Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.871.386
Truy câp hiện tại 1.808
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
40 năm gìn giữ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh: VINH QUANG CON ĐỨNG BÊN NGƯỜI
Ngày cập nhật 31/08/2009
Lễ ký văn bản hợp tác phối hợp pha chế dung dịch đặc biệt giữa BQL Lăng và TTNC y sinh Mátxcơva

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vĩnh biệt chúng ta tròn 40 năm. Ngay sau khi Người qua đời, thể theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Bộ Chính trị TW Đảng đã quyết định gìn giữ lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh để các thế hệ người Việt Nam được đến viếng Người, nguyện học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người...

 

Bốn mươi năm đã trôi qua, thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được gìn giữ trong trạng thái tốt nhất, các nét đặc trưng của Người lúc sinh thời được giữ gìn nguyên vẹn. Có được kết quả đó trước hết là sự chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời của TW Đảng và Chính phủ; trực tiếp là Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng; sự nỗ lực không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng. Đặc biệt là sự giúp đỡ vô tư, trong sáng của các chuyên gia y tế Liên Xô trước đây và LB Nga ngày nay. Tình cảm đó đã được thử thách qua thời gian và luôn tỏa sáng vào những lúc khó khăn nhất...

Nhiệm vụ bí mật

Cuối năm 1967, nhận được tin Việt Nam sẽ cử cán bộ sang Liên Xô để học tập kinh nghiệm về bảo quản, giữ gìn lâu dài thi hài, mặc dù đây là nhiệm vụ bí mật, song Viện nghiên cứu Lăng Lênin đã lập kế hoạch triển khai một cách chặt chẽ, nghiêm túc. GS I.A.Rô-ma-cốp phụ trách, trực tiếp hướng dẫn các bác sĩ Việt Nam. Trong thời gian ngắn, với khối lượng kiến thức lớn, bạn đã dành mọi điều kiện thuận lợi để các bác sĩ Việt Nam học tập, nghiên cứu. Trời lạnh, mưa tuyết phủ trắng cả đường phố, nhưng các bác sĩ của bạn vẫn tìm đến các bệnh viện xa trung tâm thủ đô hàng trăm cây số để hướng dẫn lý thuyết và thực hành trực tiếp trên các thực nghiệm để bác sĩ Việt Nam nhanh nắm được kiến thức và có điều kiện thực hành. Biết chúng ta cần tranh thủ mọi thời gian để học tập, bạn đã cử những chuyên gia giỏi hướng dẫn cả ngày lẫn đêm; nhiều ngày nghỉ, bạn cũng có mặt để trao đổi, tọa đàm và rút kinh nghiệm, giúp các bác sĩ Việt Nam nhanh chóng nắm vững kiến thức và nâng cao trình độ tay nghề.

Tháng 8/1969, khi sức khỏe của Bác có dấu hiệu giảm sút nhanh chóng, một mặt chúng ta tích cực tìm mọi biện pháp để chữa bệnh cho Bác, mặt khác cũng khẩn trương làm công tác chuẩn bị đề phòng khi có việc lớn xảy ra. Để giúp đỡ chúng ta giữ gìn nguyên vẹn lâu dài thi hài Bác khi Người qua đời, vào thời điểm này, ít ai biết Viện sĩ Rô-ma-cốp đã sang Việt Nam quan sát dung nhan của Người và chính những lần quan sát trực tiếp như thế, bạn đã giúp ta giữ gìn được những nét đặc trưng của Người.

Ngày 28/8/1969, một phái đoàn gồm 5 nhà khoa học y tế Liên Xô do Viện trưởng Viện nghiên cứu Lăng Lênin làm trưởng đoàn đến Hà Nội. Ngày 2/9/1969, Bác về cõi vĩnh hằng. Sau những ngày tiến hành Lễ Quốc tang, bạn đề nghị đưa thi hài Bác sang Liên Xô để có điều kiện giữ gìn và bảo quản tuyệt đối an toàn, khi nào đất nước thống nhất bạn sẽ đưa Bác trở lại. Biết tin này, từ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến cán bộ, bác sĩ của ta ai nấy đều cảm động. Song, cũng từ tình cảm kính yêu Bác, mong muốn hàng ngày, hàng giờ được nhìn thấy Bác, được chăm sóc Bác và Bác sẽ là nguồn sức mạnh to lớn để toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết sớm đưa ngọn cờ bách chiến, bách thắng của Người về đích thắng lợi. Từ những lý do chính đáng đó, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trực tiếp trao đổi với Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đề nghị bạn giúp đỡ giữ gìn thi hài Bác tại Việt Nam, và bạn đã đồng ý.

Sau quyết định quan trọng đó, bạn đã dành hẳn một chuyên cơ để chở thiết bị và cử chuyên gia y tế sang giúp ta thực hiện nguyện vọng giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các chuyên gia Liên Xô đã đồng cam cộng khổ cùng cán bộ, chiến sĩ Việt Nam về điều kiện vật chất và tinh thần. Ngày 29/8/1975, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành, nhân dân và khách quốc tế đến viếng Bác, được tận mắt chiêm ngưỡng dung nhan của Người, đó chính là chiến công thầm lặng mà các nhà khoa học Liên Xô và Việt Nam đã lập nên trong những tháng năm đầy gian khổ hy sinh của đất nước.

Những người bạn thủy chung

Tháng 8/1991, hệ thống chính trị Liên Xô thay đổi, đây là thử thách to lớn đối với nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước tình hình đó, Đoàn cán bộ của Ban Quản lý Lăng do ông Nguyễn Quang Tấn dẫn đầu sang Mátxcơva làm việc và trao đổi trực tiếp với Viện cấu trúc sinh học Nga (Viện nghiên cứu Lăng Lênin trước đây). Làm việc với đoàn Việt Nam, các bạn Nga đều chia sẻ và thông cảm với tình hình của Việt Nam, nhưng lời giải đáp để tháo gỡ khó khăn thì chưa ai có sáng kiến nào! Chúng ta chủ động đặt vấn đề chuyển đổi cơ chế hợp tác theo kế hoạch giữa hai Nhà nước Việt Nam và Liên Xô trước đây, thành cơ chế hợp tác trực tiếp giữa Ban Quản lý Lăng và Viện cấu trúc sinh học LB Nga. Mặc dù rất trân trọng và thông cảm với ta, nhưng bạn đã từ chối sự hợp tác trực tiếp, vì từ trước đến nay, bạn chưa bao giờ làm như vậy. Mọi việc tưởng chừng bế tắc, nhưng rất may, Viện sĩ V.A.Bư-Kốp, Giám đốc VILAR, cơ quan cấp trên của Viện cấu trúc sinh học Nga, đã nhất trí với đề nghị của Việt Nam. Ông nhấn mạnh: “Luật pháp nước Nga cho phép chúng ta hợp tác trực tiếp với nhau”. Câu nói của Viện sĩ Bư-Kốp đã mở ra một chương mới trong quan hệ hợp tác giữa ta và bạn đối với nhiệm vụ giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ đó, hàng năm theo sự thỏa thuận hai bên, các chuyên gia Nga tiếp tục sang Việt Nam giảng dạy, hợp tác nghiên cứu khoa học cùng các nhà khoa học y tế Việt Nam. Phía Việt Nam cũng cử cán bộ, bác sĩ sang Nga học tập. Quá trình học tập, nghiên cứu và tích lũy kinh nghiệm gần 20 năm qua, đội ngũ các nhà khoa học y tế Việt Nam đã có rất nhiều trưởng thành, công lao đó trước hết thuộc về những chuyên gia Nga, những người thầy đã hết lòng hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức cho các đồng nghiệp Việt Nam. Hình ảnh tận tụy của GS, TS Kô-zen-sép, người đã 14 lần sang Việt Nam; TS Gô-lu-bép, 13 lần sang Việt Nam; GS, TS. Đốc-tơ-rốp, 10 lần sang Việt Nam; Tiến sĩ Va-xi-lép-ski, 14 lần sang Việt Nam… đã để lại những tình cảm hết sức tốt đẹp trong lòng các bác sĩ Việt Nam. Viện sĩ Lu-pu-khin, người được rất nhiều nước trên thế giới mời đi giảng dạy, song ông đã chọn Việt Nam. Đến Hà Nội, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm Bảo tàng và Khu Di tích Hồ Chí Minh, đến đâu ông cũng đứng lặng hồi lâu. Ông tâm sự: “Từ khi được biết Chủ tịch Hồ Chí Minh và trực tiếp chăm sóc thi hài của Người, tôi nhận thấy ở Người có điều gì đó rất đặc biệt. Năm 1969, từ Việt Nam về, tôi lập bàn thờ Bác trong nhà. Với tôi, Hồ Chí Minh là một tấm gương để tôi tôn thờ suốt đời”.

Thấm thoắt đã 40 năm kể từ khi các chuyên gia y tế đầu tiên của Liên Xô sang giúp Việt Nam, đến nay nhiều người trong số họ đã ở tuổi 70, 80; có người đã về cõi vĩnh hằng, nhưng tình bạn, tình đồng chí anh em vẫn mãi thủy chung son sắt… Chúng ta luôn biết ơn sự giúp đỡ vô tư, trong sáng của các nhà khoa học y tế, kỹ thuật Nga trong 40 năm qua. Sự giúp đỡ đó là nền tảng, cơ sở vững chắc để chúng ta gìn giữ lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.

Đại tá, Tiến sĩ Đặng Nam Điền
Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng

Cuối tháng 5 vừa qua, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đã tổ chức cuộc gặp mặt và trao tặng những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước cho các chuyên gia y tế và kỹ thuật Liên Xô trước đây, LB Nga ngày nay, những người đã có công lao giúp Việt Nam giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Công trình Lăng của Người.

Ngồn Thế giới và Việt Nam
Các tin khác
Xem tin theo ngày