Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.871.386
Truy câp hiện tại 1.578
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Bảo đảm đời sống người có công ở Việt Nam
Ngày cập nhật 26/07/2014

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI ghi nhận: “Huy động mọi nguồn lực xã hội cùng Nhà nước chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho những người và gia đình có công với cách mạng" (1). Bảo đảm đời sống cho người có công không chỉ góp phần ổn định chính trị - xã hội, mà còn tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế.

Bảo đảm đời sống người có công

So với những thành viên khác trong xã hội, điều kiện sống của người có công và thân nhân của họ nhìn chung gặp nhiều khó khăn bởi khả năng tham gia vào thị trường lao động của nhóm người này không cao. Điều này bắt nguồn từ những tổn thương về tinh thần và thể chất mà những cá nhân này đã đóng góp trong quá trình bảo vệ Tổ quốc. Chính vì thế, thực hiện các hoạt động nhằm bảo đảm chất lượng cuộc sống đối với nhóm đối tượng này là trách nhiệm của Nhà nước và xã hội. Bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công và thân nhân của họ có tác động tích cực đến quan điểm, nhận thức của gia đình, cộng đồng và xã hội về hoạt động đền ơn, đáp nghĩa mà Nhà nước, cộng đồng thể hiện đối với sự hy sinh, đóng góp của họ cho quá trình phát triển, ổn định của quốc gia. Việc các cá nhân có sẵn sàng xả thân, hy sinh cho sự bình yên của đất nước hay không cũng có phần dựa trên cách mà họ nhìn nhận về hoạt động ưu đãi của Nhà nước đối với cuộc sống hiện tại của các gia đình người có công. Thực hiện tốt công tác bảo đảm đời sống đối với người có công, do đó, sẽ góp phần ổn định chính trị, giữ vững thể chế, tạo điều kiện cho phát triển đất nước trong thế ổn định và bền vững. 

Việc thực hiện ưu đãi xã hội đối với người có công không chỉ góp phần ổn định chính trị - xã hội mà còn góp phần cải thiện điều kiện kinh tế của người có công và gia đình của họ. Đối với những người có công không còn khả năng lao động cũng như không còn ai để nương tựa thì các khoản trợ cấp, ưu đãi được coi là nguồn thu nhập chủ yếu để bảo đảm cuộc sống của họ. Đối với những người có công còn khả năng lao động thì những hỗ trợ về việc làm, y tế… giúp cho những đối tượng này giảm thiểu được chi phí chăm sóc y tế, đào tạo nghề, góp phần đáng kể trong việc cải thiện điều kiện kinh tế của bản thân cũng như toàn bộ gia đình họ (2).

Người có công và thực trạng bảo đảm đời sống người có công ở Việt Nam

Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân ta luôn phải gồng mình chống lại ngoại xâm và thiên tai khắc nghiệt, lập nên bao chiến công hiển hách, những trang sử vẻ vang. Đi liền với những vinh quang đó phải kể đến những tổn thất hết sức to lớn về sinh mạng con người và của cải vật chất. Chính đặc điểm lịch sử đó đã tạo nên một truyền thống tốt đẹp và quý báu của dân tộc ta, đó là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”... Truyền thống quý giá này được nâng lên một tầm mới từ năm 1945, khi Chính phủ Việt Nam quyết định công nhận những cá nhân không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, dân tộc, nam nữ… có những đóng góp, cống hiến sức lực, tài năng, trí tuệ của cuộc đời mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, độc lập của dân tộc hay đem lại thành tích vẻ vang cho đất nước đều được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận là những người có công và được hưởng các chế độ đãi ngộ đặc biệt của Nhà nước. Điều 59, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước, xã hội tôn vinh, khen thưởng, thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với nước”. Ngày 16 tháng 7 năm 2012, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13, về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 35/2007/PL-UBTVQH11... Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, việc chăm lo đến người có công ngày càng được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, chế độ ưu đãi người có công từng bước được hoàn thiện, mở rộng và nâng cao. Diện hưởng chính sách ưu đãi đã mở rộng từ 3 - 4 nhóm đối tượng, nay lên đến 12 nhóm đối tượng khác nhau; các chính sách ưu đãi xã hội không chỉ tập trung vào trợ cấp, phụ cấp mà còn mở rộng đến các lĩnh vực giáo dục, đào tạo và bảo đảm nhà ở cho nhóm đối tượng này...

Hiện, cả nước có trên 8,8 triệu người có công, trong đó 1,5 triệu người được hưởng trợ cấp thường xuyên, chiếm gần 10% dân số, trong đó hơn 8,8 nghìn người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945, hơn 16 nghìn người từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước ngày 19 tháng 8 năm 1945, hơn 1,146 triệu liệt sĩ, hơn 49.600 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 1.253 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong kháng chiến, hơn 781 nghìn thương binh, hưởng chính sách như thương binh và thương binh loại B, gần 185 nghìn bệnh binh, hơn 236 nghìn người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, gần 109,5 nghìn người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, hơn 1,8 triệu người có công giúp đỡ cách mạng, trên 4,1 triệu người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế,..(3) đang được hưởng các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Mức trợ cấp, phụ cấp khác nhau tùy thuộc vào đối tượng người có công. Từ năm 2013, Nhà nước thực hiện trợ cấp hằng tháng đối với người hoạt động cách mạng, hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày; bổ sung trợ cấp người phục vụ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; trợ cấp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được chia làm 4 mức, thay vì 2 mức như trước đây; bổ sung chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sĩ, điều chỉnh thời gian điều dưỡng từ 5 năm một lần xuống 2 năm một lần với các đối tượng còn lại…(4) 

Để thực hiện chăm sóc y tế cho người có công, Nhà nước đã xây dựng các trung tâm điều dưỡng cho thương binh, bệnh binh, các khu điều dưỡng cho những người có công với cách mạng. Những người không được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế. Những bệnh binh mất sức lao động từ 81%, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động có thể được nuôi dưỡng tại các trung tâm điều dưỡng. Hằng năm, Nhà nước tổ chức khám bệnh, chữa bệnh, cấp thuốc định kỳ cho người có công. Bên cạnh đó, Nhà nước còn phát động phong trào toàn dân chăm sóc đối tượng chính sách.

Để hỗ trợ người có công chủ động tham gia vào thị trường lao động, Nhà nước đã ban hành một số hình thức hỗ trợ đối tượng chính sách trong việc vay vốn với lãi suất thấp nhằm tạo việc làm và giải quyết việc làm như Chương trình 327, Chương trình vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm, Chương trình xóa đói giảm nghèo… Nếu người có công có nhu cầu học nghề tại các cơ sở công lập sẽ được ưu tiên trong xét tuyển và miễn giảm học phí. Nhà nước còn khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất nhận những đối tượng chính sách vào làm việc. Đối với cơ quan nhà nước khi tổ chức thi tuyển công chức thì các đối tượng chính sách được ưu tiên bằng các hình thức như cộng điểm,…

