn mục ấy, cô Phàn được Bác Hồ tặng chiếc đồng hồ Poljot.

Xe của họ chủ yếu là Zil ba cầu, Gát 51, Gát 63. Phần lớn chị em trong trung đội chỉ mới mười tám, đôi mươi, chẳng nề hà nguy hiểm. Mới ra trường, trong khi đó đường sá đi lại hết sức khó khăn, lạ lẫm, lại thường xuyên bị máy bay truy đuổi nên các nữ chiến sĩ lái xe tiếp tế đã không ít lần lao xuống hố bom. Khi xe sập hố nằm chết gí mới kịp hoàn hồn. Về sau chạy quen chuyện lên đèo xuống dốc, máy bay bám đuổi đánh phá trở thành chuyện như cơm bữa. “Chạy lâu rồi tay lái cũng “lụa””.

Trung đội lái xe nữ ngày mới thành lập.

“Giàn mướp che đạn thù”

Là thân con gái lại làm việc con trai nên mọi sinh hoạt của chị em gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều lần phải ngủ dưới gầm xe. Chốn sinh hoạt riêng tư đều xoay xở trong cái ca bin chật hẹp.

Nữ tài xế Vũ Thị Đan kể: “Là tài xế nữ nhưng dọc đường xe hỏng, cần thay lốp, làm điện chị em cũng tự làm lấy. Để tránh bị phát hiện, chúng tôi phải ngụy trang xe theo kiểu làm giàn mướp. Cứ mỗi ngày phải ngụy trang lại một lần để lá khỏi bị héo úa dễ bị phát hiện”. Về sau một đồng nghiệp nam lái xe tặng cô mấy câu thơ: “Ở quê mướp đã xanh hè/ Trường Sơn giàn mướp lại che đạn thù”.

Những ngày lái xe trên chiến trường cô Đan đã kết bạn trăm năm với chiến sĩ Nguyễn Văn Bá ở Binh trạm 12, giờ họ có một mái ấm gia đình ở một hẻm nhỏ giữa thủ đô Hà Nội.

Thật kỳ diệu khi qua những năm tháng ác liệt ấy, cả trung đội tài xế nữ đều bình yên trở về. Nhiều chị may mắn tìm được hạnh phúc riêng cho mình. Có chị đã hiến hết tuổi xuân ở chiến trường, đến lúc tuổi xế chiều vẫn phòng trống đơn côi. Một số chị khác do bị nhiễm chất độc ở chiến trường nên lập gia đình đằng đẵng mấy chục năm trời vẫn hiếm muộn.

Dù thế nào, tinh thần lăn xả, bất tử của các chị vẫn còn đó.

Phong Điền (Theo Pháp luật TP Hồ Chí Minh)
Các tin khác
Xem tin theo ngày