Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.871.386
Truy câp hiện tại 480
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Vị thế Việt Nam trong bảo đảm an ninh lương thực thế giới
Ngày cập nhật 25/08/2011

Thời gian gần đây giá lương thực trên thế giới tăng cao đột biến do mất cân đối cung – cầu, khiến an ninh lương thực toàn cầu đang trở thành vấn đề “nóng”. Việt Nam từ một nước thiếu lương thực đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới (sau Thái Lan). Cho đến nay Việt Nam đã xuất khẩu 75 triệu tấn gạo, trị giá hơn 23 tỉ USD; năm 2010 xuất được 6,88 triệu tấn gạo, trị giá 3,23 tỉ USD. Lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam chiếm 1/5 lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Việt Nam còn cử chuyên gia đi chia sẻ kinh nghiệm của mình cho nhiều nước châu Á, châu Phi, Mỹ la tinh… đã được chính phủ, nhân dân các nước bạn bè, cộng đồng quốc tế hoan nghênh và đánh giá cao. Vì thế, đóng góp của Việt Nam có vai trò quan trọng đối với việc bảo đảm an ninh lương thực thế giới.

Nguy cơ mất an ninh lương thực
Hạn hán, thiên tai, thời tiết bất thường là do hậu quả của biến đổi khí hậu toàn cầu đang de dọa an ninh lương thực toàn thế giới. Giá lương thực, thực phẩm tăng cao nên an ninh lương thực ngày càng trở thành vấn đề nóng bỏng của nhiều quốc gia. Một số nông phẩm thời gian gần đây tăng giá với tốc độ chóng mặt.
Theo báo cáo của FAO công bố ngày 5-1-2011 thì giá lương thực tăng cao kỷ lục trong tháng 12-2010 và có thể còn cao hơn nữa do biến đổi bất thường của khí hậu toàn cầu, chỉ số giá lương thực tính theo tháng, dựa trên giá một số hàng hóa như: lúa mì, ngô, gạo, các loại hạt, sản phẩm sữa, đường, thịt, cá trong tháng 12-2010 đã tăng 4,2% so với tháng 11, tăng lên 214,7 điểm, vượt mức 213,5 điểm vào tháng 6-2008, là mức cao nhất kể từ khi FAO thiết lập chỉ số này năm 1990.
Trước đó, trong báo cáo “Triển vọng lương thực”, FAO cũng đưa ra nhận định, giá lương thực toàn cầu trong năm 2011 có thể tăng từ 10-20% do mất mùa và giảm sút các nguồn dự trữ toàn cầu. Ngày 12-1-2011 báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, giá lúa mì năm 2010 đã tăng 47%, trong khi giá ngô tăng hơn 50% và đậu tương tăng 34%.
Theo đánh giá của FAO, thời tiết biến động là nguyên nhân chính làm sản lượng lúa mì thế giới giảm mạnh trong năm 2010 như lũ lụt tại Ô-xtrây-li-a và Paki-xtan, hạn hán ở Ac-hen-ti-na, thời tiết khô hạn gây cháy rừng ở Nga, sương giá phá hoại mùa màng ở châu Âu, Bắc Mỹ.
Mặt khác còn do các quốc gia mua để dự trữ, và để sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol. Viện Nghiên cứu trái đất ở Washington DC cho biết, riêng tại Mỹ – nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới, đã dành 30% số lượng ngô sản xuất đại trà để chế biến ethanol dùng chạy xe thay vì để ăn.
Bulog, cơ quan thu mua của In-đô-nê-xi-a được lệnh phải dần dần tăng lượng gạo nhập khẩu để bảo đảm dự trữ 2 triệu tấn gạo so với 1,5 triệu tấn hiện nay. Các nhà kinh doanh gạo dự đoán, tăng cường dự trữ lúa, gạo là lựa chọn của nhiều quốc gia châu Á trước những mối quan ngại chung về tình hình lương thực toàn cầu.
Ngày 9-2-2011, chính quyền In-đô-nê-xi-a đã quyết định tăng cường dự trữ gạo từ 1,5 triệu tấn lên 2,0 triệu tấn trước sự lo ngại về giá lương thực tăng cao nguồn cung bị thu hẹp và lạm phát tăng lên. Trong tháng 2-2011 Trung Quốc cũng tăng giá mua lương thực tối thiểu để dự trữ.
