Nhân loại đang ở những thập niên đầu thế kỷ XXI, đã chứng kiến những bước tiến diệu kỳ của khoa học và công nghệ, những đóng góp của nó cho nền sản xuất vật chất xã hội tạo nên nền kinh tế tri thức. Tài nguyên thiên nhiên là cái hữu hạn, dù giàu có nhưng khai thác mãi cũng cạn kiệt; nguồn vốn tư bản không phải quốc gia nào cũng phong phú, chỉ có tri thức của nhân loại ngày càng trở nên bất tận. Hơn nữa, trong quá trình phát triển bản thân nguồn lực tự nhiên và các nguồn lực khác tự nó không thể tham gia các quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Chỉ thông qua hoạt động thực tiễn của con người bằng sức mạnh của trí tuệ kết hợp với các nguồn lực mới có thể tạo nên tăng trưởng và tăng trưởng bền vững. Để khai thác các nguồn vốn, các nguồn tài nguyên và cả nguồn nhân lực một cách hiệu quả tạo nên chất lượng của sự tăng trưởng thì yếu tố con người đóng vai trò quan trọng.
Điều này khẳng định ý nghĩa quyết định của nhân tố con người trong sự nghiệp cách mạng Dân tộc Dân chủ Nhân dân trước đây, cũng như công cuộc đổi mới xây dựng đất nước hiện nay. Đó là lô-gíc tất yếu và cũng là hướng đi đồng thuận với xu thế phát triển bền vững phù hợp với xu hướng chung của nhân loại tiến bộ – không tuyệt đối hoá sức mạnh của kinh tế, không thần thánh hoá khoa học, công nghệ, không gạt bỏ cội rễ văn hoá truyền thống, không lãng phí nguồn vốn của tương lai. Quan điểm con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đã được khẳng định trong chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội 1991- 2000 được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII thông qua năm 1991 và tiếp tục được khẳng định lại trong các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, IX, X, XI và đó cũng là quan điểm cơ bản để phát triển chủ nghĩa xã hội Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ XXI.
Đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng trong những thập niên đầu thế kỷ XXI được thể hiện ở nhiều phương diện. Phát triển con người toàn diện là một trong những quan điểm cơ bản không thể thiếu để bảo đảm tính nhân văn và tính hiện thực của xã hội mới. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) Đảng ta đã xác định “ xã hội xã hội chủ nghĩa mà ta nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện…”(1). Cùng với nhiều nội dung khác, quan điểm giải phóng con người, hướng người dân tới cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện tiếp tục được duy trì, khẳng định như những nét cơ bản không thể thiếu trong chủ nghĩa xã hội Việt Nam.
Nghiên cứu về con người cho thấy, yếu tố sinh học và yếu tố xã hội hòa quyện thống nhất với nhau cùng góp phần tạo ra bản chất người và nét đặc thù của mỗi cá nhân riêng biệt. Bài học có tính phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin là, không tuyệt đối hoá yếu tố sinh vật hay yếu tố xã hội, không tách rời yếu tố sinh học khỏi yếu tố xã hội, sự phát triển của xã hội, tiến bộ xã hội sẽ được biểu hiện bằng các chỉ số quan tâm đến việc thoả mãn các nhu cầu sinh học cần thiết của con người cho tương ứng với trình độ phát triển xã hội, và ngược lại, việc thoả mãn các nhu cầu sinh học của con người cần được đặt trong hoàn cảnh xã hội cụ thể, trong các quan hệ xã hội cụ thể, trong các điều kiện chính trị, luật pháp, văn hoá, kinh tế cụ thể.
Những quan niệm có tính phiến diện khi tuyệt đối hoá mặt tự nhiên, cũng như tuyệt đối hoá khía cạnh xã hội nào đó của con người đã bộc lộ những hạn chế. Những khám phá mới nhất trong nhận thức nhân loại về con người cho thấy con người có nguồn gốc bền chặt từ tự nhiên, gắn bó chặt chẽ với tự nhiên, chịu sự chi phối của quy luật tự nhiên, quy luật sinh học… Sự phát triển của khoa học ngày càng thừa nhận vai trò quan trọng của yếu tố sinh học, sự phát triển con người không thể bỏ qua yếu tố sinh học tự nhiên. Nó gợi mở hướng đi tất yếu rằng, chiến lược con người Việt Nam cần có sự đầu tư thích đáng hơn nữa về nguồn gốc, chủng tộc, cơ chế di truyền, sức khoẻ, tuổi thọ… Phát triển con người Việt Nam toàn diện hiện nay cần phải được quan tâm trước hết về thể chất.
