Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.871.386
Truy câp hiện tại 5.248
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Nhân kỷ niệm 193 năm Ngày sinh của Ph. Ăng-ghen (28-11-1820 - 28-11-2013) :
Ngày cập nhật 28/11/2013

Ph.Ăng-ghen là một trong hai người (ông và C.Mác, bạn ông) sáng lập ra chủ nghĩa duy vật biện chứng, xây dựng lý luận chủ nghĩa cộng sản khoa học, đã có những kiến giải sâu sắc về tôn giáo. Trong nhiều tác phẩm, Ph.Ăng-ghen cùng với C.Mác đã chỉ ra nguồn gốc, bản chất, chức năng của tôn giáo và quan điểm của những người cộng sản đối với vấn đề tôn giáo. Theo đó, tôn giáo là lĩnh vực quan trọng thuộc nhu cầu tồn tại của cuộc sống con người mà bất cứ thời đại nào của nền văn minh nhân loại (từ khi có chế độ sở hữu tư nhân tới nay) người ta đều phải đưa ra những triết lý, quan niệm, tiêu chuẩn, quy định ứng xử và điều chỉnh quan hệ xã hội của thời đại họ đang sống. Trong khuôn khổ một bài viết, chúng tôi chỉ đề cập vấn đề tôn giáo trong đời sống xã hội hiện nay.

 

 

Những người cộng sản là những người vô thần, nhưng họ không bài xích tôn giáo. Tôn giáo, tín ngưỡng là quyền tự do của con người. Nó còn là niềm tin của con người vào những giáo lý mang tính nhân văn, hướng con người vào những điều nhân ái, vị tha, từ bi, bác ái, tu thân, hướng thiện và hoàn lương. Giáo lý của các tôn giáo chân chính làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của loài người. Tôn giáo có thể còn tồn tại rất lâu, một khi những thiên tai đe dọa con người chưa được khống chế và những bất công, vô nhân tính trong xã hội vẫn còn. Những người cộng sản theo chủ nghĩa duy vật biện chứng hiểu rằng, ban đầu “tất cả tôn giáo chẳng qua chỉ là sự phản ánh hư ảo - vào trong đầu óc con người - của những lực lượng ở bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ; chỉ là sự phản ánh trong đó những lực lượng ở trần thế đã mang hình thức những lực lượng siêu trần thế... Nhưng chẳng bao lâu, bên cạnh những lực lượng thiên nhiên, lại còn có cả những lực lượng xã hội tác động - những lực lượng này đối lập với con người, một cách cũng xa lạ lúc đầu cũng không thể hiểu được đối với họ, và cũng thống trị họ với cái vẻ tất yếu bề ngoài giống như bản thân những lực lượng tự nhiên vậy”(1). Và “... tôn giáo vẫn có thể tiếp tục tồn tại với tư cách là một hình thức trực tiếp, nghĩa là một hình thức cảm xúc của thái độ của con người đối với lực lượng xa lạ, tự nhiên và xã hội, chừng nào con người còn chịu sự thống trị của những lực lượng đó... Do đó cơ sở thực tế của sự phản ánh có tính chất tôn giáo của hiện thực vẫn tiếp tục tồn tại và cùng với cơ sở đó thì chính ngay sự phản ánh của nó trong tôn giáo cũng tiếp tục tồn tại”(2).

 

Ở nước ta, hầu hết các tôn giáo đều du nhập từ nước ngoài, được Việt hóa, thậm chí có tôn giáo đã có thời được suy tôn thành quốc giáo như đạo Phật ở thời nhà Lý. Tuy đại đa số người Việt Nam không theo tôn giáo nào, song trên thực tế họ đều có “đạo”, có tín ngưỡng, đó là đạo thờ Tổ tiên, thờ những người có công với dân với nước, những anh hùng, hào kiệt và danh nhân để tỏ lòng biết ơn, kính trọng và noi gương. Đó là nét đẹp văn hóa của dân tộc ta mà nhiều nước trên thế giới biết đến và trân trọng. Tín ngưỡng đó đã có tác dụng nuôi dưỡng, hun đúc tinh thần dân tộc Việt, trở thành truyền thống, bản sắc văn hóa, thành sức mạnh gắn kết mọi con dân nước Việt, làm cho đất nước ta ngày càng bền vững, phát triển.

 

Nhưng hiện nay tình trạng lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng gây mê tín dị đoan và làm những điều bất chính, thiếu văn hóa đang làm vẩn đục đời sống tinh thần của nhân dân, rất cần phải chấn chỉnh.

