Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.871.386
Truy câp hiện tại 2.704
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Những đóng góp có ý nghĩa thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người
Ngày cập nhật 11/05/2009

Nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người trước hết thể hiện ở cách tiếp cận mang tính cách mạng - sáng tạo của Người về vấn đề này. Xuất phát từ lợi ích của dân tộc ta và các dân tộc tộc bị áp bức, từ chọn lọc, kế thừa và phát triển các giá trị nhân quyền của nhiều học thuyết, nhiều nền văn hóa, nhiều hệ tư tưởng, nhất là từ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người góp phần phát triển lý luận nhân quyền của nhân loại trong thời đại ngày nay.

Nguồn gốc tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người bắt nguồn sâu xa từ truyền thống nhân đạo và tinh thần yêu nước của dân tộc, kế thừa tư tưởng nhân quyền tiến bộ của phương Đông và phương Tây, nhất là tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người của chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

Sinh ra trong một gia đình và ở miền quê giàu truyền thống yêu nước, thương người, Nguyễn Tất Thành ngay từ thuở ấu thơ đã được kế thừa tư tưởng yêu nước, thương dân của thân phụ - cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và của các nhân sĩ yêu nước đương thời.

Từ giữa thế kỷ thứ XIX, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã có những nhân tố mới do ảnh hưởng của trào lưu cách mạng dân chủ tư sản. Trong bối cảnh đó, "ái quốc" bao hàm cả ý nghĩa thương dân, là đấu tranh giành lại độc lập, xóa bỏ thân phận nô lệ cho dân tộc. Nhân tố mới của phong trào yêu nước ở giai đoạn này là sự kết hợp chủ nghĩa yêu nước truyền thống với sự chọn lọc, kế thừa tư tưởng dân chủ tư sản, mà ban đầu là ảnh hưởng từ cuộc vận động cải cách của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu qua "tân thư", tư tưởng "Tam dân" của Tôn Trung Sơn - "Dân tộc độc lập", "Dân quyền tự do", "Dân sinh hạnh phúc". Những tư tưởng này đã tác động mạnh mẽ đến tầng lớp trí thức Nho học bấy giờ. Đồng thời những tư tưởng nhân quyền của cách mạng dân chủ tư sản Pháp cũng đã được đưa vào Việt Nam qua con đường giáo dục, qua chính sách "khai hóa" của thực dân Pháp. Tất nhiên, đây là một quá trình đầy mâu thuẫn. Ph. Pu-rét, nhà sử học lớn của Pháp đã viết: "Vì những lý do lịch sử: ý tưởng về nhân quyền do bọn thực dân mang tới cho họ, áp đặt bằng nòng súng. Nhân quyền thuộc về kẻ chiến thắng, đương nhiên trước mắt kẻ thua trận, đó là thứ ngụy trang cho sự thống trị của thực dân... Vậy là thực dân đã cùng một lúc mang tới cho họ ý tưởng nhân quyền và sự phê phán ý tưởng đó... Và thường thì họ thấy sự phê phán có lý hơn..."(1).

Trong quá trình hoạt động cách mạng, nhất là thời kỳ ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã cảm nhận được giá trị của chế độ dân chủ và của nguyên tắc nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, cũng chính trong hoạt động cách mạng mà Người hiểu rõ tính hạn hẹp, vị kỷ của chế độ dân chủ tư sản. Sau sự kiện "Bản yêu sách của nhân dân An Nam" gửi đến đại diện chính phủ các nước Đồng minh thắng trận họp ở Véc-xây mà Nguyễn ái Quốc thay mặt nhóm người Việt Nam yêu nước ký, Người càng thấy rõ hơn những khái niệm "tự do", "bình đẳng", "bác ái" mà những kẻ thực dân rêu rao ở các thuộc địa chỉ là thứ “bánh vẽ” không hơn không kém.

