Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.871.386
Truy câp hiện tại 4.450
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Tìm hiểu cơ sở triết lý của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh nhằm tăng tính thuyết phục trong việc giáo dục tư tưởng của Người
Ngày cập nhật 13/02/2009

Bất cứ một hệ thống tư tưởng đạo đức nào cũng có cơ sở triết lý của nó. Cơ sở triết lý của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là sự kết hợp giữa hai nền triết học phương Đông và phương Tây, tạo nên ở Hồ Chí Minh một niềm tin vững chắc vào lối sống cần kiệm, giản dị, liêm khiết, vào việc suốt đời phấn đấu cho lợi ích của Tổ quốc và nhân dân.

Không chỉ thế, Hồ Chí Minh còn phát triển triết lý về đạo đức làm nền tảng cho sự nghiệp cách mạng ở nước ta. Do đó, làm rõ được cơ sở triết lý của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh sẽ giúp việc giáo dục tư tưởng đạo đức của Người cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đạt hiệu quả to lớn hơn.

Đạo đức học - khoa học nghiên cứu về bản chất và quy luật của các hiện tượng đạo đức - ngay từ đầu đã là một bộ phận của triết học. Các nhà triết học bằng lập luận của mình đã tìm cách lý giải, chứng minh cơ sở tất yếu khách quan của các nguyên tắc đạo đức. Điều này là rất thiết yếu đối với việc giáo dục đạo đức; bởi vì, nếu giáo dục đạo đức mà không làm rõ cơ sở khách quan của nó thì người học sẽ cảm thấy dường như đạo đức là điều chủ quan bị áp đặt từ bên ngoài, không liên quan, thậm chí mâu thuẫn với lợi ích cá nhân, và vì thế họ sẽ không tự giác thực hiện các nguyên tắc đạo đức.

Để xác định cơ sở khách quan của các hiện tượng đạo đức nhiều khi không thể dùng phương pháp quan sát, thực nghiệm. Có một số quy tắc đạo đức trước đây vốn là kinh nghiệm, nay đã được khoa học chứng minh. Tuy nhiên, còn nhiều chuẩn mực đạo đức không thể chứng minh bằng phương pháp khoa học. A. Anh-xtanh, nhà khoa học vĩ đại của thế kỷ XX khẳng định: "nhiều điều tin tưởng đóng vai trò tất yếu và quyết định hành vi ứng xử và sự phán xét của chúng ta lại không chỉ được tìm thấy bằng phương pháp khoa học cứng nhắc"(1). Do vậy, cần nghiên cứu những kinh nghiệm và lẽ sống của các thế hệ đi trước đã được các nhà hiền triết trong lịch sử nhân loại tổng kết lại dưới hình thức các triết lý về đạo đức.

Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh rất đa dạng, thể hiện trong tất cả các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi chỉ xem xét trên hai vấn đề lớn; thứ nhất, tư tưởng suốt đời phấn đấu cho lợi ích của Tổ quốc và nhân dân; thứ hai, tư tưởng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Hồ Chí Minh không chỉ kế thừa, vận dụng những triết lý đạođức của Khổng Tử, của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, mà còn phát triển những triết lý đó phù hợp với điều kiện cụ thể của thời đại và của cách mạng Việt Nam.

Cơ sở triết lý của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh về việc suốt đời phấn đấu, hy sinh cho lợi ích của Tổ quốc và nhân dân

Suốt cuộc đời, Hồ Chí Minh luôn coi độc lập của Tổ quốc, tự do và hạnh phúc của nhân dân là "mục đích duy nhất", là "ham muốn tột bậc" của mình. Ngay từ nhỏ, được giáo dục và thấm nhuần tư tưởng đạo đức truyền thống, Người đã có lòng yêu nước, mong muốn phục vụ Tổ quốc và nhân dân; những lý tưởng chính trị như "Thế giới đại đồng", "Tự do, bình đẳng, bác ái" đã có sức hấp dẫn to lớn đối với Người. Người quyết định đi ra nước ngoài xem người ta làm như thế nào để về giúp đồng bào mình.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, kể cả trong cuộc sống cá nhân, Hồ Chí Minh luôn đặt hạnh phúc của nhân dân lên trên hạnh phúc cá nhân. Người nói: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành"(2).

