|
|
|
Thống kê truy cập Tổng truy câp 9.871.386 Truy câp hiện tại 5.340
|
|
|
Nguồn lực dân chủ Ngày cập nhật 30/01/2014 Trong thông điệp đầu năm mới 2014, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, đây là thời điểm cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân. Muốn phát huy quyền làm chủ của nhân dân trước hết cần mở rộng dân chủ trong Đảng. Là đảng cầm quyền, không mở rộng dân chủ nội bộ của Đảng thì làm sao thực hiện tốt dân chủ xã hội? Dân chủ trong Đảng mang ý nghĩa quyết định đối với đời sống dân chủ xã hội. Tăng cường dân chủ trong Đảng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân là nội dung quan trọng của đổi mới chính trị phải được tiến hành đồng bộ với đổi mới kinh tế. Tính dân chủ ngày càng đậm nét hơn trong hoạt động của Đảng.
Năm qua, một nét nổi bật trong mở rộng dân chủ là việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo trong các cơ quan đảng, nhà nước, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đây là thực hành dân chủ cần thiết không chỉ giúp cán bộ thấy được mức độ tín nhiệm, tự điều chỉnh, khắc phục khuyết điểm mà còn là một kênh thông tin giúp cho cấp uỷ đánh giá cán bộ chính xác hơn, thêm cơ sở quyết định bố trí, sắp xếp cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, tập thể cấp ủy và tổ chức đảng vững mạnh. Lấy phiếu tín nhiệm không chỉ có tác dụng kịp thời cảnh báo, nhắc nhở, chống sự suy thoái của cán bộ, là biện pháp tốt để quản lý, bảo vệ cán bộ, mà còn thể hiện quyết tâm chính trị trong thực hiện các giải pháp khắc phục các vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng. Lấy phiếu tín nhiệm không chỉ thể hiện đổi mới trong công tác cán bộ mà còn là thực hành dân chủ trong Đảng và trong hệ thống chính trị. Đặc biệt, công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp bầu hoặc phê chuẩn trên các phương tiện thông tin đại chúng là một bước tiến trong công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, được dư luận, nhân dân đồng tình, đánh giá cao.
Năm nay, một trong nhiều nhiệm vụ quan trọng của Đảng là thực hiện những công việc chuẩn bị cho tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng, trong đó rất quan trọng là mở rộng dân chủ hơn nữa trong công tác nhân sự. Việc tổng kết thực hiện Chỉ thị 37 của Bộ Chính trị (khóa X) về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XI của Đảng sẽ là một cơ sở quan trọng để tiếp tục thực hiện tốt hơn việc bầu cử có số dư, quyết định có mở rộng hay không thí điểm đại hội đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư; đảng bộ cấp tỉnh, cấp huyện thí điểm bầu bí thư.
Dân chủ trong công tác cán bộ sẽ được thực hành mạnh mẽ hơn nếu nhân dân tham gia nhiều hơn vào công tác cán bộ. Nếu có cơ chế để nhân dân phát hiện, lựa chọn, tiến cử những người đủ đức tài cho các cơ quan lãnh đạo. Nếu quy chế về việc nhân dân tham gia xây dựng và giám sát cán bộ được ban hành. Đây là quy chế duy nhất trong 10 quy chế về công tác cán bộ do Nghị quyết Trung ương ba (khoá VIII) đề ra nhưng chưa được thực hiện. Nguồn lực dân chủ sẽ tiếp thêm sinh lực để đổi mới mạnh mẽ hơn công tác cán bộ, góp phần quyết định giải quyết những vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng do Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) đề ra.
Nguyễn Thúy Hoàn Tạp chí Xây dựng Đảng Các tin khác
|
|
|
|