Trong bài trả lời phỏng vấn nhà thơ Ô-xip Ma-đen-xtan (Liên Xô) năm 1923, Nguyễn ái Quốc kể lại: "Khi tôi độ 13 tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái... Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy...", nhưng ở trường học cho người bản xứ, người ta dạy người như dạy con vẹt và không cho họ đọc sách báo tiến bộ. Vì vậy "tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài"(2)

Nói tới nguồn gốc tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người, không thể không nói tới những ảnh hưởng sâu sắc của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, của cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga cũng như sự nghiệp xây dựng đất nước của nhân dân Liên Xô dưới sự lãnh đạo của V.I. Lê-nin và Đảng Cộng sản Liên Xô. Trong hồi ký "Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin", Người viết: Lúc đầu chính chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đưa tôi tin theo Lê-nin... Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lê-nin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thếgiới.

Những tư tưởng cơ bản của Hồ Chí Minh về quyền con người

1 - Độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ là tiền đề và điều kiện tiên quyết của quyền con người.

Từ Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ - "Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” và từ Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1789 của Pháp - "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi", Hồ Chí Minh đã khẳng định một chân lý mới có ý nghĩa thời đại, đó là: "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do"(3). Đây phải được coi là quyền tự nhiên của các dân tộc.

Đi theo con đường của chủ nghĩa Mác - Lê-nin để giành độc lập dân tộc, song Hồ Chí Minh luôn đặt lợi ích của dân tộc lên trên lợi ích của giai cấp. Người nhấn mạnh: Độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia - tiền đề và điều kiện của quyền con người - phải thông qua đấu tranh cách mạng mới giành lại được. Và Người đưa ra một tư tưởng - kết hợp các giá trị cơ bản của quyền con người với giá trị của dân tộc - "Tự do, bình đẳng, bác ái, độc lập"(4).

Từ kinh nghiệm lịch sử và phân tích lý luận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới sự nghiệp bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước và giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, xem đó cũng là một điều kiện cơ bản để bảo đảm quyền con người của cả dân tộc ta. Dưới sự lãnh đạo của Người, tất cả các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch hòng chia cắt Việt Nam thành ba kỳ; thành lập "Liên bang Đông Dương", "Nam Kỳ tự trị"... đều bị đánh bại.

Năm 1966, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị đã ghi nhận: "Tất cả các dân tộc đều có quyền dân tộc tự quyết" (Điều 1). Điều đó cũng có nghĩa Hồ Chí Minh đã đi trước nhận thức chung của cộng đồng quốc tế về mối quan hệ giữa độc lập dân tộc với quyền con người hơn 20 năm. Tại Hội nghị nhân quyền thế giới ở Viên (Áo), cộng đồng quốc tế một lần nữa lại khẳng định: Tất cả các dân tộc đều có quyền dân tộc tự quyết... Việc khước từ quyền dân tộc tự quyết là sự vi phạm nhân quyền.

2 - Xây dựng nhà nước pháp quyền, hợp hiến, của dân, do dân, vì dân với đội ngũ cán bộ, công chức có đạo đức cách mạng là nhân tố quan trọng bảo đảm quyền con người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia là điều kiện cần bảo đảm quyền con người. Song, để bảo đảm trên thực tế các quyền và tự do cho nhân dân, thì phải có nhiều điều kiện khác, trong đó hai điều kiện cơ bản là có nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân vững mạnh và đội ngũ cán bộ, công chức có đạo đức cách mạng, thực sự là những công bộc của nhân dân.

Mong muốn giải phóng dân tộc, đem lại hạnh phúc cho nhân dân, Người đã dày công nghiên cứu lý luận, phân tích các cuộc cách mạng ở Mỹ, Pháp, Nga để rút ra những kinh nghiệm cho cách mạng Việt Nam. Tiêu chuẩn để đánh giá các cuộc cách mạng, theo Người, là quyền lực sau thắng lợi của cách mạng nằm trong tay ai và dân chúng có được hưởng tự do, hạnh phúc thực sự hay không. Hai tiêu chuẩn này là biểu hiện tập trung nhất các giá trị dân chủ và nhân quyền.

Trong tác phẩm "Đường cách mệnh", Người viết: Một cuộc cách mạng thành công thì quyền phải "giao cho dân chúng số nhiều" và dân chúng phải "được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật"(5).

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Hồ Chí Minh, Nhà nước Việt Nam mới của dân dưới hình thức "Ủy ban dân tộc giải phóng" do Đại hội quốc dân họp ở Tuyên Quang ngày 13-8-1945 bầu ra, sau đó được cải tổ thành "Chính phủ lâm thời"để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa. Mười chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, cũng có thể nói là của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đã thể hiện rõ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền con người. Trong mười chính sách, đáng chú ý có những chính sách thể hiện nổi bật và trực tiếp các quyền và tự do của con người, như: "Ban bố những quyền của dân: a) nhân quyền; b) tài quyền (quyền sở hữu); c) dân quyền (quyền phổ thông đầu phiếu, quyền tự do dân chủ, quyền tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, ngôn luận, hội họp, đi lại, quyền bình đẳng dân tộc, nam nữ" (chính sách thứ 5); "xây dựng nền quốc dân giáo dục; chống nạn mù chữ, phổ thông và cưỡng bách giáo dục đến bậc sơ cấp, kiến thiết nền văn hóa mới" (chính sách thứ 9)(6).

Ngay sau khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo và chỉ đạo xây dựng nhà nước kiểu mới dưới sự lãnh đạo của Đảng theo nguyên tắc pháp quyền. Hiếm có một cuộc cách mạng nào mà ngay sau khi giành được chính quyền, chính phủ với nhiều thành phần được thành lập; bầu cử tự do trong toàn quốc được tiến hành, Hiến pháp (năm 1946) được công bố, tất cả những nguyên tắc cơ bản, thiết chế của một nhà nước, một xã hội mới được xác lập chỉ trong vòng một năm.

Sau Hiến pháp 1946, Việt Nam đã có 3 Hiến pháp (1959, 1980, 1992), song những quyền hiến định của Hiến pháp 1946 vẫn giữ nguyên giá trị. Các nguyên tắc nhân quyền như: bình đẳng, tự do, tôn trọng nhân phẩm đã được quy định rõ ràng, quyền của người nước ngoài cũng được bảo vệ. Điều 15 ghi: "Những người ngoại quốc đấu tranh cho dân chủ và tự do mà đến trốn tránh thì được trú ngụ trên đất Việt Nam".

Bảo đảm quyền con người một phần quan trọng tùy thuộc vào hệ thống pháp luật và đội ngũ cán bộ, công chức ngành tư pháp. Là người sáng lập Nhà nước Việt Nam mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến xây dựng nền pháp chế của quốc gia, đặc biệt là xây dựng hệ thống pháp luật bảo vệ công dân, quyền con người, hạn chế các sắc lệnh (nay gọi là pháp lệnh). Trong bản Yêu sách của nhân dân An Nam (năm 1919), Người đòi thực dân Pháp cải cách nền pháp lý ở Đông Dương, đòi "bãi bỏ chế độ cai trị bằng các sắc lệnh và thay thế bằng các đạo luật". Trong Việt Nam yêu cầu ca, Người đã viết: "Trăm điều phải có thần linh pháp quyền". Người đã hai lần đứng đầu Ủy ban soạn thảo Hiến pháp (Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959), ký và công bố 16 đạo luật, 613 sắc lệnh và nhiều văn bản dưới luật khác(7). Trong thư gửi Hội nghị tư pháp toàn quốc, Người viết: "Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn cần phải nêu cao cái gương "phụng công, thủ pháp, chí công vô tư" cho nhân dân noi theo"(8).

Khẳng định "Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân"(9), Người còn nhấn mạnh: "Dân làm chủ thì chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác làm gì? làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân, chứ không phải làm quan cách mạng"(10).

3 - Quyền và tự do cá nhân đi đôi với nghĩa vụ và trách nhiệm.

Nói đến quyền con người là nói đến quyền và tự do của cá nhân, trách nhiệm của nhà nước và công dân, đến việc phải giải quyết hài hòa mối quan hệ này, trước hết là mối quan hệ giữa quyền, lợi ích của cá nhân với lợi ích của nhà nước và xã hội.

Xã hội xã hội chủ nghĩa không đối lập với lợi ích của cá nhân, bởi "Không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thỏa mãn bằng chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa", đồng thời "lợi ích của cá nhân nằm trong lợi ích của tập thể, là một bộ phận của lợi ích tập thể... lợi ích riêng của cá nhân phải phục tùng lợi ích chung của tập thể"(11).

Kế thừa những tư tưởng tiến bộ của nhân loại, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới tự do, gắn liền tự do với hạnh phúc, tự do với độc lập. Người từng nói: "Ngày nay chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì"(12) và "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành"(13).

Tự do tư tưởng là một giá trị cơ bản, quan trọng bậc nhất của quyền con người. Người giải thích: Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý... (khi) đã tìm thấy chân lý lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý(14).

Nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người là việc Người gắn liền quyền con người với quyền làm người. Trong tư duy văn hóa - chính trị Hồ Chí Minh, quyền làm người mang giá trị văn hóa - chính trị. Người đòi hỏi mỗi người phải xứng đáng với "quyền làm người". Người đã để lại bút tích tại trườngĐảng Nguyễn ái Quốc (năm 1949) về mục tiêu học tập là: "để làm việc, làm người, làm cán bộ".

Như vậy, quyền làm người còn bao hàm những đòi hỏi nội tại của mỗi con người, trước hết về đạo đức, về nhân cách và năng lực. Đây là một cách tiếp cận mới tích cực về quyền con người. Cũng có thể xem đây là nghĩa vụ của mỗi người đối với chính mình.

4 - Bảo đảm quyền con người không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là trách nhiệm của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Theo quan niệm phổ biến của cộng đồng quốc tế, bảo đảm quyền con người thuộc trách nhiệm của nhà nước, các cơ quan tư pháp, đặc biệt là tòa án. Điều đó là tự nhiên.

Trong Chánh cương vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 do Người soạn thảo đã thể hiện sâu sắc tư tưởng nhân quyền. Người viết: do "chế độ phong kiến đương còn... nên chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng cũng đi tới xã hội cộng sản... Về phương diện xã hội:

a - Dân chúng được tự do tổ chức

b - Nam nữ bình quyền

c - Phổ thông giáo dục theo công nông hóa".

Những chủ trương, chính sách của Đảng về chính trị, kinh tế, xã hội như: đánh đổ đế quốc Pháp và chế độ phong kiến giành độc lập dân tộc, đem lại quyền tự do cho nhân dân; thực hành giáo dục toàn dân, nam nữ bình quyền, một lần nữa được Hồ Chí Minh viết trong "Lời kêu gọi" nhân dịp thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Người đã nhiều lần nhấn mạnh: Ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Đảng ta đại biểu cho lợi ích chung chứ không phải mưu cầu lợi ích riêng của một nhóm người nào, của cá nhân nào. Người luôn luôn trăn trở, lo lắng về nguy cơ quan liêu, tham ô, thoái hóa của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Phòng, chống những căn bệnh đó là điều kiện then chốt, cơ bản nhất để bảo đảm quyền lợi của nhân dân và sự vững mạnh của chế độ.

Đối với Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác - Lê-nin, lý luận của Đảng ta cũng được nhìn nhận với tinh thần nhân văn. Người nói: "Hiểu chủ nghĩa Mác - Lê-nin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lê-nin được"(15).

Quyền và lợi ích của nhân dân không chỉ phụ thuộc vào các cơ quan nhà nước, mà còn phụ thuộc vào các tổ chức xã hội, nói cách khác còn phụ thuộc vào sự phát triển của xã hội dân sự. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm quan tâm tới việc xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất, các đoàn thể chính trị - xã hội. Theo sáng kiến của Người, hàng loạt các tổ chức chính trị - xã hội được thành lập ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập: Hội Liên hiệp quốc dân (gọi tắt là Liên Việt) vào tháng 5-1946, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ngày 27-5-1946, Đảng Xã hội Việt Nam tháng7-1946, Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số nhằm đoàn kết các dân tộc anh em, ngày 11-4-1946...

Hồ Chí Minh rất coi trọng việc nâng cao ý thức làm chủ, văn hóa chính trị, phát huy tính tích cực của người dân, khuyến khích các tổ chức chính trị - xã hội tham gia quản lý nhà nước và xã hội, khắc phục dân chủ hình thức. Người nhắc nhở: Làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm.

5 - Kiên quyết bảo vệ độc lập dân tộc và quyền con người của nhân dân ta, đồng thời tôn trọng chủ quyền quốc gia và quyền con người của các dân tộc khác.

Từ những trải nghiệm trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rút ra kết luận: phải "đem sức ta mà giải phóng cho ta", phải đi theo con đường của chủ nghĩa Mác - Lê-nin mới giành được độc lập dân tộc và tự do hạnh phúc cho nhân dân.

Khẳng định độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, song Hồ Chí Minh luôn luôn mong muốn duy trì và phát triển các quan hệ quốc tế bình đẳng với các dân tộc, kể cả với Pháp và Mỹ. Tuyên bố về chính sách của Chính phủ liên hiệp lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, Người viết: "Về kinh tế,... ra sức phát triển nông nghiệp, ra sức trồng trọt chăn nuôi để tránh nạn đói. Về chính sách đối ngoại: thân thiện với Kiều dân ngoại quốc, nhất là Hoa Kiều. Đối với Pháp, chỉ đánh bọn thực dân, còn đối với những kiều dân Pháp không làm hại gì cho nền độc lập của ta, ta sẽ bảo vệ tính mạng và tài sản của họ"(16).

Cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc, chính sách của Chính phủ Hồ Chí Minh luôn đặt lên hàng đầu bảo vệ hòa bình và giải pháp chính trị, với tinh thần "còn nước còn tát", chiến tranh chỉ là biện pháp cuối cùng.

Có thể nói trong suốt thời kỳ chiến tranh, kể từ khi thực dân Pháp nổ súng khiêu khích ở Hà Nội tháng 12-1946 cho đến khi thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, chấp nhận hòa bình, không lúc nào Chủ tịch Hồ Chí Minh không tranh thủ mọi cơ hội để thương thuyết với Pháp nhằm sớm kết thúc chiến tranh.

Với tư cách là Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, và ngay cả trước khi nước ta trở thành thành viên Liên hợp quốc, năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký đơn gia nhập bốn công ước Giơ-ne-vơ về Luật Nhân đạo, đó là: Công ước về bảo vệ dân thường trong chiến tranh; về đối xử với tù binh trong chiến tranh; về cải thiện tình cảnh của những người bị thương, bị bệnh hoặc bị đắm tầu thuộc các lực lượng vũ trang trên biển; về cải thiện tình cảnh của những người bị thương, bị bệnh thuộc các lực lượng vũ trang trên bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức được những gì thuộc về chân giá trị của con người, của loài người, trong đó có tinh thần nhân đạo, nhân phẩm, tự do, bình đẳng. Trên lĩnh vực quyền con người, đóng góp có tính thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đã nghiên cứu đưa ra các luận điểm giải quyết vấn đề quyền con người trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, thời đại cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới ở các nước thuộc địa. Cốt lõi tư tưởng đó là độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước - tiền đề và điều kiện cơ bản nhất bảo đảm các quyền và tự do của con người. Quyền con người không chỉ là những chế định pháp luật, thuộc trách nhiệm của nhà nước, mà còn là giá trị đạo đức, văn hóa, là trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, là đòi hỏi nội tại của nhân cách làm người đối với tất cả mọi người, từ cán bộ, công chức đến người dân. Chính vì vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người mang tầm vóc thời đại. Tư tưởng đó vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh của nhân dân ta ngày nay./.
 

(1) Francoi Puret: Số phận một ý tưởng, Người đưa tin UNESCO, Hà Nội, 1989, số 6, tr 56

(2) Hồ Chí Minh: Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, Nxb Văn học, Hà Nội, 1981, tr 477

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1984, t 4, tr 1

(4) Hồ Chí Minh: Tuyển tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1981, t 1, tr 402

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t 2, tr 192, 206

(6) Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (sơ thảo), Nxb Sự thật, Hà Nội, 1984, t 1, tr 408 - 409

(7) Theo tài liệu của Viện Nghiên cứu Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, xuất bản tháng 3-1993

(8) (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t 5, tr 382, 698

(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t 8, tr 375

(11) Hồ Chí Minh: Tuyển tập, Sđd, tập 2, tr 105

(12) (13) Hồ Chí Minh: Tuyển tập, Sđd, t 1, tr 369, 381

(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia.

Hà Nội, 2000 , t 8, tr 216

(15) Hồ Chí Minh: Tuyển tập, Sđd, t 2, tr 487

(16) Hồ Chí Minh: Tuyển tập, Sđd, t 1, tr 374, 392

TS Cao Đức Thái (Nguồn: Tạp chí Cộng sản)
Các tin khác
Xem tin theo ngày