Ngoài các chính sách trực tiếp ưu đãi người có công, Nhà nước còn thực hiện các chính sách ưu đãi đối với thân nhân người có công trong các cơ sở giáo dục bằng các hình thức như: miễn, giảm học phí; miễn các khoản đóng góp xây dựng trường học, quỹ khuyến học; được ưu tiên khi xét lên lớp, xét tốt nghiệp, được hỗ trợ tiền mua sách vở, đồ dùng học tập, mỗi năm một lần với mức 200.000 đồng ở cơ sở giáo dục mầm non và 250.000 đồng ở cơ sở giáo dục phổ thông. Ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, tư thục trung học chuyên nghiệp, dạy nghề tư thục được hỗ trợ học phí; còn ở các trường công lập thì được miễn học phí. Đối tượng thuộc diện ưu đãi sẽ được ưu tiên trong xét tuyển, xét lên lớp; được hỗ trợ tiền mua đồ dùng học tập là 30.000 đồng/năm. Ngoài ra, học sinh, sinh viên thuộc diện ưu đãi còn được hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng ở hai mức: mức 345.000 đồng/tháng đối với học sinh, sinh viên là con thương binh loại B, con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động dưới 61%; con bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng trong sinh hoạt của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; mức 685.000 đồng/tháng đối với học sinh, sinh viên là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và con của họ; thương binh loại B và con của họ; con của người hoạt động cách mạng trước ngày 01-01-1945; con của người hoạt động cách mạng từ 01-01-1945 đến trước Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945; con của liệt sĩ; con của thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; con bị dị dạng, dị tật làm suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Những học sinh, sinh viên đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định trên sau khi thi tốt nghiệp được hưởng trợ cấp một lần bằng 2 tháng trợ cấp hằng tháng đang hưởng (5).

Nhằm giúp đỡ người có công với cách mạng có nơi ở ổn định, Nhà nước áp dụng một số hình thức như: tặng nhà tình nghĩa; hỗ trợ kinh phí để sử dụng và sửa chữa nhà ở, hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ tiền khi mua nhà của Nhà nước hoặc khi giao đất làm nhà ở. Các biện pháp, chính sách liên quan đến bảo đảm nhà ở đối với người có công luôn được Đảng và Chính phủ quan tâm và hoàn thiện. Gần đây nhất ngày 26-3-2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, về việc hỗ trợ người có công về nhà ở. Quyết định này là việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với hộ gia đình người có công với cách mạng. Nhờ các hình thức giúp đỡ của Nhà nước, đời sống của các đối tượng chính sách đã khắc phục được những khó khăn và có được nơi ở ổn định.

Ngoài ra, Nhà nước và cộng đồng xã hội luôn quan tâm chăm lo đến đời sống tinh thần của các đối tượng chính sách, thường xuyên thăm hỏi, tặng quà vào các dịp lễ, Tết. Đối với các liệt sĩ, Nhà nước, xã hội đời đời nhớ ơn và luôn quan tâm giúp đỡ người thân của họ nhằm bù đắp một phần về vật chất cũng như tinh thần. Nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa được cả xã hội tham gia như: quy tụ mộ liệt sĩ, xây dựng đài tưởng niệm, xây dựng nghĩa trang liệt sĩ...

Thành tựu, hạn chế trong việc bảo đảm đời sống người có công ở Việt Nam

Hằng năm, ngân sách Trung ương bảo đảm đầy đủ, kịp thời kinh phí để thực hiện các chế độ đối với người có công. Giai đoạn 2005 - 2011 đã bố trí trên 106 nghìn tỷ đồng, trong đó năm 2011, thực hiện trên 24,7 nghìn tỷ đồng cho đối tượng người có công (chi trợ cấp thường xuyên là trên 18 nghìn tỷ đồng, chi trợ cấp một lần, bảo hiểm y tế, quà lễ, Tết, điều trị, điều dưỡng, dụng cụ chỉnh hình… là trên 3 nghìn tỷ đồng). Con số này tăng lên khoảng 26 nghìn tỷ đồng năm 2012 và tiếp tục là 30 nghìn tỷ đồng năm 2013 (6). Thêm vào đó, với việc thay đổi mức trợ cấp, phụ cấp của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ban hành ngày 04-09-2013, đời sống của người có công và gia đình của họ đã từng bước được cải thiện, đến nay có khoảng 95% gia đình người có công có mức sống trung bình trở lên so với mức sống dân cư tại địa bàn nơi cư trú.

Mặc dù có sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước và xã hội nhưng đời sống của một bộ phận người có công còn gặp khó khăn, nhất là ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Năm 2011, vẫn còn 5% hộ gia đình người có công có mức sống dưới trung bình tại địa bàn nơi cư trú. Chế độ chăm sóc sức khỏe cho người có công và thân nhân còn hạn chế, thân nhân liệt sĩ vẫn phải đóng 20% mức phí bảo hiểm khi khám chữa bệnh. Mức trợ cấp cho con của người có công đi học còn thấp, chưa bảo đảm cho việc sinh hoạt và học tập (7). Chế độ ưu đãi về đất ở, đất sản xuất, thuế, tín dụng, việc làm quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền hướng dẫn triển khai, thậm chí có ý kiến còn nhận định chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công là khó khả thi. Nhà ở của các đối tượng người có công được hỗ trợ từ nhiều nguồn, qua nhiều thời kỳ, đến nay phần lớn đã xuống cấp, hiện còn khoảng 72 nghìn hộ gia đình người có công sống trong các nhà đã xuống cấp, cần phải sửa chữa.

Một số khuyến nghị nâng cao đời sống người có công những năm tới

Hội nghị Trung ương 5 khóa XI khẳng định: “Phấn đấu đến năm 2015, cơ bản hoàn thành mục tiêu bảo đảm các gia đình người có công có mức sống tối thiểu bằng mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn”(8). Muốn vậy, trong giai đoạn tới, để nâng cao đời sống người có công Việt Nam cần tập trung giải quyết tốt một số vấn đề sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh phong trào đến ơn đáp nghĩa, huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh các chương trình chăm sóc người có công, xóa nhà tạm đối với người có công. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chế độ, chính sách hỗ trợ các gia đình chính sách cải thiện nhà ở. Trong đó chú trọng đến tổng mức trợ cấp thường xuyên và đột xuất nhằm bảo đảm người có công và gia đình của họ có được cuộc sống ở mức trung bình chung trong cộng đồng.

Thứ hai, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động của hệ thống chính trị thực hiện chính sách người có công; làm tốt công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội, tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhận thức đúng đắn về bản chất của chính sách ưu đãi người có công, đặc biệt chú trọng đến các biện pháp hỗ trợ người có công và thân nhân của họ chủ động tham gia vào thị trường lao động. Những hoạt động này tạo điều kiện để người có công và thân nhân của họ chủ động trong việc tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập và đạt được mức sống tốt hơn. Hoạt động này còn đem đến cho người có công và thân nhân của họ cơ hội để chứng tỏ với xã hội là họ không chỉ có công trong việc bảo đảm sự bình yên Tổ quốc mà họ còn có những đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế của nước nhà.

Thứ ba, thường xuyên chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công, và có cơ chế khuyến khích tài chính thỏa đáng để đội ngũ cán bộ thực thi công tác này hoàn thành nhiệm vụ; thêm vào đó thực hiện đổi mới công tác quản lý, thực hiện cải cách hành chính, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống các hiện tượng tiêu cực trong việc thực hiện chế độ chính sách đối với người có công./.

--------------------------------------------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 229

(2) Mai Ngọc Cường (2013): Một số vấn đề cơ bản về chính sách xã hội ở Việt Nam hiện nay, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật

(3) Bùi Thu Hiền (2013): Chính sách đối với người có công thực trạng và một số kiến nghị

(4) Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (2014): Chính sách ưu đãi người có công: Nhiều thay đổi lớn cho đối tượng

(5) Mai Ngọc Anh (2012): Chính sách xã hội đối với người có công ở Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị, Tạp chí Kinh tế và Phát triển số 181, tháng 7-2012

(6) Bùi Thu Hiền (2013): Chính sách đối với người có công thực trạng và một số khuyến nghị

(7) Mai Ngọc Anh (2012): Chính sách xã hội đối với người có công ở Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị, Tạp chí Kinh tế và Phát triển số 181, tháng 7-2012

(8) Hội nghị Trung ương 5 khóa XI: Thông báo Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI


 

 

TS. Mai Ngọc AnhTrường Đại học Kinh tế Quốc dân
Tạp chí Cộng sản
Các tin khác
Xem tin theo ngày