Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam cũng đang chịu những tác động hết sức to lớn từ tiến trình toàn cầu hóa. Chúng ta có nhiều thời cơ, vận hội mới để phát triển đất nước, nhưng cũng gặp không ít nguy cơ, thách thức lớn, đặc biệt đối với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia. Toàn cầu hóa đang tác động sâu sắc, tạo nên những thay đổi ở các cấp độ khác nhau trên tất cả các lĩnh cực của đời sống xã hội ở nước ta, trong đó, bên cạnh những tác động tích cực là những tác động tiêu cực, đe dọa sự ổn định chính trị - xã hội. Tham gia vào tiến trình toàn cầu hóa, là thành viên của các định chế kinh tế, tài chính thế giới, Việt Nam phải tuân thủ những quy định ràng buộc của các tổ chức này, cùng với áp lực cạnh tranh kinh tế, yêu cầu cải cách hệ thống pháp luật. Đây là điều kiện để các thế lực thù địch gia tăng hoạt động tác động nhằm thay đổi bản chất nền kinh tế và thể chế chính trị ở nước ta. Mặt khác, tham gia toàn cầu hóa với xuất phát điểm của một nền kinh tế còn chậm phát triển, tiềm lực chưa mạnh, năng lực và sức cạnh tranh thấp, trình độ quản lý còn nhiều hạn chế, đặt ra nguy cơ nhiều vấn đề dễ bị lệ thuộc vào nước ngoài, khả năng phải đối phó với những biến động của nền kinh tế thế giới cùng những hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội là rất lớn.
Trong bối cảnh chung đó, về mặt tích cực, nhờ mở rộng không gian giao lưu quốc tế, chúng ta có khả năng, điều kiện nâng cao tầm nhìn, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, nâng cao sự hiểu biết về nền văn hóa thế giới, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc Việt Nam. Song, về mặt tiêu cực, văn hóa là một trong những lĩnh vực chịu nhiều tác động, ảnh hưởng nhất từ tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, bởi đây là lĩnh vực nhạy cảm. Thực tiễn công tác bảo vệ an ninh quốc gia cho thấy, trong lĩnh vực an ninh văn hóa - tư tưởng đang có những diễn biến rất phức tạp:
Thứ nhất, sự gia tăng âm mưu, hoạt động lợi dụng tiến trình hội nhập quốc tế chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch. Âm mưu cơ bản và lâu dài của chúng là từng bước thâm nhập, tác động, chuyển hóa, đẩy lùi hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa ra khỏi đời sống chính trị - xã hội, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, làm phai nhạt bản sắc và truyền thống văn hóa dân tộc, tạo thuận lợi cho các hoạt động chống đối, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Để thực hiện âm mưu đó, các thế lực thù địch đã và đang đẩy mạnh các hoạt động chủ yếu như:
- Tăng cường tuyên truyền phá hoại tư tưởng bằng nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau. Trong đó, các thế lực thù địch đặc biệt chú ý sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng để tuyên truyền các luận điệu phản động, phản bác chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phủ nhận thành quả cách mạng của nhân dân ta; truyền bá hệ tư tưởng tư sản, cổ súy cho các “giá trị” của “văn minh”, “văn hóa” phương Tây và đề cao các vấn đề “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”..., từ đó cổ vũ, kích động các tổ chức phản động người Việt lưu vong và các phần tử trong nước hoạt động chống đối chế độ.
- Bằng nhiều con đường khác nhau, các sản phẩm văn hóa được dùng để phát tán, tuyên truyền những quan điểm phản động, sai trái; tìm cách chuyển trái phép vào nước ta các loại đĩa, sách báo, tranh ảnh, ấn phẩm văn hóa có nội dung phản động, trái với thuần phong mỹ tục, phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam nhằm làm tha hóa lớp trẻ, băng hoại đạo đức xã hội.
- Thâm nhập nội bộ các cơ quan văn hóa, tác động phá hoại, hướng lái các hoạt động văn hóa theo hướng li tâm, tách dần khỏi sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Thông qua hoạt động đối ngoại tìm cách tài trợ cho các cơ quan, tổ chức hoạt động và dịch vụ văn hóa văn nghệ, các cơ quan thông tin, báo chí, xuất bản, giáo dục - đào tạo của Việt Nam để có điều kiện tác động tư tưởng, trước hết nhằm vào đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, những người làm công tác tham mưu, hoạch định chính sách để lôi kéo, âm mưu tạo dựng các “nhân tố” trong nội bộ các cơ quan văn hóa phục vụ hoạt động chống phá ta về lâu dài.
- Được các thế lực thù địch và bọn phản động bên ngoài khích lệ, chỉ đạo, số phần tử bất mãn, cơ hội chính trị tìm cách tụ tập, hình thành các hội, nhóm dưới danh nghĩa hoạt động văn hóa, văn nghệ để cho ra đời tổ chức chính trị đối lập, lợi dụng các vấn đề tự do, dân chủ để tuyên truyền, lôi kéo người tham gia.
Thứ hai, trong quá trình mở cửa, hội nhập, các trào lưu tư tưởng tư sản đã và đang thâm nhập vào nước ta thông qua nhiều con đường khác nhau, trong khi hệ thống lý luận của chúng ta đang có những khoảng trống, nhiều vấn đề mới đặt ra chưa được nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện. Trước tình hình đó, nếu chúng ta không chủ động có giải pháp, ngăn ngừa thì tác động của hệ tư tưởng tư sản đối với các giai tầng xã hội không phải là nhỏ. Các “giá trị” văn hóa, lối sống tư sản cũng có điều kiện thâm nhập, thẩm thấu, phát triển, làm phai nhạt, mất dần bản sắc văn hóa dân tộc, thậm chí có thể làm đảo lộn các giá trị văn hóa, lối sống xã hội chủ nghĩa. Các khuynh hướng này cùng với sự tác động hằng ngày của các hình thức, các sản phẩm văn hóa nước ngoài đã khiến một bộ phận cán bộ đảng viên, quần chúng nhân dân mất phương hướng; các chuẩn mực giá trị có nguy cơ xuống cấp, dẫn đến sự suy thoái, biến chất về văn hóa, lối sống.
Thứ ba, trong bối cảnh toàn cầu hóa, những biến động về chính trị, kinh tế ở các nước luôn tác động và lan tỏa nhanh, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia của Việt Nam, trước hết là đến lĩnh vực tư tưởng - văn hóa. Cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội kéo theo sự khủng hoảng về lý luận đã tác động tiêu cực đến tư tưởng cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, làm cho một bộ phận dao động, mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Từ đó, tư tưởng hướng ngoại, sùng bái các “giá trị” văn hóa, lối sống tư sản phương Tây nảy sinh. Biến động chính trị ở các nước trên thế giới đã cổ vũ và cung cấp kinh nghiệm cho các phần tử phản động, cơ hội chính trị tiến hành các hoạt động phá hoại trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa.
Thứ tư, mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động tiêu cực tới lĩnh vực văn hóa, làm xuất hiện trong xã hội xu hướng thương mại hóa, tư nhân hóa, xa rời tôn chỉ, mục đích trong hoạt động văn hóa, văn nghệ. Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước đối với dịch vụ và hoạt động văn hóa cũng còn nhiều bất cập, yếu kém, ảnh hưởng tới an ninh trên lĩnh vực văn hóa - tư tưởng. Xuất hiện một số tác phẩm văn hóa, các bài báo, những ấn phẩm văn hóa có nội dung nhạy cảm về chính trị, thậm chí trái với quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng; nhiều tác phẩm có nội dung khiêu dâm, đồi trụy, kích động bạo lực, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Công tác đấu tranh chống các quan điểm sai trái còn thụ động và thiếu sắc bén, công tác nghiên cứu lý luận chưa theo kịp với thực tiễn - đó là điều kiện để các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch nảy sinh và lan truyền, tác động đến các giai tầng xã hội, nhất là lớp trẻ.
Trước tình hình trên, để chủ động trong công tác bảo đảm an ninh trên lĩnh vực văn hóa - tư tưởng, góp phần hạn chế những nguy cơ, thách thức và tranh thủ thời cơ do tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mang lại, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cần thực hiện tốt một số chủ trương và giải pháp sau:
Một là, cần thống nhất nhận thức trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân về công tác bảo vệ an ninh văn hóa - tư tưởng. Phải xác định rằng công tác bảo vệ an ninh văn hóa - tư tưởng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, với sự tham gia tích cực, có hiệu quả của các cơ quan, ban, ngành chức năng, các tổ chức xã hội, đoàn thể quần chúng. Trọng tâm của công tác bảo vệ an ninh văn hóa - tư tưởng hiện nay là phải làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để toàn Đảng, toàn dân, các ngành, các cấp quán triệt thực hiện đúng. Phải bảo vệ và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; thúc đẩy giao lưu và hợp tác hóa trên cơ sở tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao đời sống của nhân dân lao động. Đặc biệt, cần quán triệt phương châm cơ bản trong bảo vệ an ninh văn hóa - tư tưởng là phải coi trọng chủ động phòng ngừa, giữ vững bên trong là chính. Mặt khác, phải đấu tranh, ngăn ngừa kịp thời các hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch và các phần tử chống đối chế độ một cách quyết liệt và sắc bén.