Đầu tháng 2-2011, chính phủ A rập Xê-út cũng quyết định tăng gấp đôi lượng dự trữ lúa mì từ mức 1,4 triệu tấn lên mức 2,52 triệu tấn trong bối cảnh giá lương thực toàn cầu tăng mạnh và dân số nước này cũng tăng nhanh. Cũng theo báo cáo của USDA ước tính lượng ngô trên thế giới trong vụ tính đến tháng 8-2011 sẽ giảm 16%, xuống 122,5 triệu tấn. Sản lượng ngô toàn cầu thấp chủ yếu do sự sụt giảm nguồn cung từ Mỹ, Ac-hen-ti-na. Trong khi đó, nhu cầu về ngô không ngừng tăng cao.
Mới đây Ấn Độ tuyên bố ngừng xuất khẩu ngô sang Việt Nam khiến Việt Nam có thể phải quay sang nhập từ các nhà cung ứng Nam Mỹ. Theo USDA lượng dự trữ toàn cầu về lúa mì đến tháng 6-2011 sẽ giảm xuống 177,77 triệu tấn, thấp hơn 0,1% so với dự báo tháng 1-2011.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến giá lương thực tăng cao chủ yếu do mất cân đối cung – cầu, trong khi cầu có xu hướng tăng cao thì nguồn cung lại bị giảm mạnh trong những năm gần đây. Cầu tăng cao trước hết do dân số thế giới tăng lên chóng mặt, mỗi năm tăng 80 triệu người.
Cung giảm do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do diện tích sản xuất lương thực và lượng lương thực thế giới đang giảm mạnh. So với năm 2009, diện tích đất trồng lúa năm 2010 chỉ còn 155,1 triệu ha, giảm 2,7 triệu ha và sản lượng gạo đạt 442,6 triệu tấn, giảm 5,4 triệu tấn.
Theo Viện Chính sách trái đất/Mỹ, sản lượng lương thực thế giới giảm còn do nguồn nước bên dưới tầng địa chất bị cạn kiệt vì nhiều khu rừng biến mất do nạn phá cây rừng bừa bãi, đất canh tác không còn đủ màu mỡ để trồng trọt. Thêm vào đó, khí hậu biến đổi vì địa cầu nóng ấm dần, băng tan làm nước biển dâng tràn gây hiện tượng nhiễm mặn trên đất trồng lúa tại châu Á mà đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam là một thí dụ điển hình.
Hệ lụy từ mất an ninh lương thực
Theo số liệu do Liên hợp quốc công bố ngày 16-10-2010 trên thế giới có khoảng 1 tỉ người thiếu ăn. Còn theo FAO số người đói là 925 triệu, 2/3 số người đói tập trung ở 7 quốc gia là Băng-la-đét, Trung Quốc, Công-gô, Ê-thi-ô-pi-a, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a và Pa-ki-xtan. Khu vực có số người đói nhiều nhất là châu Á - Thái Bình dương với 578 triệu người. Tỷ lệ người đói cao nhất ở khu vực tiểu vùng Sa-ha-ra châu Phi, chiếm 30% trong năm 2010 (239 triệu).
Cũng theo đánh giá của FAO, giá lương thực leo thang là thủ phạm gây nên nhiều cuộc khủng hoảng chính trị trên thế giới. FAO cảnh báo rằng, sự tăng đột biến giá cả có thể là một mối đe dọa chính trị đối với an ninh lương thực cho người nghèo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo cảnh báo đầu tháng 1-2011, đã bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng lương thực trên quy mô toàn cầu giống như năm 2008.
Hiện nay có khoảng 80 quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực. Những khu vực bị đe dọa nhiều nhất là Bắc và Trung Phi, tiếp đó là châu Á như: Ap-ga-ni-xtan, Mông Cổ, Triều Tiên.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Rô-bớt Zô-ê-lich khẳng định: sự nghèo đói đang tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn tại 37 quốc gia trên thế giới. Quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất do giá lương thực leo thang là Ai Cập. Làn sóng biểu tình chống tăng giá đã dẫn đến sự ra đi của Tổng thống Mu-ba-răc sau 31 năm cầm quyền. Tại Mô-dăm-bích, sau khi chính phủ quyết định tăng giá bánh mì lên 30%, nhiên liệu lên 17%, cũng dẫn đến bạo động bùng nổ làm hàng trăm người bị thương và bị chết, hơn 400 người bị bắt giữ.
Một nhà kinh tế học của FAO dự báo, trong tương lai gần có thể xẩy ra nhiều vụ bạo động vì tăng giá do khan hiếm lương thực ở các nước kém phát triển, nhất là ở châu Phi và Trung Đông vốn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lương thực, thực phẩm. Mặt khác, tình trạng thiếu lương thực càng trở nên nghiêm trọng hơn đối với các quốc gia phải nhập nhẩu lương thực, nhưng lại thiếu ngoại tệ.
Như vậy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mất an ninh lương thực, nhưng theo FAO thì biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính làm sản lượng lương thực giảm và kéo theo các hệ lụy khác. Vì thế, các nước cần có giải pháp toàn diện để bảo đảm an ninh lương thực, trong đó xây dựng chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu cần được đặc biệt quan tâm.
Những vấn đề Việt Nam cần quan tâm
Nhận rõ thời cơ và thách thức
Giá các loại hàng hoá, đặc biệt là giá lương thực thế giới tăng cao trong thời gian gần đây vừa là thời cơ vừa là thách thức đối với Việt Nam. Vì Việt Nam vừa là nhà xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới, nhưng lại là nước nhập khẩu nhiều loại nguyên, nhiên liệu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trong nước.
Trong bối cảnh giá lương thực trên thế giới đang có xu hướng tăng cao, cung – cầu mất cân đối lớn do nhiều nguyên nhân, Việt Nam cần phải giải quyết tốt bài toán vừa bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, vừa phải tận dụng thời cơ để xuất khẩu lương thực đạt hiệu quả cao nhất. Vì thế, Việt Nam cần làm tốt các khâu: sản xuất, tổ chức thị trường, điều hành xuất khẩu… Trên cơ sở đó, cần tính đến các yếu tố có liên quan đến các khâu nói trên. Theo một cố vấn cao cấp Phòng Phát triển bền vững (Chương trình phát triển Liên hợp quốc), Việt Nam sẽ là một trong 5 nước chịu thiệt hại nặng nhất do biến đổi khí hậu toàn cầu.
Với kịch bản nước dâng 1m, đồng bằng sông Hồng sẽ mất 5.000km2 đất, đồng bằng sông Cửu Long bị ngập 15.000 – 20.000km2; tổng sản lượng lương thực giảm khoảng 5 triệu tấn. Xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2011 sẽ phải cạnh tranh với các nhà xuất khẩu mới tại khu vực là Mi-an-ma, Cam-pu-chia. Hơn nữa, từ ngày 1-1-2011, Việt Nam phải mở cửa thị trường gạo theo các cam kết khi là thành viên của WTO, cho phép các doanh nghiệp nước ngoài có thể trực tiếp thực hiện các giao dịch ở Việt Nam và xuất khẩu gạo của Việt Nam ra nước ngoài.
Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cảnh báo về việc đất nông nghiệp đang từng ngày bị chuyển đổi mục đích sử dụng một cách thiếu quy hoạch và tùy tiện nên ngày càng bị thu hẹp một cách đáng báo động. Tổng diện tích đất lúa toàn quốc hiện nay là 4,1 triệu ha. Song từ năm 2000 – 2005, diện tích đất lúa đã giảm nghiêm trọng với hơn 302.000 ha. Gần 9 năm qua, đất lúa đã bị giảm 59.000 ha. Riêng tại đồng bằng sông Cửu Long, từ 2000 – 2007, đất lúa đã bị giảm 205.000 ha (57% so với tòan quốc). Tại phía Bắc, chỉ tính Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội đã giảm 3.161ha… mặt khác, thói quen sản xuất nhỏ, tập quán canh tác và sử dụng phân bón chưa phù hợp, chất lượng giống cây trồng, vật nuôi chưa cao… cũng hạn chế đến năng suất, chất lượng lương thực của Việt Nam. Vì thế, gạo của Việt Nam giá thấp hơn gạo cùng loại của Thái Lan (550/900USD/tấn).
Coi trọng các giải pháp chủ yếu
Để nâng cao chất lượng và vị thế gạo xuất khẩu và hướng tới các khách hàng có nhu cầu cao như Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan… và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới thì Việt Nam có thể và cần phải coi trọng các giải pháp chủ yếu sau:
Một là, để phát triển nhanh và bền vững, ngành sản xuất lương thực cần tập trung thực hiện các chính sách ổn định diện tích đất trồng lúa; có chính sách tín dụng ưu đãi và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho “Tam nông”; tăng cường đầu tư cho hệ thống thủy lợi; đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, chế biến; cải tiến về giống và đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác, phòng trừ sâu bệnh giảm tổn thất trong và sau thu hoạch; tổ chức lại sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ; nâng cao thu nhập cho người trồng lúa gắn với phát triển nông thôn ngày càng văn minh hiện đại… Cần xây dựng các vùng chuyên canh cây lương thực tại 2 vùng lúa (đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng); xây dựng và sớm triển khai Chiến lược quốc gia về chống biến đổi khí hậu. Xây dựng vùng trồng lúa theo tiêu chuẩn GAP và định vị thương hiệu gạo của Việt Nam.
