Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.871.386
Truy câp hiện tại 4.170
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
“Thà ít mà tốt”
Ngày cập nhật 17/04/2014

 Có lẽ ai đã là cán bộ, đảng viên đều biết tác phẩm “Thà ít mà tốt” của V.I.Lê-nin. Đảng ta lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng thì đáng lẽ những tư tưởng của tác phẩm này phải thấm đẫm trong suy nghĩ, việc làm của cán bộ, đảng viên mới đúng.

Nhưng không phải lúc nào cũng thế. Bằng chứng là sáng 11-4-2014, Thanh tra Chính Phủ đã tổ chức họp báo về công tác thanh tra quý I-2014. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng thẳng thắn trao đổi một số vấn đề gây xôn xao dư luận vừa qua. Đó là thông tin trước khi nghỉ hưu, nguyên Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền ký một loạt quyết định bổ nhiệm gần 50 cán bộ trong tháng 8-2011. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ thừa nhận những khuyết điểm trong việc bổ nhiệm nhiều cán bộ, với việc bổ nhiệm này làm cho con số cán bộ được bổ nhiệm vào tháng 8-2011 “đội lên khác với bình thường”. Tuy nhiên ông lại khẳng định rằng: “Mục đích của việc này cũng là để thúc đẩy hiệu quả công tác tốt hơn”; nhưng “chúng tôi cũng nhận thức, so với quy định của Chính phủ, việc bổ nhiệm như vậy là quá số lượng vì Chính phủ quy định mỗi vụ có 1 vụ trưởng và không quá 3 vụ phó mà ở đây, thực tế, có vụ có đến 4 vụ phó, có cục đến 5 cục phó”. Ông Lượng thừa nhận. Qua rà soát, Thanh tra Chính phủ nhận thấy “còn nhiều trường hợp cán bộ được bổ nhiệm chưa đảm bảo điều kiện về thời gian công tác, chứng chỉ lý luận chính trị” cá biệt có người sau thời gian bổ nhiệm rất ngắn đã vi phạm pháp luật. Một trường hợp bị cách chức, 3 bị miễn nhiệm vì không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Để "sửa chữa", đơn vị đã cử những trường hợp chưa đủ điều kiện tiêu chuẩn đi bồi dưỡng, ai chưa đáp ứng được yêu cầu thì bố trí lại công việc để phát huy năng lực sở trường. Theo ông Lượng, công tác cán bộ theo quy định là “trách nhiệm của tập thể trong đó có người đứng đầu”. Do đó, việc bổ nhiệm trên thuộc trách nhiệm của Ban Cán sự đảng Thanh tra Chính phủ nhiệm kỳ trước và Bí thư Ban Cán sự.

 

Lý giải về một số cán bộ lãnh đạo Thanh tra Chính phủ có tài sản “khủng”, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ lý giải: Thanh tra Chính phủ cũng như ngành thanh tra có thêm nguồn nữa là nguồn được trích để lại từ phát hiện sai phạm, kiến nghị thu hồi và đã thực thu về ngân sách nhà nước, được trích lập vào quỹ để mua sắm trang thiết bị phục vụ yêu cầu của hoạt động thanh tra, nhưng có một phần chi bồi dưỡng thêm cho cán bộ thanh tra". Nguồn gốc tài sản của nhiều người, nhiều cán bộ công chức, người dân không phải chỉ là thu nhập của chính người đó mà còn của các thành viên trong gia đình. "Bố làm thanh tra nhưng vợ, con kinh doanh, hoàn toàn dễ hiểu. Không nên gắn thu nhập cụ thể của một người cụ thể với khối tài sản mà người ta phải kê khai. Vì theo quy định của pháp luật, họ phải kê khai tài sản của mình, của vợ và con chưa thành niên". Riêng với thông tin tài sản của một số cán bộ lãnh đạo Thanh tra CP, trong đó có Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh, được cho là "không minh bạch", ông Trần Đức Lượng cho biết: Chưa thấy chỗ nào khẳng định: đã được kiểm tra, kết luận là tài sản thực tế và kê khai là khớp đúng, việc kê khai là chính xác, đầy đủ, không thể nói là không minh bạch.

