Thời gian gần đây, các thế lực thù địch bên trong và bên ngoài ra sức đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, hợp lực tiến công tập trung vào những vấn đề lý luận chính trị rất cơ bản của thể chế chính trị, kinh tế nước ta. Những luận điệu đòi “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”, coi đó là “khuôn vàng, thước ngọc” của dân chủ; những “lý sự” cho rằng một đảng cầm quyền thì không thể có dân chủ, chỉ dẫn đến độc tài, độc trị, rồi đòi phải từ bỏ điều 4 Hiến pháp, yêu sách Đảng ta từ bỏ quyền lãnh đạo, coi đó là “vấn đề căn bản”, “then chốt của chế độ dân chủ”... được tung lên các phương tiện thông tin, truyền thông. Chúng cho rằng, thể chế Việt Nam hiện nay là “không phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, chế độ một đảng lãnh đạo, độc quyền là trái với nguyên tắc nhà nước pháp quyền”(!)...
Không cần phải trình bày nhiều về các yếu tố chính trị, kinh tế, lịch sử, văn hóa đã thiết lập nên vai trò lãnh đạo dân tộc và vị thế cầm quyền duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình cách mạng và trong xã hội nước ta hiện nay. Các yếu tố này mọi người đã rõ. Với sự lựa chọn của lịch sử và bằng kiểm nghiệm từ chính thực tế, nhân dân Việt Nam đã lựa chọn và trao cho Đảng Cộng sản Việt Nam quyền duy nhất lãnh đạo, duy nhất cầm quyền ở nước ta. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28-11-2013 tiếp tục tinh thần Hiến pháp năm 1992 và hiến định rõ: “1. Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. 2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình. 3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”(1).
Đây là sự ghi nhận, sự khẳng định một thực tiễn chính trị - xã hội đã được xác lập trong thực tế; là sự phản ánh đúng đắn một hiện thực khách quan, một tất yếu lịch sử; yếu tố quy định bản chất và sự phát triển của chế độ dân chủ ở nước ta.
Vấn đề đặt ra ở đây là: có phải Đảng Cộng sản Việt Nam duy nhất cầm quyền, “lãnh đạo Nhà nước và xã hội” là không dân chủ? Có phải từ bỏ quyền lãnh đạo của Đảng là vấn đề “then chốt của chế độ dân chủ” như luận điệu của các thế lực thù địch? Câu trả lời là không phải như vậy. Vấn đề căn bản, “then chốt của chế độ dân chủ” nước ta hiện nay không phải là từ bỏ quyền “lãnh đạo Nhà nước và xã hội” của Đảng, mà là càng phải khẳng định, củng cố và tăng cường quyền lãnh đạo ấy trong thực tiễn.
Thử hỏi “dân chủ” mà họ “khuyên” chúng ta phải khuôn theo là dân chủ nào, dân chủ cho ai, vì ai và của ai? Rõ ràng đó không phải là dân chủ của nhân dân lao động, cho nhân dân lao động, thực chất là họ muốn lái nền dân chủ nước ta sang dân chủ tư sản. Chúng ta không phủ nhận nhiều giá trị của dân chủ tư sản, nhưng nền dân chủ ấy, dù có được trang điểm như thế nào, thì nó vẫn là nền dân chủ của giai cấp tư sản. Đó là nền dân chủ của thiểu số, của giai cấp tư sản nhằm bảo đảm sự thống trị, bóc lột của giai cấp tư sản đối với xã hội và nhân dân lao động.
Trong những thập niên qua, nếu như chủ nghĩa tư bản có tiến bộ nào đó về mặt xã hội, thì đó cũng là kết quả quá trình đấu tranh bền bỉ của giai cấp công nhân, nhân dân lao động ở các nước tư bản và sự ảnh hưởng bởi những giá trị dân chủ của chủ nghĩa xã hội hiện thực trên thế giới. Chính quyền và thể chế hiện nay của thế giới tư bản là “của 1%, do 1% và vì 1%” (của số người chiếm 1% dân số, do số người chiếm 1% dân số và vì số người chiếm 1% dân số)(2). Đó là thể hiện sự tập trung quyền lực và lợi ích kinh tế, chính trị vào thiểu số rất ít người, sự bất bình đẳng và mâu thuẫn xã hội không thể điều hòa của chủ nghĩa tư bản, là cái sinh ra “Mọi đói nghèo, thất nghiệp, thất học...”(3) như Giáo sư Pôn Mi-slơ (Trường Đại học bang In-đi-a-na, Mỹ) đã nói.
