Về vấn đề đoàn kết trong Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh xem đó là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân. Người yêu cầu các cấp ủy đảng “cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(1). Ngay từ năm 1924, trong hành trình đi tìm đường cứu nước, Người đã viết bài “Đoàn kết giai cấp”(2). Người nhắc đến bài “Quốc tế ca” và có một nhận định quan trọng: “Vậy là, dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”(3). Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Người kêu gọi đại đoàn kết và chỉ có đại đoàn kết mới dẫn đến đại thành công.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là, đoàn kết trong Đảng, thống nhất nội bộ; đoàn kết trong dân và mở rộng mặt trận đoàn kết quốc tế, nhất là đoàn kết với các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, cùng đấu tranh chung để thế giới không còn chiến tranh, loại trừ cái ác, nhân lên cái thiện, tất cả đều sống chung trong một mái nhà hòa bình và dân chủ. Sống yên vui, sống thuận hòa giữa người và người, giữa các dân tộc với nhau là điểm nổi bật trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính tư tưởng này đã làm cho bầu bạn trên thế giới đến với Người, có tình cảm với Người và ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống xâm lược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Thực hiện tư tưởng đoàn kết và đại đoàn kết của Người, từ khi thành lập đến nay, trong Đảng nhìn chung đã đoàn kết chặt chẽ, vì sự nghiệp xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Trong xã hội, nhân dân đã đoàn kết một lòng đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mọi hoàn cảnh.
Với phong trào cách mạng thế giới, trong Di chúc, Người kêu gọi đoàn kết giữa các đảng cộng sản và đảng công nhân. Rất tiếc là vào cuối thập niên 50, đầu thập niên 60, thế kỷ XX, hai đảng cộng sản lớn nhất thế giới đã không đoàn kết lại được. Trong Di chúc, Người mong Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình.
Về vấn đề tự phê bình và phê bình trong Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh xem đó là quy luật phát triển của Đảng. Trong các bài viết, bài nói chuyện, có lúc Người đưa tự phê bình lên trên, nhưng có lúc, Người đưa phê bình lên trên, nhưng nhìn chung, Người thường nhấn mạnh đến tự phê bình. Trong Di chúc, Người viết: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”(4). Người nêu mục đích tự phê bình và phê bình là giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, giúp nhau tiến bộ.
Kiểm điểm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình, thấy rằng, trong những năm đổi mới, vấn đề tự phê bình và phê bình luôn luôn được đặt ra trong các nghị quyết của Đảng. Tính từ Đại hội VI, Đại hội ghi dấu ấn đổi mới toàn diện, đến nay, Trung ương Đảng đã có 4 nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng. Đó là, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa VI, ngày 20-6-1988, “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng, bảo đảm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3, khóa VII, ngày 29-6-1992, “Về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII, ngày 02-02-1999, “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI, ngày 16-01-2012, “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Cả 4 nghị quyết này đều đặt vấn đề tự phê bình và phê bình trong Đảng. Như vậy, trong Đảng, tự phê bình và phê bình là phương pháp cải tạo mang tính chất cách mạng của Đảng. Còn trong xã hội, tự phê bình và phê bình cũng là phương pháp hoạt động của toàn dân, là một trong những động lực thúc đẩy xã hội phát triển, là nguyên tắc tự giáo dục và giáo dục của con người về mặt đạo đức. Thông qua tự phê bình và phê bình mà sửa chữa những khuyết điểm, phát huy ưu điểm, làm cho công việc tiến nhanh và có hiệu quả.
Ở đây, có một vấn đề thuộc về nhận thức và phương pháp tự phê bình và phê bình trong Đảng, đó là tự phê bình và phê bình nhằm giải quyết mâu thuẫn nội bộ, đơn vị, cơ quan, đoàn thể, chứ không phải biến nó thành đối kháng, đả kích nhau, không dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc, nhưng cũng không e dè, nể nang, chiếu lệ, làm cho qua chuyện; tự phê bình và phê bình để mang lại hòa thuận, chứ không phải làm tăng thêm bất hòa. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên mỗi khi tự phê bình mình và phê bình người phải hết sức trung thực, thành khẩn và có dũng khí. Trong phê bình, không được lấy lòng nhau, nhưng cũng không được vu cáo nhau, thiếu thiện chí. Trong cuộc sống và công tác, không có ai hoàn hảo, chỉ có những người ít khuyết điểm và những người nhiều khuyết điểm. Những người nhiều khuyết điểm thì sửa nhiều, những người ít khuyết điểm thì sửa ít, phải biết cách chuyển hóa khuyết điểm thành ưu điểm bằng cách tự cải tạo bản thân, phải hết sức thành khẩn, thành tâm, cầu tiến bộ. Phê bình và sửa chữa phải đi đôi với nhau. Phê bình mà không chịu sửa chữa, thì có khác gì “đánh trống bỏ dùi”. Người nói: “Mọi người phải tích cực sửa chữakhuyết điểm của mình và giúp anh em sửa chữa khuyết điểm của họ”(5).
Tự phê bình và phê bình có ý nghĩa ngày càng lớn trong điều kiện hiện nay do quy mô và tính chất phức tạp của những nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ đổi mới ngày càng tăng. Muốn làm tốt tự phê bình và phê bình, phải làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng”(6).
Về vấn đề Đảng cầm quyền, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:
“Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”(7).
Đảng cầm quyền chính là Đảng lãnh đạo chính quyền. Muốn lãnh đạo chính quyền được tốt, Đảng phải thấm nhuần đạo đức cách mạng. Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, xét cho cùng, cũng quy về đạo đức cách mạng. Đảng không có trí tuệ, không có năng lực lãnh đạo, không có đạo đức cách mạng trong sáng thì không thể lãnh đạo được chính quyền. Bộ máy của Đảng trong sạch, bộ máy chính quyền cũng trong sạch. Cán bộ, đảng viên của Đảng gương mẫu thì công chức, viên chức của bộ máy chính quyền cũng gương mẫu. Đó là lô gích của vấn đề.
Là Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội trên các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước là để bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, Nhà nước nằm trong lòng nhân dân, bảo vệ và phục vụ lợi ích của nhân dân. Là Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo các lĩnh vực của đời sống xã hội chủ yếu thông qua Nhà nước và bằng Nhà nước. Vì vậy, Đảng cần có phương thức phù hợp nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò, hiệu lực của Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và phát huy hiệu lực quản lý của Nhà nước là hai mặt của một vấn đề, mang tính thống nhất, tuy không đồng nhất. Khi hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước được phát huy cũng chính là thước đo trình độ lãnh đạo của Đảng.
Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc xây dựng Đảng cầm quyền, trong những năm đổi mới, Đảng đã xây dựng mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đầu tiên, tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (năm 1994)(8). Nói đến Nhà nước pháp quyền là nhấn mạnh đến phương pháp, cách thức quản lý bằng pháp luật, theo pháp luật, nêu cao vai trò của pháp chế, yêu cầu mọi tổ chức, mọi công dân đều phải chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay là nhà nước do nhân dân làm chủ, lấy liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, tầng lớp trí thức làm nền tảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, không ngừng củng cố và phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Đảng lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách lớn của Đảng thành Hiến pháp, luật pháp, kế hoạch, các chương trình mục tiêu lớn của Nhà nước, bảo đảm cho nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống một cách đầy đủ và kịp thời. Đảng lãnh đạo xây dựng tổ chức hệ thống chính trị phù hợp với nhiệm vụ mới, bảo đảm xây dựng Nhà nước vững mạnh, trong sạch, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Đảng lãnh đạo Nhà nước thông qua việc thống nhất lãnh đạo và quản lý công tác tổ chức và đội ngũ cán bộ chủ chốt trong các cơ quan nhà nước và đoàn thể; đồng thời, phát huy tính chủ động trong hoạt động của hệ thống chính trị, phát huy mọi sáng kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và người dân. Kết hợp chặt chẽ lãnh đạo bằng tổ chức với lãnh đạo qua cá nhân đảng viên theo nguyên tắc tập trung dân chủ và nêu cao vai trò trách nhiệm của đảng viên là thủ trưởng. Đảng kiểm tra, giám sát hoạt động của bộ máy công quyền thông qua các tổ chức đảng, đảng viên, các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng; đồng thời, lãnh đạo công tác thanh tra của Nhà nước. Thông qua kiểm tra, kiểm soát, tổng kết kinh nghiệm để bổ sung, hoàn chỉnh chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước.
Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước bảo đảm cho Nhà nước hoàn thành tốt chức năng đối nội và đối ngoại. Đảng tạo mọi điều kiện thuận lợi để Nhà nước phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực thi công vụ. Đó là Đảng cầm quyền vì nước, vì dân.
Đã 45 năm qua kể từ khi Đảng, Nhà nước, nhân dân thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kinh tế - xã hội của đất nước đang có sự phát triển về chất, nhưng cũng đang đứng trước những thách thức mới trên nhiều phương diện. Trong lúc này, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần phát huy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc thiêng liêng của Người, xây dựng thành công và bảo vệ Tổ quốc vững chắc trong mọi hoàn cảnh./.
---------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t. 12, tr. 497
(2) Xem Hồ Chí Minh: sđd, t. 1, tr. 265
(3) Hồ Chí Minh: sđd, t. 1, tr. 266
(4) Hồ Chí Minh: sđd, t. 12, tr. 497-498
(5) Hồ Chí Minh: sđd, t. 5, tr. 232
(6) Hồ Chí Minh: sđd, t. 5, tr. 239
(7) Hồ Chí Minh: sđd, t. 12, tr. 498
(8) Lúc đầu ghi là Nhà nước pháp quyền Việt Nam, của dân, do dân, vì dân, rồi trong những văn kiện sau đó, ghi là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân