Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.867.605
Truy câp hiện tại 4.730
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Vững tiến dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng
Ngày cập nhật 04/02/2020

90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc ta, đất nước ta đã và đang tiếp tục giành những “trang lịch sử bằng vàng” trên con đường thực hiện mục tiêu, lý tưởng “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. 

Từ thân phận nô lệ, nhân dân Việt Nam đã trở thành chủ nhân thực sự của đất nước hòa bình, “có cơm ăn, có áo mặc, được học hành”. Từ một đất nước đắm trìm trong những đêm trường nô lệ, trở thành một quốc gia độc lập, tự do, có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, có vị thế ngày càng quan trọng trên trường quốc tế, sánh vai với các cường quốc năm châu. Thành tựu đó không chỉ là “bệ phóng” để Đảng ta tiếp tục lãnh đạo cách mạng Việt Nam tiến lên trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa mà còn tạo ra cơ sở, nền tảng vững chắc để người dân tin tưởng và vững bước dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, tạo thành sức mạnh “ý Đảng, lòng Dân” - nhân tố quyết định trực tiếp đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bao ghềnh thác, cập bến bờ vinh quang.

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trước cảnh nước mất nhà tan, các thế hệ người Việt Nam liên tiếp đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc, tự do cho nhân dân, nhưng đều thất bại. Nhận sứ mệnh lịch sử giao phó, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành quyết tâm ra đi tìm con đường cứu nước đúng đắn, giải phóng dân tộc. Sau bao năm bôn ba khắp bốn biển năm châu tìm kiếm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc và chuẩn bị mọi mặt cho ra đời một chính đảng của giai cấp công nhân, ngày 3-2-1930, tại bán đảo Cửu Long, Hương Cảng (nay là Hồng Công), Trung Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời dưới sự trụ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời không chỉ thắp lên ánh sáng, niềm tin cho công cuộc giải phóng dân tộc, giành lại độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam mà còn đáp ứng được yêu cầu bức thiết của lịch sử đặt ra - Đội tiên phong của giai cấp công nhân đứng ra tập hợp, quy tụ lực lượng yêu nước và lãnh đạo lực lượng ấy đấu tranh giành độc lập dân tộc. 

Có Đảng soi đường, chỉ lối, sau 15 năm đấu tranh kiên cường, bền bỉ, dân tộc Việt Nam từng bước vùng dậy, giành thắng lợi trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại, lập nên Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, để rồi 9 năm sau dân tộc Việt Nam làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” - Minh chứng sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, Bác Hồ, sức mạnh vô địch của nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc được Đảng khơi dậy và tổ chức. Song, sự hy sinh gian khổ của 9 năm kháng chiến trường kỳ chỉ mới mang lại hòa bình cho một nửa đất nước - miền Bắc Việt Nam; nửa miền Nam ruột thịt còn nằm dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta vững vàng, tự tin bước vào một cuộc trường chinh chống Mỹ, cứu nước, thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam. Với đường lối lãnh đạo đúng đắn sáng tạo, chưa có tiền lệ trong lịch sử của Đảng ta, cả dân tộc Việt Nam quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, giải phóng hoàn toàn miền Nam vào năm 1975 - Một trong những trang sử tươi thắm rực rỡ nhất của dân tộc ta, chôn vùi chủ nghĩa thực dân mới, đuổi sạch bóng quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, non sông thu về một mối, cả dân tộc bước vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ở thời kỳ này, Đảng ta tiếp tục lãnh đạo nhân dân Việt Nam thực hiện được khát vọng ngàn đời: Độc lập dân tộc và ruộng đất cho dân cày - điều kiện cần để cả nước vững tin đi lên xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Bước ra từ vinh quang của chiến thắng, Đảng ta cùng với nhân dân bước vào công cuộc kiến thiết đất nước. Cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội từ một nước nghèo nàn lạc hậu, đống đổ nát từ các cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài 30 năm và nơi biên giới phía Nam, phía Bắc vẫn còn chưa yên; các thế lực chống phá, bao vây, cấm vận nước ta và đâu đó nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vẫn chưa đáp ứng… là những khó khăn, thử thách mới đặt ra trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới và phát triển kinh tế - xã hội. Từ trong những khó khăn, thử thách đó, Đảng ta đã nhìn thẳng vào sự thật, tự phê bình, phê bình, thay đổi nhận thức, chỉ ra những hạn chế, khiếm khuyết trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tìm tòi hướng đi cho dân tộc. Hướng đi của dân tộc Việt Nam không giống Trung Quốc tiến hành cải cách, mở cửa, cũng không giống Liên Xô tiến hành cải tổ mà tiến hành đường lối đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước trên tất cả lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó lấy đổi mới kinh tế làm trung tâm được Đại hội lần thứ VI của Đảng khởi xướng và lãnh đạo toàn dân thực hiện. Đảng ta đã nêu rõ 6 nguyên tắc của đổi mới, trong đó vấn đề giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới nhưng không đổi màu là nguyên tắc đầu tiên. 

