Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.696.540
Truy câp hiện tại 2.141
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ qua dư luận thế giới
Ngày cập nhật 11/05/2009

Trong lịch sử thế giới cận hiện đại, chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam được coi là sự kiện nổi bật, có tác động, ảnh hưởng lớn đến tình hình quân sự, chính trị thế giới nhiều thập kỷ qua. Tầm vóc của sự kiện Điện Biên Phủ vượt ra khỏi một trận đánh thông thường, bởi nó kết tinh ý chí và trí tuệ Việt Nam, gắn liền với số phận của nhiều dân tộc trên thế giới... Đó là một thực tế.

Điện Biên Phủ qua cái nhìn của đối phương

Sự kiện Điện Biên Phủ đưa đến thất bại của cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (theo cách gọi của phương Tây) đã tạo ra cơn chấn động lớn đối với Pháp, Mỹ và nhiều nước phương Tây khác. Ngay sau khi quân Pháp bị đánh bại ở Điện Biên Phủ, viên Cao ủy Pháp tại Đông Dương - Đờ Giăng gửi ngay cho người Pháp một bức thông điệp với lời lẽ chua chát: "Ngày kỷ niệm chiến thắng hôm nay (8-5, kỷ niệm chiến thắng phát-xít Đức), đối với ta là một ngày đau đớn. Bị đè bẹp về quân số và về pháo binh, Điện Biên Phủ không còn nữa. Không việc gì mà ta phải giấu giếm cái đòn ta phải chịu. Dù rằng đối phương có số quân gấp bốn chúng ta, dù rằng cuộc kháng cự ở Điện Biên Phủ đã cứu được Luông Phra-băng (Lào) và có lẽ cả Hà Nội thì sự thất thủ của Điện Biên Phủ cũng vẫn là một thất bại"(1). Tại nước Pháp, đại diện cho giới chính trị là Thủ tướng J.La-ni-en đã phải thốt lên: "Trong lịch sử của mỗi dân tộc đều có những sự kiện có tính chất quyết định. Những tên gắn liền với chúng, cả những ngày tháng cũng thế, chứa đựng một ý nghĩa vượt qua bản thân các sự kiện đó. Sáng sủa hay đen tối, trước mắt mọi người, những sự kiện đó đều tượng trưng cho số phận tốt hay xấu của nước nhà... Điện Biên Phủ là một trong những cái tên như thế". Đó là những dòng viết của Thủ tướng J. La-ni-en trong cuốn sách có nhan đề Tấn thảm kịch Đông Dương, xuất bản tại Pa-ri (Pháp) năm 1957.

Sự kiện Điện Biên Phủ đeo đẳng nước Pháp nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ sau. Người ta dễ dàng thâu nhận điều đó qua hồi ký của các chính trị gia, các tướng lĩnh và qua các công trình nghiên cứu của nhiều học giả trong và ngoài nước Pháp. Bảy năm sau sự kiện Điện Biên Phủ, ký giả người Pháp J. Roa, trong cuốn sách Trận Điện Biên Phủ ghi nhận: "Trong toàn thế giới, trận Oa-téc-lô cũng ít tiếng vang hơn... Đó là một trong những thất bại lớn của phương Tây, báo hiệu sự tan rã của các thuộc địa và sự cáo chung của một nền cộng hòa. Tiếng sấm của sự kiện Điện Biên Phủ vẫn còn đang âm vang"(2). Cũng với nhận định như thế, Béc-na Phôn, nhà sử học Mỹ gốc Pháp viết: "Chúng ta không có quyền được quên cuộc chiến này. Dù ta muốn hay không muốn, cuộc chiến tranh đó vẫn còn ảnh hưởng đến chúng ta nhiều chục năm nữa"(3). Tại phiên họp chính phủ được cho là bi thảm nhất của nước Pháp vào ngày 11-5-1954, với cương vị là nghị sĩ, Ph.Mít-tơ-răng (sau này là Tổng thống Pháp) đã dồn dập chất vấn chính phủ của J. La-ni-en về việc để mất Điện Biên Phủ. Bốn mươi năm sau (1994), Tổng thống Ph.Mít-tơ-răng đã đến Việt Nam và thăm Điện Biên Phủ. Điều này chứng tỏ rằng, nước Pháp không thể lãng quên Điện Biên Phủ và sự kiện Điện Biên Phủ là một phần lịch sử của nước Pháp. Trên ý nghĩa đó, cựu Đại sứ nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, A. Pui-li-ớt đã phát biểu trong dịp kỷ niệm 50 năm sự kiện Điện Biên Phủ rằng: "Tất cả chúng ta biết rằng, dù lịch sử phải sang trang, nhưng chưa có trang sử nào - dù vinh quang hay thảm khốc nhất - có thể viết lại được. Chấp nhận quá khứ tức là chấp nhận mình, đó là một nghĩa vụ đối với tất cả chúng ta" (4)

Điện Biên Phủ đối với Pháp là một thất bại đau đớn và với Mỹ cũng vậy. Nhà sử học Béc-na Phôn đã viết rằng: Điện Biên Phủ không chỉ là một chiến thắng quân sự của Việt Minh đối với người Pháp, mà còn là một chiến thắng chính trị của Việt Minh đối với người Mỹ (5). Trong cuộc chiến tranh này, Mỹ là nước ủng hộ mạnh mẽ và chịu phí tổn chiến tranh chủ yếu cho Pháp. Từ năm 1950 đến khi Pháp thất thủ ở Điện Biên Phủ, nước Mỹ đã gánh hộ Pháp 80% phí tổn chiến tranh. Báo Paris Match, số ra ngày 22-5-1954, đưa tin: "... Điện Biên Phủ thất thủ, việc đầu tiên của Tổng thống Đ.Ai-xen-hao là triệu tập ngay Hội đồng an ninh quốc gia vào hôm sau. Cuộc triệu tập này đã vi phạm cả tính chất thiêng liêng của việc nghỉ cuối tuần". Pháp bại trận tại Điện Biên Phủ, nhưng giới chính trị và quân sự Mỹ mới là kẻ muốn tiếp tục cuộc chiến tranh chống nhân dân Việt Nam, bởi lúc đó, Pháp đã tỏ rõ sự bất lực hoàn toàn. Chính quyền Mỹ tổ chức nhiều cuộc họp, đánh giá, phân tích tình hình quân sự ở Đông Dương, nêu nhiều phương án hành động để cứu nguy cho thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ, như hỗ trợ không quân và lục quân để giúp quân Pháp giữ được đồng bằng Bắc Bộ, dành cho Đông Dương khoản viện trợ 800 triệu đô la (theo Báo Nhân đạo (Pháp) ngày 26-5-1954), sử dụng bom nguyên tử để kết thúc chiến tranh Đông Dương nhằm giành thắng lợi hoàn toàn. Tuy nhiên, tất cả những toan tính đó đã không thực hiện được và Mỹ hướng mục tiêu "không để tuột mất Đông Dương" sang Hội nghị Giơ-ne-vơ. Mỹ đã tỏ rõ thái độ phá hoại nền hòa bình của nhân dân Đông Dương; không ký vào bản tuyên bố chung của Hiệp định Giơ-ne-vơ để rảnh tay hành động. Ngay sau đó, Mỹ thế chân Pháp, tiến hành một cuộc chiến tranh thực dân mới chống nhân dân Việt Nam và các nước Đông Dương. Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Mỹ luôn bị ám ảnh bởi thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ. Tổng thống Mỹ L. Giôn-xơn đã hốt hoảng tuyên bố: Tôi không muốn một Điện Biên Phủ - đó là vào mùa Xuân năm 1968, khi các căn cứ quân Mỹ tại Khe Sanh bị tấn công và bao vây chặt. Tổng thống Mỹ lo sợ tới mức cho đắp một sa bàn nổi khu vực Khe Sanh ngay trong Nhà Trắng để theo dõi tình hình chiến sự và bắt các tướng lĩnh cam kết không để mất Khe Sanh. Tháng 12-1972, Mỹ đã thất bại nặng nề trong chiến dịch sử dụng lực lượng không quân đánh phá miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam đã làm nên một trận "Điện Biên Phủ trên không", buộc Mỹ phải chấp nhận mọi điều khoản của Hội nghị Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Điện Biên Phủ với phong trào hòa bình và giải phóng dân tộc trên thế giới

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định ý nghĩa to lớn của chiến thắng Điện Biên Phủ: "Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới"(6).

