Luôn trân trọng các ý kiến đóng góp
PV: Quá trình tiếp thu các ý kiến đóng góp cho dự thảo văn kiện đã được thực hiện ra sao, thưa đồng chí?
- PGS, TSKH Nguyễn Văn Đặng: Có rất nhiều ý kiến đóng góp vào các dự thảo văn kiện từ nhiều kênh khác khau. Đại hội Đảng các cấp có 67 đầu mối gửi đến Văn phòng Trung ương Đảng; ý kiến của cán bộ, đảng viên, nhân dân, các đoàn thể và qua báo chí gửi đến Ban Tuyên giáo Trung ương để tổng hợp; Mặt trận Tổ quốc là kênh tổng hợp ý kiến của các đoàn thể; Quốc hội cũng tổng hợp ý kiến của Đại biểu Quốc hội và cử tri. Tất cả đều được Văn phòng Trung ương Đảng tổng hợp. Gần như toàn bộ lực lượng của Văn phòng Trung ương Đảng đã được huy động tập trung trong một thời gian cho việc tập hợp ý kiến này, sau đó làm thành Báo cáo tổng hợp đầy đủ các ý kiến gửi Bộ Chính trị, các Tiểu ban và toàn thể Trung ương.
Nói chung, hầu hết các ý kiến đều cơ bản tán thành nội dung các dự thảo; nhưng cũng có một số ý kiến khác trên nhiều vấn đề cụ thể. Nếu cứ theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thiểu số phục tùng đa số một cách đơn giản, thì có thể không cần phải sửa chữa, bổ sung gì cả. Nhưng thực tế cho thấy, có nhiều ý kiến tuy là thiểu số lại gợi mở nhiều cái mới, rất đáng trân trọng, cần được nghiên cứu, tiếp thu. Với bản dự thảo Cương lĩnh chỉ dài 15 trang mà chúng tôi tổng hợp ban đầu có tới gần hai trăm chỗ được các nơi góp ý chỉnh sửa. Trong các kênh góp ý trên, báo chí cũng là một kênh thông tin quan trọng được chúng tôi nghiên cứu, tổng hợp nhiều. Ví dụ như trên báo điện tử VietNam Net, chúng tôi đã tổng hợp có 69 bài, 375 trang kể từ dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng, góp ý với Đại hội XI và cả trên Báo điện tử Đảng Công sản Việt Nam. Chỉ tiếc là một số bài ở báo VietNamNet , báo khác còn nặng về quán triệt, chưa tạo ra được diễn đàn bàn luận sôi nổi. Chúng tôi nghiên cứu các ý kiến góp ý rất cẩn thận. Với nhiệm vụ là uỷ viên thường trực Tổ Biên tập, bản thân tôi đã không chỉ nghiên cứu Báo cáo tổng hợp, mà chúng tôi nghiên cứu tất cả các ý kiến trong các bản gốc. Quan điểm của Bộ Chính trị, của Trung ương là rất trân trọng mọi góp ý, kể cả ý kiến trái chiều cũng phải bình tĩnh, lắng nghe, không vội quy kết. Khi tiếp thu ý kiến sửa Dự thảo trình Bộ Chính trị, chúng tôi thường dùng hình thức: những nội dung nào bổ sung, sửa chữa thì in đậm; nội dung nào lược bỏ thì gạch ngang và để nguyên, những chỗ người biên tập có ý kiến đề nghị về các góp ý thì ghi chú thích ở dưới… Cách làm đó đã giúp các đồng chí lãnh đạo dễ thấy những ý kiến nào mới bổ sung, sửa chữa.
PV: Xin đồng chí cho bíêt, việc khảo sát thực tiễn phục vụ cho xây dựng văn kiện được thực hiện như thế nào?
PGS, TSKH Nguyễn Văn Đặng: Tôi nhận thức, làm nghị quyết có mấy vấn đề mang tính nguyên tắc: Phải lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm “chuẩn” để xem xét các vấn đề. Tuy nhiên, phải với tinh thần là vận dụng và phát triển sáng tạo, phù hợp với thực tiễn của đất nước và thời đại. Phải tổng kết thực tiễn một cách kỹ lưỡng, khoa học, khách quan, vì chỉ có qua thực tiễn mới biết chủ trương đề ra có phù hợp không và những vấn đề gì mới nảy sinh. Phải hết sức trân trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân, của cơ sở. Nghiên cứu thấu đáo ý kiến của các nhà khoa học. Đồng thời cũng phải chú ý nắm bắt những xu thế mới của thời đại, kinh nghiệm của các nước… Trong quá trình chuẩn bị văn kiện, chúng tôi đã tới làm việc với hầu hết các tỉnh thành, hàng chục bộ, ngành, tham dự rất nhiều hội thảo, toạ đàm khoa học - thực tiễn, cập nhật, nghiên cứu các tài liệu... Khi về các địa phương, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Phó trưởng Tiểu ban thường trực, Tổ trưởng Tổ Biên tập, luôn yêu cầu và tạo điều kiện để chúng tôi hỏi, trao đổi, nắm tình hình thấu đáo. Chẳng hạn, vấn đề “một bộ phận” cán bộ, đảng viên tha hoá, biến chất là như thế nào mà nghị quyết qua mấy nhiệm kỳ và báo cáo của các địa phương đều nêu như thế, phải hỏi cho rõ quy mô “một bộ phận” này là thế nào, vừa qua tăng hay giảm. Hay như các báo cáo thường nói “có lúc, có nơi” còn hạn chế, khuyết điểm này khác, cũng cũng cần hỏi rõ nơi nào, lúc nào, trong bối cảnh nào...
Những nội dung phát triển mới, sáng tạo mới
PV: Thưa đồng chí, đã có nhiều nội dung dự thảo Cương lĩnh đã được thảo luận sôi nổi trong suốt quá trình xây dựng?
PGS, TSKH Nguyễn Văn Đặng: Đúng vậy! Có thể nói là trong 12 mục của Cương lĩnh thì mục nào cũng có những ý kiến khác nhau; nhưng qua thảo luận, nổi lên có một số vấn đề được bàn thảo, tranh luận nhiều nhất.
Tên gọi của Cương lĩnh bổ sung, phát triển là gì ? Trong xây dựng Cương lĩnh năm 1991 đã chọn ra tên của Cương lĩnh từ hơn một trăm kiến nghị. Lần này, nhiều ý kiến đề nghị giữ như tên gọi của Cương lĩnh năm 1991: “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”. Có ý kiến đề nghị cần nêu cụ thể nội hàm của thời kỳ quá độ để có sức động viên. Có ý kiến cho rằng phải thêm chữ “bảo vệ”, lại có ý kiến cho rằng không cần thiết vì “xây dựng đã bao hàm bảo vệ”. Có ý kiến cho rằng nếu thêm “bảo vệ” có thể dẫn đến cách hiểu sai, suy diễn cho rằng trước đây chưa nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nên nay phải bổ sung, hoặc cho rằng do “có vấn đề” về quan hệ đối ngoại nên phải bổ sung. Vì vậy, tên của Cương lĩnh bổ sung, phát triển dự thảo vẫn giữ như Cương lĩnh năm 1991.
Đặc trưng kinh tế của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng được xác định trong Cương lĩnh năm 1991 là: “Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu”. Đại hội X không nói “công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu”, mà sửa lại, diễn đạt “mềm” hơn là: “quan hệ sản xuất phù hợp”. Dự thảo Cương lĩnh bổ sung, phát triển giữ như Cương lĩnh năm 1991. Như vậy là Đại hội XI lại trở về với tinh thần Cương lĩnh 1991. Theo tôi đây là điều hiếm có, ít gặp trong xây dựng văn kiện Đảng. Nhiều ý kiến cho rằng, “công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu” là đặc trưng khi kết thúc thời kỳ quá độ; còn nói “quan hệ sản xuất phù hợp” thì không rõ khi kết thúc thời kỳ quá độ, sự “phù hợp” đó là như thế nào. Có ý kiến đề nghị xác định, khi kết thúc thời kỳ quá độ, “chế độ công hữu chi phối các tư liệu sản xuất chủ yếu”, hoặc “chế độ sở hữu xã hội hoá trở thành phổ biến”... Tôi nghĩ, đây là dự báo cho một thời gian rất dài, chắc chắn sẽ còn phải tiếp tục nghiên cứu, phát triển để xác định phù hợp với quy luật tất yếu, khách quan.
Về vấn đề đối ngoại, Cương lĩnh năm 1991 xác định quan hệ với các đảng cộng sản, đảng cánh tả, đảng cầm quyền trên cơ sở độc lập, tự chủ, vì hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Trên thực tế, bên cạnh các đảng cầm quyền, Đảng ta còn duy trì và mở rộng quan hệ với một số đảng khác, kể cả các đảng khi thất cử, không còn cầm quyền. Do đó, để phù hợp với chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, dự thảo Cương lĩnh đã bổ sung, sửa lại là: Đảng Cộng sản Việt Nam “Trước sau như một ủng hộ các đảng cộng sản và công nhân, các phong trào tiến bộ xã hội trong cuộc đấu tranh vì những mục tiêu chung của thời đại; mở rộng quan hệ với các đảng cánh tả, các đảng cầm quyền và những đảng khác trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ, vì hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Cũng còn nhiều vấn đề khác được tranh luận sôi nổi như: Vấn đề chăm lo phát triển con người có vị trí như thế nào trong phương hướng phát triển; thế nào là định hướng xã hội chủ nghĩa của kinh tế thị trường ở nước ta...
PV: Vậy, trong Báo cáo Chính trị có những nội dung nào đã được phát triển mới, thưa đồng chí?
PGS, TSKH Nguyễn Văn Đặng: Để nói rõ vấn đề này, phải trình bày nhiều nội dung, tôi chỉ xin khái quát một số điểm lớn.
Trong Báo cáo chính trị đã khẳng định tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, và trong đổi mới đó nói rõ không chỉ đổi mới kinh tế mà còn phải đổi mới chính trị. Tuy nhiên đổi mới chính trị không phải theo nghĩa đổi mới về thể chế chính trị, mà là đổi mới tư duy chính trị và hệ thống chính trị, để xây dựng chủ nghĩa xã hội phồn vinh, hạnh phúc.
Về kinh tế, điểm nổi bật là Báo cáo chính trị đã xác định phải “đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển kinh tế nhanh, bền vững”. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Đây là hướng đi đúng, vì đất nước muốn phát triển nhanh, còn thiếu vốn, thiếu điện, thiếu hạ tầng…, nhưng cũng không thể chỉ tiếp tục phát triển chủ yếu theo chiều rộng, cũng không thể chỉ phát triển theo chiều sâu, mà phải phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu. Chủ trương: “Cơ cấu lại, xây dựng nền công nghiệp theo hướng phát triển mạnh những ngành có lợi thế so sánh và có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững…”, theo tôi đây là vấn đề rất quan trọng. Sau này, từ đây mà rà soát lại chiến lược phát triển từng ngành, từng lĩnh vực.
Phần nói về kinh tế thị trường định hướng XHCN cũng đã nêu rõ thêm những tiêu chí, đặc trưng của định hướng XHCN cần không ngừng tạo dựng trong phát triển nền kinh tế thị trường ở nước ta.
Về văn hoá xã hội, Báo cáo chính trị xác định phải đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục của đất nước. Đây là vấn đề hết sức quan trọng. Đổi mới toàn diện thì rõ rồi, nhưng đổi mới căn bản thì đòi hỏi mức độ cao hơn.
Báo cáo lần này cũng đề cập sâu hơn về kinh tế tri thức, về an sinh xã hội, coi đó chính sách lớn. An sinh xã hội trên thế giới là một vấn đề lớn, như một hệ thống “lưới” đỡ, không để những người gặp khó khăn, yếu thế bị rơi vào hố sâu của sự bần cùng. Cần tổng kết thực tiễn của nước ta và học hỏi kinh nghiệm về chính sách và tổ chức hệ thống an sinh xã hội của nhiều nước trên thế giới.
Về quốc phòng - an ninh, đối ngoại, Báo cáo nói rõ hơn về nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, nói rõ hơn về các mối quan hệ giữa bảo vệ Tổ quốc và các lĩnh vực khác, về sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực này. Về đối ngoại, nói rõ hơn quan điểm “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”, chứ không chỉ là “hội nhập kinh tế quốc tế” như trước đây.
Báo cáo cũng nói rõ hơn về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phương hướng tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước; đặc biệt là vấn đề cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức.
Về Đảng, bản chất của Đảng được diễn đạt như Đại hội X. Nói rõ hơn về yêu cầu xây dựng Đảng vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, Có hẳn một trường đoạn nói về người đảng viên (rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân). Nói rõ hơn yêu cầu đảng viên phải gắn bó với mật thiết với nhân dân. Báo cáo cũng đưa vào nghị quyết thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng …
Đặc biệt, phần kết luận của Báo cáo Chính trị không đơn thuần chỉ là lời kết mà chính là việc xác định những nội dung trọng tâm, trọng điểm nhất cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo sự chuyển biến mạnh mẽ. Đó là: nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; cải cách hành chính; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, nhất là hệ thống giao thông; đổi mới quan hệ phân phối, chính sách tiền lương; giải quyết một số vấn đề xã hội bức xúc; đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí…
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!