Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.824.509
Truy câp hiện tại 61
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Bài 1: Khơi dậy và phát huy hệ giá trị con người Việt Nam
Ngày cập nhật 30/01/2023

Trong Văn kiện Đại hội XIII và bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24/11/2021 đã định hướng rất rõ việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới. Xây dựng những hệ giá trị này cũng chính là góp phần phát huy sức mạnh của văn hóa, giá trị của con người trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây cũng chính là khát vọng và đích đến của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử.

Trong xây dựng phát triển văn hóa, con người Việt Nam hiện nay thì hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam vừa là một trong những phạm trù trung tâm của khoa học văn hóa, vừa là một nội dung then chốt giữ vai trò định hướng, kiểm định việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam có vai trò to lớn như vậy nên việc xác định hệ giá trị chuẩn mực đó luôn được Đảng ta rất quan tâm.

Đề cao giá trị con người

Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng xác định xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn mới với những đức tính chủ yếu là: Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung, có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng, có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái; lao động chăm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật, sáng tạo, năng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội; thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực.

Trong thời đại mới, các giá trị đạo đức truyền thống càng phải được gìn giữ, phát huy và đổi mới theo hướng phù hợp với nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế.  

Tại Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Đảng đã đặt ra mục tiêu hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam. Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng cũng xác định nhiệm vụ: “Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. 

Ngày 04/6/2020, Bộ Chính trị ra Kết luận số 76-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, trong đó nhấn mạnh: “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Mọi hoạt động văn hóa đều nhằm bổ sung, hoàn thiện hệ giá trị, chuẩn mực và bồi đắp cho con người Việt Nam quyết tâm vượt mọi khó khăn, thử thách, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. 

Trên cơ sở mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa với con người, con người với văn hóa, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”; đồng thời, coi trọng xây dựng và phát huy niềm tự hào dân tộc, ý chí tự cường, sức sáng tạo, tinh thần cống hiến vì đất nước, khát vọng phát triển thịnh vượng, lòng nhân ái, sự đồng thuận xã hội, tạo sức mạnh tổng hợp thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Theo TS. Nguyễn Tuấn Anh, Viện Nghiên cứu Thanh niên, với tư cách chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển, xây dựng con người Việt Nam đặt ra việc phát huy giá trị văn hóa gắn liền với giữ gìn, bảo vệ, hoàn thiện hệ giá trị chuẩn mực con người và khơi dậy tiềm năng, trí tuệ, sức sáng tạo của con người trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Mọi hoạt động văn hóa, quan hệ văn hóa, thiết chế văn hóa đều nhằm bổ sung, hoàn thiện hệ giá trị, chuẩn mực và bồi đắp cho con người Việt Nam phát triển toàn diện cả về phẩm chất, năng lực; củng cố tình yêu quê hương, đất nước, giá trị nhân văn, tính cố kết cộng đồng, ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo pháp luật, quyết tâm vượt mọi khó khăn, thử thách, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Những hoạt động đó hướng tới: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

 Cần thiết phải hình thành sớm những giá trị chuẩn mực đạo đức con người Việt Nam trong bối cảnh mới.

PGS.TSKH Lương Đình Hải, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam cho rằng, trong gần 4 thập niên qua, phát triển toàn diện con người Việt Nam đã trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế-xã hội; việc xây dựng con người theo các giá trị, tiêu chí và chuẩn mực con người được nêu ở Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI đã đạt được những thành tựu nổi bật. Các giá trị, tiêu chí và chuẩn mực xây dựng và phát triển con người Việt Nam được được hiện thực hóa và phát huy tác dụng rất to lớn, quyết định các thành tựu của đất nước.

Theo đó, chỉ số phát triển con người (chỉ số HDI) và các chỉ số khác về phát triển con người không ngừng gia tăng, đạt mức cao hơn so với các quốc gia có cùng mức thu nhập bình quân GDP/người/năm. Tuy nhiên, chất lượng của việc xây dựng và phát triển con người Việt Nam cũng đang có vấn đề nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay, đang gây nên rất nhiều hệ lụy không mong muốn cho chính con người và xã hội, cản trở công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững đất nước.