Những năm qua, mặc dù thể lực của người Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Trước năm 1945, người Việt Nam cao hơn người Nhật 2cm. Hiện nay, người Nhật cao hơn người Việt Nam 10cm. Theo các nhà nghiên cứu, so sánh chiều cao thanh niên Việt Nam với thanh niên Thái Lan, nam thanh niên Việt Nam thấp hơn 4cm, nữ thanh niên Việt Nam thấp hơn 2cm. So với chuẩn quốc tế, nam thanh niên Việt Nam thấp hơn 13,1 cm, nữ thanh niên Việt Nam thấp hơn 10,7cm. Tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi còn cao. Mỗi năm ở Việt Nam có 7.000 trẻ em bị tử vong liên quan đến suy dinh dưỡng(2).
Các chuyên gia nghiên cứu y học và xã hội đã chỉ ra rằng, không chỉ các yếu tố sinh học ảnh hưởng đến tinh thần và thể chất của con người, mà chính các yếu tố kinh tế – văn hoá - xã hội là những nhân tố quan trọng tác động tới tinh thần, thể chất và tuổi thọ của con người. Vì vậy chỉ số HDI là một trong những chỉ số phản ánh sự tiến bộ của xã hội. Trong những năm đổi mới vừa qua, chỉ số phát triển con người Việt Nam liên tục có những bước cải thiện đáng kể. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, chỉ số phát triển con người của Việt Nam năm 2004 đứng thứ 112/177 nước; Năm 2006 thứ 109/177 nước; Năm 2008 thứ 105/177 nước. Dù chỉ số phát triển con người Việt Nam liên tục được cải thiện, song tốc độ còn hạn chế nên trong những thập niên đầu thế kỷ XXI, Việt Nam cần đẩy mạnh các giải pháp cần thiết cải thiện tốc độ phát triển nhanh và bền vững hơn.Việc phát hiện và bồi dưỡng các năng khiếu và nhiều tiềm năng đặc biệt của con người cũng đựơc đặt ra. Bên cạnh đó các vấn đề ý thức, nhiều vấn đề khác của con người cần tiếp tục được bổ sung. Đây chính là vấn đề năng lực đặc biệt của con người, năng lực tiềm tàng trong cơ thể, trong não bộ, trong thần kinh, nói cụ thể hơn đó là thể lực, trí tuệ, tâm lực ở dạng tiềm tàng của mỗi con người. Vấn đề mà trước đây C.Mác đã từng nói tới dưới tên gọi “lực lượng bản chất”, sức mạnh tự nhiên của con người.
Tuy nhiên, phát triển con người không dừng lại ở yếu tố tự nhiên, sinh học, bởi lẽ con người còn là thực thể tự nhiên mang tính xã hội, như có nhà nghiên cứu đã từng viết: “lịch sử của con người là lịch sử không ngừng văn minh hoá những hành vi có tính động vật”(3). Ngược lại, việc phát triển con người trong xã hội cụ thể cũng không thoát ly khỏi những tiền đề, quy luật sinh học vốn có của con người. Xa rời nguyên tắc cơ bản ấy là sự thoát ly hiện thực, chủ quan, duy ý chí.
Coi trọng việc phát triển những phẩm chất, nhân cách, giá trị xã hội ở con người là nội dung quan trọng không thể xem nhẹ. Trong định hướng phát triển con người thời nào cũng được đề cập chỉ có điều sự định hướng cụ thể ở mỗi thời kỳ, mỗi dân tộc lại không giống nhau. Trong xã hội phong kiến phương Đông ở Trung Quốc, Việt Nam hay một số quốc gia khác, con người mà trung tâm xã hội hướng tới là các nhà Nho, kẻ sĩ, bậc quân tử; phẩm chất nhân cách cơ bản là sự tôn trọng tôn ti trật tự trên dưới theo đạo Luân – Thường. Chủ nghĩa tư bản lại hướng tới những con người năng động, vượt lên cái trật tự vốn có, cổ vũ cho sự tự do sáng tạo cá nhân. Việc nhấn mạnh những phẩm chất, nhân cách, giá trị xã hội của con người theo chiều hướng nào, điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nó không chỉ mang dấu ấn nhận thức chung của thời đại, của điều kiện kinh tế - chính trị – xã hội thời đại hiện đang sống, truyền thống, bản sắc văn hoá của từng dân tộc và cả sự chọn lựa định hướng, giáo dục, xây dựng của các nhà tư tưởng, các nhà lãnh đạo, quản lý xã hội v.v.. Nói cách khác, những phẩm chất, nhân cách, giá trị cần phát triển ở con người ở một giai đoạn nào đó là kết quả tổng hợp của sự lựa chọn dựa trên những tiền đề được xác định, được quy định không chỉ bởi những điều kiện khách quan, mà cả những yếu tố có tính chủ quan.