Hai là, quan tâm chỉ đạo và tổ chức thường xuyên công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống; khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, đề cao các giá trị văn hóa dân tộc, đạo đức, lối sống lành mạnh của người Việt Nam. Các cấp, các ngành cần tăng cường các hình thức tuyên truyền giáo dục trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, niềm tự hào dân tộc; nâng cao cảnh giác cách mạng, đấu tranh kịp thời, kiên quyết làm thất bại âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch. Đẩy mạnh học tập, thực hiện các nghị quyết của Trung ương Đảng về văn hóa, văn nghệ. Cần làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ trách nhiệm phải kiên quyết đấu tranh với tư tưởng sùng bái cái gọi là các “giá trị” của phương Tây, xem nhẹ các giá trị văn hóa dân tộc, tâm lý hoài nghi vào cách mạng, lối sống vị kỷ; lên án những quan điểm trọng vật chất - nhẹ tinh thần, trọng cá nhân - nhẹ tập thể; trọng trước mặt - nhẹ lâu dài, các biểu hiện suy đồi đạo đức. Chú trọng bảo vệ môi trường văn hóa văn minh, trong sáng, lành mạnh ở mỗi gia đình, cơ quan và trong toàn thể tập thể.
Ba là, đầu tư phát triển, tăng cường sự chỉ đạo, quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan phát thanh, truyền hình, báo chí, xuất bản, văn hóa, nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa trong xã hội; xây dựng con người Việt Nam mới xã hội chủ nghĩa có lập trường, tư tưởng vững vàng, có tri thức, giàu tình cảm, có đạo đức cách mạng trong sáng và lối sống lành mạnh. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; ngăn ngừa các khuynh hướng “thương mại hóa”, “tư nhân hóa” hoạt động báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý các hoạt động hợp tác quốc tế về văn hóa, nghệ thuật, giáo dục - đào tạo. Chấn chỉnh những lỏng lẻo, sơ hở, không để các đối tác, các thế lực thù địch lợi dụng tác động, hướng lái, chuyển hóa, phá hoại, gây phức tạp về an ninh - trật tự. Chọn lọc nhập khẩu những sản phẩm văn hóa có nội dung tốt, có giá trị về nghệ thuật; đồng thời không để báo chí, phim ảnh và các sản phẩm văn hóa phản động, đồi trụy thâm nhập vào nước ta, phá hoại bản sắc văn hóa dân tộc.
Bốn là, tăng cường công tác lãnh đạo các hoạt động báo chí, xuất bản phát thanh, truyền hình, nhất là trong việc định hướng chính trị - tư tưởng; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Trước mắt, cần rà soát, sửa đổi, ban hành mới các văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Các ngành, các cấp chủ động phát hiện, kiến nghị chấn chỉnh những vi phạm, sơ hở, lỏng lẻo trong quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng trên các lĩnh vực này. Tổ chức tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật và các quy định của Nhà nước về hoạt động và dịch vụ văn hóa, nhất là thực hiện pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước của các cơ quan, ban, ngành ở trung ương và các địa phương. Chú trọng làm tốt công tác nhân sự các cơ quan văn hóa ở trung ương và địa phương để củng cố nội bộ thật sự trong sạch, vững mạnh.
Năm là, các cơ quan chức năng cần phát huy vai trò nòng cốt trong việc tham mưu cho Đảng, Nhà nước đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, đề ra các chủ trương, chính sách về bảo đảm an ninh trên lĩnh vực văn hóa - tư tưởng. Phối hợp tổ chức tốt cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, thực hiện phương châm tư tưởng phải đi trước một bước, không để bị động đối phó. Chủ động phát hiện các vấn đề phức tạp nảy sinh trong hoạt động và dịch vụ văn hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự để tham mưu cho Đảng, Nhà nước; kiến nghị các ngành, các cấp có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời nhằm bịt kín những sơ hở, thiếu sót, ngăn chặn các nguy cơ tiềm ẩn xâm phạm an ninh quốc gia nói chung, an ninh trong lĩnh vực văn hóa - tư tưởng nói riêng. Bảo vệ vững chắc an ninh chính trị nội bộ, bảo vệ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan văn hóa, văn nghệ; bảo vệ đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tổ chức cơ sở đảng trong cơ quan văn hóa, văn nghệ; tổ chức tốt công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam và xu hướng toàn cầu hóa thâm nhập, phá hoại, tác động, chuyển hóa từ bên trong, tiến hành các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia trong lĩnh vực văn hóa - tư tưởng./.