Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.870.808
Truy câp hiện tại 508
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Tầm cao mới trong quan hệ Việt – Mỹ
Ngày cập nhật 12/09/2023

Tuyên bố chung thiết lập Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được ký kết giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden đánh dấu bước phát triển vượt trội trong quan hệ hai nước.

Đối tác trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau

Quan hệ đối tác đó tiếp tục dựa trên cơ sở tôn trọng đầy đủ những nguyên tắc cơ bản định hướng cho quan hệ hai nước trong thời gian qua, trong đó có tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế và thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Sự kiện nâng cấp Đối tác chiến lược toàn diện thể hiện Việt Nam chủ động nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ một cách tự nhiên, tiến thêm một bước lớn trong việc thể hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ lâu nay.

Đây là kết quả vượt bậc của mối quan hệ Đối tác Toàn diện đã được lãnh đạo hai nước xác lập cách đây tròn 10 năm.

Việc hai nhà lãnh đạo cấp cao thuộc hai thể chế chính trị khác nhau gặp nhau là một sự kiện có tính biểu tượng.

Nhà Việt Nam học người Úc, GS Carl Thayer, bình luận: “Việt Nam đang theo đuổi sáng kiến ngoại giao nhằm nâng cao quan hệ với đối tác quan trọng lên mức cao nhất”.

Giáo sư Thayer nhận xét thêm, quan hệ kinh tế cần được nâng cấp vì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Hoa Kỳ không phải là một bên tham gia bất kỳ Hiệp định thương mại tự do nào với Việt Nam như CPTPP.

Lịch trình của Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam kín đặc với các hoạt động. Lễ đón Tổng thống Joe Biden được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Lễ đón. Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Hoa Kỳ thăm cấp Nhà nước theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đại sứ Phạm Quang Vinh bình luận, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam là chuyến thăm cấp nhà nước, theo lời mời của Tổng Bí thư, khác với thông thường là Chủ tịch nước mời nguyên thủ.

“Có thể thấy, việc hai nhà lãnh đạo cấp cao thuộc hai thể chế chính trị khác nhau gặp nhau là một sự kiện có tính biểu tượng. Đó không chỉ là quan hệ hai nước mà còn là biểu tượng cho việc tôn trọng lẫn nhau, trong đó có tôn trọng thể chế chính trị của nhau”, ông nói.

Tháng 7/2015 lần đầu tiên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm lịch sử tới Mỹ, Tổng thống Obama và Phó Tổng thống lúc đó là Joe Biden đã tiếp và ra Tuyên bố tầm nhìn về quan hệ hai nước. Sau Đại hội Đảng lần thứ 13, Tổng thống Biden đã chúc mừng Tổng Bí thư tái cử. Tháng 3 vừa qua là điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo.

“Tất cả những điều đó thể hiện rõ hai bên đã trao đổi ở cấp đó rất nhiều. Lần này cũng là sự tiếp tục đó và thể hiện rằng ngoài việc trao đổi giữa 2 nhà lãnh đạo với nhau thì còn thể hiện sự tôn trọng thể chế chính trị lẫn nhau”, đại sứ nói.

Ông nhận xét, quan hệ hai nước còn nhiều không gian để phát triển. Hai nước chia sẻ lợi ích về hợp tác kinh tế, hợp tác khoa học công nghệ, khắc phục hậu quả chiến tranh, hợp tác khu vực và quốc tế… tất cả đều có lợi ích đan xen với nhau, nếu không có đan xen lợi ích thì không thể thúc đẩy hợp tác.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden

Thúc đẩy hợp tác kinh tế và công nghệ sẽ là trọng tâm

Tổng thống Joe Biden trong buổi họp báo ngày 10/9 đã dẫn chứng, chuyện một công ty Việt Nam đã ký một thỏa thuận trị giá 4 tỉ USD để xây dựng nhà máy sản xuất ô tô điện và ắc quy tại tiểu bang Bắc Carolina, tạo ra 7.000 công ăn việc làm.

Các công ty công nghệ Việt Nam có tầm cỡ thế giới đã và sẽ được niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ và hai bên sẽ có thêm nhiều hợp đồng thương mại quan trọng nữa sẽ được ký kết nhân chuyến thăm này.

Kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều liên tục chứng kiến tốc độ tăng trưởng ở mức cao, tăng hơn 275 lần, từ mức khoảng 450 triệu USD cách đây 30 năm lên tới 124 tỷ USD năm 2022.

Hoa Kỳ nhiều năm liên tục là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu và là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng chiếm gần 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi toàn thế giới. Năm 2022, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ.

Thông cáo chung viết, Hoa Kỳ hoan nghênh những bước tiến trong quá trình cải cách kinh tế dựa trên thị trường có ý nghĩa quan trọng của Việt Nam, đồng thời khẳng định sự nhiệt tình và cam kết đối với quá trình phối hợp rộng rãi, mạnh mẽ, mang tính xây dựng và trên tinh thần ủng hộ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và tiến tới công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam theo luật Hoa Kỳ.

Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Phạm Minh Chính dự tọa đàm với các doanh nghiệp

Ngày 8/9/2023, Hoa Kỳ đã nhận được yêu cầu chính thức của Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường. Hoa Kỳ sẽ khẩn trương xem xét yêu cầu này của Việt Nam theo luật định.

Tuyên bố chung cho biết, ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, hai Nhà Lãnh đạo ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam và hai bên sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu.

Việt Nam và Hoa Kỳ tuyên bố khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó Chính phủ Hoa Kỳ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD, cùng với các khoản hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai.

GS Carl Thayer nhận định, đầu tư của Hoa Kì vào ngành bán dẫn Việt Nam và thiết lập một chuỗi cung ứng an toàn và linh hoạt là lĩnh vực phát triển trọng điểm giữa Việt Nam và Hoa Kì. Đầu tư của Mỹ sẽ nhằm mục đích nâng cao năng lực lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip máy tính của Việt Nam. Các lĩnh vực hợp tác khác sẽ tập trung vào chuyển đổi năng lượng xanh và khử cacbon.

Tại Hội nghị cấp cao Việt Nam - Hoa Kỳ về đầu tư và đổi mới sáng tạo tổ chức tại Văn phòng Chính phủ ngày 11/9, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị các tập đoàn bán dẫn như Intel, Amkor, Marvell, Global Foundries và Hiệp hội bán dẫn Hoa Kỳ phát triển hệ sinh thái chip, bán dẫn, phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia để xây dựng trung tâm đào tạo, nghiên cứu phát triển, tiến tới thiết kế các sản phẩm chíp, bán dẫn tại Việt Nam.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Bộ trưởng đề nghị Boeing phát triển hệ sinh thái sản xuất linh kiện, xây dựng Trung tâm bảo dưỡng thiết bị, máy móc máy bay (Hang-Ga) quy mô khu vực tại Việt Nam. Google và các công ty công nghệ đẩy mạnh các hoạt động đổi mới sáng tạo, hợp tác AI và tổ chức các chương trình đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao tại Việt Nam.

Hợp tác Giáo dục Đào tạo và Y tế cũng là các trụ cột, khi đang có tới 30.000 sinh viên Việt Nam theo học tại Mỹ. Ở góc độ hợp tác trong đào tạo y khoa, Tiến sĩ Lisa Cosimi, người phụ trách Trung tâm chăm sóc sức khoẻ với các tổ chức quốc tế tại trường Đại học Harvard cho biết, trong thời gian qua, trường Harvard đã giúp một số trường đại học y của Việt Nam phát triển các lớp học thông minh để đổi mới việc giảng dạy, mở các khóa học về giáo dục đa khoa, hiện đại hóa các phòng thí nghiệm, áp dụng công nghệ và phát triển cơ sở dữ liệu y tế điện tử,… Bà cho rằng, việc hợp tác trong đào tạo y khoa, đặc biệt ở cấp đại học và sau đại học sẽ được tăng cường tới đây, giúp các trường Việt Nam đạt chuẩn quốc tế.

Hàng loạt các hoạt động đối ngoại, kinh tế, giáo dục,... đã được công bố trong Tuyên bố chung. Điều đó thể hiện rất rõ vai trò của Đảng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm hướng đến tương lai tốt đẹp và thịnh vượng hơn trong quan hệ với Hoa Kỳ cũng như với khu vực và thế giới.

Lan Anh (Bài và ảnh: Nguồn Vietnamnet)
Các tin khác
Xem tin theo ngày