1.1. Phần thứ nhất “Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam”. Nội dung tập trung làm rõ những vấn đề sau:
Một là, làm rõ một số vấn đề có tính lý luận về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam.
- Tham nhũng, tiêu cực là gì? Tác hại ra sao? Vị trí, vai trò của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tư tưởng, quan điểm, phương châm chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phạm vi, nội dung phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phương thức lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó cần nhấn mạnh: (1) Tham nhũng, tiêu cực là “giặc ở trong lòng”, là “giặc nội xâm”; (2) Tham nhũng là một trong những nguy cơ đối với Đảng và cách mạng Việt Nam; uy hiếp sự tồn vong của chế độ; làm mất niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng; (3) Phòng là cơ bản, lâu dài, chống là cấp bách, trước mắt; (4) Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không nghỉ, không ngừng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; (5)Mục đích của việc xử lý tham nhũng, tiêu cực là để “trị bệnh cứu người”, kỷ luật một vài người để cứu muôn người, truy tố một vụ để cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực; (6) Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
- Khẳng định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược” nhưng cũng là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị tư tưởng, tổ chức hành chính, kinh tế, hình sự; kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, tiêu cực; “không thể chỉ làm một lần là xong; ngược lại, phải làm rất kiên quyết, kiên trì, bền bỉ; làm thường xuyên, liên tục; làm đi làm lại nhiều lần như đánh răng, rửa mặt hằng ngày”; đòi hỏi “phải có quyết tâm rất lớn, thống nhất rất cao, biện pháp thực hiện quyết liệt, khả thi, chỉ đạo chặt chẽ với một phương pháp tư duy đúng đắn, tỉnh táo, bình tĩnh, không cực đoan, không để các thế lực xấu lợi dụng, xuyên tạc, kích động, phá hoại”. Từ đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp hướng tới mục tiêu “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực.
Hai là, tổng kết thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta trong 10 năm qua.
- Làm rõ 4 kết quả nổi bật: (1) Về phát hiện, xử lý: Kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 đảng viên, trong đó có hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý (04 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, 36 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương; xử lý hình sự 37 cán bộ diện Trung ương quản lý); (2) Về xây dựng, hoàn thiện thể chế (Đảng đã ban hành 250 văn bản; Quốc hội ban hành hơn 300 luật, pháp lệnh; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hơn 2.000 nghị định); (3) Về công khai, minh bạch, kiểm soát quyền lực, xây dựng văn hóa liêm chính; mở rộng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ra khu vực ngoài nhà nước; (4) Về tăng cường hợp tác quốc tế.
- Đúc rút 8 bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: (1) Biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế, nói đi đôi với làm; (2) Phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, không nghỉ, không ngừng; (3) Chú trọng công tác cán bộ; (4) Tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện, kịp thời xử lý nghiêm các sai phạm; (5) Tăng cường kiểm soát quyền lực; (6) Phát huy vai trò nòng cốt và sự phối hợp của các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng; (7) Gắn phòng, chống tham nhũng với xây dựng Đảng, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; (8) Các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải phù hợp với đặc điểm, tình hình ở Việt Nam.
Ba là, chỉ ra những nhiệm vụ, giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực thời gian tới.
- Chỉ ra 05 nhiệm vụ, giải pháp căn bản: (1) Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy vai trò gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo; (2) Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế; (3) Đẩy mạnh phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; (4) Hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về phòng ngừa tham nhũng; (5) Xây dựng cơ quan và đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong sạch, vững mạnh; mở rộng hợp tác quốc tế; triển khai có hiệu quả hoạt động phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước.
