Trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, gian trưng bày vũ khí thô sơ, tự tạo trong chiến tranh giải phóng (1945-1975), được các du khách đặc biệt quan tâm, nhất là các du khách nước ngoài.
Những hiện vật trưng bày tại đây vừa thể hiện sự sáng tạo, ý chí quật cường của quân và dân ta trong chống giặc ngoại xâm, vừa là nét khắc họa sinh động lòng yêu nước của người Việt, từ Bắc chí Nam.
Vũ khí giết giặc, giữ nước, giữ nhà có thể là những công cụ lao động thô sơ nhất, gắn với đời sống thường ngày của dân ta, như cây đòn gánh. Một người dân tên Mích, ở xã Tam Hồng, Tam Dương (Vĩnh Phúc) đã dùng để tấn công một tên địch, thu một súng trường (tháng 3-1954).
|
Chiếc nỏ của anh Lường Văn Binh. |
Cung nỏ, mã tấu cũng trở thành thứ vũ khí hiệu quả trong cuộc chiến chống ngoại xâm. Với cây nỏ gỗ, anh Lường Văn Binh, du kích xã Mường Xay, Mộc Châu (Sơn La) đã bắn chết 2 tên lính Pháp, giải thoát cho cán bộ Việt Minh bị địch bao vây (năm 1947).
Ở Tây Nguyên và Nam bộ, với các loại chông như chông đu, chông tre, chông ném, chông chữ T, chông trục quay...quân và dân ta cũng gieo rắc nỗi kinh hoàng và gây tổn thất không nhỏ cho địch. Quân Mỹ đã phải thú nhận: "Bất luận ở đâu, qua mỗi cuộc tuần tra, người lính nào cũng phải nghĩ rằng: Bước đi bước nữa có thể là bước cuối cùng trong cuộc đời mình".
|
Chông trục quay. |
|
Mìn bằng chĩnh nước mắm. |
|
Mìn sành. |
Với sức sáng tạo đáng kinh ngạc, quân và dân ta còn chế tạo ra nhiều loại vũ khí khí giống như những vật dụng sinh hoạt hàng ngày, mang dáng vẻ “hiền lành”, nhưng có thể làm địch mất mạng, như: mìn sành, mìn bằng chĩnh nước mắm, mìn bằng ấm tích...
Đánh giá về vai trò của vũ khí thô sơ, Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ II (tháng 4-1947) nhấn mạnh: "Phải chống khuynh hướng coi thường vũ khí thô sơ mà chỉ chú trọng vũ khí tối tân...Động viên nhân dân tìm nguyên liệu và tham gia sản xuất vũ khí thô sơ".
Hoàng Hà