Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.869.519
Truy câp hiện tại 5.503
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Chuyện kể dưới tán rừng thiêng (bài cuối)
Ngày cập nhật 21/12/2009

Bài 5: Chuyện hai người đội viên còn lại

65 năm, khoảng thời gian đủ làm nên bao dâu bể, nên khi thực hiện loạt bài viết này, chúng tôi phải chủ yếu dựa trên những tư liệu và nhân chứng thuộc thế hệ hậu sinh thời “34 chiến sĩ”. Lặn lội khắp Cao Bằng, tìm hỏi 34 chiến sĩ ngày ấy ai còn sống, chúng tôi không tìm được ai. Qua nhiều thông tin chắp nối, mới hay còn hai cụ, một ở Tuyên Quang, một ở tận Lâm Đồng...

Nếu ba anh em tôi được gặp nhau thì tốt quá!

Vợ chồng ông Hà Hưng Long.

Sau 4 giờ chạy xe từ Hà Nội, chúng tôi có mặt tại thị xã Tuyên Quang khi những tia nắng của buổi đông đã ở đỉnh đầu. Được sự giúp đỡ của anh Đặng Thế Cương, cán bộ Trung đoàn H47, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, chúng tôi lên đường đến nhà ông Hà Hưng Long ngay. Một ngôi nhà nhỏ xinh xắn nằm ở ngoại ô thị xã dần hiện ra. Anh Cương bảo: “Nơi đây là thôn Hưng Kiều 2, xã An Tường trước thuộc huyện Yên Sơn nay thuộc thị xã Tuyên Quang”. Do đã hẹn trước nên ông Hà Hưng Long và vợ ông, bà Phùng Thị Lương đều ở nhà để chờ khách. Sau cái bắt tay thật chặt và thân tình, giọng ông Long sang sảng: “Chuyện về Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân à? Ái dà, lâu quá rồi, không biết ai còn, ai mất, nhớ, nhớ lắm!”.

Uống một ngụm trà, ông kể: “Tôi sinh ở bản Gia Tự, xã Nam Tiến, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Gia đình đông con lắm, cả thảy là 7 người, tôi thứ 5. Năm 1941 khi Mặt trận Việt Minh được thành lập, tôi được anh Nguyễn Bằng Giang (người ở Nước Hai, Cao Bằng; sau này là Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 10-TG) dìu dắt và tham gia cách mạng khi vừa bước sang tuổi 17. Sau đó, tôi được tổ chức cử đi học ở Trường Võ bị Hoàng Phố (Trung Quốc). Cùng học đợt ấy có các anh Hoàng Văn Thái, Đàm Quang Trung, Hoàng Minh Thảo, Nam Long… Tháng 10-1944 thì về nước và 2 tháng sau được chọn là một trong 34 chiến sĩ tham gia lễ ra mắt và tuyên thệ của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, theo chỉ thị của Bác Hồ. Buổi lễ ấy giản dị nhưng trang nghiêm và xúc động, ai nấy đều ý thức được vinh dự và trách nhiệm của mình”.

Sau Phai Khắt, Nà Ngần, ông Hà Hưng Long còn tham gia trận đánh thứ ba đánh đồn Đồng Mu của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Đầu năm 1945, ông được đi cùng tổ với các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái xuống vùng chợ Rã, chợ Đồn, Bạch Thông (Bắc Cạn); sau đó qua chợ Chu (Thái Nguyên) rồi lên Sơn Dương (Tuyên Quang).

Cách mạng Tháng Tám thành công, ông chỉ huy đại đội giải phóng quân tỉnh Bắc Cạn, đi trấn áp bọn Tưởng Giới Thạch ở Yên Bái, Tuyên Quang và Hà Giang. “Lửa thử vàng” và ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong những ngày khó khăn ấy. Không chỉ có vậy mà thời điểm này, ông còn có hai niềm vui lớn, là được kết nạp vào Đảng và... lấy vợ.