Dân chủ hiểu theo nghĩa đích thực và nói một cách ngắn gọn đó là quyền lực thuộc về nhân dân, nhân dân có quyền làm chủ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và được bảo đảm bằng pháp luật. Dân chủ đích thực như thế chỉ có trong nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, một nền dân chủ do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng nêu rõ: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước”(4). Chế độ dân chủ ở nước ta do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; là dân chủ của đa số, vì đa số và người lao động; là chế độ mà ở đó, nhân dân lao động làm chủ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, “tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”(5), được pháp luật bảo đảm; là thể hiện quyền lực của nhân dân, tập trung và “thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện”(6).
Thực tiễn xã hội ta hiện nay cho thấy, mọi đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, có sự tham gia ý kiến của nhân dân. Nhân dân lao động là chủ thể mọi quyền lực; quyền lợi và nghĩa vụ, quyền hạn và trách nhiệm, cống hiến và hưởng thụ gắn bó chặt chẽ với nhau. Mọi người dân đều trực tiếp hay gián tiếp đề đạt nguyện vọng và đóng góp ý kiến của mình cho các cơ quan công quyền. Các kênh bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được mở rộng và hoạt động hiệu quả. “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trở thành quy chế, thiết chế dân chủ trong xã hội; là phương châm hành động của người dân trong xây dựng hệ thống chính trị; là yêu cầu ứng xử của cán bộ trong tiếp xúc, quan hệ với nhân dân và chăm lo đến nhân dân.
Trong các cuộc bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao. Tỷ lệ đại biểu là nữ, người dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo trong Quốc hội ngày càng cao (tỷ lệ đại biểu là nữ trong Quốc hội đứng thứ hai trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đứng thứ 9/135 nước trên thế giới). Việc truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn của Quốc hội; việc thực hiện đối thoại trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng... với nhân dân; những cuộc tiếp xúc của các đại biểu Quốc hội với cử tri; việc lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992... đã tạo điều kiện tốt hơn cho người dân thực hiện quyền làm chủ, thực thi quyền kiểm tra, giám sát các hoạt động của Nhà nước và đề đạt nguyện vọng, ý kiến của mình.
Mặc dù kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, nhưng nền giáo dục có sự phát triển khá, quyền học hành của con người được bảo đảm và ngày càng được thực hiện tốt. Trong giai đoạn 2001 - 2010, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học tăng nhanh, mẫu giáo 5 tuổi tăng 26%, tiểu học tăng 3%, trung học cơ sở tăng 13%, trung học phổ thông tăng 17%. Quy mô đào tạo nghề tăng 3,08 lần, trung cấp chuyên nghiệp tăng 2,69 lần, quy mô giáo dục đại học tăng 2,35 lần. Số trường đại học, cao đẳng từ 191 năm 2001 - 2002 tăng lên 414 trường năm 2010 - 2011. Đến nay, 100% số xã có trường tiểu học, có xã có 2 - 3 trường, các xã và liên xã có trường trung học cơ sở, các huyện đều có trường trung học phổ thông; 63/63 tỉnh, thành phố có trường cao đẳng, 40/63 tỉnh, thành phố có trường đại học(7).
Điều đáng chú ý là, tỷ lệ học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số tăng khá nhanh: từ 13% lên 15,2% với giáo dục phổ thông, từ 4,6% lên 5,5% với trung cấp chuyên nghiệp giai đoạn 2000 - 2010, từ 0,3% lên 0,8% với đại học, cao đẳng giai đoạn 2000 - 2007. Cân bằng giới về cơ bản đã đạt được ở bậc phổ thông. Năm 2010, tỷ lệ học sinh nữ là 49%, ở đại học, cao đẳng là 49,5%. Tỷ lệ trẻ em khuyết tật đến trường tăng, hiện có khoảng hơn 1 triệu trẻ em khuyết tật. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang triển khai dạy 10 tiếng dân tộc cho 15 tỉnh thuộc miền núi, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống(8).
Ở Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được bảo đảm ngày càng tốt trong thực tế. Hiện nay, có khoảng 70.000 chức sắc trong các tổ chức tôn giáo đang hoạt động tại hơn 24.000 cơ sở thờ tự trên cả nước; có hơn 20 triệu người theo tôn giáo. Quyền tự do báo chí, tự do hội họp được thực hiện theo quy định của pháp luật. Đến năm 2012, cả nước có 786 cơ quan báo chí in với 1.016 ấn phẩm, 67 đài phát thanh - truyền hình trung ương và cấp tỉnh, 47 đơn vị hoạt động truyền hình cáp, 9 đơn vị truyền dẫn tín hiệu truyền hình cáp, sản xuất 62 kênh truyền hình trả tiền.
Những ví dụ trên chưa phải là đầy đủ, nhưng cũng đã thể hiện một cách rõ ràng và sinh động quyền làm chủ, quyền học hành, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do ngôn luận, báo chí... của nhân dân; thể hiện sâu sắc bản chất tốt đẹp, ưu việt của chế độ dân chủ ở nước ta. Đó không phải là sự “hạn chế”, “vi phạm dân chủ” như các thế lực thù địch cố tình gán ghép, xuyên tạc.
Thực tế trên khẳng định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng ta đối với xã hội và Nhà nước, đối với chế độ dân chủ nước ta là không thể phủ nhận. Nhà báo Đinh Viết Tứ, một người Mỹ gốc Việt đã đập lại những luận điệu đòi xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam của một số kẻ chống đối ở hải ngoại, từng viết: “Tôi thấy nhất định phải có một đảng chịu trách nhiệm trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, hiện không có lực lượng nào có thể đứng ra làm việc đó, ngoài Đảng Cộng sản”(9). Từ bỏ vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện đa đảng chắc chắn sẽ không phải là dân chủ hơn. Điều tệ hại sẽ đến là đất nước mất ổn định, kinh tế đổ vỡ, xã hội hỗn loạn, rơi vào thảm họa như đã từng xảy ra ở một số nước, tất cả đều giáng cả lên đầu nhân dân, dân chủ chỉ là cái cớ cho sự tranh giành quyền lực giữa các phe phái.
Hiện nay, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng; “Quyền làm chủ của nhân dân ở một số nơi, trên một vài lĩnh vực còn bị vi phạm. Việc thực hành dân chủ còn mang tính hình thức; có tình trạng lợi dụng dân chủ gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ, gây rối, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội”(10). Đó là thực tế, nhưng thực tế đó không phải là bản chất của chế độ dân chủ ở nước ta, không phải là do sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tạo ra. Song, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, điều đó đã làm suy giảm những giá trị tốt đẹp của nền dân chủ ở nước ta, suy giảm vai trò, vị thế cầm quyền, lãnh đạo của Đảng, bị các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, công kích, chống phá, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng.
Vì thế, tình trạng suy thoái, tham nhũng, vi phạm dân chủ nhất thiết phải được khắc phục thật sự hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI của Đảng. Phải quán triệt sâu sắc quan điểm: “Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân”(11) trong thực tiễn. Đồng thời, “Có cơ chế cụ thể để nhân dân thực hiện trên thực tế quyền làm chủ trực tiếp và quyền làm chủ thông qua các cơ quan đại diện của mình. Phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương xã hội”(12). Đây là yêu cầu rất cơ bản để bảo đảm và phát huy dân chủ trong xã hội; khẳng định trên thực tế Đảng Cộng sản Việt Nam là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” như Hiến pháp đã hiến định./.
-----------------------------------
(1) Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xem Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 10-12-2013, tr. 3
(2) Thông tin Lý luận Chính trị, Bản tin của Hội đồng Lý luận Trung ương, số 40 (113), tháng 11-2011, tr. 6
(3) Tạp chí Nghiên cứu châu Âu số 7 (106), 2009, tr. 87 - 89
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội. 2011, tr. 84 - 85
(5) Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân đã dẫn, tr. 3
(6) Văn kiện Đại hội XI đã dẫn, tr. 85
(7), (8) Ban Tuyên giáo Trung ương: Tài liệu Nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Dùng cho cán bộ chủ chốt và báo cáo viên), Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 259 - 260, 262 - 263
(9) Báo Nhân dân số ra ngày 20-12-2013, tr. 5
(10), (11), (12) Văn kiện Đại hội XI đã dẫn, tr. 171, 65, 48
Nguyễn Đình MinhThiếu tướng, PGS, TS. Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng