Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.871.386
Truy câp hiện tại 3.094
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Những bằng chứng khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam
Ngày cập nhật 17/07/2014

Hơn 300 hình ảnh, tư liệu, hiện vật ghi dấu những bằng chứng lịch sử của Việt Nam và quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của các lực lượng chức năng qua các thời kỳ; hình ảnh Hoàng Sa, Trường Sa trong trái tim Việt Nam và bạn bè quốc tế, đã được tái hiện sinh động trong triển lãm "Hoàng Sa, Trường Sa - chủ quyền Việt Nam". 

Triển lãm do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Cục Thông tin Đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông), Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bảo tàng Hải quân và Bảo tàng Biên phòng phối hợp tổ chức ngày 15-7, tại Hà Nội.

Triển lãm là hoạt động thiết thực góp phần khẳng định lập trường chính nghĩa của Việt Nam, nâng cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc; giúp bạn bè quốc tế, trong đó có người dân Trung Quốc, hiểu được mong muốn, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam trong việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực đồng thời cũng một lần nữa khẳng định ý chí quyết tâm của người dân Việt Nam trong bảo vệ mỗi tấc đất, biển, trời thiêng liêng của Tổ quốc. 

Triển lãm cũng là tiếng nói tri ân, tôn vinh những cống hiến, hy sinh và đóng góp to lớn của các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển đảo tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Triển lãm "Hoàng Sa, Trường Sa - Chủ quyền Việt Nam" gồm ba phần chính. Với phần "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử," triển lãm giới thiệu một số châu bản triều Nguyễn - các văn bản hành chính thức của Triều đình nhà Nguyễn (thế kỷ 17-18) có dấu son của Vua, là cơ sở pháp lý khẳng định việc Nhà nước phong kiến Việt Nam đã xác lập và triển khai nhiều hành động thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Một số thư tịch cổ về Hoàng Sa, Trường Sa được tập hợp trong cuốn kỷ yếu cũng được trưng bày tại triển lãm. 

Bên cạnh đó là hệ thống bản đồ khá phong phú của các Nhà nước phong kiến Việt Nam, của phương Tây và Trung Quốc đều thể hiện chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như Đại Nam nhất thống toàn đồ do vua Minh Mạng cho vẽ năm 1883; An Nam đại quốc họa đồ của giám mục Taberd vẽ năm 1838; Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ (1904).

Ngoài ra, triển lãm giới thiệu những tư liệu mới sưu tầm được như Giấy Khai sinh của bà Mai Kim Quy sinh ra ở Hoàng Sa do cơ quan hành chính Pháp đặt tại Hoàng Sa cấp năm 1940; Nghị định số 3282 ra ngày 05-5-1939 của toàn quyền Đông Dương về việc chia quận hành chính Hoàng Sa thành hai quận hành chánh thuộc tỉnh Thừa Thiên... 

Điều đó cho thấy sự thật không thể phủ nhận là từ lâu đời, nhà nước Việt Nam đã xác lập thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, phù hợp các quy định của luật pháp quốc tế. Hoàng Sa, Trường Sa là phần lãnh thổ mãi mãi không thể tách rời của Việt Nam.

Trong phần "Bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa", nhiều hình ảnh, hiện vật phản ánh sự kiện Hải quân Nhân dân Việt Nam đã giải phóng và tiếp quản các đảo trên quần đảo Trường Sa do Quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng giữ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã được trưng bày như máy thông tin PRC 25 do cán bộ, chiến sỹ tàu 673 Lữ đoàn 125 thu được đã sử dụng để chuyển, nhận lệnh giải phóng đảo Sinh Tồn ngày 28-4-1975; Biển ngụy trang tàu AJ01F Lữ đoàn 125 Hải quân đã chở bộ đội Trung đoàn 126 Anh hùng đổ bộ lên giải phóng các đảo thuộc đảo Trường Sa; Cờ giải phóng treo trên cột cờ đảo Song Tử Tây ngày 14-4-1975…

Cùng với đó là những hình ảnh, nhóm hiện vật tiêu biểu phản ánh hoạt động của bộ đội Hải quân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, ống nhòm quan sát chỉ huy bộ đội xây dựng và bảo vệ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988; cáng thương chuyển cán bộ chiến sĩ đã chiến đấu hy sinh bảo vệ quần đảo Trường Sa năm 1988. 