Chỉ vào người bạn đời đang ngồi bên cạnh, ông bảo: “Tôi gặp vợ tôi khi bà đang là cán bộ Việt Minh tỉnh Hà Giang. Năm 1948, chúng tôi tổ chức cưới ở Tuyên Quang vì đấy là quê gốc của bà ấy. Đám cưới kháng chiến chỉ có chè và thuốc thôi nhưng vui lắm. Ông Song Hào, Chính ủy Liên khu 10 đứng lên tổ chức, còn ông Chủ tịch Tuyên Quang làm chủ hôn. Ở với nhau được vài ngày, bà ấy lại lên Hà Giang công tác, tôi làm chính trị viên tiểu đoàn thuộc Trung đoàn Hà Tuyên, sau đó làm Trưởng ban cán bộ Liên khu 10”.

Nãy giờ nghe chồng kể chuyện xưa, bà Lương cười rất tươi, thỉnh thoảng nhắc vài chi tiết mà ông quên. Bà tâm sự: “Mang tiếng là vợ chồng nhưng ông ấy cứ đi suốt. Nhất là giai đoạn 1951-1954, ông làm binh trạm trưởng vận tải của hầu hết các chiến dịch lớn cho đến chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau đó lại về làm Đội trưởng đội ca-nô Hồng Hà. Dù vất vả nhưng chúng tôi luôn động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ mà đoàn thể giao”.

Năm 1958, ông Hà Hưng Long chia tay quân đội về nhận nhiệm vụ tại Bộ Công nghiệp với các chức danh Phó giám đốc mỏ than Quán Triều, Giám đốc nhà máy gạch chịu lửa Tuyên Quang, Phó ban công nghiệp tỉnh. Trước khi nghỉ hưu, ông là Giám đốc Sở Công nghiệp tỉnh Hà Tuyên. Ông tự hào khoe: “Vợ chồng tôi cưới nhau đã 61 năm và cũng có ngoài 60 năm tuổi Đảng rồi. Chúng tôi có 7 con thì 5 đứa tham gia quân ngũ đấy”.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Long đọc vanh vách tên, kể cả bí danh và quê quán của hầu hết anh em trong Đội ngày trước. Ông nhiều lần nhắc đến đội trưởng Hoàng Sâm. Ông kể: Anh Sâm là người Kinh quê ở Quảng Bình, nhưng nói tiếng Tày, tiếng Nùng rất giỏi. Trước khi về hoạt động cách mạng ở Cao Bằng anh ấy đã hoạt động ở quê. Bị giặc bắt giam, vượt ngục chạy trốn, sang Lào, sang Thái Lan, sang đến Trung Quốc vẫn bị truy lùng. Cuối cùng, anh phải chạy về Cao Bằng. Anh Sâm đối xử với chúng tôi như anh em ruột và rất quý trọng đồng bào dân tộc thiểu số.

“Lâu nay, bác có gặp lại Đại tướng Võ Nguyên Giáp và anh em ở Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân xưa không?”, tôi hỏi. “Cũng lâu rồi không được gặp anh Cả Võ Nguyên Giáp. Lần gần nhất là vào năm 2004, tôi được về Hà Nội dự kỉ niệm 22-12, được gặp và chụp ảnh với Đại tướng. Hôm ấy, Đại tướng rất vui, cầm tay tôi và nói: “Tôi với cậu Long chụp chung một kiểu, không biết bao giờ có dịp”. Tôi theo dõi trên ti vi, rất mừng vì đến nay anh Cả vẫn khỏe. Còn anh em cũ, tôi cũng không được biết thông tin. Mấy năm trước, tôi nghe nói chỉ còn tôi, anh Bế Kim Anh ở Cao Bằng và anh Tô Văn Cắm đang sống ở tận Lâm Đồng. Nhưng hình như anh Bế Kim Anh cũng mất rồi. Nếu vậy, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân xưa, giờ chỉ còn tôi và anh Cắm thôi. Nếu Bộ Quốc phòng bố trí cho anh em tôi được gặp Đại tướng  trong dịp 22-12 năm nay thì tốt quá!”.

