Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.871.386
Truy câp hiện tại 98
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Tình hình thế giới năm 2009 sẽ phụ thuộc vào những sự kiện lớn nào?
Ngày cập nhật 25/02/2009
Năm 2009 được dự báo chung là một năm rất khó khăn đối với kinh tế thế giới.

Mới bước vào năm 2009 chưa đầy 2 tháng, nhưng thế giới đã chứng kiến những động thái, những sự kiện về kinh tế, chính trị, an ninh, quân sự, ngoại giao, môi trường... mà diễn biến của nó chắc chắn sẽ tác động đến nhiều nước, đến cuộc sống của mọi người dân trên hành tinh này, chỉ có điều ở những mức độ khác nhau mà thôi.

1. Triển vọng vượt qua khủng hoảng tài chính toàn cầu

Năm 2009 được dự báo chung là một năm rất khó khăn đối với kinh tế thế giới do chưa thoát khỏi khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tại Diễn đàn kinh tế thế giới với chủ đề “Định hình thế giới sau khủng hoảng” diễn ra từ 28-1 đến 1-2-2009 tại Đa-vốt (Thụy Sỹ), dư luận được chứng kiến những dự báo không mấy lạc quan. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo tăng trưởng của thế giới năm 2009 sẽ chậm nhất trong vòng 60 năm trở lại đây, với mức tăng 0,5%.

Do khủng hoảng, số doanh nghiệp bị phá sản, dự tính, sẽ nhiều hơn, tình trạng thất nghiệp sẽ tăng lên nhanh chóng và các nền kinh tế xoay như chong chóng trong nỗ lực tự cứu mình. Những lời kêu gọi: phải cải cách hệ thống tài chính và trật tự của kinh tế thế giới, phản đối chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch trong các phương án cứu trợ kinh tế của một số nước, thúc đẩy vòng đàm phán Đô-ha v.v.. liên tục được đưa ra.

So với đại suy thoái 1929-1933, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế hiện nay có rất nhiều điểm khác biệt. Khi đó, nền kinh tế chưa toàn cầu hoá nên để vượt qua đại suy thoái kinh tế, chủ yếu chỉ cần sự nỗ lực riêng lẻ của từng quốc gia. Ngày nay, trong điều kiện toàn cầu hoá, nền kinh tế của mỗi quốc gia là một bộ phận của nền kinh tế thế giới, nên các quốc gia đều nhận thấy cần phải có sự phối hợp hành động mới thoát khỏi thảm hoạ của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Biện pháp các quốc gia đưa ra đều giống nhau ở một điểm là sự can thiệp của nhà nước thông qua các gói kích thích kinh tế, tuy nhiên, việc triển khai ở từng quốc gia lại dẫn đến những bất đồng, phản ứng, bởi “chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch” đang có dấu hiệu quay trở lại, làm ảnh hưởng đến tự do hóa thương mại. Những nước có nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu sẽ chịu tác động tiêu cực khi hàng rào bảo hộ mậu dịch của các nước khác được dựng lên.

2. Quan hệ của Mỹ với “phần còn lại” của thế giới

Có thể thấy, mối quan hệ này, dưới chính quyền mới sẽ được thực hiện bằng một biện pháp mới: mềm dẻo, chuyển từ chiến lược ngoại giao đơn phương sang đa phương. Trên cơ sở đó, Mỹ sẽ củng cố quan hệ với các nước lớn và các đồng minh của Mỹ; giải quyết các “điểm nóng” trên thế giới bằng nỗ lực tổng hợp chính trị, ngoại giao, kinh tế và quân sự; củng cố lại quân đội Mỹ sau những năm tháng suy giảm sức mạnh vật chất và tinh thần trong hai cuộc chiến tranh kéo dài ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan.