 

Trước hết, phải thấy rằng hiện nay tôn giáo phát triển khá mạnh. Vì nhiều lý do mà không ít người đã từ sự tín ngưỡng, từ niềm tin tôn giáo chân chính biến tướng thành mê tín dị đoan, đánh mất nghị lực vượt qua nỗi nhọc nhằn nơi trần thế, mưu hạnh phúc bằng chính tài năng và sức lực của mình. Đến cửa thiền nhưng lòng lại không trong sáng, vụ lợi: cầu danh, cầu lợi, cầu địa vị, chức quyền, cầu bằng cấp, học vị... bằng cách đốt cho nhiều vàng mã, lễ lạt thật to và hiến cả tiền thật như là sự hối lộ thánh thần. Thật phản cảm khi trên thân hình tượng Phật, chỗ nào cũng bị người ta giắt đầy tiền. Thật là báng bổ thánh thần khi bàn tay nhân ái, từ bi của Phật Thích ca, hay vẻ uy nghiêm thanh khiết của thầy Chu Văn An lại bị gài vào đấy mấy đồng tiền.

 

Thứ hai, các địa phương đua nhau mở lễ hội, hình thức ngày một quy mô, nội dung nghèo nàn, tính thương mại lấn át tính nhân văn, văn hóa.

 

Thứ ba, không ít cơ sở tôn giáo (nhà chùa, đền, miếu...) đã bị lợi dụng kiếm lời. Ngay cả các chùa được xếp hạng di tích văn hóa - lịch sử mà mỗi ban thờ cũng ít nhất có một hòm công đức, nay thay bằng két sắt công đức. Số tiền công đức không ít nhưng sự quản lý phục vụ cho lợi ích cộng đồng chưa chặt chẽ, thiếu công khai. Vì thế mà có chuyện có nhà sư sau khi mất để lại số tiền, vàng quá lớn đến mức xảy ra tranh chấp pháp lý về quyền thừa kế. Nhà tu hành, được mệnh danh là người thay mặt Thần, Phật, Chúa răn dạy chúng sinh, nhưng không ít người tu hành đã mắc vào vòng tham, sân, si...

 

Thứ tư, không ít cán bộ, đảng viên các cấp, trong đó có một số không nhỏ đi lễ cầu tài, cầu cho lên chức, lên lương, cầu cho thoát khỏi vòng lao lí khi mắc vòng tội lỗi. Lễ khai ấn Đền Trần hằng năm ở Nam Định là một nét đẹp văn hóa, nhưng nay biến tướng, bị lợi dụng và hiện tượng này còn lan sang cả Thái Bình và ngược nguồn về tận Đền Hùng, Phú Thọ.

 

Thứ năm, không ít kẻ lợi dụng tôn giáo để gây mất ổn định chính trị, phá hoại chính quyền nhân dân. Nhà nước pháp quyền đảm bảo cho mọi công dân được tự do làm tất cả những gì pháp luật không cấm và trừng trị những ai làm những việc mà pháp luật không cho phép. Điều này áp dụng bình đẳng cho mọi người từ cán bộ nhà nước đến mọi công dân, kể cả các nhà tu hành. Nhưng để chấm dứt tình trạng lợi dụng tôn giáo này thì thượng sách là các cấp uỷ đảng, chính quyền, mỗi cán bộ, đảng viên phải hiểu biết tôn giáo, sâu sát thực tế, gần dân, nghe dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân, tận tuỵ phục vụ nhân dân, trong sáng vô tư, không vụ lợi, không thiên vị. Phải có trách nhiệm nâng cao đời sống vật chất và văn hóa tinh thần cho nhân dân, phát huy lòng yêu nước của người dân như Bác Hồ từng căn dặn.

 

Làm sao cho mọi người dân có cuộc sống hạnh phúc, an bình nơi trần thế hơn là mơ ước, tin tưởng vào hạnh phúc hư ảo nơi thánh thần. Đó là những chỉ dẫn của Ph.Ăng-ghen về trách nhiệm của những người cộng sản. Ôn lại và thực hiện những chỉ dẫn của Ph.Ăng-ghen trong tình hình hiện nay là cách thiết thực nhất kỷ niệm 193 năm Ngày sinh của ông.

 

-----

 

(1) C.Mác, Ph.Ăng-ghen tuyển tập, NXB Sự thật, H.1984, tập 5, tr.447. (2) Sđd, tr.448.

                                                                                                                                             PGS. Trần Đình Huỳnh
Tạp chí Xây dựng Đảng
Các tin khác
Xem tin theo ngày