Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.871.386
Truy câp hiện tại 3.497
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò phụ nữ trong quản lý Nhà nước
Ngày cập nhật 06/03/2009

Tiếp thu sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh là một trong những người Việt Nam đầu tiên hiểu và đặc biệt quan tâm đến vai trò, vị thế của phụ nữ trong phong trào cách mạng thế giới nói chung và sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói riêng.

 
Trong bộ Hồ Chí Minh toàn tập (gồm 12 tập), với tổng số 1.941 bài nói và viết, đã có gần 100 bài viết Bác nhắc nhiều đến phụ nữ. Người cho rằng, sự nghiệp giải phóng loài người, giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp, giảiphóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội phải gắn liền với sự nghiệp giảiphóng phụ nữ. Người viết: "Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội mới chỉ một nửa".
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự nghiệp giải phóng phụ nữ sớm có được như vậy là do xuất phát từ nhận thức, hiểu biết sâu sắc của Người về chủ nghĩa Mác - Lênin, về vai trò của phụ nữ trong lịch sử thế giới, đặc biệt là vai trò của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta. Người đã từng nghiên cứu và rút ra kết luận: "Xem trong lịch sử cách mệnh, chẳng có lần nào là không có đàn bà, con gái tham gia". Dù đang bôn ba hải ngoại để tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã nhận thấy một nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam là sự tham gia của phụ nữ Việt Nam: "An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công". Tại lễ kỷ niệm 36 năm ngày thành lập Hội LHPNVN (20/10/1966), Bác Hồ nói: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh giặc cứu dân cho đến nay, mỗi khi nước nhà gặp nguy nan thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc...” . Trong thư gửi phụ nữ nhân kỷ niệm Hai Bà Trưng và ngày Quốc tế phụ nữ 8/3/1952, Hồ Chí Minh khẳng định: "Non sông gấm vóc nước Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp rực rỡ"
 
Không chỉ đánh giá cao vai trò phụ nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người hiểu rất rõ khả năng làm việc to lớn của phụ nữ Việt Nam trong các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị. Người nói: "Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa hàng vạn phụ nữ trở thành chuyên gia các ngành và cán bộ lãnh đạo, làm Giám đốc và phó Giám đốc các xí nghiệp, Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, chủ tịch UBHC, bí thư chi bộ Đảng…" và Người vui mừng trước việc ngày càng nhiều phụ nữ tham gia quản lý: "Từ ngày nước ta được giải phóng đến nay, phụ nữ đều tiến bộ rõ về mọi mặt: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Nhưng một tiến bộ rõ rệt nhất là phụ nữ ta hiện nay tham gia chính quyền ngày càng nhiều". Người tự hào: "Phó Tổng tư lệnh quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy, thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta". Hiểu biết một cách sâu sắc vai trò, vị trí của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng nói chung và trong tham gia chính quyền nói riêng, Bác Hồ không chỉ dừng ở đánh giá, mà điều quan trọng hơn là Người đã đặt trách nhiệm của Đảng ta muốn thật sự giải phóng phụ nữ thì phải bằng những pháp luật, chính sách, biện pháp cụ thể: "Từ nay, các cấp Đảng, chính quyền địa phương khi giao công tác cho phụ nữ, phải căn cứ vào trình độ của từng người và cần phải tích cực giúp đỡ phụ nữ nhiều hơn nữa", “phải thật sự giảiphóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ", "Đảng và Chính phủ cần phải có kếhoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo”. Hồ Chí Minh còn là một lãnh tụ luôn cho rằng: không ai thấu hiểu phụ nữ bằng phụ nữ, muốn vận động, bảo vệ, hỗ trợ phụ nữ phải thành lập tổ chức của phụ nữ. Ngay từ những năm hai mươi của thế kỷ XX trong cuốn “Đường cách mệnh”, Hồ Chí Minh đã nói: “muốn thế giới cách mệnh thành công, thì phải vận động đàn bà con gái công nông các nước. Vì vậy Đệ tam Quốc tế tổ chức phụ nữ quốc tế... Mỗi Đảng cộng sản phải có một Bộ phụ nữ trực tiếp thuộc về phụ nữ quốc tế”
.
Có thể nói rằng, theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vai trò của phụ nữ Việt Nam, vai trò tổ chức của phụ nữ được đề cao trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội; phụ nữ Việt Nam được tạo điều kiện để tham gia vào bộ máy điều hành và quản lý đất nước.
 
Rất tôn trọng phụ nữ, đánh giá đúng vai trò của phụ nữ, song Bác Hồ cũng rất nghiêm khắc đối với phụ nữ. Người nhắc nhở phụ nữ phải ý thức được vai trò, vị thế của mình mà phấn đấu cho mình và cho dân tộc. Người nói: “Đảng, Chính phủ và Bác mong phụ nữ tiến bộ nhiều hơn nữa. Hiện nay trong các ngành, số phụ nữ tham gia còn ít”. Vì vậy, Người nhắc nhở phụ nữ“không nên ỷ lại vào Đảng, Chính phủ mà phải quyết tâm học tập, phát huy sáng kiến, tin tưởng ở khả năng mình, nâng cao tinh thần tập thể, đoàn kết giúp đỡ nhau để giải quyết mọi khó khăn trong công tác chính quyền”, "phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu; phải xóa bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ty; phải phát triển chí khí tự cường, tự lập". Người đã chỉ cho phụ nữ Việt Nam thấy rằng, muốn có sự bình đẳng thật sự, không nên chỉ trông chờ vào người khác mà “bản thân chị em phụ nữ phải có chí khí tự cường tự lập, phải đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình”.


Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò, vị trí to lớn của phụ nữ Việt Nam. Người luôn gắn nhiệm vụ giải phóng phụ nữ với giải phóng giai cấp, giảiphóng dân tộc, giải phóng con người. Người khẳng định rằng, trong chế độ xã hội chủ nghĩa, Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội phải thật sự quan tâm đến phụ nữ; hỗ trợ, tạo điều kiện để người phụ nữ phát huy tối đa tài năng, tiềm lực của mình; đồng thời người phụ nữ muốn tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc thật sự thì phải có ý chí, có quyết tâm, tích cực học tập, rèn luyện để có đủ đức, tài tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội./.

Theo Website Hội LHPN Việt Nam
Các tin khác
Xem tin theo ngày