Các nước trong phe xã hội chủ nghĩa và các nước dân chủ đã bày tỏ sự khâm phục đối với chiến thắng Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam. Tờ Nhân dân nhật báo (cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc) nêu rõ: "... Nhân dân Việt Nam đã đạt được thêm những thắng lợi vĩ đại và đã chứng tỏ sức mạnh của mình trong cuộc chiến đấu chính nghĩa chống đế quốc xâm lược. Việc giải phóng Điện Biên Phủ một lần nữa làm cho thế giới thấy rằng nhân dân Việt Nam đã vùng dậy và không có lực lượng nào khuất phục nổi...". Trong Diễn văn chúc mừng Lễ kỷ niệm lần thứ 15 ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Trưởng đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc, Lý Phú Xuân, đã đánh giá: "... Nhân dân Việt Nam đoàn kết chặt chẽ xung quanh Đảng Lao động Việt Nam, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ tuyệt vời với điều kiện hết sức khó khăn. Nhân dân Việt Nam đã cướp vũ khí của địch để trang bị cho mình, đã làm cho mình từ nhỏ thành lớn, từ yếu thành mạnh, đã giải phóng được tuyệt đại bộ phận đất nước và đã giành thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vang dội thế giới, cuối cùng đã bắt buộc thực dân Pháp phải ngồi xuống đàm phán với đại biểu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Giơ-ne-vơ...".

Trong bài viết với nhan đề Điện Biên Phủ có nghĩa là sự phá sản của các kế hoạch của bọn thực dân, Báo Sao đỏ (Liên Xô) số ra ngày 8-5-1954, chỉ rõ: "Thất bại của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ không phải là một sự ngẫu nhiên... Trước dư luận, Điện Biên Phủ có nghĩa là sự phá sản của kế hoạch Na-va phiêu lưu mà trước đây người ta đã quảng cáo ầm ĩ. Giải phóng cứ điểm này chứng tỏ lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam và ý chí không gì lay chuyển nổi của nhân dân Việt Nam kiên quyết bảo vệ nền tự do, độc lập của mình. Bài học Điện Biên Phủ nói lên rằng tất cả mọi âm mưu giải quyết vấn đề Đông Dương bằng cách tiếp tục cuộc chiến tranh thuộc địa đều bị thất bại...".

Nhân dân Ba Lan ca ngợi: "Điện Biên Phủ tượng trưng cho sự nghiệp anh hùng của nhân dân Việt Nam. Ở đây, nhân dân Việt Nam đã đánh cho bọn thực dân Pháp và bọn đế quốc giúp đỡ chúng một đòn chí mạng..."(7). Các bạn Cu-ba coi: "Điện Biên Phủ và Hi-rôn là những dòng chữ ghi trên mồ chủ nghĩa đế quốc"...(8)