PGS.TSKH Lương Đình Hải nêu rõ, nhiều biểu hiện phản giá trị, phi văn hóa, thiếu nhân văn… vẫn tồn tại, làm giảm sút niềm tin vào công bằng, lẽ phải, vào các cơ quan Đảng và Nhà nước, làm suy giảm khát vọng và động lực phát triển đất nước và con người. Nhiều vấn đề nóng bỏng của đất nước, từ kinh tế đến chính trị, văn hóa, xã hội và chính bản thân con người đều trực tiếp hoặc gián tiếp gắn liền những vấn đề về các hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình, con người và cộng đồng. Xã hội Việt Nam vẫn đang tiếp tục các quá trình chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp, từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp sang kinh tế thị trường, từ xã hội khép kín, “đóng cửa” sang “mở”, chủ động và tích cực hội nhập. “Trong bối cảnh đó đòi hỏi xây dựng, phát huy, phát triển các giá trị con người là rất cần thiết, rất có ý nghĩa trên nhiều mặt, nhiều phương diện”. - PGS.TSKH Lương Đình Hải chia sẻ.

PGS.TSKH Lương Đình Hải nhận định, hệ giá trị con người là một cấu thành đặc biệt quan trọng trong hệ thống hệ giá trị khác nhau của Việt Nam cùng tồn tại trong giai đoạn lịch sử hiện nay của đất nước. Trong quá trình hình thành, phát triển, trải qua hàng nghìn năm lịch sử, đến nay, dân tộc Việt Nam đã tạo nên một hệ thống nhiều hệ giá trị khác nhau như: hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị xã hội, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị cộng đồng, hệ giá trị tộc người, hệ giá trị đạo đức, hệ giá trị chính trị,... Tùy thuộc vào lĩnh vực, đối tượng, chủ thể, góc độ xem xét mà mỗi hệ giá trị đó lại bao hàm những giá trị khác nhau và có những cơ cấu, trình tự thứ bậc khác nhau. Nhưng trong hệ thống các hệ giá trị đó thì hệ giá trị con người bao giờ cũng là hệ giá trị trung tâm. Trong mối quan hệ với các hệ giá trị cơ bản như hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị cộng đồng... thì hệ giá trị con người còn thể hiện là hệ giá trị cốt lõi với nhiều giá trị xuyên suốt các hệ giá trị khác. Hệ giá trị con người ẩn chứa, kết tinh, thấm đẫm trong nhiều mặt, nhiều nội dung của các hệ giá trị khác.

Chuẩn mực con người không thể tách rời các hệ giá trị

GS.TS Hồ Sĩ Quý, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin khoa học xã hội khẳng định: Xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam là nhiệm vụ không tách rời với xây dựng hệ giá trị gia đình, hệ giá trị văn hoá và hệ giá trị quốc gia. Về thực chất, đó là sự tìm kiếm một tổng thể các giá trị tin cậy với chuẩn mực lý tưởng về con người, nhằm khơi dậy ý chí phát triển, định hướng để từng con người và toàn xã hội phát triển lành mạnh, phát huy được tối đa tiềm năng, thu hút được ngoại lực và tinh hoa văn hoá, văn minh nhân loại, thực hiện thành công mục tiêu kỳ vọng mà Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra là, phấn đấu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển, có thu nhập cao.

 Xây dựng con người Việt Nam đặt ra việc phát huy giá trị văn hóa gắn liền với giữ gìn, bảo vệ, hoàn thiện hệ giá trị chuẩn mực con người. 

Theo GS.TS Hồ Sĩ Quý, chuẩn mực con người thực chất là chuẩn mực xã hội. Ngay cả trường hợp những cá nhân tự xác định chuẩn mực cho riêng mình, chỉ mình anh ta thực hiện, không cần đến sự can thiệp của người khác, của cộng đồng, thì trên thực tế, những chuẩn mực mà anh ta tự xác định cũng vẫn là chuẩn mực xã hội - chuẩn mực theo những quan niệm xã hội nào đó, mà anh ta thu nhận từ cộng đồng và tự áp dụng cho mình. Với những trường hợp này, cơ chế kiểm tra, đánh giá thường rất nghiêm ngặt, tưởng như chỉ có ý nghĩa cá nhân, nhưng thực tế vẫn là theo những nguyên tắc, quy tắc, luật lệ... xã hội.