Trong quan hệ của Mỹ với “phần còn lại” của thế giới, nổi lên các nhóm sau:

Quan hệ Mỹ - Nga. Đây là quan hệ phức tạp nhất, khó giải quyết nhất, vì trong đó đan xen những mâu thuẫn mới phát sinh với tàn dư của cuộc “chiến tranh lạnh” giữa Mỹ và Liên Xô trước đây.

Hiện nay, trong quan hệ với Nga, Mỹ tỏ ra sẽ tăng cường các cuộc tiếp xúc mang tính đối thoại, xây dựng hơn là đối đầu. Một trong những ưu tiên hàng đầu của Tổng thống B.Ô-ba-ma trong quan hệ với Nga năm 2009 được thể hiện trong buổi họp báo đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ rằng, Oa-sinh-tơn sẵn sàng đàm phán với Mát-xcơ-va về một hiệp ước mới nhằm cắt giảm tới 80% số lượng vũ khí tiến công chiến lược; Mỹ và Nga sẽ đi đầu trong quá trình ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân. Hai nước sẽ tiến hành đàm phán để ký kết hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân tiến công chiến lược sẽ hết hiệu lực vào tháng 12-2009, và Hiệp ước mới này, theo ông B.Ô-ba-ma, sẽ có các nội dung pháp lý buộc các bên phải thực sự cắt giảm vũ khí có thể kiểm soát được. Đây có thể coi là tiến bộ có tính đột phá trong quan hệ Mỹ - Nga. Động thái đầu tiên để hiện thực hóa tuyên bố trên là Tổng thống B.Ô-ba-ma sẽ tạm ngừng kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa ở Đông Âu. Đầu tháng 2-2009, tân Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ry Clin-tơn tuyên bố: trong năm 2009, Oa-sinh-tơn có thể sẽ xem xét lại quan điểm về việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) ở Đông Âu, và, việc xem xét đó tuỳ thuộc vào quan điểm của I-ran, thái độ của Mat-xcơ-va đối với Tê-hê-ran trong vấn đề hạt nhân của I-ran.

Về phía Nga, Tổng thống Đ.Met-vê-đép tuyên bố, Nga sẵn sàng đàm phán với Mỹ về nhiều vấn đề trong quan hệ hợp tác song phương, chứ không chỉ vấn đề giải trừ trang bị. Đáp lại việc Oa-sinh-tơn tạm ngừng kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa ở Đông Âu, Nga sẽ rút lại kế hoạch bố trí tên lửa I-xcan-đơ ở Ca-li-nin-grat. Nga cũng sẽ nỗ lực giúp Mỹ ổn định tình hình ở Áp-ga-ni-xtan. Bằng chứng là, Tổng thống Đ.Met-vê-đép đã tuyên bố, Nga sẵn sàng hợp tác với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố ở Áp-ga-ni-xtan.

Những động thái nói trên của Mỹ và Nga cho thấy, mối quan hệ giữa hai nước có thể diễn ra theo chiều hướng hòa dịu.

Trong quan hệ với Trung Quốc, Mỹ khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ này: “Quan hệ Mỹ - Trung sẽ trở thành quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới trong thế kỷ XXI”. “Mối quan hệ đó có ý nghĩa sống còn đối với hòa bình và sự thịnh vượng không chỉ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà trên toàn thế giới”.

Mỹ sẽ tăng cường hợp lực với Trung Quốc để vượt qua khủng hoảng tài chính, bởi Mỹ là nước “xuất khẩu” đồng USD duy nhất trên thế giới, còn Trung Quốc là “công xưởng lớn nhất của thế giới”, giúp Trung Quốc thu về khối lượng ngoại tệ dự trữ bằng đồng USD lớn nhất thế giới.

