Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.871.386
Truy câp hiện tại 1.790
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Vì sao Việt Nam không cần đa đảng?
Ngày cập nhật 27/09/2010

Có ý kiến cho rằng, thực hiện đa đảng, có nhiều đảng cạnh tranh nhau thì sẽ dân chủ hơn, sẽ tốt hơn một đảng! Có đúng như vậy không? Câu trả lời là không, bởi bất cứ một nền dân chủ nào cũng đều nhằm đảm bảo sự thống trị của giai cấp thống trị, cầm quyền. Dân chủ không phụ thuộc vào cơ chế độc đảng hay đa đảng, mà nó phụ thuộc vào bản chất của chế độ cầm quyền phục vụ cho giai cấp nào.


1. Đa đảng là gì?

Đa nguyên chính trị xuất hiện vào đầu thế kỷ XVIII, khi giai cấp tư sản còn là giai cấp tiến bộ trong đấu tranh bảo vệ sự đa dạng và bình đẳng của các nhóm xã hội có lợi ích khác nhau, phát triển quyền tự do dân chủ tư sản. Đó là một khuynh hướng xã hội học - triết học, tuyệt đối hóa sự đa dạng đối kháng của các nhóm, đảng phái, tổ chức chính trị khác nhau trong xã hội. Hệ thống đa đảng là hệ thống mà ở đó có nhiều đảng chính trị có khả năng giành quyền điều hành chính phủ một cách độc lập hay liên minh với nhau.

Trong các quốc gia có thể chế chính trị đa đảng, một đảng nào đó chiếm được đa số (sau thắng lợi bầu cử), nhưng chưa đạt đến mức độ tuyệt đối thì phải liên minh với một số đảng khác tạo thành một liên minh cầm quyền. Khi đó giữa các đảng có sự dàn xếp với nhau, điều hòa về các vị trí chủ chốt trong nội các, điều hòa về chính sách và quyền lực. Đảng nào chiếm số lượng cử tri đông nhất thì đảng đó có nhiều đại biểu trong quốc hội, có nhiều ghế trong chính phủ, chiếm nhiều vị trí chủ chốt trong chính quyền nhà nước.

Trong các nước thực hiện chế độ một đảng, tính chất quyết định và sự nắm quyền, cũng như sự chi phối của đảng đối với đời sống xã hội thể hiện rõ và tuyệt đối hơn trên toàn bộ các yếu tố cấu thành nội dung của đảng cầm quyền. Đảng đó là lực lượng duy nhất nắm chính quyền nhà nước, không chia sẻ bất kỳ cho ai, cho bất kỳ một lực lượng xã hội nào.

Hai trường hợp cơ bản trình bày trên đã và đang diễn ra trong đời sống chính trị thế giới hiện đại. Cuộc đấu tranh giữa hai khuynh hướng đa đảng và một đảng đã và đang diễn ra rất quyết liệt, thực chất đó là biểu hiện của cuộc đấu tranh giai cấp, phản ánh tính chất gay go, phức tạp của cuộc đấu tranh giai cấp trong giai đoạn hiện nay.

2. Có đúng “nhiều đảng cạnh tranh nhau thì dân chủ hơn” không?

Có ý kiến cho rằng, thực hiện đa đảng, có nhiều đảng cạnh tranh nhau thì sẽ dân chủ hơn, sẽ tốt hơn một đảng! Có đúng như vậy không? Câu trả lời ở đây là không phải như vậy. Hãy xem chính người Mỹ nói về nước Mỹ, một nước thực hiện chế độ đa đảng, thực chất là thế nào. Họ nói rằng, nước Mỹ là một nước “tự do”, người dân tự do biểu tình, chửi bới, báo chí tự do phanh phui những chuyện nhạy cảm, xuyên tạc, bôi xấu lẫn nhau vì sự cạnh tranh của các đảng phái này nhằm hạ uy tín của đảng phái kia. Nhưng điều đó không phải là bản chất thực sự của dân chủ. Giáo sư Trường Đại học bang In-di-a-na, Paul Mishler cho thấy rõ thực chất vấn đề: “Mọi đói nghèo, thất nghiệp, thất học... đều do lỗi của hệ thống, lỗi từ chủ nghĩa tư bản Mỹ gây ra”; “Nước Mỹ tự xưng là đa đảng nhưng thực chất chỉ là một đảng, đó là đảng của chủ nghĩa tư bản, dù là đảng Cộng hòa hay Dân chủ”(1).