Tuy nhiên, quá trình hội nhập quốc tế đang tác động đến những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam cả theo hướng tích cực lẫn tiêu cực. Một mặt, nó “góp phần nâng cao trình độ tư duy khoa học của xã hội công nghiệp, thể hiện ở việc phổ biến các giá trị văn hóa công nghệ, văn hóa thông tin cùng các hoạt động và loại hình văn hóa mới phục vụ cho việc nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân” và qua đó, góp phần làm giàu thêm, phong phú thêm các giá trị văn hóa Việt Nam truyền thống. Mặt khác, nó cũng đang đặt ra trước dân tộc ta những thách thức lớn trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống. Nhiều giá trị tinh thần cốt lõi của dân tộc nói chung cũng như các giá trị đạo đức nói riêng bị chao đảo, đang có nguy cơ mai một và bị phá vỡ. Trong bối cảnh khoa học, công nghệ phát triển như vũ bão, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các phương tiện truyền thông xã hội ngày càng có vai trò lớn trong quảng bá văn hóa và cả trong “xâm lăng” văn hóa, lan tỏa và làm xói mòn các giá trị xã hội.

Hai chuyên gia gồm PGS.TS Đặng Thị Lan (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) và TS Nguyễn Thị Lê Thư (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, thực trạng đời sống đạo đức xã hội Việt Nam hiện nay có thể nói đang ở tình trạng báo động. Đạo đức xã hội xuống cấp, tệ nạn xã hội gia tăng, xuất hiện nhiều loại tội phạm mới như buôn bán phụ nữ, trẻ em, buôn bán nội tạng, tội phạm công nghệ; nạn làm hàng giả xuất hiện tràn lan; sự vô cảm, manh động, coi thường tính mạng con người; đạo đức gia đình, đạo đức học đường; quan hệ thầy - trò, quan hệ giữa cha, mẹ và con cái... đều có vấn đề. Hiện tượng cổ súy cho lối sống hưởng thụ, buông thả, xem thường các giá trị truyền thống khá phổ biến; các tội phạm ngày càng trẻ hóa,... đang gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các cấp, các ngành về việc giáo dục đạo đức, lối sống và sự cần thiết phải hình thành sớm những giá trị chuẩn mực đạo đức con người Việt Nam trong bối cảnh mới. 

Các bậc thang giá trị có phần bị đảo lộn; tinh thần đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, cái tiến bộ và cái lạc hậu ít được đề cao. Chính vì vậy mà cái xấu, cái ác ngày càng lộng hành. Mặt khác, ngày nay, con người có cuộc sống vật chất đầy đủ hơn, tiện nghi hơn nhờ khoa học và công nghệ hiện đại, song dường như con người ngày càng bị “sa mạc hóa” trong tâm hồn, quan hệ giữa con người với con người ngày càng lỏng lẻo, con người trở nên ích kỷ, lạnh lùng và vô cảm trước những hiện tượng đời sống xung quanh... Trong bối cảnh như vậy, phát huy những giá trị truyền thống đã từng làm nên sức mạnh của dân tộc là hết sức cần thiết, đồng thời, cần bổ sung thêm những giá trị hiện đại nhằm xây dựng, phát triển con người, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tiến trình hôi nhập quốc tế.

Xây dựng chuẩn mực con người là đòi hỏi tất yếu

Hiện nay, nhiều hành vi và hiện tượng xã hội ở Việt Nam đang bị coi là lệch chuẩn, không chỉ chuẩn đạo đức, mà còn cả về chuẩn pháp lý. “Chính vì thế vấn đề xây dựng chuẩn mực con người được đặt ra một cách cấp thiết. Kỳ vọng được giả định là nếu xã hội có những hệ chuẩn mực hợp lý, đúng đẳn, sáng suốt, phù hợp với mục tiêu của tiến bộ xã hội... thì hành vi và hoạt động của con người sẽ có căn cứ để điều chỉnh và tự điều chỉnh, xã hội sẽ bớt đi những hiện tượng lệch chuẩn” - GS.TS Hồ Sĩ Quý nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, TS. Hồ Bá Thâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chính các chuẩn mực sẽ điều chỉnh ý thức và hành vi của con người và qua quá trình thực hiện các chuẩn mực thì giá trị con người được củng cố bền vững hơn.

 Xây dựng hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam làm điểm tựa, định hướng cho việc phát triển, hoàn thiện con người, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế.