Nhân dân các nước thuộc địa, nửa thuộc địa ở khắp các châu lục đã đón nhận sự kiện Điện Biên Phủ như là thắng lợi của chính mình. Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam là bài học kinh nghiệm quý và là sự cổ vũ to lớn đối với cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập. Báo Al Gum Gyrria (Ai Cập), ngày 8-5-1954, nhận định: "Điện Biên Phủ thất thủ là một sự cảnh cáo nghiêm khắc đối với chủ nghĩa đế quốc ở châu Á, châu Phi và ở tất các nơi mà những kẻ chiếm đoạt mưu mô làm nhục hoặc phá hoại nền độc lập của họ... Bất kể những nguyên nhân của sự thất bại ở Điện Biên Phủ là như thế nào, bước tiến của phong trào giải phóng sẽ tiếp tục và còn nhiều pháo đài đế quốc sẽ sụp đổ". Nhân dân An-giê-ri đã tìm thấy con đường từ thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ: "Thật hãnh diện biết bao cho nhân dân An-giê-ri được làm những người bạn chiến đấu của các bạn... Chiến thắng Điện Biên Phủ là màn mở đầu cho chiến thắng của chúng tôi và ngay từ đó đã báo hiệu một giai đoạn lịch sử mới...". "Nhân dân nước chúng tôi đã đón thắng lợi Điện Biên Phủ với một niềm vui to lớn khác nào như đối với thắng lợi của bản thân mình. Nhân dân An-giê-ri được khuyến khích bởi thất bại quân sự của chủ nghĩa đế quốc Pháp ở Điện Biên Phủ và được kinh nghiệm của cuộc đấu tranh vũ trang thắng lợi của các đồng chí soi sáng đã mau chóng cầm vũ khí đấu tranh để chấm dứt chế độ thuộc địa mà họ phải chịu 125 năm nay...". Như phản ứng dây chuyền, tiếp theo An-giê-ri, các thuộc địa khác của Pháp ở châu Phi như Ma-rốc, Tuy-ni-di, Ghi-nê, Ma-li, Ma-đa-ga-xca, Ca-mơ-run... đã nổi dậy mạnh mẽ buộc thực dân Pháp phải trao trả nền độc lập cho các nước này.

Nhân dân các nước ở Mỹ La-tinh coi tinh thần Điện Biên Phủ như là "ánh đèn pha chiếu rọi", là "kim chỉ nam hành động". Nhà thơ yêu nước của quốc đảo Ha-i-ti Rơ-nê Đê-pê-xtơ-rơ đánh giá: "... Chiến thắng Điện Biên Phủ có một tầm quan trọng lịch sử quốc tế và đã mở ra một giai đoạn mới trong cuộc đấu tranh anh hùng của các dân tộc thuộc địa nhằm tự giải phóng khỏi ách chủ nghĩa đế quốc Anh, Pháp, Bỉ và Mỹ. Tinh thần Điện Biên Phủ ngày nay là ánh đèn pha chiếu rọi cho hàng triệu người bị áp bức trên toàn thế giới và sự trung thành với tinh thần quang vinh đó là điều bảo đảm duy nhất cho thắng lợi trong hành động cách mạng chống sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ chúng tôi. Ngày nay, sự thức tỉnh rực rỡ của các dân tộc ở châu Mỹ La-tinh, với Cu-ba là đội tiên phong, đang đi theo đường bay sáng ngời của Điện Biên Phủ". Các bạn Cu-ba luôn coi: "... Thắng lợi của Việt Nam đã là một hy vọng to lớn và tươi sáng cho chúng tôi, đã cổ vũ chúng tôi chiến đấu".

Phong trào đấu tranh đòi tự do, độc lập từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ đến những năm 60 của thế kỷ XX, đã nhổ bật ách thống trị của thực dân, đế quốc ở gần 40 nước, trong số đó có 32 nước là thuộc địa của Pháp. Chỉ tính riêng trong năm 1960, 19 nước đã giành được độc lập. Người ta gọi phong trào đấu tranh đòi tự do, độc lập của nhân dân các nước ở châu Phi là "lục địa nổi dậy", còn ở Mỹ La-tinh là "lục địa bùng cháy"...

Tại châu Á, những người cộng sản Ấn Độ cho rằng: chiến thắng Điện Biên Phủ là nguồn cổ vũ lớn lao, làm cho nhân dân ấn Độ thêm tin tưởng vào tương lai. Tờ Frontline (Ấn Độ), số ra ngày 13 đến 26-3-2004 khẳng định rằng chiến thắng Điện Biên Phủ “đã thúc đẩy mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên khắp thế giới. Một nước châu Á nhỏ đã đánh bại một cường quốc thực dân châu Âu hùng mạnh”. Còn tại In-đô-nê-xi-a, tờ Tin tức In-đô-nê-xi-a tổng hợp đánh giá của dư luận và đi đến kết luận: "Việc giải phóng Điện Biên Phủ chứng minh nhân dân châu á có đủ khả năng kết thúc lịch sử của bọn thực dân âm mưu dùng lực lượng vũ trang để thực hiện dục vọng tham lam của chúng". Một tướng lĩnh của quân đội Mi-an-ma nhận định rằng: "...Việc chúng tôi chiến thắng nhanh bọn Quốc dân đảng (tàn quân của Tưởng Giới Thạch) gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ. Khi bọn đế quốc đang bối rối ở Điện Biên Phủ, chúng tôi có thời cơ để tiêu diệt bọn Quốc dân đảng hoạt động theo chiến lược của bọn đế quốc chủ nó. Cho nên chiến thắng Điện Biên Phủ không những khuyến khích chúng tôi về tinh thần mà còn giúp chúng tôi về vật chất một cách có hiệu quả. Vì vậy, chúng tôi phải chịu ơn nhân dân Việt Nam". Rõ ràng, sự kiện Điện Biên Phủ đã chứng minh: "Châu Á ngày nay đâu còn phải là châu Á ngày xưa. Các dân tộc châu á đã bước những bước dài trên con đường giải phóng dân tộc. Và đó là một ngọn trào không gì ngăn giữ nổi. Đã vĩnh viễn qua rồi chính sách vũ lực, chính sách xâm lược, chính sách quân đội, cảnh sát và tiễu phạt cũng chẳng thể cản được bước đi của họ...(9)

Với nhân dân ba nước Đông Dương, chiến thắng Điện Biên Phủ là thành quả của tinh thần đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung. Sự nghiệp cách mạng của ba nước có mối quan hệ khăng khít, không thể tách rời. Chính vì vậy, "Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là thắng lợi của quân đội và nhân dân Việt Nam mà còn là thắng lợi chung của nhân dân các nước Đông Dương". Và "Chiến thắng Điện Biên Phủ ghi một trang mới trong lịch sử của nhân dân bị áp bức". Thắng lợi Điện Biên Phủ cùng với các chiến thắng khác trên chiến trường Đông Dương đã dẫn đến thành công của Hội nghị Giơ-ne-vơ. Thực dân Pháp buộc phải thừa nhận chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương. Có thể nói, chiến thắng Điện Biên Phủ đã mở ra một kỷ nguyên mới cho ba dân tộc trên bán đảo Đông Dương.

*

*      *

Năm mươi lăm năm trôi qua, có nhiều cách liên tưởng về sự kiện Điện Biên Phủ. Dù thời gian có làm mờ dấu chân của người lính trên chiến trường năm xưa, nhưng có một điều chắc chắn rằng, Điện Biên Phủ vẫn mãi là niềm tự hào, là nguồn cổ vũ lớn lao đối với dân tộc Việt Nam trên bước đường chấn hưng đất nước hôm nay. Và Điện Biên Phủ luôn nhắc nhớ "điều mà lịch sử - lịch sử của chúng ta đã dạy chúng ta - đòi hỏi chúng ta phải đặt hòa bình vào trọng tâm các giá trị làm nên nhân phẩm và khởi nguồn cho tiến bộ trên thế giới" (10)./.
 

 

(2) Đỗ Thiện, Đinh Kim Khánh: Tiếng sấm Điện Biên Phủ, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1984, tr 284

(3) Đỗ Thiện, Đinh Kim Khánh: Tiếng sấm Điện Biên Phủ: Sđd, 1984, tr 285

(4) Điện Biên Phủ từ góc nhìn của các nhà khoa học Việt- Pháp, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr 14

(5) Điện Biên Phủ hợp tuyển công trình khoa học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr 1161

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, HàNội, 1996, t 11, tr 266

(7), (8) Đỗ Thiện, Đinh Kim Khánh: Tiếng sấm Điện Biên Phủ: Sđd, tr 321, 322

(9) Báo Nước Pháp mới, ngày 15-5-1954

(10) Điện Biên Phủ từ góc nhìn của các nhà khoa học Việt - Pháp: Sđd, tr 14

Nguồn: Tạp chí Cộng sản


(1) Điện Biên Phủ nhìn từ phía bên kia, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, tr 138
Lê Quang Lạng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Các tin khác
Xem tin theo ngày