Người bản Um trên cao nguyên đất đỏ

Vợ chồng ông Tô Văn Cắm.

Người thứ hai trong Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân mà chúng tôi tìm gặp được là cụ Tô Văn Cắm, sinh năm 1922 ở bản Um, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, hiện đang sống tại  thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng. Theo tài liệu của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, ông còn có bí danh là Tô Tiến Lực, Tô Đình Lực, vốn là một thanh niên “lì lợm và có chút ngang ngạnh, tuy chưa trải qua trường quân sự bài bản nào nhưng lại rất thông thạo địa hình, am hiểu địch…”. Trước khi gia nhập Đội, ở tuổi 19, ông từng tham gia và vận động được 10 hội viên Hội Cứu quốc. Ngày 22-12-1944, ông là đại diện của Đội vũ trang xã Tam Kim vinh dự được cử tham gia Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Ông cũng là người tham gia đủ cả 3 trận đánh đầu tiên: Phai Khắt, Nà Ngần, Đồng Mu. Khi phong trào Nam tiến phát triển sau Nam Bộ kháng chiến, cả 3 anh em ông đều có mặt trong đoàn quân Nam tiến. Chỉ tiếc là vào Nam, sau một trận đánh bị thương nặng, năm 1946, ông đã phải xuất ngũ, trở về địa phương. Nhưng cũng chỉ một năm sau, khi giặc Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn, từ quê nhà, Tô Tiến Lực lại xung phong tái ngũ. Ông đã tham gia chiến dịch Biên giới 1950 với vai trò là trung đội trưởng phòng không. Trong trận đánh đồn Đông Khê lần thứ hai, ông bị thương nặng. Lần này, vết thương đã buộc ông phải chia tay với binh nghiệp khi tuổi còn rất trẻ, trở về với miền quê bên khu rừng Trần Hưng Đạo có biết bao kỉ niệm… Năm 1992, ông và gia đình vào lập nghiệp ở Lâm Đồng khi đã vào tuổi “xưa nay hiếm”.

Ở tuổi 87, giờ đây, mái đầu  bạc trắng nhưng ông Tô Văn Cắm vẫn mạnh khỏe, nước da hồng hào, một lão nông luôn lạc quan, yêu đời dù cuộc sống trên quê hương mới, vùng cao nguyên Lâm Đồng còn nhiều khó khăn vất vả. Nhắc lại chuyện xưa, mắt ông như vụt sáng, trở về với kí ức hào hùng: “Năm 1941, tôi bắt đầu tham gia cách mạng. Hồi đó tình hình gay lắm, bọn giặc khủng bố, đàn áp rất dữ. Bọn Tây về chiếm căn nhà xây của ông Lạc ở xã tôi làm đồn. Ở trên Cao Bằng hiếm muối lắm. Thằng Tây rao rằng: “Thằng nào lấy được một đầu Việt Minh được 300kg muối!”. Năm 1942, đồng chí Võ Nguyên Giáp (lúc ấy lấy tên là Văn) và đồng chí Lê Thiết Hùng lên Cao Bằng mở Lớp tuyên truyền võ trang lấy tên là Trường Cao-Bắc-Lạng (tại bản Um, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình) và tuyển mộ nam nữ thanh niên từ 18 tuổi trở lên ở Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn về tập huấn… Người dân ở xã tôi (tức xã Tam Kim) giác ngộ cách mạng lắm. Thấy mở trường luyện quân là họ mang ngô, mang gạo đến ủng hộ để nuôi những người từ xa đến. Trường hoạt động đến cuối năm 1942 thì bị lộ, phải giải tán ai về địa phương nấy để vận động xây dựng phong trào. Năm 1944, Bác Hồ lệnh cho đồng chí Văn thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân gồm 34 đội viên là những người ưu tú đã từng học ở Lớp tuyên truyền võ trang. Riêng ở xã Tam Kim chỉ 2 người được chọn là tôi và đồng chí Nông Văn Kiểm.