Có thể rút ra một số vấn đề sau: thứ nhất, chế độ đa đảng của nước Mỹ “thực chất chỉ là một đảng”, là sự cầm quyền của đảng tư sản; thứ hai, dân chủ ở nước Mỹ là dân chủ tư sản, không phải là dân chủ của đa số, không thể hiện quyền lực thực sự thuộc về nhân dân; thứ ba, thực chất đa đảng đối lập trong xã hội tư bản chỉ nhằm mục tiêu duy nhất là bảo đảm quyền lực cho giai cấp tư sản.

Bất cứ một nền dân chủ nào cũng đều nhằm đảm bảo sự thống trị của giai cấp thống trị, cầm quyền. Dân chủ không phụ thuộc vào cơ chế độc đảng hay đa đảng, mà nó phụ thuộc vào bản chất của chế độ cầm quyền phục vụ cho giai cấp nào. Bản thân nền dân chủ tư sản, dù có được tô vẽ như thế nào chăng nữa, thì nền dân chủ đó vẫn là nền dân chủ của giai cấp tư sản, nhằm bảo đảm sự thống trị, bóc lột của giai cấp tư sản đối với xã hội và lao động.

3. Lịch sử cách mạng Việt Nam đã có và cũng đã phủ định đa đảng

Từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là đội tiền phong, lãnh tụ chính trị của giai cấp công nhân và toàn thể dân tộc Việt Nam, là người lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Qua sự “sàng lọc” dữ dội của lịch sử những thập kỷ đầu thế kỷ XX, dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã lựa chọn Đảng Cộng sản Việt Nam là người dẫn dắt mình đi đến tương lai hạnh phúc.

Năm 1945, Đảng ta lãnh đạo toàn dân tộc đứng lên khởi nghĩa, giành chính quyền, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Trong những ngày đầu giữ chính quyền và nền độc lập dân tộc, Đảng ta đã tự tuyên bố giải tán và Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã mở rộng thành phần cho mọi tổ chức, chính đảng cùng tham gia lãnh đạo đất nước. Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã có các đảng như Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội, Quốc dân đảng,... tham gia. Sau này còn Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội và Đảng Cộng sản, đến năm 1988 Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội tuyên bố tự giải tán.

Toàn bộ quá trình cách mạng Việt Nam và hoạt động của Nhà nước Việt Nam mới là do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nền chính trị của nước ta vẫn là nền chính trị nhất nguyên. Chế độ chính trị đó là do nhân dân ta lựa chọn từ chính những trải nghiệm trong quá trình lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, kháng chiến chống xâm lược và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự nghiệp cách mạng nước ta đã đem lại những quyền cơ bản nhất cho quốc gia, dân tộc và toàn thể nhân dân lao động Việt Nam, nhân dân ta thực sự được làm chủ cuộc sống của mình, được sống cuộc đời “tự do, hạnh phúc”.

4. Tính nguy hiểm của luận điểm đòi Việt Nam phải thực hiện đa đảng đối lập

Các thế lực thù địch rêu rao “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập” như là “khuôn vàng, thước ngọc” của dân chủ mà chúng ta phải tuân theo. Các thế lực đó cho rằng: “Từ bỏ độc quyền lãnh đạo là vấn đề căn bản vì đó là then chốt của chế độ dân chủ”(2). Quan điểm này được khoác cái vỏ “vì dân chủ”, “vì dân, vì nước”, lợi dụng những khó khăn, phức tạp và cả khuyết điểm của chúng ta trong quá trình thực thi dân chủ để chống phá, nên nó càng trở nên nguy hiểm.

