Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.868.930
Truy câp hiện tại 5.255
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Tòa án nhân dân tỉnh triển khai luật tố tụng hành chính với những vấn đề mới cơ bản nhất
Ngày cập nhật 20/05/2011

Ngày 20 tháng 5 năm 2011 Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội nghị triển khai Luật tố tụng Hành chính đồng thời phân tích so sánh những điểm mới cơ bản nhất của Luật tố tụng hành chính so với Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, cho toàn thể cán bộ chủ chốt, thẩm phán, thư ký Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Thừa Thiên Huế.
 

Thực hiện chủ trương của Tòa án nhân dân Tối cao về triển khai, quán triệt Luật tố tụng hành chính đã Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII đã thông qua Ngày 24-11-2010, và có hiệu lực từ ngày 01-7-2011, đến tận mỗi một cán bộ, Thẩm phán và thư ký ngành Tòa án.

Qua hội nghị, lãnh đạo tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã phân tích đánh giá những kết quả đạt được và những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính kể từ ngày 01-7-1996 đến nay, có những quy định mâu thuẫn với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật khác (như quy định của Luật khiếu nại, tố cáo, Luật đất đai…).Mặc dù Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính đã được sửa đổi, bổ sung hai lần (lần thứ nhất ngày 25-12-1998 và sửa đổi, bổ sung lần thứ hai ngày 05-4-2006). Những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính đã làm giảm hiệu quả giải quyết các vụ án hành chính của Toà án nhân dân, gây trở ngại cho cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án hành chính để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.  

 Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 02/6/2005 “Về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, trong đó một trong các nhiệm vụ được xác định là: “... mở rộng thẩm quyền xét xử của Toà án đối với các khiếu kiện hành chính; đổi mới mạnh mẽ thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại Toà án; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng, bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước Toà án...”. Nghị quyết số 49-NQ/TW cũng đặt ra yêu cầu: “Xây dựng cơ chế bảo đảm cho mọi bản án của Toà án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành, các cơ quan hành chính vi phạm bị xử lý theo phán quyết của Toà án phải nghiêm chỉnh chấp hành”.
Từ những lý do khách quan nói trên, sự ban hành luật tố tụng hành chính thay thế Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, nhằm bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của cá nhân, cơ quan, tổ chức là hoàn toàn phù hợp Với chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
 Hội nghị cũng đã phân tích so sánh những điểm mới của Luật tố tụng hành chính so với Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, trong đó nhấn mạnh những điểm mới cơ bản nhất đó là:
- Trong Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính đã khái niệm “quyết định hành chính” là quyết định bằng văn bản của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính. Khái niệm này đã dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Có ý kiến cho rằng quyết định hành chính phải là văn bản thể hiện dưới hình thức Quyết định, có ý kiến khác lại cho rằng quyết định hành chính bao gồm cả văn bản thể hiện dưới hình thức khác.

 Để khắc phục tồn tại nêu trên, tại khoản 1 Điều 3 Luật tố tụng hành chính quy định: “Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó ban hành, quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể”.

Khoản 1 Điều 103. quy định Quyền khởi kiện vụ án hành chính: “Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc trong trường hợp không đồng ý với quyết định, hành vi đó hoặc đã khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, nhưng hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết, nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi đó”.

Quy định như vậy đã thể hiện sự bình đẳng, dân chủ giữa cơ qua nhà nước với nhân dân, giúp cho người khiếu kiện chủ động trong việc lựa chọn cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện không bắt buộc phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu rồi mới có quyền khởi kiện ra Tòa án như quy định trước đây của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Trường hợp người khiếu nại lựa chọn việc khiếu nại tại cơ quan hành chính thì khi hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng họ không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại lần đầu (hoặc lần hai) thì họ vẫn có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.

- Theo quy định tại Điều 31 Luật tố tụng hành chính: Trường hợp người khởi kiện có đơn khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền, đồng thời có đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thẩm quyền giải quyết theo sự lựa chọn của người khởi kiện.

Luật quy định như vậy là tôn trọng việc tự lựa chọn của người khởi kiện, thể hiện tính dân chủ của Nhà nước ta, bảo đảm quyền và lợi ích cho người khởi kiện.

- Về thẩm quyền giải quyết của Tòa án đối với các khiếu kiện hành chính theo hướng loại trừ nhằm mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với các khiếu kiện hành chính. Cụ thể Điều 28 Luật tố tụng hành chính quy định những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án là:

“1. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.

2. Khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

3. Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống.
4. Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh”.

- Về thời hiệu khởi kiện: Điểm a, khoản 2 điều 104 Luật tố tụng hành chính quy định thời hiệu khởi kiện là 01 năm, kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc. Trong khi đó pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính chỉ quy định thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính là 30 ngày hoặc 45 ngày tuỳ theo từng trường hợp

Việc cung cấp chứng cứ, Luật tố tụng hành chính đã quy định rõ tại Điều 8, Điều 72 và Điều 78 Về nghĩa vụ cung cấp chứng cứ của đương sự và trách nhiệm của Tòa án trong việc xác minh, thu thập chứng cứ trong tố tụng hành chính.  Việc quy định như trên nhằm nâng cao trách nhiệm của đương sự trong việc chứng minh và giao nộp chứng cứ cho Tòa án bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc hành chính được chính xác, kịp thời. Trường hợp đương sự đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ mà không thể tự mình thu thập được thì có thể yêu cầu Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hành chính đúng đắn. Đương sự yêu cầu Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ phải làm đơn ghi rõ vấn đề cần chứng minh, chứng cứ cần thu thập và lý do vì sao tự mình không thu thập được.

 Đối với người lưu giữ chứng cứ, Luật  cũng quy định cụ thể cá nhân, cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và đúng thời hạn cho đương sự, Tòa án, Viện Kiểm sát tài liệu, chứng cứ mà mình đang lưu giữ, quản lý khi có yêu cầu của đương sự, Tòa án, Viện Kiểm sát; Thời hạn cung cấp chứng cứ cho Tòa án, Viện Kiểm sát là 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án, Viện Kiểm sát.

Để bảo đảm tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật, Luật tố tụng hành chính đã có một điều (Điều 264) sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai như sau: 

1. Khoản 2 Điều 136 của Luật đất đai được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật này được giải quyết như sau:

a) Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết hoặc khởi kiện theo quy định của Luật tố tụng hành chính;

b) Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện theo quy định của Luật tố tụng hành chính.”

2. Điều 138 của Luật đất đai được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 138. Khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai

1. Người sử dụng đất có quyền khiếu nại quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai.

2. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của Luật tố tụng hành chính.”

Về thẩm quyền của Hội đồng xét xử luật cũng đã quy định một cách cụ thể, rõ ràng  nhằm bảo đảm cho bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực được thi hành thuận lợi, cụ thể: Khoản 2 Điều 163 Luật tố tụng hành chính quy định khi giải quyết vụ án hành chính, Hội đồng xét xử sơ thẩm có quyền quyết định:

- Bác yêu cầu khởi kiện, nếu yêu cầu đó không có căn cứ pháp luật;

- Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính trái pháp luật; buộc cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật;

- Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên bố một số hoặc toàn bộ các hành vi hành chính là trái pháp luật; buộc cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước chấm dứt hành vi hành chính trái pháp luật;

- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy quyết định kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật; buộc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật;

- Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh trái pháp luật; buộc cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh giải quyết lại vụ việc theo quy định của Luật cạnh tranh;

- Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện; buộc cơ quan lập danh sách cử tri sửa đổi, bổ sung danh sách cử tri theo quy định của pháp luật;

- Buộc cơ quan, tổ chức bồi thường thiệt hại, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức bị xâm phạm do quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh trái pháp luật gây ra;

- Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người đứng đầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước.

La Minh Tường (Phó chánh án, Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế)
Các tin khác
Xem tin theo ngày