Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.871.386
Truy câp hiện tại 2.625
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Chủ nghĩa nhân văn Mác - Hồ Chí Minh với định hướng nhân văn của sự phát triển đất nước
Ngày cập nhật 05/05/2009

Kỷ niệm 191 năm ngày sinh của Các Mác (5/5/1818-5/5/2009 ) và 119 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1990-2009):

Bài này trình bày một số vấn đề vận dụng chủ nghĩa nhân văn Mác- Hồ Chí Minh theo góc nhìn duy vật nhân văn để phân tích, nhận thức sự phát triển định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Vấn đề này cũng đã có khá một số nghiên cứu, cho nên chúng tôi chỉ trình bày khái quát như một cách tiếp cận mà không phân tích chi tiết để bạn đọc cùng tham khảo.

I- "Chủ nghĩa cộng sản coi như chủ nghĩa tự nhiên hoàn bị = chủ nghĩa nhân đạo"

Trong bối cảnh mới của thời đại với sự xuất hiện kinh tế tri thức, toàn cầu hóa kinh tế và sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, sự xung đột dân tộc và tôn giáo gia tăng ở một số khu vực trên thế giới, trong khi đó hệ thống chủ nghĩa xã hội trước đây đã rơi vào khủng hoảng và thoái trào, một sốt ít nước đổi mới cải cách thành công, nhưng thử thách còn nhiều dù thời cơ, cơ hội phát triển cũng rất lớn. Việc nhận thức lại định nghĩa lại chủ nghĩa xã hội trong di sản kinh điển của chủ nghĩa Mác dưới ánh sáng mới của thời cuộc đang là một yêu cầu bức thiết. Nhân dịp kỷ niệm 160 năm (2004) ra đời tác phẩm đầu tay nổi tiếng của Mác "Bản thảo kinh tế - triết học 1844", tôi xin trình bày thêm suy nghĩ và nhận thức của mình từ một luận điểm có ý nghĩa tuyên ngôn và vạch thời đại của chủ nghĩa Mác.
Hai ông nghiên cứu triết học hay kinh tế hay xã hội chính trị và cả tự nhiên thì nội dung trung tâm vẫn là vần đề của chủ nghĩa cộng sản. Tuỳ theo từng thời kỳ mà có những nhận thức khác nhau về chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa cộng sản, khác nhau ở cách tiếp cận, góc nhìn.

Từ góc nhìn chủ nghĩa cộng sản theo cấu trúc luận khoa học.

Một thời, chúng nhắc tới nhiều và thực hiện cũng quyết liệt công thức của Mác - Ăngghen trong “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”: chủ nghĩa cộng sản = xóa bỏ chế độ tư hữu (tư bản chủ nghĩa). Hiểu đúng cũng có nhưng làm thì sai nhiều, tức là hiểu sai về thực chất: nôn nóng xóa bỏ chế độ tư hữu trong điều kiện trình độ kinh tế phát triển còn thấp.
Hoặc nói nhiều về chủ nghĩa xã hội là chính quyền xô viết (dân chủ vô sản) + điện khi hóa toàn quốc. Sau khủng hoảng, đi vào đổi mới chúng ta lại nhắc tới nhiều luận điểm: chủ nghĩa cộng sản là một phong trào hiện thực.

Chúng ta đã nhìn lại NEP của Lênin. Rằng chủ nghĩa xã hội là NEP = chủ nghĩa tư bản nhà nước = kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chủ nghĩa xã hội = giải phóng lực lượng sản xuất, thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa + chủ nghĩa tư bản nhà nước + nhà nước pháp quyền + nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Hoặc CNXH = hiện đại hóa+ kinh tế thị trường+ nhà nước pháp quuyền + xã hội dân sự+ nền văn hóa nhân văn

Rồi chúng ta cũng nhắc nhiều hơn quan niệm của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội là Dân chủ- Cộng hòa- Độc lập- Tự do- Ấm no- Hạnh phúc cho mọi người…

Thảng hoặc, chúng ta có nói đến luận điểm của Mác: chủ nghĩa cộng sản = chủ nghĩa nhân đạo hoàn bị, nhưng có một công trình nào phân tích về mặt nhận thức luận, phân tích biện chứng của chủ nghĩa nhân đạo hiện thực, hoàn bị ấy, dù nói khá nhiều về lý tưởng mà chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng đã nêu ra.

Có nhiều cách định nghĩa chủ nghĩa xã hội: theo tiến trình, hay theo cấu trúc, hay theo hành động cách mạng, hay theo mục đích, theo bản chất cốt lõi, hoặc tổng thể, theo toàn bộ hay theo từng mặt. Định nghĩa của của Mác trong Bản thảo nói trên, khi cho rằng "chủ nghĩa cộng sản coi như chủ nghĩa tự nhiên hoàn bị = chủ nghĩa nhân đạo" , dù lúc đó còn có phần trừu tượng, nhưng cơ bản là một nhận thức sâu sắc về bản chất của chủ nghĩa cộng sản - tức vạch một hướng đúng.

