Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.871.386
Truy câp hiện tại 1.800
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Điều 4 của Hiến pháp - khẳng định vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng
Ngày cập nhật 28/03/2013

Ngay sau khi các phương tiện thông tin đại chúng của nước ta đăng tải toàn văn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để lấy ý kiến toàn dân vào văn kiện đặc biệt quan trọng này, nhiều trang mạng ở hải ngoại và các phần tử phản động đã nhân cơ hội tung ra các luận điểm sai trái, xuyên tạc sự thật lịch sử nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội được quy định tại Điều 4 của Hiến pháp.

Vẫn bằng những luận điệu cũ nhưng mật độ và tần suất cao, các thế lực thù địch tập trung vào các nội dung như: Việt Nam cần một thể chế chính trị - xã hội “đa nguyên, đa đảng”; về một thể chế chính trị dựa trên nguyên tắc tam quyền phân lập; rằng quân đội phải đứng ngoài chính trị… Tất thảy chỉ nhằm một mục đích xóa bỏ Điều 4 của Hiến pháp mà thực chất là nhằm loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, đó chỉ là những giọng điệu chính trị lạc điệu và không thể thay đổi được thực tế lịch sử về vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đảng Cộng sản Việt Nam là người lãnh đạo duy nhất cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước của cả dân tộc
Mọi luận điệu tuyên truyền của các thế lực phản động xét cho cùng đều không thể phủ nhận lịch sử dân tộc Việt Nam từ khi có Đảng đến nay. Không thể là ai khác ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam trong vai trò lãnh đạo cuộc cách mạng long trời lở đất Tháng Tám năm 1945 lật đổ chế độ phong kiến lạc hậu, xóa bỏ chế độ cai trị của thực dân Pháp lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Không thể là ai khác, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm (1945-1954) chống lại âm mưu của dân Pháp trở lại đô hộ đất nước ta. Các thế lực thù địch muốn gì đi chăng nữa cũng không thể phủ nhận sứ mệnh và vai trò lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam trong hơn 20 năm lãnh đạo cả dân tộc đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mùa Xuân 1975.
Lịch sử đã ghi nhận vai trò và sứ mệnh của Đảng Cộng sản Việt Nam rất rõ ràng và công bằng. Khi xây dựng bản Hiến pháp năm 1946, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ghi rõ trong phần Mở đầu: “Được quốc dân giao cho trách nhiệm thảo bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Quốc hội nhận thấy rằng Hiến pháp Việt Nam phải ghi lấy những thành tích vẻ vang của Cách mạng”. Đó là cuộc Cách mạng long trời lở đất tháng Tám năm 1945 do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, thắng lợi đó chính là điều kiện tiên quyết để có bản Hiến pháp đầu tiên của một nước Việt Nam độc lập. Giá trị lịch sử ấy đã luôn hiện diện một cách trang trọng trong phần Mở đầu của các bản Hiến pháp 1959, 1980, 1992.
Đảng Cộng sản Việt nam là người lãnh đạo duy nhất đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức trên con đường phát triển
Để tấn công vào Điều 4 của Hiến Pháp, lợi dụng tự do báo chí và sự rộng khắp của mạng truyền thông điện tử, các thế lực phản động trong và ngòai nước đã tung ra những phán xét hồ đồ, rằng: Cách mạng Tháng Tám, cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ là “một sai lầm lịch sử”. Lẽ ra cuộc cách mạng năm 1945 và sau này nên đi theo con đường thỏa hiệp “hòa bình” để tránh đổ máu... Dường như các tác giả ấy đã không hiểu lịch sử hoặc cố tình không hiểu lịch sử hiện đại của đất nước từ đầu thế kỷ 20 đến nay, đã làm ngơ trước sự thật trước năm 1945, 95% dân số nước ta mù chữ, chính sách rượu cồn và thuốc phiện của thực dân Pháp đã đưa cả dân tộc đứng trước bờ của diệt vong. Đó là nạn đói năm 1945 do thực dân Pháp và phát-xít Nhật gây nên làm dân ta chết hai triệu người (gần 1/10 dân số cả nước)… Để cứu một dân tộc đang bị chết đói bởi