Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.871.386
Truy câp hiện tại 3.509
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Đảng Cộng sản Việt Nam trong vai trò Đảng cầm quyền
Ngày cập nhật 02/02/2012

Tình hình thực tế và nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới đòi hỏi Đảng phải không ngừng nâng cao chất lượng cầm quyền. Đảng phải thật sự trong sạch, vững mạnh, có đầy đủ năng lực và bản lĩnh lãnh đạo.

 1. Về lý luận, các nhà cách mạng tiền bối và các nhà lý luận kinh điển từng xác định: “Vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng là vấn đề chính quyền... Việc giai cấp vô sản đoạt lấy chính quyền mới chỉ là bước đầu của những cải biến cách mạng. Công cuộc xây dựng xã hội mới bao trùm suốt cả một thời kỳ lịch sử những cải biến xã hội một cách triệt để”(1). Điều này có nghĩa sau khi phát động nhân dân lao động vùng lên đánh đổ chính quyền phản động, Đảng vô sản phải thiết lập chính quyền mới để tiến hành những cải biến cách mạng. Muốn làm được điều này, Đảng phải một mình cầm quyền đất nước.

Một số người thường đồng nhất hai khái niệm lãnh đạo và cầm quyền, thực ra không phải như vậy. Lãnh đạo là đề ra đường lối, chủ trương, chính sách và tổ chức thực hiện. Còn cầm quyền là nắm giữ chính quyền nhằm lãnh đạo và quản lý toàn xã hội. Hiệu quả hoạt động của chính quyền chính là thước đo hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) ghi: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam cũng ghi: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; đoàn kết và lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp cách mạng”.

2. Từ kinh nghiệm bản thân và kinh nghiệm thành công, thất bại của các Đảng Cộng sản cầm quyền khác, Đảng Cộng sản Việt Nam rút ra kết luận quan trọng: Đường lối cách mạng đúng đắn là nhân tố quyết định để giữ vững vai trò Đảng (duy nhất) cầm quyền. Đường lối cách mạng Việt Nam gương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đó là con đường cách mạng vô sản mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chọn từ thập kỷ 20 của thế kỷ trước và Đảng ta kiên định lãnh đạo toàn dân đi theo. Đường lối cách mạng Việt Nam chủ trương giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, thực hiện mục tiêu cao cả: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Quá trình hoạch định đường lối cách mạng, Đảng luôn nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo, không giáo điều, bảo thủ, trì trệ hoặc chủ quan, nóng vội, xuất phát từ cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn đất nước cùng nhận định về thời cuộc.

Sau cách mạng Tháng Tám 1945, và ở miền Nam sau ngày 30-4-1975, Đảng ta lãnh đạo nhân dân bắt tay ngay vào việc xây dựng, giữ vững chính quyền mới. Mà nói đến chính quyền là nói đến Nhà nước, pháp luật và quyền lực. Xây dựng Nhà nước trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng, trên cương vị Đảng cầm quyền. Đây là Nhà nước kiểu mới, khác về bản chất so với Nhà nước dưới các chế độ khác, là Nhà nước thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Chính nhân dân là chủ nhân của Nhà nước, mọi quyền lực của Nhà nước đều là quyền lực của nhân dân, thuộc về nhân dân.

3. Cơ chế vận hành của hệ thống chính trị Việt Nam được xác định là: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, theo đó ta hiểu Đảng lãnh đạo Nhà nước nhưng không điều hành xã hội thay Nhà nước; Nhà nước quản lý xã hội nhưng không xa rời sự lãnh đạo của Đảng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nói rõ phương thức lãnh đạo của Đảng: “Đảng lãnh đạo xã hội bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương công tác; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức kiểm tra và bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Đảng giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo chính quyền và các đoàn thể. Đảng không làm thay công việc của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị”.

Một thực tế là, đất nước ta từng trải qua hai cuộc chiến tranh giải phóng chống Pháp, chống đế quốc Mỹ và một số cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây - Nam và biên giới phía Bắc. Do đó những năm trước 1975 và một số năm sau đó, là một thời kỳ lịch sử đặc biệt: “Đảng ta phải áp dụng những phương thức lãnh đạo đặc biệt, với các biện pháp chính trị cứng rắn, quyết đoán. Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng các nguyên tắc lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối và toàn diện, nhằm thống nhất cao độ sự lãnh đạo chính trị và thực hành chính trị, buộc toàn Đảng, toàn dân phải hy sinh một phần các quyền dân chủ cho mục tiêu trước mắt lớn hơn là độc lập, thống nhất nước nhà. Đặc điểm lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước thể hiện ở sự hòa quyện, không phân biệt rõ chức năng Đảng lãnh đạo Nhà nước và chức năng Nhà nước quản lý xã hội, Đảng với Nhà nước dường như là một. Đảng đóng vai trò tổng chỉ huy và tổ chức toàn bộ công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Do đó, đường lối, chủ trương của Đảng không dừng lại ở các nguyên tắc chung mà thường rất cụ thể, bao quát các chức năng của Nhà nước”(2).

Đến Hiến pháp năm 1992, mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước có những thay đổi quan trọng. Hiến pháp quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. Đảng hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật. Đảng không quyết định trực tiếp mọi công việc và Đảng không phải là cấp trên của Nhà nước. Quyền lực Nhà nước được tập trung. Tình trạng Đảng bao biện làm thay cơ quan Nhà nước, can thiệp vào chức năng của cơ quan Nhà nước, dùng phương pháp mệnh lệnh, áp đặt đối với cơ quan Nhà nước được khắc phục. Thuật ngữ “Nhà nước pháp quyền” được Đại hội lần thứ VIII của Đảng, năm 1996 nhắc lại: “Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Quản lý xã hội bằng pháp luật, đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức”.

4. Tình hình thực tế và nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới đòi hỏi Đảng phải không ngừng nâng cao chất lượng cầm quyền. Đảng phải thật sự trong sạch, vững mạnh, có đầy đủ năng lực và bản lĩnh lãnh đạo. Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, vì đó là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Phải hết sức coi trọng công tác tư tưởng và lý luận, nâng cao trình độ lý luận chính trị cho toàn Đảng, đấu tranh làm thất bại mọi luận điệu phản động, mọi âm mưu “diễn biến hòa bình”, đấu tranh phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Phải hết sức coi trọng kiện toàn tổ chức Đảng, từ Trung ương đến cơ sở. Thật sự phát huy dân chủ trong sinh hoạt Đảng, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, chống quan liêu, bè phái, cục bộ địa phương... Đặc biệt, chúng ta phải kiên quyết xây dựng Đảng, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) là: “Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng” (Thông báo Hội nghị Trung ương 4).

Trước khi đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong Di chúc: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Lời căn dặn của Người, nhắc nhở mỗi đảng viên, cán bộ của Đảng cầm quyền phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, có phẩm chất và lối sống tốt đẹp, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, để Đảng ta luôn luôn giữ vững vai trò Đảng cầm quyền./.

  ________________________

(1) Rozentalia (chủ biên): Từ điển triết học, Nxb. TB, M, 1975; Bản dịch tiếng Việt, Nxb.TB và Nxb ST, M, 1986, tr.64-65.

(2) Nguyễn Hữu Đổng (chủ biên): Đảng và các tổ chức chính trị xã hội trong hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay, Nxb. CTQG, H, 2009, tr.118-119.

Trương Nguyên Tuệ (Nguồn: TC Ban Tuyên giáo)
Các tin khác
Xem tin theo ngày