Chủ nghĩa cộng sản của Mác khác với các thứ chủ nghĩa xã hội hay cộng sản khác mà ông phê phán mà càng về sau càng sáng tỏ:

- Chủ nghĩa cộng sản bình quân phủ nhận tính người, phủ nhận nhu cầu của con người, thứ chú nghĩa không tự nhiên và khổ hạnh; hoặc chủ nghĩa xã hội phong kiến, chủ nghĩa xã hội tôn giáo;

-Chủ nghĩa xã hội không tưởng, nhân đạo phi thực tế ảo tưởng, chủ nghĩa xã hội tư sản;

-Chủ nghĩa xã hội tư sản, kiểu dân chủ tư sản sau này;

Nhìn từ bản chất của chủ nghĩa cộng sản.

Chủ nghĩa cộng sản của Mác là chủ nghĩa tự nhiên hoàn bị, chủ nghĩa nhân bản xã hội hóa, nâng cao, bổ sung, phát triển (chứ không phải phủ nhận), tức chủ nghĩa nhân đạo hoàn bị.
Chủ nghĩa này có những đặc điểm gì?

+Chủ nghĩa xã hội, cộng sản chủ nghĩa xuất hiện như một quá trình lịch sử tự nhiên, hợp bản tính tự nhiên, hợp qui luật lịch sử. Nghĩa là nó không phải làm ca1h mạng xong là có ngay tất cả chủ nghĩa nhân đạo ấy mà là đạt được từng n bước, từng mặt. Và nó kế thừa chủ nghĩa nhân đạo trong tiến trình lịch sử từ các hình thái trước àm trực tiếp là chủ nghĩa nhân đạo tư sản. Chủ nghĩa nhân đạo tư sản là một chủ nghĩa nhân đạo nửa dã man.

+ Đó là chủ nghĩa nhân đạo hiện thực và hoàn bị được hình thành gắn liền với việc "xóa bỏ xã hội hiện tồn" với tư cách là thiết chế xã hội tư bản khi đã lỗi thời, phi nhân tính (tệ bóc lột. áp bức, bất công…, tha hóa nói chung). Chủ nghĩa nhân đạo cộng sản đạt được bằng cải tạo và xây dựng trong hiện thực chứ không phải bằng cầu nguyện, hay chỉ thuần rèn luyện cá nhân, hoặc không cần xóa bỏ chế độ bất công… cũ. Chủ nghĩa nhân đạo tôn giáo tuy có mặt phù hợp với chủ nghĩa nhân dạo xã hội chủ nghĩa, nhưng cũng có mặt mang tính ảo tưởng, siêu nhiên. Chủ nghĩa nhân đạo cộng sản xóa bỏ tha hóa, bất công, bóc lột, nghèo đói…. nhưng không phải theo kiếu tôn giáo, thú tội, giải thoát, hay tu luyện đạo đức cá nhân, kìm hãm nhu cầu chính đáng của con người, hay kêu gọi lòng bác ái của các nhà tư bản có lòng nhân ái, tình yêu nhân loại.

- Rõ ràng Mác đã không phủ nhận hoàn toàn các con đường giải phóng con người đó, nhưng Mác đã chọn con đường riêng, hiện thức thông qua cách mạng cộng sản chủ nghĩa, bằng phong trào phát triển, xây dựng hiện thực mang tính lịch sử tự nhiên, đặt chủ nghĩa nhân đạo ấy trên nền tảng lịch sử và khoa học. Một con đường hoàn toàn mới được khai phá mà tác phẩm Bản thảo kinh tế - triết học đã vạch ra như một giả thuyết khoa học mà về sau được chứng minh quan nhiều tác phẩm nhất là "Tuyên ngôn " và "Tư bản".

+ Chủ nghĩa nhân văn như vậy là có tính lịch sử cụ thể. Chủ nghĩa nhân đạo như là một chân lý chủ đạo của lịch sử - thì chân lý đó là một quá trình. Nhận thức luận nhân văn hay hành động luận nhân văn là cần để thực hiện từng bước chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản trong thực tế.

Từ góc nhìn triết học nhân văn

Học thuyết nhân đạo, nhân văn cộng sản như vậy quả thật là một thế giới quan và nhân sinh quan mới, một học thuyết triết học ngày càng được hoàn chỉnh, vận dụng và phát triển. Triết học Mác cần phát triển và tổng hợp mới. Triết học này có bản chất không chỉ: Duy vật thực tiễn, Biện chứng cách mạng mà còn là Nhân đạo hiện thực. Ở đó tính nhân loại, tính dân tộc, tính giai cấp công nhân thống nhất hài hòa với nhau. Theo quan điểm cấu trúc thì triết học Mác không chỉ là duy vật biện chứng, duy vật lịch sử mà cả duy vật nhân văn- một triết học về con người và sự nghiệp giải phóng, phát triển con người với tư cách là một thực thể tự nhiên xã hội- tiểu vũ trụ.

Phương diện nghiên cứu và giải quyết con người từ bản năng, từ bẩm sinh, từ tôn giáo, từ nhân bản tự nhiên, cơ thê sinh học của con người. Mác khắc phục nhận thức hạn chế ấy, mang thuần tự nhiên ấy bằng cách nghiên cứu cơ thế xã hội của con người, làm rõ môi trường, điều kiện lịch sử của con người, những phương tiện nhằm thỏa mãn nhu cầu sống của họ. Tức là mở rộng con người sinh học, con người cá nhân ra con người xã hội- cộng đồng- thế giới người, vũ trụ xã hội người. Phê phán chủ nghĩa nhân đạo trưù tượng và chật hẹp của Phơbách cũng như nhiều người theo chủ nghĩa tự nhiên hay tôn giáo khác, Theo Ăngghen đã khẳng định rằng:"Nếu như con người chỉ chăm lo đến bản thân mình thì lòng mong muốn hạnh phúc của họ chỉ được thỏa mãn trong những trường hợp rất hạn hữu và hoàn toàn không có lợi cho họ và cho người khác. Nhưng trái lại, lòng mong muốn hạnh phúc đòi hỏi con người cần phải chăm lo đến thế giới bên ngoài, những phương tiện thỏa mãn yêu cầu của mình, nghĩa là cần phải có thức ăn, một người thuộc về giới tính khác mình, sách vở, chuyện trò, tranh luận, hoạt động, vật dụng và đối tượng lao động". Từ đó cho phép nhìn nhận vấn đề con người, giải phóng con người, phát triển con người toàn diện, vấn đề hạnh phúc, vấn đề nhân đạo trở nên hiện thực hơn, người hơn, toàn diện hơn, khác tất cả các cách nhìn cũ với tính thần biện chứng…

Nghiên cứu chủ nghĩa nhân đạo trong lịch sử và thời hiện đại thì phê phán là để kế thừa; và kế thừa, phát triển là chính chứ không phải phê phán, bác bỏ là chính.

Vấn đề chủ nghĩa nhân văn triết học là một vấn đề có chân tầng trong lịch sử triết học. Ngày nay, dưới ánh sáng của chủ nghĩa cộng sản, nó xứng đang trở thành một triết học riêng, trên nền tảng triết học Mác, phong phú cho triết học Mác, điều mà các ông chưa có thời gian nghiên cứu, xây dựng, trong khi đi sâu vào nghiên cứu kết cấu xã hội và quá trình lịch sử.

Từ thực tiễn của thời đại ngày nay

Ngày nay, tuy chủ nghĩa tư bản không sớm diệt vong như các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác đã dự đoán (vào năm 1848) mà thực ra vào cuối đời (1895) Ăngghen, sinh thời và cuối đời, đã nhận thấy điều đó. Rằng chủ nghĩa tư bản đang phát triển "còn rất lâu mới chín muồi", "những nguyện vọng của giai cấp vô sản trong thời này cũng chưa chín muối" . Ngày nay tuy nó vẫn còn khả năng phát triển nhưng đang nằm trong mâu thuẫn kịch liệt là kinh tế càng phát triển thì con người càng khủng hoảng, tha hóa, phản nhân đạo.

Chúng ta, cũng từ phương pháp luận đó nghĩ gì sau sự thất bại của hệ thống xã hội chủ nghĩa non trẻ vừa qua và sự phục hồi phát triển mới của chủ nghĩa tư bản hiện đại với những công nghệ mới, phương thức xã hội kinh tế toàn cầu hóa?

Chủ nghĩa nhân đạo cộng sản, muốn thực hiện được phải có sự phát triển cao từ kinh tế, kinh trị và văn hóa đủ điều kiện giải phóng toàn diện con người. Chủ nghĩa xã hội hiện thực ra đời trong thế kỷ XX, chỉ là sơ khai, một sự báo hiệu vạch thời đại, còn tiền đề còn rất thiếu, rất thấp, lại bị lệch lạc, khúc xạ, méo mó của các xã hội cổ truyền mang hình thái phong kiến tiền tư bản hay còn là tư bản chủ nghĩa dã man. Đúng ví von của Lênin rằng, máy hơi nước ra đời là báo một thời đại mới nhưng cái máy hơi nước đầu tiên đó không chạy được, hoặc chay rất tồi, phải sửa đổi, phải đổi mới nó, hoàn thiện nó. Dù chủ nghĩa xã hội mô hình cũ được gọi là chủ nghĩa xã hội nhà nước, chủ nghĩa xã hội thời chiến, với mô hình quan liêu, bao cấp, nó có nhiều khiếm khuyết nhưng không phủ nhận được rằng, một nguyên lý mới đã được khám phá, "máy hơi nước" đã ra đời, hạt giống đã nảy mầm.

Chủ nghĩa xã hội trong tư duy mới ở Việt Nam, Trung Quốc và một vài nước khác đang mở ra triển vọng mới cho chủ nghĩa nhân đạo hiện thực trước hết lại từ các nước nghèo, biết "đứng trên vai người khổng lồ", đang từng bước thoát khỏi nghèo đói, lạc hậu, kém phát triển, tiến lên hiện đại, kết hợp sự nghiệp giải phóng dân tộc với giải phóng xã hội với giải phóng cá nhân. Nhưng con đường tới đích còn xa.

