Sau lần lấy phiếu tín nhiệm thứ nhất, đến nay, những người giữ các chức vụ được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đều nâng cao tinh thần trách nhiệm, phấn đấu liên tục, quyết liệt để đưa ngành, lĩnh vực mình quản lý, lãnh đạo đạt được những kết quả tích cực, khắc phục những tồn tại, hạn chế. Điều đó thể hiện rất rõ qua con số 38 trong tổng số 47 người (81%) được lấy phiếu lần thứ nhất; lần này số phiếu tín nhiệm cao tăng lên nhiều so với trước (320 phiếu).
Nếu lần trước chỉ có 07 người thuộc nhóm phiếu tín nhiệm cao nhất (từ 300 phiếu trở lên) thì lần này có tới 19 người (gấp hơn 2,7 lần). Trong đó, các chức danh của Chính phủ từ 01 người lên 07 người: Thủ tướng, 02 Phó Thủ tướng và 05 Bộ trưởng (01 Bộ trưởng kiêm nhiệm Phó Thủ tướng). Số phiếu tín nhiệm cao của Thủ tướng gấp hơn 1,52 lần so với lần trước; của 2 Phó Thủ tướng gấp trên dưới 1,4 lần; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có số phiếu tín nhiệm tăng gấp 1,95 lần; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: gấp 3,67 lần. Điều này phù hợp với sự đánh giá về những tiến bộ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của Chính phủ, của nhiều bộ, ngành mà Quốc hội đã ghi nhận trong thảo luận tại các phiên họp toàn thể vào các ngày 30 và ngày 31-10-2014.
Các chức vụ đạt số phiếu tín nhiệm cao nhất lần trước vẫn tiếp tục giữ được sự tín nhiệm cao trong lần này; và mức tín nhiệm của tuyệt đại bộ phận còn được tiếp tục nâng lên (Chủ tịch nước: tăng từ 330 phiếu tín nhiệm cao lên tới 380/485 phiếu; Chủ tịch Quốc hội từ 328 lên 340/485; nhiều chức vụ khác cũng tương tự như vậy). Điều đó nói lên rằng, những người giữ các chức vụ đó vẫn kiên trì phấn đấu liên tục, bền bỉ để hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn, không chủ quan thỏa mãn, bởi đạt được ở mức độ cao đã khó, giữ được còn khó hơn nhiều.
Mức độ của sự tín nhiệm cũng được nâng lên một “cấp độ” mới. Nếu lần trước, chức vụ có số phiếu “tín nhiệm” cộng số phiếu “tín nhiệm cao” được xếp cuối cùng, chỉ đạt xấp xỉ 58%, phiếu tín nhiệm thấp tới hơn 42% thì lần này người xếp cuối cùng đã đạt gần 64%, phiếu tín nhiệm thấp chỉ còn 36%. Người đứng đầu về tín nhiệm và tín nhiệm cao lần trước đạt gần 95,6% thì lần này là 98,2%. Tất cả các chức vụ đều đã được nâng cao về mức độ tín nhiệm.
Những kết quả lấy phiếu tín nhiệm nói trên tương đồng với thực tế. Trong thời gian từ kỳ họp thứ 5 đến kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, sự lãnh đạo, chỉ đạo thực thi nhiệm vụ của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng sát sao, ráo riết hơn; sự điều hành của nhiều bộ trưởng, trưởng ngành, như Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao,... linh hoạt, nhạy bén, hiệu quả rõ nét hơn, bám sát thực tiễn. Việc thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thực chất hơn nên hiệu lực thi hành và kết quả công việc cũng khá hơn. Điều này hoàn toàn đúng với một trong những mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm mà Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội ngày 21-11-2012 đã chỉ rõ, đó là “giúp cho người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động”.
Tuy nhiên, trong lần lấy phiếu này có một vài điểm cần được nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện:
Một là, công tác chuẩn bị cho việc lấy phiếu tín nhiệm lần này chu toàn hơn nhiều so với lần trước, trong đó có việc người được lấy phiếu tín nhiệm phải có Bản kê khai tài sản để các đại biểu xem xét. Đây là tài liệu khá quan trọng, là căn cứ để đánh giá mức độ tín nhiệm; tuy nhiên một số ý kiến cho rằng, đại biểu không thể tiếp cận hết được do thời gian hạn hẹp, vì mỗi đoàn chỉ có một bản kê khai của mỗi chức vụ (do Trưởng đoàn bảo quản). Để nắm được thông tin cơ bản trong các bản kê khai, mỗi đại biểu cần thêm thời gian để nghiên cứu. Những đoàn có 10 đại biểu trở lên khó có thời gian thỏa đáng để đại biểu đọc và suy ngẫm. Do đó, nếu mỗi đại biểu có một bộ 50 bản của 50 chức vụ sẽ thuận lợi hơn (tài liệu phải được bảo quản theo đúng chế độ tài liệu kỳ họp và bàn giao lại trong thời hạn quy định).
Hai là, một số đại biểu nhìn nhận, đánh giá bộ trưởng, trưởng ngành thiên về “phương pháp trực quan sự việc” hơn là căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ trưởng, trưởng ngành đã được Quốc hội quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Cán bộ, công chức. Do đó, dẫn tới thực trạng là những đồng chí thực hiện thị sát tại các công trường, doanh nghiệp, địa phương, cơ sở,… và có sự chỉ đạo tại chỗ được nhìn nhận là hăng hái, tích cực, có trách nhiệm, tiến bộ. Trên thực tế, đây chỉ là những công việc cần làm, bởi vẫn tồn tại thực trạng là nhiều nơi còn trì trệ, không chấp hành luật pháp, thậm chí chưa nghiêm túc tuân thủ ý kiến chỉ đạo. Vì vậy, cần thiết phải thị sát, kiểm tra tại chỗ, đưa ra ý kiến chỉ đạo kịp thời. Tất cả những công việc đó nhằm thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước của bộ trưởng, của trưởng ngành về lĩnh vực mình phụ trách. Theo Điều 23 Luật Tổ chức Chính phủ và Điều 10 Luật Cán bộ, công chức, đại biểu còn cần phải xem xét, đánh giá số lượng các dự án luật, pháp lệnh, các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị định đến hạn trình mà các bộ trưởng, trưởng ngành chưa thực hiện được, chưa hoàn thành; những ý kiến tham mưu cho Chính phủ về đường hướng xử lý thực tiễn và phát triển ngành như thế nào; việc thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra đối với địa phương; tình hình phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm,... Nếu xem xét, đánh giá toàn diện như vậy, nhiều khả năng một số đồng chí bộ trưởng còn có số phiếu “tín nhiệm” và “tín nhiệm cao” nhiều hơn nữa.
Việc hoàn thiện nội dung, quy trình các lần lấy phiếu tín nhiệm sẽ là kinh nghiệm tốt, là cơ sở thực tiễn cho việc chuẩn bị bỏ phiếu tín nhiệm trong tương lai gần./.
TS. Bùi Ngọc Thanh