Tư tưởng đạo đức của Hồ Chí Minh về việc suốt đời phấn đấu hy sinh vì lợi ích của Tổ quốc và nhân dân có cơ sở triết lý vững chắc và sâu sắc, do đó nó là lý tưởng và lối sống không chỉ riêng của những người yêu nước Việt Nam, mà còn có thể tìm thấy ở người dân thuộc mọi dân tộc khác trên thế giới.

Đức Phật, Chúa Giê-su... đã làm nên sự vĩ đại của mình bằng tấm lòng nhân ái và sự hy sinh bản thân vì lý tưởng phục vụ nhân loại. Hồ Chí Minh nhiều lần ca ngợi lòng từ bi bác ái, tinh thần cứu khổ, cứu nạn của Đức Phật; "lòng nhân đạo cao cả" của chúa Giê-su... Người tâm nguyện: "Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy".

Tuy nhiên, đạo đức được các tôn giáo giải thích một cách duy tâm; đạo đức được xem là con đường tu hành. Khi người tu hành đem lại lợi ích cho người khác bằng cách cứu giúp họ, là đã "tích lũy công đức" giúp bản thân đạt mục đích được "giải thoát" khỏi kiếp đời đau khổ ở trần gian, và mưu cầu được hạnh phúc vĩnh cửu ở thế giới bên kia. Cách giải thích như vậy cũng có tác dụng nhất định.

Các nhà triết học và khoa học đứng trên quan điểm duy vật đã luận chứng cho hành vi đạo đức bằng một triết lý khác, triết lý duy vật về đạo đức.

Ở thế kỷ XVIII và XIX, những nhà triết học Anh như Ben-ham (1748 - 1832), và Min-lơ (1806 - 1873) đã đề xuất và phát triển chủ nghĩa công lợi với nguyên tắc "hạnh phúc lớn nhất cho số đông người nhất". Theo quan điểm này, hạnh phúc cá nhân không tách rời hạnh phúc xã hội; cá nhân càng đem lại hạnh phúc cho nhiều người thì càng cảm thấy sung sướng, hạnh phúc. Quan điểm này, một mặt, luận chứng mối quan hệ giữa hành vi đạo đức với hạnh phúc chân chính của cá nhân, giữa hạnh phúc cá nhân và hạnh phúc cộng đồng; mặt khác, khắc phục được những khiếm khuyết của các loại chủ nghĩa khoái lạc có tính vị kỷ, coi xúc cảm xác thịt là cơ sở duy nhất của hạnh phúc. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà tư tưởng của Ben-ham và Min-lơ đã được cả nhân loại trân trọng.

Theo V.I. Lê-nin, "...đạo đức đó là những gì góp phần phá hủy xã hội cũ của bọn bóc lột và góp phần đoàn kết tất cả những người lao động chung quanh giai cấp vô sản đang sáng tạo ra xã hội mới của những người cộng sản", "Đạo đức cộng sản là đạo đức phục vụ cuộc đấu tranh ấy, là đạo đức nhằm đoàn kết những người lao động chống mọi sự bóc lột...".
 
Thấm nhuần nguyên tắc "lợi ích lớn nhất cho số đông người nhất", gắn hạnh phúc cá nhân với hạnh phúc xã hội, ngay từ lúc trẻ C. Mác cho rằng, "Nếu một người chỉ lao động vì mình thôi thì người đó có thể trở nên một nhà bác học nổi tiếng, một nhà thông thái lớn, một nhà thơ tuyệt vời, nhưng người đó không bao giờ có thể trở thành một con người thật sự hoàn thiện và vĩ đại"; nhưng "nếu một người chọn nghề trong đó người ấy có thể làm được nhiều nhất cho nhân loại, thì lúc đó người ấy cảm thấy không phải một sự vui sướng ích kỷ, hạn chế và đáng thương, mà hạnh phúc của người đó sẽ thuộc về hàng triệu người"(3).