Ngày nay máy điện toán và những phát minh của công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, đang mở ra thời đại dân chủ, xã hội, văn minh và nhân đạo toàn cầu mà hình thái tư bản chủ nghĩa sẽ nổ tung. Thời đại đang cần một chủ nghĩa tự nhiên mới, hoàn bị, tức chủ nghĩa nhân đạo hiện thực, tức chủ nghĩa cộng sản thay thế cho nó.

Cũng ngày nay khi loài người hiểu sâu thêm nền văn minh cổ phương Đông với nhiều ý tưởng nhân đạo và dự báo về thực thể con người, đề cao tính cộng đồng, đề cao nhân cách (nhân cách luận - theo cách khái quát của Phan Ngọc về văn hóa Việt Nam), đề cao con người tâm linh, con người sinh thái - con người liên thông bản thể với vũ trụ, hòa điệu với vũ trụ, con người là một tiểu vũ trụ, vũ trụ thu nhỏ chứ không phải một bộ phận của nó, hoặc con người là vũ trụ: tâm người và tâm vũ trụ là một thể. Những phát hiện của khoa học hiện đại cũng đang chứng minh sự hòa điệu vụ trụ của con người sinh thái, nhưng cũng đang bị đe doạ trước thảm hoạ môi trường đang bị suy thoái bới con người hiện đại từ các nước tư bản chủ nghĩa đang cầm quyền.

Hiện nay cần tổng hợp mới về con người và chủ nghĩa nhân đạo, hoàn bị chủ nghĩa tự nhiên.

Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh - một cách tiếp cận chủ nghĩa nhân đạo cộng sản

Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh, từ trong bản chất và hướng hoàn thiện của nó là chủ nghĩa nhân đạo hiện thực, chủ nghĩa tự nhiên hoàn bị, hạt nhân của văn hóa của tương lai. Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh không chỉ tiếp cận quá các chế độ xã hội, giai cấp trong lịch sử mà còn từ chủ nghĩa nhân đạo dân tộc, từ các nền văn hóa, nhân đạo của các tôn giáo, tốt đời - đẹp đạo, thấu tình đạt lý. Nếu trong “Bản thảo kinh tế - triết học” và nhiều tác phẩm sau đó. Mác và Ăngghen tiếp cận chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa nhân đạo từ triết học kinh tế, hay kinh tế luận, biện chứng duy vật lịch sử, thì Hồ Chí Minh tiếp cận chủ nghĩa xã hội từ triết học văn hóa, tức văn hóa lịch sử (Bản án chế độ thực dân và nhiều công trình, hoạt động của Người tiếp theo). Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh đã bổ sung được "dân tộc học phương Đông", văn hóa phương Đông vào chủ nghĩa Mác. Chủ nghĩa nhân văn đó tích hợp, vượt gộp, tiếp biến được các nền văn hóa nhân văn Đông - Tây trong lịch sử và hiện đại cần tiếp tục phát triển ở tầm triết học khoa học và nhân văn. Chủ nghĩa duy vật nhân văn, một triết học toàn diện về con người và giải phóng con người làm cơ sở cho chủ nghĩa tự nhiên hoàn bị= chủ nghĩa nhân đạo cộng sản chủ nghĩa, nếu có thể nói được như vậy.

Từ tư tưởng nhân đạo của chủ nghĩa Mác hay của tư tưởng Hồ Chí Minh đã cho ta một cách nhìn, một lối vào, một tiêu chí cơ bản của chủ nghĩa xã hội. Không phải bắt mục đích phục tùng phương tiện, bản chất phục tùng mô hình mà ngược lại. Chủ nghĩa xã hội chân chính phải làm sao làm cho sản xuất phát triển, lực lượng sản xuất được giải phóng, năng xuất lao động tăng cao, đời sống vật chất của nhân dân ngày càng phong phú, đầy đủ, xã hội ngày càng dân chủ, công bằng, đoàn kết, văn minh, con người ngày càng được tự do phát triển toàn diện, gia đình ngày càng ấm no, hạnh phúc, Tổ quốc bền vững, sinh thái môi trường trong sạch, hài hòa, các dân tộc xích lại gần nhau, với tinh thần hòa bình, hữu nghị, thân ái, tôn trọng lẫn nhau, cùng tiến bộ. Sáu tiêu chí, đặc trưng mà Đảng ta đề ra trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong “thời ký quá độ” tiến lên chủ nghĩa xã hội là một cách diễn đạt cụ thể, có mức độ chủ nghĩa tự nhiên hoàn bị = chủ nghĩa nhân đạo= Mùa xuân nhân loại.

Theo Hồ Chí Minh thì cái gì có lợi cho dân thì nên làm, cái gì có hại cgho dân thì nên tránh. Đó là một nội dung và nguyên tắc cụ thể đó, suy rộng ra, rằng nguyên lý nhân văn, phương pháp nhân văn phải là một phương diện chủ đạo trong triết học Mác và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Chủ nghĩa nhân đạo cộng sản chủ nghĩa đang bị thách thức nhưng vai trò lịch sử của nó ngày càng sáng tỏ, sức sống của nó càng bền vững, là chất keo, sức mạnh vô địch khi càng ngày nó càng thấm sâu vào lòng các dân tộc và toàn thể nhân dân yêu chuộng hòa bình, dộc lập dân tộc, dân chủ, công bằng, tiến bộ và văn minh. Chủ nghĩa đế quốc, các thế lực phản động không thể bôi nhọ, xuyên tác được dù dưới chiêu bài "dân chủ, nhân quyền" kiểu Mỹ. Đồng thời, những người cộng sản đã học được bài học lịch sử quyết không thể tự bôi nhọ chủ nghĩa nhân đạo cao qui- hình ảnh cao đẹp - lý tưởng của mình.

II- Chủ nghĩa nhân văn Mác – Hồ Chí Minh và sự định hướng xã hội chủ nghĩa về mặt nhân văn

Hiện nay trong giới nghiên cứu nước ta đã bắt đầu chú ý, nghiên cứu sâu vấn đề chủ nghĩa nhân văn như một vấn đề của khoa học, hơn nữa như là vấn đề triết học, chứ không chỉ biểu hiện, và bàn đến, ở góc độ đạo đức và văn hóa học. Đây là vấn đề đang có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất lớn. Trong phạm vi mục này, xin góp phần làm rõ về nội dung thuật ngữ nhân văn (chủ nghĩa nhân văn) và sự định hướng xã hội chủ nghĩa về mặt nhân văn theo tư tưởng Hồ Chí Minh ở nước ta hiện nay.

Thực chất của chủ nghĩa nhân văn Mác - Hồ Chí Minh

Nhìn lại các tư tưởng nhân văn trong lịch sử tư tưởng nhân loại, ta thấy rằng chủ nghĩa nhân văn cũng có lịch sử như một quà trình. Và mỗi thời kỳ, nó có những mặt, phương diện, những hình thức khác nhau, với những mặt ưu trội, đúng đắn hoặc hạn chế, lạc hậu. Do đó, không thể bỏ qua tính lịch sử của chủ nghĩa nhân văn. Nhưng chúng tôi muốn nhìn nhận chủ nghĩa nhân văn về mặt cấu trúc phổ quát, qua đó vạch ra thực chất, tìm đến cái chung của vấn đề.

Qua khảo sát một số tài liệu và từ điển, chúng tôi thấy rằng chưa có sự nhất quán khi bàn về các yếu tố cơ bản của chủ nghĩa nhân văn, và thường bàn đến theo nghĩa hẹp.

Đối tượng của chủ nghĩa nhân văn là con người và loài người trong tính toàn bộ của nó mà hạt nhân là tính người. Tính người này cả mặt sinh học - xã hội - tư tưởng và tâm linh, trong cá nhân và đồng loại, nhưng phải hiện thực và cụ thể. Trừu tượng tính giai cấp thì cấu trúc tính người - tính nhân văn trong chủ nghĩa nhân văn bao gồm:
(A)
- Tính độc lập - tự chủ - tự do.
- Tính bình đẳng, dân chu, công bằng.
- Tính hoà bình, hữu nghị, đoàn kết
- Lòng nhân nghĩa, khoan dung, tính từ bi, bác ái, tình thương và tình yêu.
- Sự thỏa mãn và hạnh phúc.
- Sống hòa đồng với thiên nhiên trong môi trưồng nhân tính.

Những nội dung nhân văn này dựa trên lập trường của giai cấp công nhân, thì đó là chủ nghĩa nhân văn mác xít. Chủ nghĩa nhân văn mác xít mang bản sắc Việt Nam thì đó là chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh.

Như thế là 6 yếu tố quan trọng tạo thành nội hàm của tính nhân văn trong chủ nghĩa nhân văn. Đó là những yếu tố cơ bản làm thành chữ NHÂN theo nghĩa rộng. Chủ nghĩa nhân văn về thực chất là vấn đề độc lập và tự do, bình đẳng và dân chủ, từ bi, bác ái, nhân nghĩa, ấm no và hạnh phúc cho môi con người và mỗi cộng đồng xã hội.

Xét ở góc độ ngoại diện khái niệm thí tư tưởng nhân văn là :
(B)
- Sự quan tâm đề cao con người.
- Giải phóng con người và xã hội khỏi sự phi nhân tính (tha hóa), phát huy những nội dung nhân tính cao đẹp của con người và loài người.
- Vì sự sống, sự phát triển và an ninh của con người.
- Xây dựng con người vì một xã hội mang tính người, giàu tính nhân văn hơn.

Tất nhiên, 4 yếu tố này nói gọn lại theo lý tưởng xã hội chủ nghĩa là do con người, của con người và vì con người, mà trước hết kà những người lao động.

Sáu yếu tố của lát cắt (A) và bốn yếu tố ở lát cắt (B) liên quan chặt chẽ với nhau, bao hàm nhau tạo thành nội dung phạm trù chủ nghĩa nhân văn.

Với nội dung phong phú như thế, thì rõ ràng chủ nghĩa nhân văn rộng hơn chủ nghĩa nhân đạo (lòng thương) và chủ nghĩa nhân bản (mặt tốt tự nhiên ở con người). Chủ nghĩa nhân văn còn là tư tưởng dân chủ, tư tưởng nhân quyền, nhân nghĩa, tư tưởng tự do, tình -lý hài hòa, tư tưởng hữu nghị và tư tưởng về hạnh phúc của con người trong việc thỏa mãn các nhu cầu nhân bản, nhân văn (nhu cầu về cái đẹp) của con người và loài người trong chân - thiện - mỹ, cũng như trong độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc…

Chủ nghĩa nhân văn vốn là triết lý nhân sinh và giờ đây càng xứng đáng là một triết học của thời đại giải phóng dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Triết học nhân văn vừa thấm nhuần trong triết học duy vật và biện chứng của chủ nghĩa Mác, vừa tồn tại độc lập như một bộ phận cơ bản , tương đối độc lập, ngang với chủ nghĩa duy vật lịch sử. Đó chính là chủ nghĩa duy vật nhân văn. Chủ nghĩa duy vật nhân văn mác xít là triết lý toàn diện về bản tính, bản chất con người và về sự phồn vinh, hạnh phúc của con người. Chủ nghĩa duy vật nhân văn là cơ sở lý luận triết học trực tiếp cho các khoa học về nhân văn, cũng như về nghệ thuật đối xử với con người và chiến lược phát triển con người nói chung.

Tôi nghĩ rằng, ngày nay phải xây dựng lại và phát triển chủ nghĩa nhân văn triết học và làm phong phú nó ở các góc độ khác nhau trong tất cả khoa học nhân văn và nghệ thuật. Và làm được điều đó chúng ta mới thấy chủ nghĩa nhân văn ngày nay trên lập trường Mác-Hồ Chí Minh, là chủ nghĩa nhân văn toàn diện, mới mẻ, thiết thực và hiện đại. Đó là sự phủ định biện chứng chủ nghĩa nhân văn trong lịch sử. Cố nhiên vấn đề con đáng quan tâm hơn là thực hiện trong thực tiễn như thế nào? Đấy là sự nghiệp trong đại và lâu dài của cách mạng xã hội chủ nghĩa. .

Chủ nghĩa xã hội theo quan điểm nhân văn Mác-Hồ Chí Minh

Xét về bản chất thì chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sãn là vừa có tính khoa học, vừa có tính cách mạng, vừa có tính nhân văn, chứ không chỉ là tính khoa học và tính cách mạng. Từ các góc độ đó có thể gọi là chủ nghĩa xã hội khoa học, hoặc chủ nghĩa xã hội nhân văn, Hơn nữa cách gọi chủ nghĩa xã hội nhân văn là làm rõ bản chất người của chủ nghĩa xã hội. Do đó, chủ nghĩa xã hội - chủ nghĩa cộng sãn hoàn bị là chủ nghĩa nhân đạo hoàn bị. Gen trội của chủ nghĩa xã hội là chủ nghĩa nhân văn thực tiễn (dân chủ, tự do, ấm no, bác ái, nhân nghĩa, hữu nghị… được thực hiện). Gọi là "chủ nghĩa xã hội dân chủ" lại trùng với khuynh hướng chủ nghĩa xã hội dân chủ trong phạm trù chủ nghĩa tư bản cải lương. Hơn nữa cách gọi "chủ nghĩa xã hội dân chủ" hay chủ nghĩa xã hội nhân đạo cũng không đầy đủ. Có lẽ gọi là chủ nghĩa xã hội nhân văn là thích hợp hơn cả.

Từ thực tế lịch sử của chủ nghĩa xã hội hiện thực thành công và thất bại đã cho chúng ta bài học cực kỳ sâu sắc, không chỉ về mặt chủ nghĩa xã hội khoa học mà còn về nhân văn (đặc biệt là vấn đề dân chủ, dân quyền). Điều đó càng đúng khi thời đại đang làm trỗi dậy những nhân tố văn hóa nhân văn.

Cố nhiên, thành quả thực tế của tính nhân văn và chủ nghĩa nhân văn là phụ thuộc một cách toàn diện vaò sự phát triển nhiều mặt của kinh tế - chính trị, xã hội và con người. Nhưng nó đang là nguyên nhân, động lực cơ bản của sự phát triển, do đó nếu có cách giải quyết đúng thì dù kinh tế chưa thật cao, cũng có hể có đời sống xã hội nhân văn nhất định. Thực tế cũng chỉ rõ là có nước kinh tế cao nhưng đời sống vẫn phi nhân tính.

Thế giới ngày nay, khi bước vào "xã hội thông tin" thì vấn đề nhân văn đang được đặt ra một cách gay gắt và có thể được coi như mục đích, động lực và cứu cánh của nhân loại tiến bộ. Ở đây chủ nghĩa nhân văn mác xít - chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là rất có triển vọng giải đáp, đột phá vào câu hỏi cơ bản "thế nào là một con người?", "làm người nghĩa là thế nào?" trong tình huống nói trên.