Ông kể chúng tôi nghe về trận Phai Khắt với chi tiết thật thú vị: “Lúc đó có bé Hồng làm liên lạc. Bé Hồng bảo: “Thằng Tây không có ở đây. Nó đang đi đâu đó. Súng đạn cho vào đồn hết rồi…”. Vì muốn bắt cả bọn cai Tây nên chúng ta phải nán lại chờ. Đến khoảng hơn 4 giờ chiều ngày 25-12 vẫn không thấy; chúng ta quyết định xông vào đồn. 34 chiến sĩ mỗi người thủ sẵn 2 sợi dây thừng ập vào đột ngột. Lúc đó, bọn lính dõng vừa ăn cơm xong, đang tụ tập đánh cờ, không trở tay kịp nên bị ta bắt trói cả. Riêng tên xã đoàn trưởng chui vào chuồng lợn trốn – thằng này tên Phù, khủng bố cách mạng dữ lắm. Tôi quát: “Lên đi, không tao bắn chết”. Nó khiếp quá loi ngoi bò lên, người lấm lem phân lợn…

Gặp lại ông Cắm bên ngôi nhà tình nghĩa khang trang do địa phương xây tặng, tôi lại bồi hồi nhớ lần ghé thăm ông 5 năm trước tại ngôi nhà nhỏ lụp xụp chỉ chừng 20m2 giữa cánh đồng hoang vắng. Nay cuộc sống đã khấm khá hơn. Hôm tôi đến, ông vừa đi dự hội nghị đồng bào các dân tộc thiểu số trên huyện. Tôi hỏi ông, có kỉ niệm nào đáng nhớ nhất kể từ sau ngày gia nhập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Đôi mắt người lính già rưng rưng:

- Có chứ! Đó là lần tôi được gặp lại anh Văn vào năm 2000. Hồi ấy, Đại tướng đang đi công tác ở các tỉnh phía Nam, dừng chân tại Bộ Tư lệnh Quân khu 7. Ai ngờ, sau mấy chục năm, anh Văn vẫn nhớ tôi. Khi biết tôi đang ở Lâm Đồng, anh yêu cầu gặp ngay. Không những thế, Đại tướng còn gọi ngay tên cũ của tôi là… Tiến Lực và hỏi tôi bằng tiếng Tày: “Bây giờ Tiến Lực làm gì, cuộc sống ra sao?”.

Ông hơi buồn vì mình chỉ là một nông dân bình thường, nghèo quá nên phải đi xa lập nghiệp nhưng Đại tướng lại động viên ông: “Làm nghề gì cũng quý Tiến Lực à. Cái chính là phải giữ vững truyền thống Anh hùng của quê hương, của anh Bộ đội Cụ Hồ”.

Tuổi xế chiều, sức khỏe giảm đi nhiều nhưng ông ham làm, đúng chất một người nông dân thứ thiệt. Vác cuốc ra đồng, ra vườn cùng con cháu. Ông kể hôm đi dự hội nghị đồng bào các dân tộc thiểu số, ban đầu cũng không nhiều người biết ông là ai, chỉ đến khi ban tổ chức giới thiệu ông là người thuộc “34 chiến sĩ” thì cả hội trường vỗ tay nhiệt liệt, nhiều bạn trẻ lúc giải lao chạy đến bên ông xin chụp ảnh, trầm trồ ngưỡng mộ.

Nghe ông hồn nhiên kể mà tôi thầm nghĩ, thì cũng như bao người lính Bộ đội Cụ Hồ từng làm nên huyền thoại, họ đã hòa vào cuộc sống đời thường quanh ta, bình dị đến mức khó nhận biết họ đã sống những năm tháng hào hùng, đã góp phần làm nên lịch sử…

Bài và ảnh: TRẦN HOÀNG TIẾN-NGUYỄN CHÍ LONG-NGUYÊN MINH

Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân
Các tin khác
Xem tin theo ngày