Tính nguy hiểm của thủ đoạn này biểu hiện ở chỗ:

Thứ nhất, luận điểm “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập” là luận điểm mang nặng tính chất mị dân, dễ gây nên sự ngộ nhận mơ hồ, lẫn lộn về nhận thức, sự dao động về tư tưởng trong một bộ phận cán bộ và nhân dân. Nếu không thực hiện được ý đồ thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng, thì cũng dễ gây nên sự chia rẽ trong xã hội và sự thiếu thống nhất về chính trị tư tưởng trong xã hội; sự hoài nghi, dao động, thiếu niềm tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Thứ hai, thực chất luận điểm đó là nhằm thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng ta đối với xã hội, xóa bỏ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, “lái” nền dân chủ nước ta sang nền dân chủ khác, phi xã hội chủ nghĩa. Dù không trực tiếp nói chúng ta phải thực hiện dân chủ tư sản, nhưng cái cách “khuyên” chúng ta thực hiện đa đảng, đã cho thấy thực chất đó là hướng nền dân chủ nước ta sang dân chủ tư sản.

Thứ ba, đó là luận điểm phản khoa học và phi lịch sử. Bởi vì, trên thực tế không có thứ dân chủ chung chung trừu tượng, trong thời đại ngày nay chỉ có thể là dân chủ tư sản hay dân chủ xã hội chủ nghĩa. Cái gọi là đa đảng như trong xã hội phương Tây thực chất là sự chi phối của đảng tư sản, là biểu hiện sự tranh chấp giữa các nhóm chính trị khác nhau của chính giai cấp tư sản. Nếu nước ta thực hiện đa đảng thì các thế lực thù địch muốn đa đảng như thế nào, chắc chắn rằng chúng không muốn đa đảng mà ở đó lại có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

5. Điều gì sẽ dẫn đến, nếu ở Việt Nam thực hiện đa đảng?

Các thế lực thù địch “khuyên” chúng ta thực hiện đa đảng thì sẽ được dân chủ hơn, đất nước sẽ phát triển hơn, đời sống nhân dân sẽ được tốt đẹp hơn. Có một số ít người trong chúng ta ngộ nhận và cũng hy vọng đất nước sẽ phát triển hơn nếu Việt Nam thực hiện đa đảng! Điều chắc chắn rằng sẽ không phải như vậy, không phải như các thế lực thù địch tô vẽ ra và như viễn cảnh hi vọng của một số người.

Điều dẫn đến sẽ là: đất nước diễn ra cảnh hỗn loạn, mất ổn định, làm đổ vỡ nền kinh tế, rơi vào thảm họa như đã từng xảy ra ở một số nước. Thảm họa đó chắc chắn sẽ giáng cả lên đầu nhân dân, nhân dân chỉ là cái cớ cho sự tranh giành quyền lực giữa các phe phái. Rút cục, Việt Nam không còn là đất nước phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; Đảng Cộng sản mất vai trò lãnh đạo xã hội; mọi thành quả cách mạng của nhân dân ta bị tiêu tan.

Cần nhớ lại một bài học đau xót và thấm thía về thực thi dân chủ sai nguyên tắc ở Liên xô trong thời gian cải tổ. Những đơn thuốc “công khai hoá”, “dân chủ hoá”, “đa nguyên chính trị” đưa ra nhằm cải tổ chủ nghĩa xã hội lại tạo “thời cơ”, điều kiện thuận lợi cho các thế lực thù địch ráo riết hơn, quyết liệt hơn trong mưu đồ chống phá và dẫn đến làm tan rã, đổ vỡ chế độ xô viết.

Ở Việt Nam không thực hiện chế độ đa đảng không phải vì chúng ta bảo thủ, mất dân chủ như các thế lực thù địch cố tình xuyên tạc, mà đó là yêu cầu khách quan, là vì sự ổn định và phát triển của đất nước, vì sự phát triển của nền dân chủ và hạnh phúc của nhân dân, để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

6. Sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định bảo đảm sự ổn định và phát triển, tiến tới một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh

Tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng là nhằm không ngừng củng cố, hoàn thiện những điều kiện bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện và phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; không ngừng chăm lo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Trong chế độ chính trị nhất nguyên ở nước ta, quyền làm chủ của nhân dân không chỉ thể hiện trong các văn bản Hiến pháp, pháp luật, mà điều quan trọng ngày càng được thể hiện sinh động trong cuộc sống hàng ngày, trong đời sống hiện thực của quần chúng nhân dân.

Mọi công dân Việt Nam đều có quyền tham gia quản lý xã hội một cách trực tiếp, hoặc thông qua người đại diện do mình lựa chọn. Ý thức làm chủ, ý thức trách nhiệm công dân ngày càng được đề cao. “Mọi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, có sự tham gia ý kiến của nhân dân”(3). Nhân dân có quyền lập và tham gia các tổ chức xã hội; quyền tự do báo chí, tự do hội họp theo quy định của pháp luật.

Sự nghiệp đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam gần 25 năm qua đã đạt được thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, chính trị - xã hội ổn định, kinh tế phát triển. Mười năm gần đây, mức sống trung bình của người dân Việt Nam đã tăng lên hơn hai lần; vấn đề xóa đói giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội được coi là mục tiêu chiến lược quan trọng cả trước mắt và lâu dài. Điều quan trọng là, tuy GDP bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp, đứng ở “top” cuối trong nhóm các nước đang phát triển, thì về HDI, Việt Nam lại đứng ở mức trên trung bình trong nhóm các nước này, chứng tỏ sự phát triển xã hội và dân chủ ở Việt Nam được đặc biệt quan tâm.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu H.Ba-rô-xô nhiều lần bày tỏ sự ngưỡng mộ về sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và đã có “ấn tượng sâu sắc với thành tựu của Việt Nam trong hơn hai mươi năm qua”(4).

Tại Luân Đôn, ngày 23-24 tháng 9 năm 2008, trong báo cáo nhan đề Các thị trường của tương lai, Cơ quan Thương mại và Đầu tư của Chính phủ Anh (UKTI) nhận định: “Việt Nam là thị trường có sức hấp dẫn nhất, đứng đầu trong mười nước có tốc độ tăng trưởng cao trong tương lai”(5).

Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực trong công cuộc đổi mới đất nước của nhân dân ta là bằng chứng hùng hồn của sự vươn lên xây dựng “một quốc gia phồn thịnh” với đúng nghĩa thực sự, khẳng định tính tuyệt đối và không thể phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ở nước ta, thực hiện một đảng duy nhất lãnh đạo, mọi người dân đều có thể trực tiếp hay gián tiếp (thông qua người đại diện của mình) đề đạt nguyện vọng và đóng góp ý kiến cho các cơ quan công quyền. Các kênh bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được mở rộng và hoạt động có hiệu quả. “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trở thành quy chế, thiết chế dân chủ trong các tổ chức chính trị - xã hội, trong các hoạt động của xã hội; là phương châm hành động của người dân trong xây dựng hệ thống chính trị; là yêu cầu ứng xử của cán bộ trong tiếp xúc, quan hệ với dân và chăm lo đến dân. Nhân dân lao động là chủ thể mọi quyền lực; quyền lợi và nghĩa vụ, quyền hạn và trách nhiệm, cống hiến và hưởng thụ luôn gắn bó chặt chẽ với nhau.

Thực tế trên chưa phải là đầy đủ, nhưng đã cho thấy tính ưu việt của chế độ một đảng ở Việt Nam; không thể vì những khó khăn, phức tạp nào đó mà xuyên tạc bản chất chế độ dân chủ của nước ta, đòi thực hiện đa đảng, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bản chất tốt đẹp và tính ưu việt đó không phải tự nhiên mà có, mà đó là kết quả của biết bao mồ hôi công sức và cả máu xương của nhiều thế hệ người Việt Nam chúng ta. Bản chất tốt đẹp và tính ưu việt của chế độ này có được giữ gìn, nâng cao và phát huy hay không thì điều đó phụ thuộc vào chính chúng ta, vào sự quyết tâm và nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Vấn đề đặt ra hiện nay đối với chúng ta không phải là lựa chọn một đảng hay đa đảng, mà là phải thực hiện tốt hơn nữa quyền lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội. Đồng thời thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ then chốt là xây dựng Đảng, “Phải dành nhiều công sức tạo được sự chuyển biến rõ rệt về xây dựng Đảng, phát huy truyền thống cách mạng, bản chất giai cấp công nhân và tính tiền phong của Đảng; xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; đoàn kết nhất trí cao, gắn bó mật thiết với nhân dân, có phương thức lãnh đạo khoa học, có đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất và năng lực”(6), xây dựng Đảng ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng./.

Nguồn: Tạp chí Cộng sản số 17 (209) năm 2010

Nguyễn Mạnh Hưởng PGS, TS, Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự - Bộ Quốc phòng
Các tin khác
Xem tin theo ngày