Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.871.386
Truy câp hiện tại 5.275
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
50 năm ngày mở đường Trường Sơn - Bài 2: Dòng sông “ngầm” vượt núi
Ngày cập nhật 03/04/2009
Chuyển thiết bị để lắp đặt đường ống xăng dầu và Sơ đồ tuyến đường ống xăng dầu đường Trường Sơn

Dưới bão đạn mưa bom, đường ống dẫn xăng dầu với tổng chiều dài 5.000 km từ miền Bắc vào tận Lộc Ninh được xây dựng.

Từ năm 1961 đến 1964, các phương tiện cơ giới đưa lên đường Trường Sơn để đẩy nhanh tốc độ vận chuyển cho Đoàn 559 đã đối mặt với nguy cơ thiếu nhiên liệu vận hành. Địch tăng đánh phá ác liệt nhằm chặt đứt nguồn chi viện vào Nam. Người Mỹ từng tuyên bố: “Tất cả xe Việt cộng đưa lên đường Trường Sơn sẽ trở thành đống phế thải”. Họ đã sai lầm!

Vượt “tam giác lửa”

“Đại tướng Võ Nguyên Giáp truyền đạt chỉ đạo của Trung ương: Nhất thiết phải có xăng vào chiến trường để cung cấp cho hàng ngàn chiếc xe đang chết gí trên đường Trường Sơn” - đại tá Mai Trọng Phước, nguyên Chỉ huy trưởng Công trường 18 (đơn vị được Tổng cục Hậu cần giao thiết kế xây lắp đường ống dẫn xăng dầu), kể lại.

Nhưng vấn đề hóc búa là đưa xăng dầu theo cách nào. Ông Trần Sanh - một cán bộ học ở Liên Xô về được giao phụ trách việc đi khảo sát từ tây Quảng Bình sang tận Lùm Bùm (Lào). Sau đó, thiếu úy Hoàng Ngọc Minh được cử đi khảo sát từ Thiệu Dương (Thanh Hóa) vào Hà Tĩnh. Đồng chí Đặng Thế Hải tổ chức huấn luyện cho các kỹ sư trong hơn một tháng về cách thức lắp đặt đường ống. Đại tá Mai Trọng Phước được cử làm chỉ huy trưởng Công trường 18 với nhiệm vụ đầy gai góc là vượt “tam giác lửa” Vinh-Nam Đàn-Linh Cảm.

Lúc đó, ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) có kho N1, còn kho N2 ở Nga Lộc (huyện Can Lộc). Nhiệm vụ trước mắt là phải nối hai kho này lại với tổng chiều dài đường ống 42 km.

Tháng 8-1968, đường ống vượt sông Lam được triển khai. Đây là thử thách khó khăn nhất. Địa điểm vượt sông Lam gần rú Trét (còn gọi là “rú chết” vì bị máy bay đánh phá ác liệt). Do bị đánh khốc liệt nên cấp trên không cho chuyên gia Liên Xô vào hướng dẫn, các kỹ sư Việt Nam phải tự mày mò dù kiến thức về lắp đặt đường ống còn sơ đẳng. Thời điểm ấy nước sông Lam chưa lên cao, nếu không làm xong thì những tháng sau đó sẽ có lũ, khó lòng kéo ống qua sông được.

Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện chỉ thị: “Nếu không thực hiện vượt sông Lam được thì ra Hà Nội vượt sông Hồng để chuyên gia Liên Xô truyền đạt kinh nghiệm rồi vào làm”.

Anh em quyết tâm làm bằng được. Lần đầu thả ống xuống sông, do chưa có kinh nghiệm nên ống mắc vào đá, phải lặn xuống để gỡ. Sau đó, rút kinh nghiệm dùng hai chiếc thuyền kèm hai bên để nhấc đầu ống lên. Đến năm giờ sáng thì đường ống vượt sông dài 500 m hoàn thành trong điều kiện bị đánh phá khủng khiếp. Làm xong lấy cát phủ lên trên để ngụy trang.

Tiếp đó, ban ngày bị địch đánh phá nên tập trung làm ban đêm, vì vậy tiến độ thi công chậm. Trong khi đó, người dân mang áo tơi đi làm ban ngày lại ít bị đánh trực diện. Thế là anh em ai nấy đều chuyển sang mang áo tơi y như nông dân đi làm đồng, làm cả ban ngày. Tốc độ thi công đẩy lên rất nhanh. Sau 45 ngày, đường ống dài 42 km được kéo vào gần ngã ba Đồng Lộc. “Kho ở Nga Lộc có xăng ngon ơ!” - ông Phước tự hào.

Sông “ngầm” vượt Cổng Trời

Vượt qua “tam giác lửa”, Công trường 18 tiếp tục thi công lên tuyến đường Khe Ve, trên đường 12, tiếp giáp Quảng Bình-Hà Tĩnh.

Các trọng điểm bị đánh phá khốc liệt. Trên chỉ đạo phải làm đường vòng để tránh bị đánh phá. Đường ống được chuyển lên khu vực Cha Lo, đèo Mụ Giạ, rồi vòng sang Na Tong (Lào) và kết thúc ở Lùm Bùm. Từ đó, các trạm bơm tiếp cận nhanh xuống đường 9 Nam Lào. Các kho bể lớn chứa xăng dầu ở Na Tong có dung tích lên đến 500 m3.

Khó nhất là thi công tuyến ống vượt Cổng Trời sang Lào. Không ngày nào ngớt tiếng bom đạn. Núi bị bóc đi hết lớp này đến lớp khác, đá tơi thành bột tạo thành những thảm bụi dày.

“Đèo cao dựng đứng nên việc dùng máy bơm dầu qua đường ống là bài toán hóc búa. Ở đèo Mụ Giạ, do chưa có kinh nghiệm nên anh em đặt hai máy bơm cạnh nhau, khi vận hành bơm thử nước không đẩy lên được đỉnh đèo. Tuy nhiên, khi anh em nghiên cứu đặt máy bơm xa nhau thì xăng dầu vượt Cổng Trời ngon ơ!” - ông Phước phân tích.

Ngày 3-3-1969, đường ống được nối thông tuyến từ Vinh vào Cổng Trời, vượt Trường Sơn đến Ka Vát với chiều dài 350 km. Xăng dầu được bơm đầy các kho để chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô 1969. Tham mưu trưởng tác chiến Đoàn 559 xúc động: “Dòng sông ngầm đã vượt núi. Từ đây việc cấp phát xăng cho Đoàn 559 đơn giản như mở vòi nước máy ở Hà Nội”.

Mạch máu chiến trường

Đường ống xăng dầu vượt Trường Sơn bắt đầu thực hiện từ 1968. Trước đó, năm 1966, Liên Xô viện trợ cho ta hai bộ đường ống. Mỗi bộ dài 100 km, ống phi 10. Mỗi ống dài sáu mét. Ngoài hai bộ đường ống, còn có 20 máy bơm PNU 35/70. Mỗi máy nặng bốn tấn. Các bể chứa xăng dầu làm bằng sắt có dung tích 25 m3. Đi kèm với đường ống, còn có loại phụ kiện đi kèm như roăng, co nối, ngoàm, các loại ống nối ngắn, dài, tổng cộng khoảng 50 ngàn tấn. Cùng với hệ thống đường ống là 300 cây xăng, trạm bơm. Trung bình mỗi giờ có thể cấp phát, giải phóng cho hơn một tiểu đoàn xe tại một trạm bơm. Ống được thiết kế chôn sâu từ 30 cm đến 40 cm rồi dùng đất đá lấp lên.

“Về sau số đường ống do Liên Xô viện trợ hết. Trung Quốc đưa một đoàn chuyên gia sang khảo sát và được ta chuyển giao đường ống và máy bơm. Chuyên gia Trung Quốc đưa về nước họ chế tạo lại, sau đó chi viện ngược trở lại cho ta” - đại tá Mai Trọng Phước cho hay.

Đại tá Phước khẳng định: “Không có chuyện như Hoa Kỳ nói rằng đã phát hiện được Việt cộng thi công đường ống dẫn xăng ngay từ ngày đầu để tập trung đánh phá. Vì ngay cả anh em thi công lẫn người dân có biết mô tê gì về đường ống xăng dầu đâu. Ngay cả người dân cũng tưởng là làm đường ống thủy lợi”.

Thực hiện nhiệm vụ lắp đặt hệ thống đường ống xăng dầu vượt Trường Sơn này là đơn vị Công trường 18, gồm 400 người, chia làm bốn ca thi công liên tục. Ngoài ra còn phải huy động hàng ngàn lượt ngày công của bộ đội, thanh niên xung phong và người dân. Tổng chiều dài đường ống khoảng 5.000 km, kéo dài từ biên giới Việt-Trung đến Bù Gia Mập (Bình Phước). Hệ thống đường ống đã vận chuyển hơn 270.000 tấn xăng dầu cho các chiến trường.

Ngày 20-11-1974, hai tuyến đường ống Đông và Tây Trường Sơn gặp nhau tại ngã ba biên giới (Kon Tum-Plây Khốc). Từ đây, xăng được tiểu đoàn xe xitéc chở đi các cụm kho ở Lộc Ninh, chuẩn bị cho các chiến dịch lớn.

Cái khó ló cái khôn

Đại tá Mai Trọng Phước (ảnh) nhớ lại: Sau khi bơm được 200 tấn xăng vào kho Ra Mai cấp phát cho các đơn vị và thả theo sông Sê Băng Hiêng cho Binh trạm 9 thì bị B52 ném bom khiến đường ống ở suối Ra Vơ bị cháy. Trước tình hình đó, Công trường 18 thực hiện phương án hai nối đường ống từ đèo 900 sang đèo 1001. Nhưng do địa thế ở đèo 1001 hết sức hiểm trở nên không thể đưa máy bơm vào được.

Để khắc phục, kỹ sư Hồ Sỹ Hậu với chỉ một cái la bàn đã đi khảo sát và tìm ra phương án vượt đèo. Điểm vượt là ở cao điểm 900, rồi nhờ quán tính để vượt đèo 1001.

 
 
Phong Điền (Theo Pháp luật TP Hồ Chí Minh)
Các tin khác
Xem tin theo ngày