- Chỉ ra 05 vấn đề cấn lưu ý trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: (1) Ban Chỉ đạo và từng thành viên phải đúng vai, thuộc bài; (2) Hoàn thiện thể chế để không thể tham nhũng, tiêu cực; (3) Thi hành đồng bộ giữa kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính và xử lý hình sự; (4) Tập trung xử lý những khâu yếu, việc khó; (5) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
1.2. Phần thứ hai “Nhất quán phương châm: Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm từ xa, cả ngọn lẫn gốc” (trang 207 đến 522), gồm tuyển chọn 22 bài viết, bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và về việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Nội dung tập trung làm rõ:
- Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng: (1) Bản chất của Đảng; (2) Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; (3) Xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, liêm khiết; (4) Chống tham nhũng, tiêu cực; (5) Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
- Việc “Rèn luyện suốt đời, thường xuyên tự soi, tự sửa” của cán bộ, đảng viên: (1) Chỉ ra các biểu hiện, hành vi tiêu cực của cán bộ, đảng viên: sợ trách nhiệm, móc ngoặc, tham ô, làm xiếc, một sự thật nhức nhối,...; (2) Chỉ ra giá trị đích thực của người cán bộ, đảng viên: uy tín, mối quan hệ giữa chức vụ và uy tín, cái làm nên uy tín của đảng viên; (3) Khẳng định chân lý: Suy cho cùng mọi thành bại đều do con người; sự nghiệp cách mạng thành bại cũng chủ yếu do cán bộ, đảng viên. Từ đó nhắc nhở, yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, nâng cao năng lực, trình độ.
- Thông điệp rút ra là: “Vấn đề căn cơ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phòng ngừa từ xa, từ sớm, mà trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đặc biệt là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên để trị tận gốc tham nhũng, tiêu cực.
1.3. Phần thứ ba “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” (trang 523 đến 619), tuyển chọn 96 trên tổng số hàng vạn ý kiến của các tầng lớp nhân dân, đại biểu Quốc hội và của chính khách, học giả nước ngoài bày tỏ sự tin tưởng, ủng hộ, đánh giá cao đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và vai trò của đồng chí Tổng Bí thư.
- Các ý kiến tập trung vào các nội dung: (1) Khẳng định vai trò to lớn và uy tín rất cao của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; (2) Bày tỏ sự tin tưởng, đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư; (3) Mong muốn, đòi hỏi cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không dừng, không nghỉ mà phải kiên quyết, kiên trì chống “giặc nội xâm” đến cùng.
- Các ý kiến tiếp tục khẳng định: “Quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ là nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách mà đã trở thành mối quan tâm chung, hành động chung của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên và cả bạn bè quốc tế”.
2. Giá trị của tác phẩm
2.1. Tác phẩm là cẩm nang trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vấn đề rất cốt lõi để xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, thể hiện nhuần nhuyễn phương châm: kết hợp đồng bộ giữa “xây” và “chống”; giữa đẩy lùi và ngăn chặn từ sớm, từ xa; giữa xử lý nghiêm minh và phòng ngừa, giáo dục; giữa xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị tư tưởng, tổ chức và cán bộ gắn liền với chống suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; giữa quyết tâm chính trị của người đứng đầu Đảng, của toàn Đảng và cả hệ thống chính trị với sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, bạn bè quốc tế.
2.2. Tác phẩm có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn, là sự tổng kết thực tiễn phong phú rút ra những vấn đề có tính lý luận và các bài học kinh nghiệm quý để củng cố bản lĩnh, sức mạnh và niềm tin; định hướng giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới.
2.3. Tác phẩm khẳng định thành tựu và ý nghĩa to lớn của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong những năm qua với vai trò của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo, đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, khoa học, bài bản, chắc chắn, hiệu quả. Nhiều tư tưởng, quan điểm, phương châm chỉ đạo, nguyên tắc hành động, giải pháp cơ bản để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do đồng chí Tổng Bí thư khởi xướng, chỉ đạo đã phát huy hiệu quả, được khẳng định qua thực tiễn, đã đúc kết, rút ra những bài học kinh nghiệm quý, có giá trị cả về lý luận và thực tiễn, trong đó, nhiều nội dung đã được cụ thể hóa, thể chế hóa thành các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
2.4. Tác phẩm cho thấy sự nhất quán giữa nói và làm; sự kiên trì đấu tranh không ngưng nghỉ; sự thống nhất giữa những nung nấu nhiều năm và hành động quyết liệt trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực của đồng chí Tổng Bí thư để xây dựng, chỉnh đốn Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; cho thấy tầm nhìn, sự nhất quán cùng những trăn trở, suy nghĩ của đồng chí Tổng Bí thư để có các biện pháp, giải pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả.
2.5. Tác phẩm khẳng định niềm tin, sự đồng tình, ủng hộ, cổ vũ của các tầng lớp nhân dân, đại biểu Quốc hội, chính khách, học giả nước ngoài với quyết tâm của Đảng và những chỉ đạo hiệu quả của đồng chí Tổng Bí thư trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam.