Sự tụt hậu của Cu-ba bắt nguồn một phần là do những nhân tố chủ quan, có hệ quả sâu xa từ “thời kỳ đặc biệt”. Tại thời kỳ này, một loạt các nhà máy và xí nghiệp vẫn tiếp tục được duy trì cho dù chỉ sản xuất một phần rất nhỏ so với công suất thiết kế. Người lao động không bị cắt giảm trong khi có quá nhiều lao động dôi dư (có khoảng 20% số người lao động trong lĩnh vực công của Cu-ba bị dôi dư). Hệ thống đồng tiền kép (đồng peso nội tệ và đồng peso chuyển đổi) đang duy trì ở Cu-ba đã và đang tạo khoảng cách lớn giữa những người có nguồn thu ngoại tệ (những người làm trong ngành du lịch hoặc những người nhận được kiều hối từ nước ngoài) với những người không có khả năng tiếp cận ngoại tệ. Vì vậy, khoảng cách giàu-nghèo đã bắt đầu xuất hiện ngày càng lớn tại Cu-ba. Ở khía cạnh khác, do nền kinh tế Cu-ba phụ thuộc rất nhiều vào bên ngoài, cuộc bao vây cấm vận của Mỹ càng làm cho khó khăn kinh tế ngày càng trở nên phức tạp. Tương tự như vậy, việc hoạch định chính sách nông nghiệp trong 50 năm qua của Cu-ba cũng chưa thực sự tiến bộ, hệ quả là hơn một nửa lượng ca-lo mà người dân quốc đảo này tiêu thụ là từ các thực phẩm nhập khẩu. Sự lệ thuộc của Cu-ba vào các nguồn cung lương thực bên ngoài càng lớn, nguy cơ về khủng hoảng lương thực luôn hiện hữu thì vấn đề này ngày càng trở nên bấp bênh hơn. Ngoài ra, kinh tế Cu-ba còn chịu tác động tiêu cực của thiên tai.
Những yếu tố liên quan tới kinh tế đối ngoại của Cu-ba cũng trở nên khó khăn và bất lợi hơn. Khả năng tiếp cận với nguồn tài chính bên ngoài của Cu-ba còn rất hạn chế do Cu-ba không phải là thành viên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Phần lớn các khoản vay nợ mà Cu-ba nhận được đến từ Trung Quốc, Bra-xin và Vê-nê-xu-ê-la. Thay vì sử dụng khoản dự trữ 500 tỷ USD của Cộng đồng La-tinh và Ca-ri-bê để thực hiện đầu tư sản xuất trong khu vực hoặc để giúp đỡ một số nước Mỹ La-tinh có cán cân thương mại mất cân đối, thì một phần đáng kể của khoản vốn trên lại được cho chính phủ Mỹ “vay” thông qua việc mua trái phiếu kho bạc Mỹ. Trong khi đó, xét về bản chất chính trị, việc sáng lập tổ chức trên là để đối trọng hay để giảm thiểu ảnh hưởng của Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) có trụ sở tại Oa-sinh-tơn, do Mỹ chi phối và là nơi mà Cu-ba từng bị trục xuất dưới sức ép của chính quyền Mỹ trước đây. Ngoài ra, sự chậm trễ trong việc thành lập Ngân hàng phương Nam của các nước trong khu vực cũng làm cho khả năng có một khoản cho vay hữu nghị ngắn hạn dành cho Cu-ba trở nên xa vời. Ngân hàng ALBA (Liên minh Bô-li-va cho châu Mỹ) hiện vẫn chỉ trong giai đoạn khởi động và không có nhiều đối tác có đủ điều kiện kinh tế, ngoại trừ Vê-nê-xu-ê-la, để tạo ra một nguồn tài chính vững chắc cho Cu-ba.
Lợi dụng những khó khăn của Cu-ba, phương Tây và các lực lượng thù địch không ngừng công kích mô hình kinh tế của Cu-ba. Đồng thời họ áp dụng triệt để chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” và những ảnh hưởng của In-tơ-net, truyền thông để tác động tiêu cực đến nhận thức của một bộ phận thanh thiếu niên Cu-ba, những người ít được biết về quá khứ hào hùng của cách mạng. Mục tiêu mà họ hướng tới là nhằm tạo nên sự thất vọng và bất mãn do đời sống khó khăn và không hài lòng về kinh tế.
Ở khía cạnh khác, tiến trình cải cách kinh tế ở Trung Quốc và Việt Nam thời gian qua đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Những bài học đó đã và đang được các nhà lãnh đạo Cu-ba nghiên cứu, tiếp thu và dự kiến sẽ áp dụng vào điều kiện, hoàn cảnh của mình một cách rất nghiêm túc và sáng tạo. Tất cả những yếu tố trên đã tác động đến quyết định đổi mới ở Cu-ba. Trong bài phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội khóa VII (diễn ra từ ngày 16 đến 19-12-2010 với trọng tâm đánh giá kết quả tình hình kinh tế năm 2010 và thảo luận kế hoạch cập nhật hóa mô hình kinh tế đất nước), Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô (Raul Castro) nêu rõ: “Chúng ta đang đối mặt với sự sống còn của cuộc cách mạng. Hoặc là chúng ta điều chỉnh tình hình hoặc là chúng ta sẽ tiếp tục bước bên rìa vực cho đến khi rơi xuống”.
Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Cu-ba, được đưa ra thảo luận tại Đại hội hôm nay, khẳng định CNXH là con đường duy nhất để vượt qua khó khăn và bảo vệ thành quả cách mạng, nhấn mạnh những thay đổi trong mô hình kinh tế của Cu-ba nhưng vẫn đảm bảo kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Những quyết sách này không phải là quyết định của một cá nhân nào, nó nằm trong quá trình cải cách đã được nhà lãnh đạo Phi-đen Ca-xtơ-rô khởi xướng; được Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô cùng Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Cu-ba triển khai và hàng triệu người dân nước này góp ý kiến. Kế hoạch cải cách kinh tế sẽ không hướng Cu-ba đi theo chủ nghĩa tư bản, mà là “làm mới" lý tưởng chủ nghĩa cộng sản mà Đảng và Chính phủ Cu-ba đã tin tưởng lựa chọn trong hơn nửa thế kỷ qua. Có thể nói, ở Cu-ba đang diễn ra một cuộc “Cách mạng trong cách mạng” để đưa đất nước tiến lên bắt nhịp cùng thời đại.
Bước ngoặt lịch sử
Cu-ba đang ở trong một giai đoạn chuyển đổi. Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô nêu rõ: Đại hội VI là nơi "đưa ra các quyết định tạo nền tảng cho việc hiện đại hóa mô hình kinh tế Cu-ba, vạch ra phương hướng hoạch định chính sách kinh tế - xã hội của Đảng và cách mạng".
Đại hội VI Đảng Cộng sản Cu-ba diễn ra từ ngày 16 đến 19-4-2011. Đại hội hôm nay có ý nghĩa lớn lao hơn khi được tổ chức đúng vào dịp Cu-ba kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Hi-rôn và 50 năm tuyên bố tính chất xã hội chủ nghĩa của cuộc cách mạng. Cách đây 50 năm, ngày 14-4-1961, Tổng Tư lệnh Phi-đen Ca-xtơ-rô đã chính thức tuyên bố tính chất xã hội chủ nghĩa của cách mạng Cu-ba. Và cũng một ngày sau đó, hơn 1.500 lính đánh thuê được Mỹ trang bị và huấn luyện đã liều lĩnh đổ bộ tấn công Cu-ba tại bãi biển Hi-rôn, trong sự kiện “Vịnh Con lợn”, với âm mưu lật đổ chính quyền Cu-ba non trẻ. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tổng Tư lệnh Phi-đen, chưa đầy 72 giờ đồng hồ sau, ngày 19-4-1961, toàn bộ quân xâm lược đã bị tiêu diệt. Chiến thắng Hi-rôn ngày 19-4-1961, không chỉ là thắng lợi của tinh thần quả cảm mà còn là thắng lợi của phẩm giá dân tộc Cu-ba cũng như của các nước Mỹ La-tinh khác.
Sau 50 năm, cách mạng Cu-ba lại đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử quan trọng. Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô nhấn mạnh, Đại hội VI hôm nay sẽ tập trung vào vấn đề kinh tế của đất nước và sự tồn vong của cách mạng Cu-ba sẽ phụ thuộc vào “trận chiến kinh tế”. Với các chính sách cập nhật hóa mô hình kinh tế đất nước được hiện thực hóa, Chính phủ Cu-ba dự tính đến cuối năm 2011 sẽ tạo thêm khoảng 200.000 việc làm mới trong khu vực tư nhân, Cu-ba cũng sẽ cấp khoảng 250.000 giấy phép kinh doanh tư nhân mới, cải tổ hệ thống trả lương theo năng suất lao động và dự tính sẽ hủy bỏ việc lưu hành song song hai loại đồng tiền hiện nay (đồng peso nội địa và đồng peso chuyển đổi). Thâm hụt thương mại của Cu-ba cũng đã và đang giảm mạnh. Chính phủ Cu-ba dự kiến nền kinh tế sẽ tăng trưởng 3,1% trong năm 2011, cao hơn so với 2,1% của năm 2010… Khi các chính sách kinh tế này tiếp tục được khơi thông, hy vọng nó sẽ mang lại một triển vọng tươi sáng cho nền kinh tế Cu-ba trong tương lai.
Theo Báo Gran-ma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cu-ba, mặc dù có "muôn vàn thách thức" trong năm 2011 nhưng với những biện pháp rõ ràng và hợp lý, Cu-ba sẽ nổi lên như một quốc gia với nền kinh tế bền vững và tiếp tục củng cố nền độc lập của mình. Các nhà phân tích quốc tế cũng cho rằng, cuộc cải tổ này sẽ tạo "cú hích" lớn với Cu-ba trong thời gian tới. Giới văn sĩ, trí thức ở Cu-ba đã thể hiện sự lạc quan về các chính sách xã hội của Đảng và cách mạng, họ tin tưởng vào chính sách của chính phủ và cam kết sẽ thực hiện nhiệm vụ quan trọng trong việc thể hiện và quảng bá hình ảnh đất nước Cu-ba ở nước ngoài.
Dư luận thế giới cho rằng, những giải pháp mà Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô đưa ra là điều chưa từng có trong lịch sử hơn 50 năm qua của cách mạng Cu-ba. Tổng thư ký các nước nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha En-rích-cơ I-gle-xi-at (Enrique Iglesias) đánh giá, đây là những biện pháp kinh tế vô cùng quan trọng, tạo tiền đề cho nền kinh tế thị trường, sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ, kinh tế tư nhân và tăng hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Phó chủ tịch Tổ chức đối thoại liên Mỹ Ma-ri-phe-li Pê-rét Stap-bơn (Marifeli Pérez Stable) cho rằng, Cu-ba đang hướng tới những thay đổi mang tính thực tế. Với những thay đổi này, tương lai của người Cu-ba sẽ phụ thuộc vào chính bản thân người dân Cu-ba.
Công cuộc cải cách kinh tế không chỉ thổi một luồng sinh khí mới vào quốc đảo Ca-ri-bê xinh đẹp này, mang lại triển vọng tươi sáng cho nền kinh tế đất nước mà còn mở ra cơ hội mới trong các mối quan hệ kinh tế quốc tế. Để đón trước cơ hội Cu-ba cải tổ kinh tế và nới lỏng hơn chính sách làm ăn kinh tế với bên ngoài, nhiều phái đoàn doanh nhân nước ngoài đã đến Cu-ba tìm kiếm cơ hội đầu tư trong tương lai. Quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Cu-ba cũng sẽ có những cởi mở hơn. Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la Hu-gô Cha-vét cũng đã đưa ra một thỏa thuận hợp tác song phương toàn diện từ nay cho đến năm 2020 nhằm ủng hộ công cuộc xây dựng CNXH ở Cu-ba và góp phần củng cố quan hệ hai nước. Bra-xin, Trung Quốc, Việt Nam… cũng đang thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương với Cu-ba và tiếp tục thảo luận, tìm kiếm khả năng hợp tác trong tương lai.
Rõ ràng, khi chúng ta đang sống trong một thế giới không ngừng chuyển biến, khi toàn cầu hóa kinh tế là một xu thế khách quan không thể đảo ngược, Cu-ba cũng không phải là một ngoại lệ. Thực tế ở Cu-ba hiện nay cho thấy, cập nhật hóa mô hình kinh tế là điều chỉnh, thay đổi những gì không còn phù hợp để tiếp tục hoàn thiện con đường đi lên CNXH. Những chính sách của Cu-ba mới bắt đầu được triển khai và tất nhiên Cu-ba còn phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước, nhất là những thách thức trong quản lý, điều hành nền kinh tế vĩ mô.
Với truyền thống cách mạng kiên cường, bất khuất, với tất cả sự quyết tâm và thận trọng, với sự cổ vũ, ủng hộ của đông đảo bạn bè quốc tế, sự nghiệp cách mạng Cu-ba sẽ tiếp tục vững bước vươn lên./.