Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.871.386
Truy câp hiện tại 1.237
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Nền tảng tinh thần xã hội (Nhân kỷ niệm lần thứ 194 Ngày sinh Ph.Ăng-ghen (28-11-1820 - 28-11-2014))
Ngày cập nhật 30/11/2014

Có thể nói rằng hầu như chỉ có Mác và tôi là những người đã cứu phép biện chứng tự giác thoát khỏi triết học duy tâm Đức và đưa nó vào trong quan niệm duy vật về tự nhiên và lịch sử”(1), Ph.Ăng-ghen đã viết như thế trong lời mở đầu trong cuốn bút chiến với nhà triết học Đuy-rinh. Ph.Ăng-ghen và C.Mác là đồng tác giả sáng tạo ra chủ nghĩa cộng sản khoa học. Tuy vậy hai ông vẫn lưu ý hậu thế rằng học thuyết của các ông không phải là những chân lý bất biến, vĩnh cửu, cuối cùng mà chỉ đặt những viên gạch đầu tiên cho quá trình tiếp theo nhằm nghiên cứu, sáng tạo xây dựng một xã hội tốt đẹp ngày càng xứng đáng với Con Người

“Những viên gạch” đầu tiên ấy chính là những tư tưởng lớn của các ông vẫn đang đóng góp vào dòng chảy văn hóa chung của loài người. Văn hóa lại là nền tảng tinh thần của xã hội. Kỷ niệm lần thứ 194 ngày sinh của Ph.Ăng-ghen khi Đảng ta đang chuẩn bị dự thảo các văn kiện Đại hội XII, xin nêu mấy luận điểm của ông cùng với sự vận dụng sáng tạo, mẫu mực của Hồ Chí Minh, nó vẫn đang thực sự là những hạt ngọc trong kho tàng văn hóa của nhân loại, rất cần coi là “nền tảng tinh thần” của Đảng và xã hội ta trong giai đoạn hiện nay.