Và cả cuộc đời C. Mác đã thể hiện sự hy sinh cho sự nghiệp cách mạng cao cả. Trong "Điếu văn trước mộ Các Mác" năm 1883, Ph. Ăng-ghen đã viết: "Sứ mệnh thật sự của Mác là góp phần bằng cách này hay cách khác vào việc lật đổ xã hội tư bản chủ nghĩa và những chế độ nhà nước mà chế độ tư bản chủ nghĩa đó tạo nên... Đấu tranh là yếu tố tồn tại của đời Mác. Và Mác đã đấu tranh một cách say sưa, kiên cường và đạt những thành công hiếm có".

Theo quan điểm đạo đức học Mác - Lê-nin, đạo đức nói chung và lối sống vì mọi người nói riêng có cơ sở khách quan của nó, đó là yêu cầu của sự tồn tại và phát triển của xã hội nói chung cũng như sự phát triển và hạnh phúc của mỗi cá nhân nói riêng. Nó còn xuất phát là mối liên hệ biện chứng giữa cái riêng và cái chung, giữa cá nhân và cộng đồng xã hội.

Một là, đạo đức là một trong những yếu tố tất yếu của sự tồn tại và phát triển xã hội. Xã hội muốn tồn tại và phát triển trước hết phải có lao động sản xuất vật chất, kế đến là đạo đức, sau mới là những yếu tố khác.

Hai là, đạo đức là yếu tố bảo đảm sự tồn tại và phát triển của cá nhân với tư cách là một con người. Tính người chỉ thể hiện trong lối sống và hành vi đạo đức. Đạo đức càng cao thì tính người càng lớn.

Ba là, giữa đạo đức và hạnh phúc có mối liên hệ với nhau. Một con người có đạo đức mới có được cuộc sống hạnh phúc. Đạo đức thể hiện không chỉ ở lối sống phù hợp với những nguyên tắc mà xã hội đề ra, mà quan trọng hơn, là sự đóng góp của cá nhân vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và nhân loại, vào sự nghiệp xây dựng xã hội mới, đem lại hạnh phúc cho cả xã hội, thậm chí trong những trường hợp nhất định phải hy sinh hạnh phúc cá nhân vì hạnh phúc xã hội.

Theo V.I. Lê-nin, đạo đức của người cách mạng, người cộng sản phải được thể hiện trong cuộc đấu tranh xóa bỏ áp bức bóc lột, xây dựng xã hội mới. Người nói: "đạo đức đó là những gì góp phần phá hủy xã hội cũ của bọn bóc lột và góp phần đoàn kết tất cả những người lao động chung quanh giai cấp vô sản đang sáng tạo ra xã hội mới của những người cộng sản", "Đạo đức cộng sản là đạo đức phục vụ cuộc đấu tranh ấy, là đạo đức nhằm đoàn kết những người lao động chống mọi sự bóc lột..."(4).

Hồ Chí Minh không chỉ là người kế thừa, mà còn là người tiếp tục phát triển học thuyết Mác - Lê-nin về đạo đức cách mạng lên tầm cao mới trên cơ sở kết hợp tư tưởng đạo đức Mác - Lê-nin với tư tưởng và truyền thống đạo đức phương Đông.

Theo Hồ Chí Minh, đạo đức là cái gốc, cái căn bản của người cán bộ cách mạng. Người nói: "Cây phải có gốc, không có gốc là cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?"(5).

Người còn vạch rõ nguyên tắc cao nhất của đạo đức cách mạng: lấy lợi ích chung của dân tộc và nhân loại làm mục đích. Người nói: "Đạo đức đó không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người(6). Và Người cũng chỉ rõ, Đảng ta không có lợi ích riêng gì khác ngoài lợi ích của Tổ quốc và dân tộc.

Cơ sở triết lý của tư tưởng đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của Hồ Chí Minh

Liêm, chính là tư tưởng và lối sống của các nhà hiền triết phương Đông và của nhiều nhà trí thức chân chính ở nước ta. Nho gia và Đạo gia tuy đối lập về con đường trị nước và con đường hình thành đạo đức, nhưng tương đồng về nhiều vấn đề trong nội dung của đạo đức, lối sống, như coi khinh và phản đối lối sống chạy theo lợi ích vật chất tầm thường, ích kỷ cá nhân; gắn hạnh phúc với đạo đức; phản đối việc mưu cầu hạnh phúc bằng con đường bất chính. Bởi vậy, cả hai quan niệm đều được những người trí thức phương Đông, trong đó có những người trí thức Việt Nam tiếp thu và vận dụng trong những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau của cuộc đời.

Khổng Tử từng nói: "Giàu với sang ai lại chẳng muốn. Nhưng nếu chẳng phải đạo mà được giàu sang, thì người quân tử chẳng thèm" (Luận ngữ: Lý nhân, 5). Ông cũng tâm sự với học trò: thà chấp nhận cuộc sống đạm bạc, như ăn cơm thô, uống nước lã, co cánh tay làm gối mà đời vẫn cảm thấy vui. "Giàu sang mà bất nghĩa thì ta xem như mây nổi" (Luận ngữ: Thuật nhi, 15).

Sự gặp nhau về quan điểm của các nhà tư tưởng phương Đông cổ đại và các nhà triết học, khoa học phương Tây hiện đại quả thật hết sức thú vị. Không những C.Mác, Ph. Ăng-ghen mà cả A. Anh-xtanh cũng khinh ghét lối sống chạy theo đồng tiền và nhu cầu vật chất tầm thường. A. Anh-xtanh nói: "Những mục đích tầm thường mà người đời theo đuổi như của cải, sự thành đạt bề ngoài, sự xa xỉ, với tôi từ thời trẻ đã luôn đáng khinh"(7), "Chỉ có tấm gương của những nhân cách lớn và trong sạch mới dẫn đến những tư tưởng và hành động cao quý. Đồng tiền chỉ kích thích tư lợi và luôn mê hoặc sự lạm dụng"(8).

Hồ Chí Minh đã kế thừa, phát triển tư tưởng đạo đức đó lên thành một nguyên tắc đạo đức mới "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Người nói: "Con người xã hội chủ nghĩa là con người có đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, một lòng, một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng"(9). Người đã nghiên cứu lý giải vấn đề một cách rất cụ thể và sâu sắc. Trong 4 bài báo liên tiếp viết về "Cần, kiệm, liêm, chính" đăng trên báo Cứu quốc năm 1949, Người giải thích: Cần "tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai"; Kiệm là "tiết kiệm, không xa xỉ, không lãng phí, không bừa bãi".

Cơ sở triết lý của của lối sống cần, kiệm là ở chỗ: Có "cần" tức là có siêng năng, chăm chỉ thì lao động, học tập mới có năng suất và hiệu quả cao. Có "kiệm" thì mới không lãng phí sức lao động của mình và của người khác, nhất là tài sản của nhân dân. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh cũng phân biệt giữa việc lãng phí không cần thiết với việc biết chi tiêu đúng mực trong trường hợp cần thiết.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Con người xã hội chủ nghĩa là con người có đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, một lòng, một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng".
 
Người cũng chứng minh rằng "cần", tức siêng năng hoạt động thì "có lợi cho sức khỏe". Cũng theo Người, cần, kiệm gắn liền với giản dị, và bản thân Người là tấm gương mẫu mực về lối sống giản dị trong suốt cuộc đời. Ở điểm này, tư tưởng của Hồ Chí Minh có sự tương đồng với tư tưởng của A. Anh-xtanh: "sống giản dị là tốt cho cả cơ thể lẫn tâm hồn", hàm chứa ý: cuộc sống cần kiệm, giản dị là cuộc sống thoải mái và hạnh phúc; người sống cần kiệm, giản dị thì dễ thích nghi, thích ứng với mọi hoàn cảnh, dễ hòa đồng với mọi người, được mọi người gần gũi yêu mến. Tất nhiên, thích nghi ở đây không có nghĩa là bằng lòng với những gì mình có, sống và làm việc theo kiểu "dậm chân tại chỗ".