sự cướp bóc dã man của kẻ xâm lược không thể là “thỏa hiệp”, chỉ duy nhất một con đường đó là tiến hành một cuộc cách mạng. Bằng triết lý ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cả dân tộc Việt Nam đứng lên làm cuộc cách mạng, đấu tranh giành quyền sống, quyền tự do, quyền được độc lập. Nhưng nếu họ cho rằng những người cộng sản không biết nhân nhượng với kẻ thù vì mục đích hòa bình thì lịch sử đã có sẵn câu trả lời rằng, đã từng có các bản “Hòa ước” và “Hiệp ước” do Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chủ động đưa ra với người Pháp để tìm kiếm cơ hội hòa bình nhưng không được. Đó cũng là câu trả lời cho câu hỏi tại sao Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19-12-1946 lại có đoạn: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!”. Khi muốn tấn công vào Điều 4 của Hiến pháp, họ cũng cần phải biết rõ ai là thủ phạm phá hoại Tổng tuyển cử hai miền Nam - Bắc và trì hoãn, ngăn cản ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, ai đã khiến cho cả dân tộc Việt nam không thể “thỏa hiệp”, phải kiên quyết tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng với bao nhiêu mất mát, hy sinh trong suốt 30 năm vì hòa bình, độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.
Chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam là duy nhất gánh vác sứ mệnh lịch sử đưa dân tộc Việt Nam đi trên con đường độc lập dân tộc, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh như ngày hôm nay. Không thể có bất kỳ một lực lượng chính trị nào khác có đủ uy tín, đủ năng lực, đủ vai trò để làm công việc lớn lao đó. Đảng đã lãnh đạo toàn dân tộc làm cuộc khởi nghĩa giành chính quyền; lãnh đạo toàn dân tiến hành chiến tranh đánh đuổi đế quốc xâm lược; trong vai trò cầm quyền, Đảng đã lãnh đạo công cuộc đổi mới tạo ra những thắng lợi thành tựu to lớn về kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hoá, xã hội của đất nước trong những năm qua. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, mặc dù phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức nhưng với quyết tâm đổi mới của Đảng, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, nước ta vẫn đạt được những chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng, chính trị xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững; vai trò và vị thế quốc tế của đất nước tiếp tục được nâng cao.
Điều 4 của Hiến pháp và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - Đó chính là lịch sử và tương lai của cách mạng Việt Nam
Điều 4 của Hiến pháp và việc quy định Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội không chỉ là tư tưởng xuyên suốt, nhất quán để khẳng định vị trí, vai trò độc tôn lãnh đạo của Đảng, mà còn là một nguyên tắc bất di bất dịch của cách mạng Việt Nam, phù hợp với thể chế chính trị - xã hội mà Việt Nam đã lựa chọn.
Đó sứ mệnh lịch sử và tương lai của cách mạng Việt Nam, bởi Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi mới ra đời đã xác định trọng trách lãnh đạo của mình trên con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc. Và trong hơn 83 năm qua, không vì một lợi ích nào khác, rất nhiều đảng viên của Đảng đã không quản gian khổ hy sinh, cống hiến trọn cuộc đời mình cho trọng trách cao cả ấy. Đó cũng là sự nghiệp và công sức của đông đảo quần chúng nhân dân đã không tiếc tính mạng và tài sản để đi theo cách mạng, đi theo khát vọng độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và đi lên chủ nghĩa xã hội.  
Đó là tương lai của cách mạng Việt Nam, dù con đường đi lên chủ nghĩa xã hội còn nhiều khó khăn và nhiều chông gai, còn nhiều hy sinh và mất mát. Nhưng đích đến không còn xa nữa bởi những giá trị cơ bản của một nền độc lập đích thực đã hiện hữu, những nền tảng cơ bản của chủ nghĩa xã hội đã và đang trở thành hiện thực, niềm tin vào chủ nghia xã hội đã vào mùa đơm hoa, kết trái trên đất nước Việt Nam.

Trần Thiết
Các tin khác
Xem tin theo ngày