Xuất phát từ thực tiễn
Thực tiễn là tiêu chuẩn, là thước đo sự đúng đắn mọi chủ trương, đường lối của bất kỳ đảng cầm quyền nào. Khi bàn về xây dựng chủ nghĩa cộng sản, C.Mác và Ph.Ăng-ghen nhấn mạnh: “Đối với chúng ta, chủ nghĩa cộng sản không phải là một trạng thái cần phải sáng tạo ra, không phải là một lý tưởng mà hiện thực phải khuôn theo. Chúng ta gọi chủ nghĩa cộng sản là một phong trào hiện thực, nó xóa bỏ trạng thái hiện nay. Những điều kiện của phong trào ấy là kết quả của những tiền đề hiện đang tồn tại”(2).
Chỉ đạo Tiểu ban xây dựng dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: cần sát thực tiễn hơn, bảo đảm yêu cầu đổi mới, nêu rõ được mục tiêu, những nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản nhất và bảo đảm sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân.
Phải xuất phát từ thực tiễn - đó là chỉ dẫn quan trọng của Ph.Ăng-ghen, một chỉ dẫn vẫn đang nóng hổi tính thời sự, cần phải coi là nguyên tắc trong việc soạn thảo các văn bản chính trị của Đảng ta - đảng duy nhất cầm quyền. Chỉ có như vậy mới chuẩn bị được những văn kiện đúng đắn, từ đó tạo được sự đồng thuận cao trong Đảng và trong nhân dân. Chỉ có như vậy thì ý Đảng mới có thể đồng thời là lòng dân.
Cần có thái độ đúng đối với các nguyên lý lý luận truyền thống
Ph.Ăng-ghen là người đầu tiên trong lịch sử phủ định quan niệm về chân lý vĩnh cửu. Ông cho rằng có những nguyên lý lý luận về chính trị, nhà nước, tổ chức xã hội... ở một thời điểm nhất định là đúng, thậm chí nhất đúng. Nhưng thế giới là vận động, là biến đổi không ngừng, mà vận động và biến đổi lại chính là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của mọi sự vật, hiện tượng. Cho nên, “ở đây sự nhận thức là cơ bản, vì nó chỉ giới hạn trong việc làm sáng tỏ những mối liên hệ và những hậu quả của một số hình thức xã hội và nhà nước chỉ tồn tại vào một thời gian nhất định ở những dân tộc nhất định, và xét theo bản chất thì có tính chất nhất thời. Vì vậy, trong lĩnh vực này kẻ nào đi tìm những chân lý tuyệt đỉnh cuối cùng, những chân lý thực sự, nói chung không biến đổi, thì kẻ đó sẽ chẳng kiếm được là bao, ngoài những điều nhạt nhẽo và những điều nhàm tai loại tồi nhất...”(3). Ph.Ăng-ghen đã chỉ ra rằng trình độ ngày nay đã bao quát được một khối lượng nhận thức to lớn, đòi hỏi một sự chuyên môn nghiên cứu rất sâu và với một thái độ nghiêm túc, tôn trọng thế giới khách quan, không được bảo thủ, giáo điều. Ông cho rằng các nguyên lý đã có, đã từng được tôn sùng không phải mãi mãi đúng: “Kẻ nào đem vận dụng tiêu chuẩn của một chân lý thật sự, bất biến, tuyệt đối cuối cùng thì kẻ đó chỉ chứng tỏ sự ngu dốt và thiếu hiểu biết của bản thân...”(4). Do đó, ông khẳng định: “Không phải giới tự nhiên và loài người phải phù hợp với các nguyên lý, mà trái lại các nguyên lý chỉ đúng trong chừng mực chúng phù hợp với giới tự nhiên và lịch sử”(5). C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã nêu tấm gương mẫu mực cho hậu thế bằng sự dũng cảm tự phủ định một số điểm quan trọng do chính mình sáng tạo ra trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” mặc dầu nó đã được Quốc tế I thừa nhận, coi là Cương lĩnh đầu tiên của những người cộng sản trên toàn thế giới, nó đã từng có sức mạnh “ám ảnh” cả thế giới tư bản đương thời, để vươn lên phát hiện những nguyên lý mới phù hợp với thời đại mới. Cụ thể là Tuyên ngôn ra đời năm 1848, đến năm 1872, khi tái bản Ph.Ăng-ghen đã viết rõ là tình hình đã thay đổi “cho nên hiện nay Cương lĩnh này đã có một số điểm đã cũ”. Đến năm 1888 khi viết lời tựa cho bản tiếng Anh, Ph.Ăng-ghen cũng nhắc lại như trên và còn lưu ý nhiều nội dung khác của Tuyên ngôn cũng không còn phù hợp nữa(6). Ông còn nói thêm: “Thái độ của người cộng sản với các đảng đối lập (chương IV)... trong những chi tiết, những nhận định ấy đã cũ rồi và tình hình chính trị đã hoàn toàn thay đổi... Tuy nhiên “Tuyên ngôn” là một tài liệu lịch sử mà không có quyền sửa lại”(7).