Hai là, điều hành sản xuất, phân phối, lưu thông bình ổn giá lương thực, bảo đảm cho người trồng lúa có thu nhập hợp lý. Chính phủ cần thành lập Ủy ban chính sánh về gạo và trách nhiệm nghiên cứu đề xuất và thi hành các chính sách liên quan đến sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Ủy ban này có nhiệm vụ đánh giá chỉ đạo sản xuất nông nghiệp cân đối với tiêu dùng hàng năm, bảo đảm tính nhất quán và chính xác để vừa ổn định thị trường và an ninh lương thực quốc gia vừa không để lỡ cơ hội xuất khẩu có hiệu quả. Hiện nay, việc xuất khẩu gạo và điều hòa lương thực chủ yếu do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phụ trách, nhưng trên thực tế VFA còn thiếu kế hoạch và tính hiệu lực cần thiết. Vì vậy, Ủy ban này ra đời sẽ góp phần phối hợp hài hòa, thống nhất giữa các bộ, ngành, các chủ thể tham gia thị trường lương thực, nhằm sử dụng các nguồn lực có hiệu quả. Tránh những sai lầm về dự báo giá gạo như đầu năm nay và bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu như năm 2008.
Ba là, cần tăng cường dự trữ lương thực cả ở cấp quốc gia và doanh nghiệp. Chính phủ cần có quỹ dự phòng để hỗ trợ nông dân khi gặp thiên tai hoặc các doanh nghiệp khi làm nhiệm vụ bình ổn giá. Quỹ này có quy mô phù hợp với tăng trưởng kinh tế và cân đối ngân sách nhà nước, là công cụ hữu hiệu điều tiết vĩ mô về an ninh lương thực quốc gia. Nguồn vốn này sẽ được dùng để hỗ trợ lãi suất tín dụng cho các doanh nghiệp mua dự trữ lương thực. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần đầu tư xây dựng các kho tạm trữ lúa cho khu vực đồng bằng sông Cửu long. Ngoài ra còn cần xây dựmg hệ thống kho chứa cho nông dân gửi thóc, chờ cơ hội đưa ra thị trường.
Bốn là, cần tổ chức lại các doanh nghiệp xuất khẩu lương thực cho phù hợp với tình hình mới. Năm 2010 đã có 264 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo, nhưng chỉ có 30 doanh nghiệp thực thụ làm gạo xuất khẩu. Trong đó, nhiều doanh nghiệp năng lực yếu kém, chỉ tham gia xuất khẩu khi có lợi và mới chỉ làm được “phần ngọn” của quá trình sản xuất, chế biến, lưu thông, xuất khẩu. Nghị quyết số 109 của Chính phủ về tổ chức kinh doanh xuất khẩu gạo ban hành và có hiệu lực năm 2011, sẽ tăng cường nguồn lực cho các doanh nghiệp cạnh tranh xuất khẩu gạo. Để tự tin trong cạnh tranh xuất khẩu gạo với các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp lớn cần chủ động nguồn cung chất lượng cao và nguồn khách hàng tiêu thụ. Để giữ khách hàng truyền thống, đồng thời mở thị trường và đối tác mới cần liên kết “bốn nhà”, trước hết với nông dân để chủ động nguồn cung gạo xuất khẩu thông qua: xây dựng kho dự trữ lớn, đầu tư vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, xây dựng các nhà máy chế biến gạo xuất khẩu, nhà máy sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…
Năm là, cần làm tốt công tác dự báo thị trường lương thực. Năm 2008, Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội vàng để xuất khẩu gạo khi giá gạo thế giới lên đến trên 1.000USD/tấn do không dự báo đúng sản lượng lúa gạo trong nước. Năm nay, theo báo cáo “Triển vọng lương thực”, FAO đã đưa ra dự báo, giá lương thực tòan cầu có thể tăng từ 10-20% do mất mùa và giảm sút các nguồn dự trữ toàn cầu. Olivier de Schutter, chuyên gia Liên Hợp Quốc còn cảnh báo, đã bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng lương thực trên quy mô toàn cầu giống như năm 2008.
Do đó, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần chủ động, tích cực để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức trong việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới với vị thế là quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới và là thành viên tích cực của nhiều tổ chức kinh tế quốc tế.

Nguyễn Nhâm (Nguồn Tạp chí Cộng sản ngày 9/5/2011)
Các tin khác
Xem tin theo ngày