Chủ nghĩa nhân văn Mác-Hồ Chí Minh đang được phát triển sẽ là nội dung cơ bản và bao trùm trong định hướng xã hội chủ nghĩa chân chính, chủ nghĩa xã hội hiện đại. Đảng ta đang nhấn mạnh xây dựng một xã hội vừa giàu mạnh (trước hết về kinh tế) vừa nhân văn (công bằng, ấm no, tự do, nhân nghĩa, văn minh…). Như thế trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là vừa lo xây dựng về mặt vật chất - kỹ thuật, dù nó là cơ sở của sự tồn tại, nhưng cái tồn tại thực sự người là mặt nhân văn, do đó vừa phải chăm lo xây dựng, phát triển về mặt xã hội, mặt nhân lực, mặt con người. Vì chính nó vừa là động lực, vừa mục đích của chế độ mới.

Nghèo là một nguy cơ. Nhưng phi phân tính càng là một nguy cơ lớn hơn. Chúng ta càng thấy biện chứng trong tư duy Hồ Chí Minh về vấn đề này: độc lập tự do mà dân nhân không ấm no, không được công bằng trong cuộc sống thì độc lập tự do có ý nghĩa gì? Và Người lại nói "không sợ thiếu mà sợ không công bằng, không sợ nghèo mà sợ lòng dân không yên". Do đó, chủ nghĩa xã hội phải nằm trong sự biện chứng của sự phát triển của GIÀU MẠNH và NHÂN VĂN. Có như thế` sự phát triển của xã hội mới bền vững.

Dân tộc ta có truyền thống nhân văn (nhân nghĩa, đoàn kết, yêu tự do…). Nhưng trong thế giới hiện đại, phải nâng nội dung nhân văn ấy lên một trình độ mới, với sự phong phú mới. Đồng thời phải phát huy nó làm động lực và mục đích cơ bản của sự phát triển với ý nghĩa văn hóa thực sự.

Hiện nay, chúng ta phải tập trung vào sự nghiệp xây dựng đất nước giàu mạnh, cũng là để tạo ra những điều kiện cho cuộc sống hạnh phúc của đồng bào. Dù nhấn mạnh sự giàu có về mặt vật chất kỹ thuật, nhưng nó là phương tiện chứ không phải là mục đích. Chúng ta không coi nhẹ nhưng cũng không được sùng bái vật chất, sùng bái kỹ thuật, sùng bái đồng tiền. Do đó, đi đôi với phát triển kinh tế, phải bảo vệ được môi trường sinh thái, và đảm bảo công bằng xã hội. Đó chính là thấm nhuần quan điểm nhân văn xã hội chủ nghĩa. Thật vậy, giàu mạnh mà không nhân văn thì không thể có chủ nghĩa xã hội, ngược lại nhân văn đến đâu đi nữa mà nghèo thì khôngthể nói là chủ nghĩa xã hội thực sự. Ở nước ta, định hướng xã hội chủ nghĩa là định hướng xây dựng một chế độ xã hội vừa giàu mạnh, vừa nhân văn, còn các nước giàu tư bản chủ nghĩa phát triển nhất hiện nay nói định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình cách mạng về cơ quan là nói mặt nhân văn.

Ở một nước kém phát triển như nước ta, dù tập trung cho mục tiêu giàu mạnh, nhưng không đợi đến lúc giàu mạnh mới đặt ra vấn đề nhân văn, mà đặt ra từ đầu và phải luôn luôn gắn liền với sự phát triển kinh tế, nếu không cũng sẽ rơi vào bệnh ảo tượng, không tưởng. Chính vì vậy có thể cách diễn đạt định hướng xã hội chủ nghĩa hết sức cô đọng, dễ hiểu, ngắn gọn như một khẩu hiệu: tất cả vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, con người hạnh phúc.

Chủ nghĩa nhân văn trong hoàn cảnh hiện nay.

Trong tác phẩm "Văn hóa và đổi mới", cố vấn Phạm Văn Đồng cho rằng : xây dựng đất nước ta theo định hướng xã hội chủ nghĩa là định hướng văn hóa, định hướng xã hội chủ nghĩa là văn hóa (văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần ). Văn hóa là do con người và vì con người. thực chất đó là tính nhân văn.

Trong tình hình hiện nay ở nước ta, nội dung nhân văn ấy là có mức độ và biểu hiện cụ thể trên một số mặt, một số yếu tố bước đầu. Có rất nhiều vấn đề rộng lớn, sau đây chỉ xin nêu một vài khía cạnh làm ví dụ:

Trong nền kinh tế thị trường, nhiều thành phần kinh tế, Đảng và Nhà nước ta khuyến khích mọi người làm giàu chính đáng theo pháp luật. Nhưng làm giàu cũng có năm bảy đường. Có kẻ làm gìau phi nhân tính. Nhưng cũng có người giàu có đạo đức. Số người này biết điều chỉnh lợi nhuận, nếu có "bóc lột" thì cũng là một sự "bóc lột" hợp lý, có giới hạn, đúng pháp luật, có ý nghĩa động lực phát triển, tạo ra nhiều việc làm, góp phần nâng cao đời sống của người lao động, thúc đẩy sản xuất phát triển, đồng thời họ còn dùng một số lợi nhuận để làm công tác nhân đạo giúp đỡ người ngheò, người có công với nước, hoặc tài trợ các tài năng. Ở đây họ đặt giá trị nhân văn cao hơn đồng tiền, và như thế là tiến bộ, chấp nhận được, đáng khuyến khích!

