Việc quản lý đảng viên “hai chiều” là một quyết định đúng. Dân vững lòng tin vào Đảng là điều kiện tiên quyết cho sự tồn tại và phát triển của Đảng. Để làm được điều đó, ảnh hưởng, uy tín của mỗi đảng viên trong quần chúng, trong xã hội có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đặc biệt, vai trò của người đảng viên nơi cư trú. Con người thật của mỗi đảng viên được thể hiện rõ nét nhất trong sinh hoạt gia đình, ở quan hệ với hàng xóm, tổ dân phố…
Từ khi có Quy định 76, hằng năm, đảng viên phải có giấy xác nhận của cấp ủy nơi cư trú khi phân tích chất lượng đảng viên cuối năm đã có tác động tích cực đối với địa phương, cơ sở. Phần lớn đảng viên ý thức được vai trò vừa là đầy tớ vừa là lãnh đạo của người đảng viên ở nơi cư trú. Đảng viên gương mẫu trong thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đi đầu trong các hoạt động xây dựng nếp sống văn hóa của tổ dân cư, giúp cho cơ sở thuận lợi trong hoạt động quản lý dân cư…
Cách đây hai năm, nơi tôi ở, tình hình trong khu bất ổn. Tình trạng này kéo dài nhiều năm, gây bức xúc trong dân. Bà con trong khu yêu cầu Trưởng ban Quản trị phải là đảng viên (lúc đó, Trưởng ban Quản trị chung cư không phải đảng viên). Nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của dân, chúng tôi - những đảng viên hưu trí và đảng viên “2 chiều” đã tổ chức một cuộc họp cho của toàn bộ đảng viên cư trú tại chung cư thông báo tình hình của chung cư; chuẩn bị nhân sự giới thiệu cho Ban Quản trị và yêu cầu Ban Quản trị mời bà con họp để bầu ban quản trị mới. Kết quả, Ban Quản trị mới được bầu có 5 thành viên, trong đó, 4 thành viên là đảng viên, Trưởng Ban là đảng viên. Ngay sau khi Ban Quản trị mới được bầu, chúng tôi đã tập hợp, phát huy vai trò của đảng viên trong việc giải quyết những bức xúc của bà con. Đến nay, tình hình chung cư đã ổn định…
Thực tế đã chứng minh tác động tích cực của Quy định 76 và để quy định này góp phần tích cực trong công tác xây dựng đảng, quản lý đảng viên, cần quan tâm các điều kiện sau đây:
Một là, ý thức tự giác của mỗi “đảng viên hai chiều” trong việc tham gia sinh hoạt đảng nơi cư trú.
Hai là, ý thức trách nhiệm của cấp ủy địa phương trong việc quản lý đảng viên. Đặc biệt, việc phân tích chất lượng đảng viên cuối năm phải làm theo đúng quy định của Đảng. Tránh tình trạng xuê xoa, không đúng quy định vẫn xảy ra. Một số đảng viên chỉ có tên trên danh sách còn cư trú nơi khác. Một số đảng viên không tham gia bất cứ hoạt động nào ở nơi cư trú, thậm chí còn vi phạm những qui định chung. Số đảng viên khác sống thiếu gương mẫu (đề đóm, nợ nần, gia đình bất hòa…) sống phản cảm trong dân chúng. Tất cả vẫn được cấp ủy chỉ đạo xét theo tinh thần “thông cảm”, chỉ phân 2 loại “hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt” nhiệm vụ.
Ba là, cấp ủy nơi đảng viên công tác quản lý chặt đảng viên. Giấy xác nhận của địa phương cần được coi là một kênh quan trọng trong phân loại cán bộ, đảng viên cuối năm ở cơ quan, đơn vị. Việc này có ảnh hưởng lớn đến ý thức trách nhiệm của đảng viên ở nơi cư trú.
Bốn là, ý thức trách nhiệm của đảng viên nơi cư trú, nhất là người giữ cương vị lãnh đạo, quản lý cấp cao.
ThS. Trần Thị Tâm