Hồ Chí Minh, người cộng sản Việt Nam đầu tiên nêu tấm gương sáng về sự trung thành với Chủ nghĩa Mác-Lênin, nhưng Người không giáo điều, bảo thủ, cả đời kiên trì dũng cảm bám sát thực tiễn để sáng tạo.
Đọc lại lịch sử Đảng ta, càng suy ngẫm, càng thấm thía toàn bộ quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước những khó khăn, trở lực và cả những vấp váp và sai lầm, Đảng đều biết cách vượt qua để tiếp tục đưa cách mạng tiến lên giành thắng lợi mới to lớn hơn. Nguyên nhân chủ quan là trong những bước ngoặt ấy, Đảng đều có những quyết định đổi mới đúng đắn và kịp thời. Đổi mới luôn là có ý nghĩa sống còn. Hồ Chí Minh chính là người đi tiên phong, dũng cảm đổi mới đúng, có hiệu quả cao. Người là vĩ nhân của những bước ngoặt lịch sử. Xin dẫn vài ví dụ:
Một là, giải quyết mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc
Trong khi quan điểm chính thống trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế khẳng định vấn đề dân tộc phải phụ thuộc vào vấn đề giai cấp, chỉ có giải phóng giai cấp thì dân tộc mới được giải phóng thì Nguyễn ái Quốc đã nhận định rằng đó là quan điểm đúng, nhưng chỉ đúng ở các nước phương Tây khi chủ nghĩa tư bản đã phát triển cao. Người nói “Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung cơ sở lịch sử của Chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được”. Rồi Người khẳng định “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”(8).
Về phân loại thành phần giai cấp cũng vậy. ở châu Âu, chủ nghĩa tư bản đã phát triển, giai cấp tư sản là giai cấp phản động không còn đại diện cho lợi ích của dân tộc nữa, nó đã trở thành một cực đối lập rõ rệt với giai cấp công nhân và nhân dân lao động. ở Việt Nam thì khác, chủ nghĩa tư bản chưa phát triển, nó èo uột lại bị tư bản, đế quốc chèn ép, trừ một số rất ít tư sản mại bản làm tay sai cho thực dân, còn đại bộ phận giai cấp tư sản đều có tinh thần dân tộc, đều có thể đi cùng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc, thực dân. Còn giai cấp địa chủ ở Việt Nam thì “không có máy móc, ruộng đồng thuộc sở hữu của những địa chủ hạng trung và hạng nhỏ và những kẻ ở đó được coi là đại địa chủ thì chỉ là những tên lùn tịt bên cạnh những người trùng tên ở châu Âu và châu Mỹ”(9). Chính vì vậy trong “Chương trình tóm tắt của Đảng” do Nguyễn ái Quốc soạn thảo được thông qua tại Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930), đã ghi: “Đảng lôi kéo tiểu tư sản, trí thức và trung nông về phía giai cấp vô sản; Đảng tập hợp hoặc lôi kéo phú nông, tư sản và tư bản bậc trung...”(10).
Vì đặt vấn đề dân tộc phụ thuộc vấn đề giai cấp nên quan điểm của Quốc tế cộng sản là tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa quốc tế vô sản, phê phán chủ nghĩa dân tộc. Nhưng Nguyễn ái Quốc vận dụng phép biện chứng duy vật, căn cứ vào thực tiễn các phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trong lịch sử Việt Nam đã khẳng định: ở Việt Nam có chủ nghĩa dân tộc chân chính. Người viết: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước... Giờ đây, người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ đại, và duy nhất của đời sống xã hội của họ. Khi chủ nghĩa dân tộc của họ thắng lợi, thì... nhất định chủ nghĩa dân tộc ấy sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế”(11).
Cái mới ra đời buổi đầu bao giờ cũng khó được chấp nhận. Chân lý không thể đi một đường thẳng tắp mà thường phải có thời gian và thực tiễn kiểm nghiệm. Cách mạng Việt Nam từ 1930 đến 1941 qua những bước thăng trầm, ngày 28-1-1941 Nguyễn ái Quốc từ nước ngoài về nước, Người bắt tay ngay vào việc xây dựng cơ sở cách mạng, tổ chức quần chúng tại Cao Bằng và tập trung trí tuệ chuẩn bị cho hội Trung ương. Ngày 10-5-1941, Hội nghị Trung ương 8 (khóa I) khai mạc do lãnh tụ Nguyễn ái Quốc chủ trì. Hội nghị đã phân tích sâu sắc tình hình thế giới và trong nước, chỉ ra các mâu thuẫn trong xã hội, Hội nghị đã có một kết luận lịch sử: “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại  tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội, có tác dụng tập hợp lực lượng của toàn thể nhân dân Việt Nam, cùng nhau đồng tâm hiệp lực làm cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Có thể khẳng định với thành tựu vĩ đại đó, Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đổi mới, sáng tạo, phát triển, góp phần bổ sung làm phong phú thêm học thuyết giai cấp và đấu tranh giai cấp của Chủ nghĩa Mác-Lênin.
Hai là, vấn đề dân tộc và quyền tự quyết dân tộc ở Việt Nam
Chủ nghĩa Mác-Lênin quan niệm dân tộc hình thành cùng với chủ nghĩa tư bản. Đó là một quan niệm đúng, phù hợp với sự hình thành các quốc gia - dân tộc ở châu Âu. Nguyễn ái Quốc, căn cứ vào đặc điểm Việt Nam, Người đã có kết luận khác, khẳng định dân tộc Việt Nam hình thành sớm trong lịch sử, gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước. Về quyền tự quyết của dân tộc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm có kết luận vô cùng quan trọng. Đó là quyền tự quyết của cộng đồng dân tộc ở Việt Nam, của nước Việt Nam, còn các dân tộc ở trong nước thì thực hiện đoàn kết, bình đẳng, tương trợ, sống chết có nhau, no đói giúp nhau, sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng lòng đoàn kết ấy không bao giờ suy xuyển.Và ở đây, kinh nghiệm của Việt Nam đã đóng góp, bổ sung cho lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin về vấn đề dân tộc
Ba là, về Đảng Cộng sản
Dựa trên cơ sở lịch sử của châu Âu, các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học khẳng định Đảng Cộng sản là đảng của giai cấp công nhân, Đảng ra đời là sự kết hợp giữa Chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân. Dựa trên sự phân tích sâu sắc xã hội Việt Nam và thực tiễn ra đời, tồn tại và phát triển của Đảng ta, Hồ Chí Minh đã đi tới kết luận chính xác: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kết hợp giữa Chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Báo cáo chính trị tại Đại hội II của Đảng (12-1951) khẳng định Đảng Lao động Việt Nam là “Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”(13). Năm 1955, trong bài viết cho báo Sự thật (Liên Xô), Hồ Chí Minh lại một lần nữa khẳng định Đảng ta đã “trở thành hình thức tổ chức cao nhất của quần chúng lao động, hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc chúng tôi”(14). Lịch sử Đảng ta và lịch sử phong trào cộng sản quốc tế chắc chắn còn in đậm lâu dài dấu ấn sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam hoàn toàn xứng đáng bổ sung học thuyết xây dựng đảng kiểu mới của V.I.Lê-nin thêm phong phú và hoàn chỉnh.
 

Trước mắt Đảng ta đang còn nhiều thử thách ngặt nghèo, song những chỉ dẫn của Ph.Ăng-ghen và sự sáng tạo của Hồ Chí Minh vẫn đang soi sáng đường lối đổi mới, chỉnh đốn Đảng, giúp Đảng ta vượt qua được mọi trở lực khách quan và trước hết là vượt qua được trở lực của chính mình, như C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã chỉ ra, để Đảng hoàn thành sứ mệnh của mình trước nhân dân, dân tộc, Tổ quốc trong tình hình mới.

Trần Xuân Đỉnh
 

-----

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7) C.Mác và Ph.Ăng-ghen, tuyển tập, NXB ST, H.1980, tập 5, tr.21; tập 1, tr.297; tập 5, tr.129; tập 5, tr.131, tr.53; tập 1, tr.504-518-519; tập 1, tr.519. (8), (9), (10), (11), (13), (14) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB ST, H.1995, tập 1, tr.465; tập 12, tr.464; tập 3, tr.4; tập 3, tr.466-467; tập 6, tr.176; tập 7, tr.517. (12) Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, NXB ST, H.2003, tr.11.
Tạp chí Xây dựng Đảng
Các tin khác
Xem tin theo ngày