Cùng với việc khuyến khích làm giàu chân chính đó, chúng ta có chủ trương giúp đỡ để một bộ phận nhân dân "xóa đói giảm nghèo", tiến tới xóa hẳn nghèo đói. Trong đó đặt biệt chú ý giúp đỡ, tạo điều kiện cho các gia đình chính sách, có công với cách mạng, những người yếu thế trong xã hội ngày càng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đồng thời phải chống các tệ nạn xã hội, nhất là các quốc nạn. Đó là một nội dung quan trọng của chủ nghĩa nhân văn cao cả cần được đề cao hơn nữa.

Đảng và Nhà nước ta chú ý đảm bảo sự công bằng, dân chủ trong xã hội, bằng cách đấu tranh với các tệ nạn như tham nhũng, lãng phí, sùng bái đồng tiền, và các tệ nạn khác… vì đời sống ấm no, sự an toàn và hạnh phúc của người dân. Do đó, trong khi khuyến khích phát triển kinh tế, vẫn không quên bảo vệ môi trường sống, đấu tranh với những hành vi vi phạm quyền và lợi ích của con người đã được pháp luật bảo đảm.

Hồ Chí Minh trong suốt cuộc đời của mình, nhất là khi chính quyền đã về tay nhân dân, đã làm hết sức mình với những nội dung, những hình thức để thực hiện chủ nghĩa nhân văn của Mác-chủ nghĩa nhân văn Việt Nam trong những điều kiện mới, đặc thù. Người đã chỉ ra rằng : sự dốt nát, quan liêu, lòng tham, mà tập trung nhất là "chủ nghĩa cá nhân" (chủ nghĩa vị kỷ, ích kỷ) là kẻ thù nội xâm. Vì lợi ích vị kỷ của mình mà lạnh nhạt với lợi ích người khác, lợi ích của nhân dân, thậm chí chà đạp lên lợ ích đó, là những hành vi phi nhân tính. Đấu tranh với những hiện tượng đó là một yêu cầu quan trong của chủ nghĩa xã hội.

Đề có điều kiện thực hiện đầy đủ ngày càng cao, chủ nghĩa nhân văn xã hội chủ nghĩa, cần phải tạo ra và phát triển một phương thức sản xuất dựa trên trình dộ khoa học, công nghệ tiên tiến. Đó là một phương thức sản xuất với chế độ sở hữu đa dạng lấy chế độ sở hữu công cộng làm nòng cốt, mà qua đó nhân dân lao động thực hiện được quyền làm chủ của mình để bảo đảm được cuộc sống ngày càng cao, và đầy đủ.

Hiện nay, Đảng ta chủ trương đẩy tới sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa chính là tạo ra cơ sở vật chất của chủ nghĩa nhân văn xã hội chủ nghĩa. Cố nhiên, khi giàu có, hiện đại mà xã hội chưa hẳn đã là nhân văn. vấn đề là còn phải có một hệ thống tổ chức chính trị - xã hội - văn hóa thích hợp, bao hàm bản chất nhân văn, phát huy được động lực nhân văn. Nhưng xét đến cùng chủ nghĩa nhân văn hiện thực phải ra đời tứ chế độ kinh tế hiện thực.

Khi con người được quan tâm và phát triển những tiềnm năng và tài năng của mình vì sự tiến bộ của bản thân và của xã hội thì đó là động lực to lớn để nhanh chóng xây dựng một xã hội phù hợp với bản chất tốt đẹp của con người. Do đó quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội chúng ta cần kết hợp đúng đắn yếu tố VẬT và yếu tố NGƯỜI, mà yếu tố người phải là động lực và mục đích của sự phát triển bền vững. Trong 6 tiêu chí về chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta đề ra, có một tiêu chí về kinh tế vật chất, nhưng có 5 tiêu chí về nhân văn, đã chứng tỏ rằng vấn đề nhân văn là vấn đề bao trùm và rộng lớn đã được chúng ta đặc biệt quan tâm (về sau Đại hội IX của Đảng đã bổ sung và phát triển thêm gồm 8 tiêu chí, thì chủ yếu vẫn là các tiêu chí có tính nhân văn).

Để có cơ sở pháp lý cho sự thực hiện, trước hết là phải thể chế hóacác quyền con người, quyền công dân, những quan hệ kinh tế xã hội trong bối cảnh mới. Đây là một vấn đề lớn của chế độ ta và cũng vấn đề cơ bản, bức xúc của nhân loại tiến bộ, đang được tất cả các nước quan tâm .

TS Hồ Bá Thâm ( Nguồn: Tạp chí Tia sáng)
Các tin khác
Xem tin theo ngày