Triển lãm cũng giới thiệu một số hình ảnh tàu Trung Quốc đâm tàu ngư dân bị chìm, đâm tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư bị hỏng, các mảnh thành tàu, boong tàu, mạn tàu của tàu CSB 2012 và 2016 bị tàu Trung Quốc đâm hỏng là bằng chứng không thể chối cãi cho những hành động vi phạm ngang ngược của Trung Quốc trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Nhiều hình ảnh, tài liệu, hiện vật thể hiện sự quan tâm và tình cảm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, quân đội, nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội và kiều bào ta ở nước ngoài với những hành động thiết thực chung sức bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương cũng được trưng bày trong phần 3 "Hoàng Sa, Trường Sa trong trái tim Việt Nam và bạn bè quốc tế".

Cùng ngày, tại Trung tâm Văn Miếu Trấn Biên, Đồng Nai cũng tổ chức khai mạc triển lãm, giới thiệu 100 bản đồ cổ, các thư tịch, tư liệu cũ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước khẳng định chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam.

Ông Trần Đăng Ninh, Giám đốc Trung tâm Văn Miếu Trấn Biên cho biết, triển lãm nhằm giới thiệu đến người dân những bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Sau thời gian triển lãm phục vụ người dân đến tham quan, nghiên cứu tại Trung tâm Văn miếu Trấn Biên, Ban tổ chức sẽ triển khai đưa các bản đồ, thư tịch, tư liệu cổ này đến các khu công nghiệp nhằm phục vụ công tác tham quan, tìm hiểu của công nhân, lao động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Trong số 100 bản đồ, thư tịch, tư liệu cũ, có những bản đồ và tư liệu quý như Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ, vẽ vào thời nhà Thanh năm 1904. Tấm bản đồ ghi rõ điểm cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc lúc đó chỉ đến đảo Hải Nam.

Hay bản đồ An Nam đại quốc toàn đồ do Lean Louis Taberd vẽ vào năm 1838 vẽ quần đảo Paracel Cát Vàng (tức quần đảo Hoàng Sa) thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Bản đồ vẽ xứ Quảng Ngãi trong Toàn tập "Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư" do Đỗ Bá, tự Công Đạo, soạn thời Chính Hoà (1680 - 1705) triều Lê. Chú thích trên bản đồ có ghi địa danh bãi Cát Vàng bằng chữ Nôm, ở ngoài khơi phủ Quảng Ngãi. 

Các bản đồ Đông Ấn, do Seutter thực hiện năm 1720; bản đồ nước Xiêm và quần đảo Mã Lai, do The Times Atlat-Printing House Square xuất bản tại London (Anh) năm 1896 đều khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Tấm bản đồ Sinae Propriae do nhà bản đồ học người Pháp Jean Baptiste Bourguignon thực hiện năm 1735 và do một nhà xuất bản Đức ấn hành. Bản đồ thể hiện đảo Hải Nam là tận cùng phía Nam Trung Hoa.

Trong một thư tịch cũ Nhà Vua truyền cho bộ Công rằng: "Vùng biển Quảng Ngãi liền một dải với Hoàng Sa, trông xa hẳn trời nước một màu, không thể biết nông sâu. Thuyền buôn từ xa tới thường vì đó mà mắc nạn. Nay nên sắp sẵn tàu thuyền để đến năm tới sai đi, nhằm xây miếu dựng bia nơi ấy, lại trồng nhiều cây gỗ, sau này lớn lên xanh tốt cho dễ nhận biết, khỏi lầm đường mắc cạn. Đó cũng là làm lợi cho muôn đời sau vậy".

Một tài liệu giá trị khác là bản Sự vụ lệnh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa cấp cho chuẩn úy Nguyễn Văn Đức, đơn vị Trung đội Hoàng Sa, thuộc tiểu khu Quảng Nam, lý do của Sự vụ lệnh là thay quân Hoàng Sa, ngày đi 14-10-1969./.

Các tin khác
Xem tin theo ngày