Trung Quốc là nước chủ nhà của Cuộc đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên nên có vai trò rất quan trọng trong quá trình phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên. Chính quyền mới của Mỹ mong muốn các cuộc đối thoại với Trung Quốc được mở rộng sang cả các lĩnh vực khác thay vì chỉ chú trọng tới kinh tế như trong chính quyền tiền nhiệm. Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn tuyên bố, Mỹ và Trung Quốc cần có các cuộc đối thoại toàn diện, và cam kết sẽ hợp tác với Nhà Trắng, Bộ Tài chính, các cơ quan khác của Mỹ để xây dựng ''một cách tiếp cận toàn diện hơn'' phù hợp với vai trò quan trọng của Trung Quốc trong khu vực và quốc tế đối với các vấn đề chủ chốt.

Việc bà Hi-la-ri Clin-tơn chọn Trung Quốc là một trong những điểm đến của chuyến công du đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng của mình là một sự khẳng định thái độ của chính quyền mới của Mỹ đối với Trung Quốc. Tân Ngoại trưởng đã phát biểu rằng, Mỹ và Trung Quốc có thể được lợi cũng như đóng góp vào thành công của nhau, việc hai nước hợp tác với nhau, cùng nhau chia sẻ những cơ hội và mối lo ngại chung là “nằm trong lợi ích của Mỹ”, và, "Thậm chí, giữa hai nước có nhiều bất đồng, Mỹ vẫn cam kết theo đuổi một mối quan hệ tích cực với Trung Quốc, một điều mà chúng tôi tin là vô cùng quan trọng đối với hòa bình, sự tiến bộ và thịnh vượng trong tương lai của nước Mỹ", bà Hi-la-ri khẳng định.

Trong quan hệ với các nước đồng minh, Mỹ sẽ hàn gắn lại quan hệ với các đồng minh đã từng bị tổn thương sau cuộc chiến tranh I-rắc và sự bất đồng liên quan đến việc mở rộng NATO. Dư luận vẫn chưa quên tuyên bố của cựu Ngoại trưởng Mỹ C.Rai-xơ sau cuộc chiến tranh I-rắc do Mỹ phát động năm 2003 là “Mỹ sẽ tha thứ cho nước Đức, không cần để ý đến quan điểm của Nga và sẽ trừng phạt nước Pháp”.

Ở châu Á, Mỹ sẽ thắt chặt quan hệ với các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a với chiến lược hướng tới châu Á của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma.

Chính sách đối ngoại của Tổng thống B.Ô-ba-ma, theo các nhà bình luận quốc tế, sẽ tạo ra những động thái mới đối với tình hình chính trị thế giới.

3. Khả năng, triển vọng giải quyết các điểm nóng của thế giới

Thứ nhất, việc ổn định tình hình ở Áp-ga-ni-xtan. Ngay trong những ngày đầu tháng 2-2009, trong chuyến công du một số nước ở Nam Á, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun đã tới Áp-ga-ni-xtan. Ông tuyên bố, đối với Liên hợp quốc, Áp-ga-ni-xtan sẽ là một trong nhưng ưu tiên trong năm 2009, xuất phát từ tình hình an ninh ở quốc gia này đang ở mức tồi tệ nhất kể từ khi chế độ Ta-li-ban bị lật đổ năm 2001. Theo thống kê của lực lượng liên quân, Ta-li-ban không ngừng gia tăng các vụ tấn công với tần suất hàng năm khoảng 400-500 vụ. Còn đối với Mỹ, ngay sau khi nhậm chức, tân Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma cũng tuyên bố rằng, Áp-ga-ni-xtan sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền mới ở Oa-sinh-tơn. Mỹ đang có kế hoạch tăng gấp đôi số lính Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan lên 60.000 quân trong vòng 12-18 tháng tới.

Nhiều người bình luận rằng, sự lựa chọn Áp-ga-ni-xtan thể hiện một “tầm nhìn chiến lược” của nước Mỹ bởi quốc gia Trung Á này nằm lọt giữa “tam giác chiến lược” gồm Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Áp-ga-ni-xtan là đầu mối cuối cùng trong vòng cung chiến lược của Mỹ, kéo dài từ Cô-xô-vô ở Ban Căng, qua Gru-di-a ở phía Nam Cáp-ca, đến Trung Á. Tại Cô-xô-vô, Mỹ đã có ảnh hưởng khá vững chắc; với Gru-di-a, Mỹ đã ký kết Hiệp định đối tác chiến lược. Nếu kiểm soát được Áp-ga-ni-xtan, Mỹ sẽ kiểm soát được vòng cung chiến lược xuyên Âu - Á.

Vì thế, Áp-ga-ni-xtan sẽ là thách thức lớn nhất mà ông Ô-ba-ma phải đương đầu ngay trong năm 2009 - năm cầm quyền đầu tiên ở Nhà Trắng. Với sự lựa chọn Áp-ga-ni-xtan, nước Mỹ đã ngồi vào “bàn cờ lớn” của thế kỷ XXI.

Thứ hai, giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Ngay trong những tuần đầu tiên của năm 2009, CHDCND Triều Tiên liên tiếp đưa ra những tuyên bố như “chiến tranh có thể sẽ nổ ra trên bán đảo Triều Tiên”, “sẽ tiến hành đối đầu toàn diện với Hàn Quốc”, hoặc “không bao giờ đơn phương từ bỏ vũ khí hạt nhân”. Có nhiều động thái chứng tỏ, CHDCND Triều Tiên đang ráo riết chuẩn bị thử tên lửa đạn đạo Tê-pô-đông-2 với tầm bắn 6.700km, hoàn toàn có khả năng vươn tới mục tiêu ở miền Tây nước Mỹ. Diễn biến mới này đang đẩy mối quan hệ liên Triều cũng như triển vọng phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên đi vào giai đoạn bế tắc mới. Vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên là hậu quả của cuộc chiến tranh Triều Tiên do Mỹ gây ra cách đây gần 60 năm. Do đó, để giải quyết căn bản vấn đề này, vai trò của Mỹ có tính quyết định. Liệu với chiến lược “thay đổi”, tân Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma có tạo ra đột phá mới so với những Tổng thống Mỹ tiền nhiệm?

Thứ ba, vấn đề hạt nhân của I-ran. Đầu tháng 2-2009, 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức đã có cuộc gặp cấp cao để tham vấn về các chính sách đối với I-ran. Đây là cuộc tham vấn thường niên, nhưng có ý nghĩa đặc biệt vì diễn ra sau khi nước Mỹ có chính quyền mới. Tân Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã từng công khai tuyên bố về việc sẽ đối thoại trực tiếp với I-ran để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân, một quan điểm đi ngược lại với người tiền nhiệm là bao vây và cô lập. Các nước và I-ran đang chờ xem Tổng thống B.Ô-ba-ma sẽ thể hiện quan điểm này ra sao và có những bước đi cụ thể nào trong thực tế. I-ran cũng chưa tỏ rõ dấu hiệu chấp nhận đối thoại song phương vô điều kiện với Mỹ như giới phân tích dự báo. Tê-hê-ran đang đặt ra những điều kiện cứng rắn như yêu cầu Oa-sinh-tơn phải đưa ra lời xin lỗi sau hàng thập kỷ tiến hành chính sách thù địch đối với I-ran.

Tháng 6-2009, tại I-ran sẽ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống. Vì thế, việc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân này có thể sẽ có bước ngoặt trong năm 2009. Hiện chưa thể khẳng định được sự thay đổi của chính quyền ở Mỹ và cả của I-ran vào tháng 6-2009 sẽ có tác động ra sao tới tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân của I-ran.

Vấn đề giải giáp hạt nhân của I-ran được đánh giá là phức tạp hơn rất nhiều so với vấn đề phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên bởi nó liên quan đến chiến lược của các nước lớn đối với Trung Đông, trong đó I-ran là một tâm điểm. Chủ trương lâu dài của Mỹ không chỉ là vấn đề hạt nhân của I-ran mà còn nhiều vấn đề khác liên quan đến chiến lược toàn cầu của Mỹ ở khu vực này. Đây sẽ là một bài toán có thể có cách giải mới, đầy bất ngờ, trong năm 2009.