Khi nói đến con người, C.Mác đã chỉ rõ: “con người không phải là một sinh vật trừu tượng, ẩn náu đâu đó ở ngoài thế giới. Con người chính là thế giới con người, là nhà nước, là xã hội”(4). Phát triển con người Việt Nam hiện nay tất yếu không thoát ly khỏi các điều kiện văn hoá, chính trị, xã hội Việt Nam.
Xét từ góc độ tinh thần, phát triển con người toàn diện những thập niên đầu thế kỷ XXI, trước hết phải nói đến sự phát triển về trí tuệ, tri thức, hiểu biết, phát triển con người về mặt trí lực. Bởi lẽ, từ góc độ cá nhân, trí tuệ, tri thức là một trong những yếu tố không thể thiếu làm nên vẻ đẹp và sức mạnh con người trong xã hội hiện đại, là yếu tố không thể thiếu để con người phát huy năng lực chủ động, tích cực, sáng tạo; từ góc độ xã hội, đó là yếu tố không thể thiếu trên con đường thực hiện mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trí tuệ, tri thức con người Việt Nam hiện nay cũng cần được nhìn nhận ở góc độ toàn diện. Đó không chỉ là những tri thức về văn hiến, văn chương, lịch đại như Nho giáo nhấn mạnh mà còn bao gồm những kiến thức khoa học, ứng dụng công nghệ, phát triển kinh doanh, sản xuất,ở tri thức pháp luật v.v.. phục vụ cho sự phát triển xã hội và con người. Trong những thập niên đầu thế kỷ XXI, khi Việt Nam đang tập trung vào thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế thì việc phát triển con người về trí tuệ cần được trang bị vững chắc kiến thức phổ thông làm nền tảng, kết hợp việc đẩy mạnh hướng nghiệp, đào tạo nghề với việc đào tạo đội ngũ có chuyên môn nghiệp vụ tinh thông, nắm bắt khoa học công nghệ, kỹ năng liên kết hợp tác để hình thành đội ngũ lao động chất lượng cao. Hơn nữa, phát triển con người về mặt trí lực trong thế kỷ XXI cần được quan tâm từ góc độ tư duy sáng tạo, khắc phục lối tư duy khuôn mẫu giáo điều, ưa thích nghi hơn sự năng động sáng tạo của con người Việt Nam truyền thống. Hiện nay, ưu thế cạnh tranh của các quốc gia trong quá trình hội nhập không phải ở chỗ cơ cấu nguồn nhân lực đông mà ở chỗ nguồn nhân lực có chất lượng cao. Phát triển trí lực con người là một chỉ số quan trọng, gia tăng chất lượng con người cá nhân; từ góc độ quốc gia, đó chính là gia tăng chất lượng dân số, gia tăng chỉ số năng lực cạnh tranh.
Con người phát triển trí lực gắn liền với khả năng lao động sáng tạo. Từ góc độ khác, sự trau dồi tri thức, làm giàu trí lực của mỗi cá nhân đã là một hình thức lao động đặc biệt của con người. Mặt khác, dù ở xã hội nào con người cũng cần lao động – một loại lao động đặc biệt đã từng được nhấn mạnh như là một khía cạnh đặc trưng của loài là dấu hiệu có tính bản chất. Tuy vậy, nhấn mạnh sự phát triển con người từ góc độ lao động không đồng nhất với việc sử dụng lao động để bóc lột, dùng lao động để tha hoá, nô dịch con người. Lao động trong chủ nghĩa xã hội còn được coi là quyền cơ bản của con người được thể chế bằng pháp luật. Xã hội tạo điều kiện để con người được thực hiện quyền cơ bản đó như một yếu tố để con người có điều kiện bảo đảm cuộc sống cá nhân, phát triển, hoàn thiện nhân cách.
Xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ XXI cần phải có những con người phát triển toàn diện, không chỉ về thể lực, trí lực, khả năng lao động mà cần có đạo đức, văn hoá của xã hội mới. Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói một cách ngắn gọn đó là những con người “vừa có đức vừa có tài”, “vừa hồng vừa chuyên”. Cái “đức”, cái “hồng” ở đây chính là phẩm chất, nhân cách, hệ giá trị của con người Việt Nam hiện đại, đó là sự chọn lọc, kết tinh các giá trị tinh thần truyền thống và tinh hoa nhân loại trước những yêu cầu của đất nước, thời đại đặt ra. Trong thời gian qua, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong xã hội có nhiều biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhiều vụ án tham nhũng lớn được phát hiện, nhiều tệ nạn xã hội xuất hiện, nhiều giá trị đạo đức truyền thống bị xem nhẹ trong giới trẻ. Kết quả khảo sát của Hội Tâm lý giáo dục Vịêt Nam trên 1.200 học sinh, sinh viên về những giá trị đạo đức của người Việt Nam hiện nay cho thấy, giới trẻ đã “chấm” các chuẩn mực “hiệu quả công việc” và “trung thực trong kinh doanh” thấp nhất trong 22 chuẩn mực giá trị đạo đức của người Việt Nam(5).
Cho dù nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI, toàn cầu hoá đang là xu thế tất yếu, con người ở các quốc gia, các dân tộc khác nhau đang tiếp tục đẩy mạnh giao lưu để hội nhập, để phát triển, song điều đó không có nghĩa con người đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc, rời xa cội nguồn, bỏ rơi truyền thống. Phát triển nhân cách, định hướng giá trị xã hội con người Việt Nam theo hướng toàn diện tuyệt đối không bỏ quên điều này. Bên cạnh những giá trị chung có tính toàn cầu thời đại đặt ra, việc bảo tồn, phát huy những giá trị tinh thần truyền thống và bồi dưỡng phát triển hệ giá trị mới là điều cần được khẳng định. Điều này được thể hiện trong những văn kiện lớn của Đảng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) xác định: Con người Việt Nam mới “là con người có ý thức làm chủ, ý thức trách nhiệm công dân, có tri thức, sức khỏe và lao động giỏi; sống có văn hoá và tình nghĩa; giàu lòng yêu nước và tinh thần quốc tế chân chính”(6). Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, mục tiêu chiến lược về văn hoá, xã hội khẳng định: “ Xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; con người phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, ý thức công dân, tuân thủ pháp luật ”(7).
Như vậy phát triển con người toàn diện cả về mặt sinh học và phương diện xã hội là xây dựng chiến lược phát triển con người Việt Nam theo hướng không ngừng nâng cao thể trạng con người Việt Nam theo các chỉ số có tính quốc tế, bồi dưỡng, hoàn thiện các giá trị xã hội theo hướng: không mơ hồ về lý tưởng, về con đường xây dựng đất nước mà Đảng, Bác Hồ, nhân dân ta lựa chọn và dày công xây đắp; có năng lực trí tuệ ngang tầm thời đại; có đạo đức cách mạng trong sáng; có ý thức công dân, tuân thủ pháp luật; có bản lĩnh văn hoá để có thể tiếp biến một cách chọn lọc tinh hoa văn hoá của nhân loại mà không đánh mất bản sắc của dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay.
Phát triển con người toàn diện cho cá nhân trong cộng đồng dân tộc Việt Nam là một trong những đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội Việt Nam. Đó cũng là đặc trưng cơ bản của xã hội mới trong những phác thảo mang tính dự báo của C. Mác, Ph.Ăngghen về chủ nghĩa cộng sản mà giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội. Theo đó, bên cạnh xu hướng phát triển cao về kinh tế thì chủ nghĩa xã hội là một chế độ xã hội giải phóng và tạo điều kiện để con người có thể phát triển một cách tự do hơn, toàn diện hơn và nhân văn hơn. Tuy nhiên, thực hiện mục tiêu đó trong điều kiện Việt Nam hiện nay là một quá trình lâu dài, đầy thách thức nếu chỉ dừng ở khát vọng, ý chí chủ quan là hoàn toàn không đủ, đòi hỏi có sự chuẩn bị những tiền đề, điều kiện vật chất khách quan cần thiết khác. Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi đề xuất một số giải pháp cơ bản có tính định hướng như những nguyên tắc cần được quán triệt để có thể phát triển con người toàn diện.
Về kinh tế, tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường, xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, gắn với việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Về chính trị - xã hội, tiếp tục củng cố ổn định chính trị, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng; Trên lĩnh vực này Nhà nước cần có chính sách, cách thức tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát nhằm giảm thiểu những nguy cơ tiềm ẩn đối với việc phát triển con người hiện nay, như: vấn đề việc làm, thu nhập, lạm phát, dinh dưỡng, nghèo đói, ô nhiễm môi trường, lao động không được bảo hộ, tệ nạn xã hội , bạo lực, không có điều kiện tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, văn hoá...
Về văn hoá, giáo dục, tiếp tục xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc làm nền tảng tinh thần cho mỗi cá nhân; tiếp tục đẩy mạnh phát triển giáo dục theo hướng dân tộc, hiện đại toàn diện đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn đất nước và thời đại đặt ra.
Và cuối cùng, việc phát triển con người toàn diện cần được quán triệt trong các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong từng giải pháp của các cấp, các ngành, các địa phương, trong mỗi gia đình và đến từng cá nhân. Để có được điều này, sự tham gia một cách chủ động, tích cực của các phương tiện thông tiện truyền thông là điều không thể thiếu./