Trong những năm tháng dân tộc ta tiến hành cuộc kháng chiến chống xâm lược thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Bác Hồ, người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta, lại có những lời chúc Tết kèm theo những áng Thơ Xuân xúc động lòng người. Như thành thông lệ, cứ vào đêm giao thừa, đồng bào, chiến sĩ ta từ Bắc tới Nam, từ miền xuôi đến miền ngược, từ núi rừng biên giới đến hải đảo xa xôi và cả nhiều người con Việt Nam ở nước ngoài đều chăm chú hướng về Hà Nội để nghe Bác Hồ chúc Tết, đọc thơ Xuân. Ở một số chiến trường, một vài trận đánh, người ta lấy thời điểm Bác Hồ đọc lời chúc Tết làm giờ phút phát hỏa mở đầu một trận đánh tiêu diệt quân thù. Đáp lời Bác Hồ, trên khắp mọi miền đất nước lại dấy lên phong trào thi đua lao động, sản xuất, thi đua lập thành tích dâng lên Đảng, Bác Hồ kính yêu. Chính vì vậy mà “Xuân này” thường “hơn hẳn mấy Xuân qua”.
Từ khi Bác Hồ kính yêu của chúng ta “đi xa” và nhất là từ khi đất nước ta được hoàn toàn độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội, mỗi dịp Tết đến Xuân về, Đảng ta lại thường có những nghị quyết, quyết định hoặc lời hiệu triệu quan trọng mở đầu cho một năm, giai đoạn, một thời kỳ phát triển mới. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương Đảng thường có những quyết định quan trọng vào dịp cuối năm cũ đầu năm mới. Nhà thơ Tố Hữu đã từng cảm hứng: “Xuân này, Bác không làm thơ nữa/Nóng bỏng Lời kêu gọi của Trung ương”; “Trung ương họp. Giữa những ngày rét giá/Con én về bên cửa sổ nhìn sang” (Tố Hữu: Bài ca Xuân 1971).
Khi trên đất nước ta đã sạch bóng quân thù, bước sang giai đoạn phát triển mới, một trong những quà Tết của Đảng vào dịp năm mới 1987 là đường lối đổi mới do Đại hội lần thứ VI của (tháng 12-1986) đề ra. Đường lối đổi mới mở ra chặng đường phát triển đất nước, để rồi hơn 20 năm sau, Đảng ta có thể khẳng định mạnh mẽ công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo “đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử”. Bài học lớn mà Đảng ta rút ra trong những năm trước đổi mới là: “Trong điều kiện đảng cầm quyền, phải đặc biệt chăm lo củng cố sự liên hệ giữa Đảng và nhân dân; tiến hành thường xuyên cuộc đấu tranh ngăn ngừa và khắc phục chủ nghĩa quan liêu. Mỗi đảng viên cộng sản phải thật sự vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng và khả năng của nhân dân lao động, phải khơi dậy được sự đồng tình, hướng ứng của quần chúng. Quan liêu, mệnh lệnh, xa rời quần chúng, đi ngược lại lợi ích của nhân dân là làm suy yếu sức mạnh của Đảng” (Văn kiện Đại hội lần thứ VI của Đảng). Nếu vào đầu năm mới 2011, với việc thông qua “Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, “Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020” và kết quả thắng lợi Đại hội lần thứ XI của Đảng, như “quà Tết” mà Đảng ta gửi đến nhân dân thì vào tháng 1-2012, với Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", như một lời hứa của Đảng trước toàn dân về quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, là lời tuyên chiến với giặc nội xâm: tham nhũng.
Nếu như trước đây, giặc ngoại xâm đe dọa nền độc lập, tự do, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước ta và Đảng ta lãnh đạo nhân dân đánh đuổi chúng đi, thì ngày nay “tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân”, là “giặc nội xâm”, đe dọa sự tồn vong của Đảng và của chế độ. Đặc biệt, “kẻ thù”, “giặc nội xâm” tồn tại ngay trong nội bộ các tổ chức đảng, trong đồng chí, đồng nghiệp và ngay trong mỗi con người chúng ta, chỉ chờ có cơ hội là trỗi dậy. Tham nhũng đã làm cho một số cán bộ, đảng viên “vinh thân, phì gia” trong khi đó nhiều người dân vẫn sống trong cảnh hoàn khó khăn, cơm chưa đủ ăn, mặc chưa đủ ấm. Đối với một bộ phận người nghèo, thì như Bác Hồ đã nói “nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Tuy Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác phòng, chống tham nhũng, nhưng vì nhiều nguyên nhân, vấn nạn trên vẫn chưa hề thuyên giảm, thậm chí có biểu hiện nghiêm trọng, phức tạp hơn. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, thời gian gần đây, Đảng ta đã tiến hành đổi mới Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư đứng đầu, một loạt những biện pháp quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác này.
Vào dịp cuối năm cũ, đầu năm mới, một số vụ án tham nhũng lớn được xét xử công khai, nghiêm minh, đúng người đúng tội đã phần nào lấy lại được niềm tin của quần chúng, nhân dân, có tác dụng răn đe rõ rệt. Đây là cú đấm “mở màn cho cuộc chiến chống tham nhũng đầy cam go và thách thức”. Ngay trong những ngày giáp Tết, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Công văn số 178-CV/TW gửi các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tổ chức các hoạt động nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014. Công văn đặc biệt nhấn mạnh “nghiêm cấm mọi hình thức tặng quà Tết cho cấp trên; không được sử dụng tiền, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động trong dịp Tết”. Nếu như bấy lâu nay việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên còn hình thức thì vào dịp Tết này, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 33-CT/TW “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản”. Chỉ thị xác định việc kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản là tiêu chí để đánh giá cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu. Các tổ chức, cấp ủy đảng lãnh đạo chặt chẽ việc kiểm tra, xác minh tài sản, theo phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các trường hợp sau: có tố cáo người thuộc diện phải kê khai tài sản không trung thực trong việc kê khai; cần có thông tin phục vụ cho việc bầu cử, bổ nhiệm, bãi nhiệm hoặc kỷ luật đối với người thuộc diện phải kê khai tài sản; có căn cứ cho rằng việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không hợp lý; có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Đồng thời trong bài phát biểu như là một thông điệp đầu năm, người đứng đầu Chính phủ nước ta đã khẳng định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014 là “đổi mới thể chế, phát huy quyền làm chủ của nhân dân”.
Như vậy, có thể nói một cách hình ảnh rằng, quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” là những tín hiệu vui ví như quà Tết đầu năm gửi đến nhân dân ta. Nếu như sự ra đời và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam ví như “mặt trời” mùa Xuân xua đi “màn đêm” đen tối thì những tín hiệu đầu năm này được ví như những tia sáng soi rọi vào những “bóng đen”, “góc khuất” trong xã hội chúng ta nhằm xây dựng đất nước ta bình đẳng, văn minh hơn.
Vũ Lân