 

Trên đây mới chỉ là một ví dụ tại một cơ quan rất quan trọng của Chính phủ, trong đó có chức năng phòng, chống tham nhũng. Cách đây không lâu, trên một số phương tiện thông tin đại chúng cũng đưa tin: Giám đốc sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch TP. Hồ Chí Minh, trước khi nghỉ hưu đã có  hai đợt (vào ngày 13-2-2014 và 19-2-2014) ký quyết định bổ nhiệm 19 cán bộ. Một số cán bộ lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc một lãnh đạo ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm cách ngày về hưu chỉ hơn 10 ngày là có dấu hiệu bất thường. Lãnh đạo này cũng đề xuất: sắp đến cần phải rà soát lại công tác cán bộ và nhất là cần có quy định việc trước khi về hưu không được ký bổ nhiệm thêm trường hợp nào.

 

Đó là một khía cạnh về công tác cán bộ ở một cơ quan rất quan trọng của  Trung ương và một sở tại một thành phố lớn của cả nước còn phường, chỉ nguyên một UBND phường ở một tỉnh có tới 475 cán bộ. Còn UBND một thị trấn có tới 639 "công bộc" hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước, hằng năm, ngân sách phải chi gần 5,5 tỷ đồng để "nuôi" đội ngũ cán bộ ở đây.           

Khỏi phải bình luận thêm trước những cắt nghĩa và những lời giải thích của những người có tránh nhiệm, khi mà ở thời đại này, với sự bùng nổ của những thông tin cũng như trình độ dân trí được nâng lên, mỗi người sẽ có cách nghĩ, cách ứng xử của mình trước những vấn đề bức xúc của xã hội. Chỉ có điều, một số chuyện kiểu như trên lại diễn ra vào dịp tháng tư, trong đó có Ngày sinh của lãnh tụ V.I.Lê-nin vĩ đại mà tác phẩm “Thà ít mà tốt” của Người được coi như một lời Di chúc trước khi tác giả của nó về cõi vĩnh hằng. Những năm cuối đời, V.I. Lê-nin đặt ra nhiều vấn đề cần phải canh tân: thanh Đảng, thay đổi đường lối kinh tế (đề ra chính sách kinh tế mới - NEP) và cải cách bộ máy nhà nước. Tất nhiên, tình hình của nước Nga-xô viết ở vào những năm cuối thập niên 10 đầu thập niên 20 của thế kỷ XX có nhiều điểm khác xa tình hình đất nước ta hiện nay, nhưng đứng về khía cạnh tổ chức bộ máy nhà nước cũng như sự sắp xếp tổ chức, lựa chọn, bố trí cán bộ sao cho tinh gọn, hiệu quả thì chúng ta còn phải tiếp tục nghiên cứu, học tập, tiếp thu di huấn của Lê-nin rất nhiều. Trong tác phẩm “Thà ít mà tốt” nổi tiếng, Lê- nin đã chỉ ra rất nhiều vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy và cán bộ. Ở đây xin chỉ nhắc lại một số nội dung có liên quan đến một số chuyện diễn ra ở ta thời gian gần đây. 

 

Về tính cấp bách phải cải cách bộ máy Nhà nước, trong tác phẩm “Thà ít mà tốt”, Lê-nin viết: "Không có sự tận tụy nào, không có uy tín nào của Đảng có thể thay thế được điều cơ bản trong trường hợp này. Đó là: sự hiểu biết công việc, hiểu biết bộ máy Nhà nước của chúng ta và hiểu biết bộ máy đó phải được cải tổ như thế nào". Vào tháng 3-1923, V.I.Lê-nin đã chỉ ra "vấn đề văn hóa" của bộ máy nhà nước khi mà bộ máy ấy vừa yếu kém, vừa cồng kềnh quan liêu, vừa đầy rẫy nạn ăn hối lộ, nạn ăn cắp của công. Do đó, Người yêu cầu phải "cải tiến bộ máy nhà nước". Bởi vì “tình hình bộ máy nhà nước của ta rất đáng buồn, nếu không muốn nói là rất tồi tệ, đến nỗi chúng ta phải suy nghĩ nghiêm chỉnh xem nên khắc phục những khuyết điểm của bộ máy ấy như thế nào”.Người cho rằng, muốn cho bộ máy nhà nước có thể đạt được trình độ mong muốn thì phải tôn trọng quy tắc "chỉ hành động khi đã “suy nghĩ chín chắn, thận trọng” và "am hiểu cặn kẽ", phải đi những bước vững chắc "thà ít mà tốt" còn hơn là hấp tấp vội vàng. Để thực hiện quy tắc "Thà ít mà tốt", trước hết, Đảng phải chấn chỉnh Bộ dân ủy thanh tra công nông - tựa như Cơ quan Thanh tra Chính phủ của ta hiện nay – V.I. Lê-nin yêu cầu phải làm sao cho nó thực sự trong sạch vững mạnh, đủ khả năng làm công tác thanh tra. Đồng thời, phải củng cố Ban kiểm tra Trung ương Đảng. Theo Người, chọn việc cải tổ Bộ dân uỷ thanh tra công nông là vì đây là công cụ quản lý của Nhà nước, do đó nó phải là một cơ quan gương mẫu, “nếu chúng ta thật sự muốn, trong vài năm nữa, đi đến chỗ tạo nên được một cơ quan, một là sẽ gương mẫu, hai là sẽ được mọi người tín nhiệm tuyệt đối và ba là sẽ chỉ cho tất cả và cho từng người thấy rằng chúng ta đã thực tế cáng đáng được công tác của cái cơ quan cao cấp ấy, là Ban kiểm tra trung ương”. Và Người đã đưa ra quy tắc để cải tổ bộ máy này là: thà ít mà tốt- thà mất hai năm hay thậm chí ba năm còn hơn là hấp tấp vội vàng mà không có chút hy vọng nào đào tạo được một nhân lực tốt. Phải lựa chọn một cách cẩn thận những cán bộ của uỷ ban kiểm tra công nông; tuyển những cán bộ có kinh nghiệm nhất trong các cơ quan, sau đó tiếp tục đào tạo. Theo V.I.Lê-nin: “Phải vĩnh viễn vứt bỏ ngay tất cả những tiêu chuẩn chung về số lượng nhân viên của các cơ quan thuộc bộ ấy. Chúng ta phải lựa chọn đặc biệt cẩn thận những cán bộ của Bộ dân uỷ thanh tra công nông, căn cứ vào một sự kiểm tra nghiêm ngặt nhất, chứ không khác được”. Vấn đề tiếp theo V.I. Lê- nin đề cập đến đó là mục đích của việc cải tổ bộ máy nhà nước, đó chính là nhằm đảm bảo cho Nhà nước xô viết xứng đáng danh hiệu là bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa - nhà nước do giai cấp công nhân và nhân dân lao động làm chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ đó V.I.Lê-nin đã chỉ ra yêu cầu và điều kiện cải tiến bộ máy nhà nước, đó là phải xây dựng được một Nhà nước trong sạch vững mạnh, phải được xây dựng trên cơ sở vững chắc của khối liên minh công nông. Bộ máy nhà nước phải gọn nhẹ, có hiệu quả. Cán bộ công chức phải có năng lực. Phải đổi mới thành phần của bộ máy nhà nước bằng những lực lượng ưu tú của Đảng trong công nhân và trong trí thức. Vì thế để đổi mới bộ máy Nhà nước, theo V. I.Lê-nin: “một là học tập, hai là học tập, ba là học tập mãi và sau nữa phải làm sao cho học thức ở nước ta không nằm trên giấy hoặc là một lời nói theo mốt nữa”.

 

Những chỉ dẫn trên đây rất quen thuộc với nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp. Chỉ có điều giữa việc học tập trong học viện, nhà trường với quán triệt, vận dụng trong thực tế công tác, giữa nói và làm có đi đôi với nhau không mà thôi.

Vũ Lân 

Tạp chí Xây dựng Đảng
Các tin khác
Xem tin theo ngày