PGS.TS Trịnh Văn Tùng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Xây dựng hệ chuẩn mực xã hội của con người Việt Nam trong bối cảnh mới chính là tìm kiếm và thực hiện con đường đi tìm bản chất của sự tuân thủ tiểu hệ thống chuẩn mực xã hội, đó là: tiểu hệ thống chuẩn mực pháp luật giúp mỗi người Việt Nam sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; tiểu hệ thống chuẩn mực đạo đức, đó là sự hiểu biết và ứng xử đúng đắn với chính mình, với người thứ hai, với nhóm từ ba người trở lên, với tổ chức/gia đình và với xã hội tổng thể thông qua Nhà nước. Sự tuân thủ các chuẩn mực đạo đức xuất phát từ yêu cầu tuân thủ trong ba môi trường tương tác: giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tổ chức, thiết chế và giữa cá nhân với tư cách là công dân với Nhà nước. Chuẩn mực đạo đức của con người Việt Nam là những quy tắc sống chân - thiện - mỹ; tiểu hệ thống chuẩn mực tôn giáo, tín ngưỡng đúng đắn và mang lại lợi ích chính là phải dựa vào phép biện chứng vật chất - ý thức.

“Xây dựng hệ thống chuẩn mực con người Việt Nam không có mục tiêu nào khác ngoài việc tìm kiếm đời sống của con người cân bằng, hài hòa và khỏe mạnh với ba chiều cạnh thể chất, tâm lý và xã hội. Bản chất hệ thống chuẩn mực của con người Việt Nam chính là sự gặp gỡ giữa ba tiểu hệ thống, gồm: chuẩn mực pháp luật; chuẩn mực đạo đức và chuẩn mực tôn giáo, tín ngưỡng. Sự gặp gỡ giữa ba tiểu hệ thống chuẩn mực ấy (tiêu chuẩn, tiêu chí và những quy định) mang lại hạnh phúc cho mỗi người, đây chính là điều kiện của xã hội hạnh phúc” - PGS.TS Trịnh Văn Tùng nhấn mạnh.

Đưa ra những yêu cầu cụ thể đối với việc xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, PGS.TS Đặng Thị Lan và TS Nguyễn Thị Lê Thư cho rằng, cần phải đẩy nhanh quá trình xây dựng hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam làm điểm tựa, định hướng cho việc phát triển, hoàn thiện con người, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế.

Việc xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam cần bám sát điều kiện thực tiễn Việt Nam, kế thừa có chọn lọc các giá trị truyền thống đã được định hình trong lịch sử; tiếp thu, bổ sung những giá trị, tinh hoa của nhân loại.

 Các hệ giá trị Việt Nam nói chung, hệ giá trị con người nói riêng, là một trong những nguồn lực nhân văn vĩ đại của quốc gia - dân tộc, là nguồn lực nội sinh đặc biệt. 

Mặt khác, cũng cần cụ thể, rõ ràng sao cho dễ hiểu, dễ nhớ dễ thực hiện. Các chuẩn mực mang tính khái quát thì cần được cụ thể hóa. Đồng thời, hệ chuẩn mực con người sau khi được xác định cần nhanh chóng triển khai trong thực tiễn một cách đồng bộ, hiệu quả bằng nhiều phương thức khác nhau…

Nói tóm lại, các hệ giá trị Việt Nam nói chung, hệ giá trị con người nói riêng là một trong những nguồn lực nhân văn vĩ đại của quốc gia - dân tộc, là nguồn lực nội sinh đặc biệt. Các nguồn lực hệ giá trị nói chung, đặc biệt là nguồn lực hệ giá trị con người nếu không sử dụng, không khai thác, không khơi dậy và phát huy, nó sẽ không những không phát triển mà còn dần lu mờ, tàn lụi, suy giảm và mất dần vai trò, sức mạnh. Đó là nguồn lực rất đặc biệt, nếu liên tục dùng thì không bao giờ hết, không bao giờ cạn kiệt, nhiều thế hệ, nhiều chủ thể có thể cùng dùng, cùng khai thác. Chúng càng được khai thác, càng được khơi dậy, càng được phát huy, thì càng phát triển, phồn thịnh, càng bùng dậy mạnh mẽ. Các giá trị, hệ giá trị Việt Nam như là những viên ngọc, thỏi vàng quý giá, “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Các thế hệ ông, cha, trong lịch sử đã khai thác, phát huy và phát triển rất hiệu quả các hệ giá trị Việt Nam nói chung, hệ giá trị con người nói riêng. Chính vì thế, các thế hệ, các chủ thể, cả hôm nay và ngày mai cần biết trân trọng, khơi dậy, khai thác, phát huy và phát triển nguồn lực nội sinh đặc biệt, vô giá này.

Hà Vương (Nguồn: https://dangcongsan.vn/)
Các tin khác
Xem tin theo ngày