Thứ tư, vấn đề I-rắc. Đầu tháng 2-2009, kết quả sơ bộ cuộc bầu cử hội đồng địa phương ở I-rắc đã được công bố, theo đó Liên minh Nhà nước luật pháp của Thủ tướng Nu-ri An Ma-li-ki giành thắng lợi trước các chính đảng cũng thuộc dòng Hồi giáo Si-ai khác. Đây là thắng lợi quan trọng củng cố thêm vị thế của ông Ma-li-ki trước cuộc bầu cử Quốc hội I-rắc sẽ được tổ chức vào cuối năm 2009. Dư luận quốc tế và I-rắc cho rằng, dường như Thủ tướng Nu-ri An Ma-li-ki đã vượt qua được cuộc "sát hạch" về vai trò lãnh đạo cũng như khả năng kiểm soát tình hình đất nước sau khi quân Mỹ bắt đầu rút quân. Tuy nhiên, cục diện chính trị ở I-rắc vẫn là một ẩn số ở quốc gia Trung Đông vốn đầy bất ổn và mâu thuẫn tôn giáo.

 4. Kết quả bầu cử tại một số nước

Năm 2009, trên thế giới sẽ diễn ra một số cuộc bầu cử hứa hẹn sẽ mang lại những thay đổi lớn. Vào tháng 5-2009, dự kiến sẽ diễn ra cuộc tổng tuyển của Ấn Độ - đất nước đông dân thứ 2 thế giới và đang ngày càng nổi lên như một nền kinh tế động lực toàn cầu. Sự cạnh tranh giữa đảng cầm quyền Quốc Đại và đối thủ lớn nhất là đảng Dân tộc Hindu BJP vẫn chưa phân định ưu thế nghiêng về bên nào. Theo nhận định của giới phân tích, bất cứ chính phủ mới nào lên cầm quyền vẫn sẽ theo đuổi đường lối phát triển đã được định hình từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, nhằm đưa Ấn Độ trở thành cường quốc trong thế kỷ XXI. Còn việc xử lý mối quan hệ chưa bao giờ ấm nồng với nước láng giềng Pa-ki-xtan vẫn là một ẩn số, phụ thuộc vào mối quan hệ với các nước lớn, trước hết là Mỹ.

Tại Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, năm 2009 có thể sẽ là năm quyết định đối với Đảng cầm quyền Dân chủ tự do LDP. Họ có tiếp tục giành được quyền lãnh đạo đất nước như trong mấy thập kỷ vừa qua, hay phải nhường chỗ cho đảng đối lập là Đảng Dân chủ DPJ trong cuộc bầu cử Hạ viện sắp tới. Những khó khăn kinh tế và sự ra đi liên tiếp của 3 vị thủ tướng thuộc đảng Dân chủ tự do LDP trong 2 năm trở lại đây đang tạo lợi thế rất lớn cho đảng Dân chủ DJP. Tuy vậy, uy tín của LDP vẫn lớn trên chính trường Nhật Bản vì họ luôn giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử và liên tục cầm quyền từ năm 1955 đến nay, chỉ trừ 10 tháng quyền lực rơi vào tay lực lượng đối lập.

Ngoài cuộc bầu cử tại hai nước lớn ở châu Á, năm 2009 cũng là năm diễn ra nhiều cuộc bầu cử quan trọng tại các nước như I-ran, I-rắc, I-xra-en, Áp-ga-ni-xtan v.v.. Những cuộc bầu cử này không chỉ có ý nghĩa chính trị nội bộ của từng nước, mà nó còn có tác động trực tiếp tới quá trình giải quyết các “điểm nóng” trên thế giới trong năm 2009./.

Nguồn tạp chí Cộng sản số 4(172) năm 2009.

Các tin khác
Xem tin theo ngày