"Liêm" theo Hồ Chí Minh, "là trong sạch, không tham lam". Liêm không chỉ là không nhận của đút lót, hối lộ, mà còn không tham tiền của, địa vị, danh tiếng, không tham ăn ngon, sống yên, không tham sống, sợ chết.

Cơ sở khách quan của lối sống thanh liêm là gì? Ai cũng phải sống bằng lao động; phần hưởng thụ của mỗi người là kết quả lao động của mình và sự trao đổi lao động của mình với lao động của người khác. Chúng ta không thể hưởng thụ nhiều hơn phần mà mình đã đóng góp cho xã hội và đã được xã hội thừa nhận. Đó là lẽ công bằng. Thu nhập bất chính bằng tham nhũng là không công bằng, là tước đoạt một phần lao động của người khác, của xã hội.

Để hiểu rõ "chính" trong tư tưởng Hồ Chí Minh, cần trở về với nguồn gốc của nó trong thuyết "chính danh" của Khổng Tử". Theo Khổng Tử, xã hội loạn lạc là do danh không chính nên ngôn không thuận, mà ngôn không thuận thì sự việc sẽ không thành (Luận ngữ: Tử Lộ, 3). Do đó, vấn đề quan trọng trong đạo trị nước là phải thực hiện chính danh, nghĩa là mỗi người trong xã hội phải được bố trí ở vị trí phù hợp với phẩm chất, năng lực của mình; phải thực hiện đầy đủ mọi trách nhiệm, bổn phận được quy định bởi danh (danh hiệu, chức danh, địa vị, chức tước...) của mình: "vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con" (quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử) (Luận ngữ: Nhan Uyên, 11). Khổng Tử nêu rõ tác dụng của chính danh: "Thân mình mà chính được thì không phải hạ lệnh mọi việc vẫn tiến hành. Còn thân mình mà bất chính thì dù có hạ lệnh cũng chẳng ai theo" (Luận ngữ: Tử Lộ, 3).

Tuy nhiên, chính danh trong học thuyết Nho gia có nhược điểm là tính cứng nhắc. Người không ở cương vị đó thì không nói, không được làm điều đó. Hồ Chí Minh chỉ kế thừa mặt hợp lý trong học thuyết chính danh. Người định nghĩa là: "Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn tức là tà"(10). Đồng thời, khẳng định: "Cụ Khổng Tử nói: Mình có đứng đắn, mới tề được gia, trị được quốc, bình được thiên hạ. Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý"(11).

"Chính", theo Hồ Chí Minh gắn liền với cần, kiệm, vì một người không cần, kiệm mà biếng nhác, lãng phí thì tất phải sống bất chính. Ngoài ra, chính còn phải gắn liền với "chí công vô tư", bởi cách cư xử đúng đắn của con người không thể xuất phát từ lợi ích riêng tư của cá nhân, của gia đình mà đánh giá không đúng cái khách quan, dẫn đến phủ nhận cái chân lý. Người bất chính thậm chí bất chấp lợi ích của xã hội, của đất nước chỉ vì lợi ích nhỏ nhen của của cá nhân, gia đình mình.

Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là những phẩm chất đạo đức của con người mới, không chỉ cần thiết trong giai đoạn kháng chiến mà lại càng cần thiết hơn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước ta trong giai đoạn hiện nay./.

Nguyễn Tấn Hùng - PGS, TS, Đại học Đà Nẵng 
(Nguồn Tạp chí Cộng sản số 13(157) 2008)

Các tin khác
Xem tin theo ngày