Hơn 30 năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Đổi mới mang tầm vóc lịch sử và ý nghĩa cách mạng to lớn, là một quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân ta. Cương lĩnh 1991, bổ sung, phát triển năm 2011 tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, ngọn cờ chiến đấu, ngọn cờ quy tụ, tập hợp, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân ta; là nền tảng để Đảng ta tiếp tục phát triển hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, hoàn thiện đường lối xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Kết quả đạt được hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đất nước ta đã thu được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực của đời sống: Kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, an ninh - quốc phòng, nhất là đời sống vật chất, tinh thần của người dân luôn được cải thiện, nâng cao, niềm tin của Nhân dân vào Đảng ngày càng nâng cao - nhân tố có ý nghĩa quyết định để chúng ta vững tin tiến bước đến tương lai, vì sự phát triển bền vững của dân tộc, khi mà các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Việt Nam vẫn vững vàng đi lên trên con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn. Kết quả này không chỉ minh chứng năng lực lãnh đạo, trí tuệ, bản lĩnh của Đảng ta mà còn thể hiện quá trình rèn luyện, tự đổi mới, tự chỉnh đốn để giữ vững vai trò lãnh đạo, nâng cao năng lực cầm quyền và sức chiến đấu, đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam tiến lên.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đặt nhiệm vụ xây dựng Đảng ở vị trí hàng đầu trong các nhiệm vụ trọng yếu của cách mạng. Đảng coi đổi mới, chỉnh đốn Đảng là công việc của chính mình, không đùn đẩy cho người khác, cũng không đợi ai thúc ép mới làm. Tự đổi mới, tự chỉnh đốn không phải vì lợi ích riêng của Đảng mà là vì lợi ích chung của sự nghiệp độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Với ý nghĩa đó, từ Đại hội VI đến Đại hội XII, Đảng ta đã tiến hành nhiều cuộc vận động lớn như, cuộc vận động “Làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng và bộ máy nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI của Đảng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục khẳng định: “Để đảm đương được vai trò lãnh đạo, Đảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực lãnh đạo”. Tiếp đến là cuộc vận động “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện tự phê bình và phê bình” theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị 06 của Bộ Chính trị (khóa X). Đặc biệt, từ Đại hội XI, Đảng đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 03 về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đến Đại hội XII, Đảng ta tiếp tục ban hành Nghị quyết Trung ương 4 “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong nội bộ” gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, mỗi cán bộ, đảng viên và nhiều tầng lớp nhân dân hưởng ứng, thực hiện. Việc học tập các chuyên đề về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ được đưa vào sinh hoạt chi bộ định kỳ ở chi bộ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và trong mỗi tổ chức. 

Những cuộc vận động, chỉ thị, nghị quyết nêu trên tuy được tiến hành vào những thời điểm khác nhau, nhưng yêu cầu chủ yếu vẫn tập trung vào một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng, đặc biệt về chính trị tư tưởng, về phẩm chất, đạo đức, lối sống và về tác phong lãnh đạo, công tác của cán bộ, đảng viên, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp nhất là cán bộ cấp chiến lược. Những chủ trương, nghị quyết này góp phần làm cho năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng không ngừng được nâng cao; phương thức lãnh đạo của Đảng từng bước được đổi mới; vai trò lãnh đạo của Đảng được giữ vững, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, trong trách của đất nước, dân tộc giao phó. Các nghị quyết, chỉ thị được ban hành trong quá trình lãnh đạo của Đảng không những chỉ rõ hạn chế, yếu kém, khuyết điểm, định hướng cho toàn Đảng hành động, quyết tâm tự đổi mới, tự chỉnh đốn bằng thái độ nghiêm túc, đặc biệt, thực hiện 4 nhóm giải pháp đồng bộ nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) mà BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo các cấp ủy và tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả, đã góp phần quan trọng làm trong sạch và nâng cao bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng Ðảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đủ sức chiến đấu và chiến thắng “thù trong, giặc ngoài” cản trở Đảng và Nhân dân ta thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

90 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trải qua 12 kỳ Đại hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam tự hào về những thành tựu đạt được. Từ đêm trường nô lệ, lầm than, lớp lớp người Việt Nam đã vững bước trên con đường cách mạng, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, thực hiện công cuộc đổi mới, chiến thắng nghèo nàn lạc hậu, mở ra kỷ nguyên mới hội nhập và phát triển. Đảng Cộng sản Việt Nam xứng đáng là biểu tượng của trí tuệ và văn hóa Việt Nam. Song, cũng không khỏi trăn trở, day dứt về những vấn đề Đảng đưa ra và chưa giải quyết triệt để, đó là 4 nguy cơ mà Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng thẳng thắn chỉ ra: 1. Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới. 2. Nguy cơ chống phá, “diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch”, “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” xa rời lý tưởng của Đảng, xa rời lợi ích của nhân dân và mục tiêu xây dựng đất nước đi lên CNXH của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. 3. Nguy cơ tệ nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tiêu cực xã hội, làm suy yếu Đảng. 4. Nguy cơ về bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước, nhất là chủ quyền biển đảo trước âm mưu, thủ đoạn các nước lớn trở thành thách thức lớn nhất đang cản trở tiến trình đổi mới, xây dựng đất nước, nếu không kiên quyết, kiên trì ngăn chặn, đẩy lùi sẽ đe doạ tới vận mệnh của Tổ quốc, sự sống còn của chế độ và vai trò lãnh đạo của Đảng vẫn còn tồn tại. Điều đó đòi Đảng và Nhân dân ta phải nỗ lực phấn đấu, ra sức phát huy ưu điểm, sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, yếu kém, tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn, không say sưa với thắng lợi, hay bi quan dao động trước những khó khăn, thử thách. Nhìn nhận lại 4 nguy cơ, mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ, đảng viên cấp chiến lược, đứng đầu bộ, ban, ngành, người đứng đầu phải thấy trách nhiệm của mình hơn đối với Đảng, với đất nước. Trách nhiệm đó trước tiên phải biến chủ trương, đường lối của Đảng bằng việc làm cụ thể, thiết thực trong mỗi lời nói và hành động để góp phần củng cố, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân.

Thực tiễn 90 năm truyền thống vinh quang của Đảng trở thành niềm tự hào của mỗi người cộng sản và người dân Việt Nam – cơ sở thực tiễn vững chắc để Đảng vì Dân, Dân tin Đảng, một lòng theo Đảng, tạo sự đồng thuận và sức mạnh của ý Đảng lòng Dân. Để Đảng cùng Nhân dân Việt Nam viết tiếp những trang vàng lịch sử chói lọi của thời đại Hồ Chí Minh, tô thắm truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc. Vì vậy, kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta tự hào về những “trang lịch sử bằng vàng” của Đảng, tự hào về những đóng góp to lớn của Đảng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hôm nay. 

Tự hào về những thành tựu quan trọng có ý nghĩa lịch sử của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại 90 năm qua, người dân Việt Nam càng vững tin vào con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, tin tưởng vào tài năng, trí tuệ, bản lĩnh và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng sẽ đưa dân tộc Việt Nam giành những thắng lợi to lớn trong thế kỷ XXI, thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh”, sánh vai với các cường quốc năm châu như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước!

 

 
Thượng tá Bùi Văn Nam - Trường Sĩ quan Lục quân
Các tin khác
Xem tin theo ngày