Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.871.386
Truy câp hiện tại 2.091
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Hội thảo khoa học “Quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”
Ngày cập nhật 19/08/2014

Ngày 13-8-2014, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Học viện Chính trị khu vực 4 (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học “Quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”. TS. Phạm Tất Thắng, Phó Tổng Biên tập Thường trực Tạp chí Cộng sản; TS. Nguyễn Thành Hưng, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực 4, chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo còn có PGS, TS. Vũ Văn Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, đại diện lãnh đạo một số ban nghiệp vụ của Tạp chí Cộng sản, các thành viên thực hiện đề tài KX 04.06/11-15; cán bộ, giảng viên Học viện Chính trị khu vực 4; Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Thủ Dầu Một…

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ triển khai thực hiện đề tài khoa học KX 04.06/11-15: “Quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay”, thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước KX. 04/11-15. 

Trình bày Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, TS. Phạm Tất Thắng, Phó Tổng Biên tập Thường trực Tạp chí Cộng sản, Chủ nhiệm Đề tài khoa học KX 04.06/11-15, nhấn mạnh: Đề tài khoa học KX 04.06/11-15 do Tạp chí Cộng sản chủ trì, được thực hiện từ quý IV năm 2012 đến quý II năm 2015. Đề tài gồm 5 nội dung chính: Cơ sở lý luận, phương pháp luận nghiên cứu về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa; Kinh nghiệm các nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa; Bối cảnh mới của sự quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay; Quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam: Nhận thức, thực tiễn và những vấn đề đặt ra; Quan điểm, giải pháp lý luận và thực tiễn nhằm thực hiện thành công các mục tiêu và nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Với 5 nội dung quan trọng này, đề tài được thực hiện bởi nhiều nội dung cụ thể khác nhau với 99 chuyên đề khoa học và một cuộc điều tra xã hội học với 1.800 phiếu tại 6 tỉnh đại diện cho các vùng trong cả nước.

Tại Hội thảo này, Ban Tổ chức, Ban Chủ nhiệm đề tài đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ một số vấn đề khoa học và thực tiễn căn bản sau: 1. Những nhân tố thời đại tác động đến sự quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam; 2. Một số đặc trưng cơ bản của xã hội Việt Nam trong thời kỳ mới tác động tới sự quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa; 3. Thành tựu của công cuộc đổi mới tác động đến sự phát triển của chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay; 4. Về sự lựa chọn con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam; 5. Đặc điểm của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư ban chủ nghĩa ở nước ta; 6. Một số vấn đề đang đặt ra về lý luận và thực tiễn trong thời kỳ quá độ ở nước ta hiện nay; 7. Về những đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội, con người ở đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng đến quá trình quá độ lên chủ nghĩa xã hội; 8. Về mô hình phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn hiện nay; 9. Những biến đổi cơ cấu xã hội (giai cấp, dân số, dân tộc, tôn giáo…) ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong quá trình đổi mới toàn và hội nhập quốc tế; 10. Một số vấn đề đang đặt ra trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay; 11. Xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long - thành tựu và vấn đề đặt ra; 12. Xây dựng hệ thống chính trị ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Các tham luận và ý kiến tại Hội thảo thống nhất quan điểm: Quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam là con đường duy nhất đúng đắn; con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử nhân loại. 

Theo ThS. Phan Văn Nhung - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Tư liệu - Thư viện, Học viện Chính trị khu vực IV, thực chất của “bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa” là bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa. Nghĩa là, về quan hệ sản xuất là bỏ qua quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa với tư cách là quan hệ sản xuất thống trị (chủ đạo), thay vào đó là kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nhà nước khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển vì đó là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kinh tế tư nhân bình đẳng trước pháp luật, cùng các thành phần kinh tế khác phát triển lâu dài ở nước ta. Về kiến trúc thượng tầng, toàn bộ hệ thống chính trị phải phục vụ vì lợi ích của đa số nhân dân lao động, chứ không phải định hướng phục vụ cho thiểu số người giàu như trong xã hội tư bản chủ nghĩa. Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và hệ thống pháp luật cũng phải vì nhân dân. 

Trình bày tham luận “Nhận thức của Đảng về con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa”, ThS. Bùi Thanh Xuân, Trường Đại học Thủ Dầu Một, khẳng định: Bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa thực chất là phát triển theo con đường “rút ngắn” quá trình lên chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên “rút ngắn” không phải là đốt cháy giai đoạn, duy ý chí, coi thường quy luật, như muốn xóa bỏ nhanh sở hữu tư nhân và các thành phần kinh tế “phi chủ nghĩa xã hội” hoặc coi nhẹ sản xuất hàng hóa,... Phát triển theo con đường “rút ngắn” là phải biết kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được ở chủ nghĩa tư bản không chỉ về lực lượng sản xuất mà cả về quan hệ sản xuất, cơ sở kinh tế và kiến trúc thượng tầng. 

Để xác định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày càng rõ ràng hơn, Đại hội XI của Đảng đã thông quaCương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Cương lĩnh yêu cầu giải quyết tốt các mối quan hệ lớn trong thời kỳ quá độ như: quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế.

Đề cập những vấn đề đặt ra khi nghiên cứu về điều kiện quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay, PGS, TS. Vũ Văn Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, nhấn mạnh: Quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa vẫn là xu hướng phát triển của lịch sử. Song, phải thấy rằng ngày nay, những điều kiện đã khác xa với thời đại của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác. Trong bối cảnh như vậy, mặc dù những điều kiện bảo đảm cho sự lựa chọn chủ nghĩa xã hội vẫn có, song ngày nay cần có sự lý giải phân tích theo quan điểm mới, bởi bản thân các điều kiện cũng có những hình thức biểu hiện mới và có tính chất mới. 

Theo ThS. Trịnh Xuân Thắng, Học viện Chính trị khu vực IV, xây dựng chủ nghĩa xã hội là quá trình tạo ra những thay đổi về chất trên mọi lĩnh vực. Trong kinh tế, nếu kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được Đảng ta coi là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ thì sở hữu hỗn hợp được coi là hình thức kinh tế phù hợp để thực hiện mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội trong lĩnh vực kinh tế ở nước ta. Chủ trương phát triển và mở rộng hình thức sở hữu hỗn hợp để hình thức sở hữu này trở thành phổ biến trong nền kinh tế là rất đúng đắn, phù hợp với điều kiện của Việt Nam, là sự vận dụng sáng tạo tư tưởng của các nhà kinh điển và cũng là con đường chắc chắn nhất để đưa nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội.

Ngoài các tham luận, các ý kiến đóng góp, trao đổi tại Hội thảo đã tập trung làm rõ các vấn đề: “Tính khách quan của sự lựa chọn con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam”, “Nhận thức của Đảng về con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa”, “Sự đúng đắn của con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - Vấn đề lý luận và thực tiễn”, “Vấn đề đặt ra khi nghiên cứu về điều kiện quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay”, “Sở hữu hỗn hợp - hình thức kinh tế cần thiết trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, “Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, “Tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, “Biến đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long”…

Phát biểu kết thúc Hội thảo, TS. Nguyễn Thành Hưng, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực 4, hoan nghênh các đại biểu đã thể hiện rõ tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm thông qua 12 ý kiến và tham luận tại Hội thảo. Các bài tham luận và ý kiến đều thống nhất khẳng định quá độ lên chủ nghĩa xã hội là tất yếu lịch sử, phù hợp với quy luật khách quan. Quá độ lên chủ nghĩa xã hội cho phép những nước phát triển sau kế thừa những thành tựu của chủ nghĩa tư bản để đi lên chủ nghĩa xã hội. Hội thảo đã tập trung làm rõ những vấn đề: khẳng định nhận thức của Đảng ta về quá độ lên chủ nghĩa xã hội ngày càng rõ hơn; thực chất vấn đề quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa; sự cần thiết phải kế thừa những cách thức sản xuất tiên tiến của chủ nghĩa tư bản để phát triển lực lượng sản xuất trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; đa dạng hóa các hình thức phân phối phù hợp với giá trị sức lao động trong nền kinh tế nhiều thành phần, vấn đề hoàn thiện quan hệ sản xuất trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa…Những ý kiến, tham luận tại Hội thảo sẽ được Ban Chủ nhiệm đề tài tổng hợp, kế thừa để từng bước hoàn thiện đề tài./. 

 

Tin, ảnh: Huy Vũ
Tạp chí Cộng sản
Các tin khác
Xem tin theo ngày