Tới nay mới chỉ có Thông báo về Hội nghị và các bài diễn văn khai mạc, bế mạc của Đồng chí Tổng bí thư được công bố, nhưng các văn kiện ấy cũng đã tạo ra những ấn tượng ban đầu.
Ấn tượng đầu tiên là Hội nghị đã thể hiện trên thực tế tinh thần "nhìn thẳng vào sự thật". Bên cạnh việc ghi nhận một số chuyển biến tích cực bước đầu, các văn kiện nói trên đã thẳng thắn chỉ ra thực trạng nền kinh tế còn đứng trước rất nhiều khó khăn, thử thách, về văn hóa-xã hội còn khá nhiều bất cập. Hơn thế nữa, bên cạnh việc phân tích những nguyên nhân khách quan, các văn kiện ấy còn chỉ mặt, gọi tên những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo quản lý, điều hành, thậm chí lần đầu tiên trong văn kiện chính thức của lãnh đạo Đảng vạch rõ những hiện tượng lâu nay gây nhức nhối trong lòng dân như thiếu tầm nhìn xa, "tư duy nhiệm kỳ", tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí hay "lợi ích nhóm". Những căn bệnh này không chỉ liên quan tới đầu tư công mà còn lây lan sang nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống.
Nghe qua tưởng như nghịch lý, nhưng thái độ nhìn thẳng vào sự thật cho dù không vui đó lại tạo được niềm tin và hy vọng trong lòng người vì như dân ta thường nói "thuốc đắng dã tật", bắt mạch trúng căn bệnh thì mới đề ra được phác đồ trị bệnh hợp lý. Vả lại, những khó khăn, thách thức ngày nay dội thẳng vào cuộc sống, từng người; những tiêu cực khá phổ biến làm cho lòng dân không yên, nếu không chỉ ra và chỉnh sửa thì nỗi bất an càng thêm sâu sắc. Và trong lịch sử không phải một lần Đảng ta đã mạnh dạn "nhìn thẳng vào sự thật" để lấy lại niềm tin của dân, chấn chỉnh sai lầm để tiếp bước đi lên. Trong những năm 50 của thế kỷ trước Đảng ta đã từng thẳng thắn nhận sai lầm trong "cải cách ruộng đất, chấn chỉnh tổ chức"; trong những năm 80 đã từng nhận sai lầm về bệnh chủ quan duy ý chí để rồi đi vào công cuộc đổi mới, đưa đất nước ra khỏi hiểm nghèo.
Phải chăng bài học rút ra là, chỉ ra "sự thật cay đắng" lại ngọt ngào hơn là né tránh nó; một thái độ chân thành, thực sự cầu thị luôn củng cố được niềm tin của người dân.
Ấn tượng thứ hai là lòng dũng cảm điều chỉnh chủ trương cho phù hợp với thực tế và quy luật khách quan. Thật hiếm có trường hợp nào chỉ sau Đại hội Đảng có khoảng 9 tháng mà Trung ương đã đưa ra một số sự điều chỉnh cần thiết. Nếu như nghị quyết Đại hội XI còn nhấn mạnh yêu cầu "phát triển kinh tế nhanh và bền vững" với mức tăng bình quân 7-7,50%/năm thì lần này chỉ đặt ra yêu cầu "duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý" trước mắt là cho năm 2012, hạ thấp chỉ tiêu tăng trưởng đồng thời nhấn mạnh một số cân đối vĩ mô then chốt.
Phải chăng bài học rút ra là trong nền kinh tế thị trường, hơn thế nữa lại liên thông với nền kinh tế thế giới xáo động không ngừng và nhiều khi dữ dội thì nên rũ bỏ nếp cũ định ra những chỉ tiêu cứng nhắc mà chỉ cần xác định chuẩn xác những định hướng cơ bản và những cân đối lớn, còn tùy theo diễn biến tình hình sẽ điều hành cơ động linh hoạt. Việc phải liên tục điều chỉnh chỉ số tăng giá trong năm nay là một ví dụ điển hình về yêu cầu này. Nếu cách tiếp cận như vậy được hình thành thì sẽ là sự đổi mới quan trọng về tư duy và hành động.
Ấn tượng thứ ba là Trung ương đã bắt trúng mạch tình hình, đưa ra những quyết sách phù hợp với thực tế và yêu cầu phát triển của đất nước. Một trong những nét nổi trội trong các văn kiện đã được công bố dường như nhấn mạnh hai điều: Một là, tiếp tục kiên trì ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô (theo thiển ý của người viết thì nói là "cải thiện kinh tế vĩ mô" thì đúng hơn là "ổn định kinh tế vĩ mô"), bảo đảm an sinh xã hội và hai là, lồng ghép việc giải quyết các nhiệm vụ trước mắt với chủ trương lớn mang tính lâu dài là tái cấu trúc nền kinh tế. Chủ trương tái cấu trúc kinh tế, chuyển đổi mô hình phát triển đã được nêu ra từ Đại hội XI song cái mới lần này là chỉ ra được 3 lĩnh vực quan trọng nhất để tái cấu trúc: Đó là đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; thị trường tài chính với trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại và doanh nghiệp Nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và Tổng công ty Nhà nước. Đây chính là những tác nhân có thể làm cho nền kinh tế kém hiệu quả, gánh chịu những bất ổn vĩ mô, chứa đựng mối nguy cơ gây mất ổn định.
Điều đáng quý là những chủ trương đúng đắn ấy không chỉ phản ánh ý kiến của Trung ương mà còn là sự kết tinh, chắt lọc những ý kiến luận bàn sâu rộng, sôi nổi của công luận, từ các nhà khoa học, quản lý tới giới kinh doanh và phương tiện thông tin đại chúng.
Phải chăng bài học rút ra là trong cái mớ bòng bong của tình hình, để bắt mạch thực tế cuộc sống cần huy động trí tuệ toàn dân theo tinh thần "khó vạn lần dân liệu cũng xong", lồng ghép việc giải quyết các vấn đề trước mắt với công việc lâu dài, đồng thời lần tìm các khâu then chốt tác động mang tính quyết định tới toàn cục.
Ấn tượng thứ tư là, Hội nghị đã gắn kết việc giải quyết nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế-xã hội với nhiệm vụ then chốt là xây dựng và chấn chỉnh Đảng cho dù chỉ bàn thảo một số chủ trương công tác cụ thể về thi hành Điều lệ Đảng. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đòi hỏi phải hết sức chú trọng mặt này vì nói cho cùng niềm tin của nhân dân đặt vào Đảng chủ yếu là nhờ ở đường lối đúng đi đôi với đội ngũ đảng viên gương mẫu vì dân vì nước. Trong cách mạng và chiến tranh đã vậy, trong xây dựng hòa bình cũng không khác nếu như không nói là càng cần hơn vì người đảng viên đứng trước biết bao cám dỗ. Một trong những nội dung về mặt này mà người dân kỳ vọng là bổ sung, sửa đổi Quy định về những việc đảng viên không được làm. Vấn đề không chỉ là có một số nội dung chưa rõ, gây khó khăn cho việc xem xét vi phạm của đảng viên và bối cảnh mới đang đặt ra những yêu cầu mới mà cái chính là tình trạng "nói vậy mà không phải vậy", không ít đảng viên và tổ chức Đảng chẳng tuân thủ, làm cho uy tín của Đảng sứt mẻ, niềm tin của người dân thuyên giảm.
Bên cạnh những ấn tượng ban đầu đó thì mọi người đều có một nguyện vọng thiết tha là chủ trương đã có và đã trúng thì điều quan trọng hơn cả là ở khâu thực hiện và thực hiện bằng những chính sách, biện pháp và hành động rất cụ thể, thiết thực. Một thực tế không vui là không ít chủ trương quan trọng được đề ra, thậm chí được nhấn mạnh hết Đại hội này đến Đại hội khác, hết hội nghị này đến hội nghị khác nhưng lại không được thực hiện triệt để và nhất quán, từ đó làm cho một số nghị quyết "mất thiêng" và nhất là làm xói mòn niềm tin của dân. Nếu niềm tin của dân không cao thì chuyện gì cũng khó thành; nếu có được niềm tin và sự đồng thuận cao của dân thì dù khó mấy cũng thành công.