Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.871.386
Truy câp hiện tại 540
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Rực rỡ hào khí Tây Sơn
Ngày cập nhật 31/01/2009

Ngày 30-1-2009 (mồng 5 Tết Kỷ Sửu), kỷ niệm 220 năm (1789-2009) chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa - một trong những chiến công lừng lẫy và hiển hách nhất trong lịch sử chống ngoại xâm phương Bắc của dân tộc, nhiều nơi đã cùng tổ chức lễ hội tái hiện hào khí Tây Sơn với sự tham dự của hàng ngàn người dân.

Quê hương Bình Định của anh hùng áo vải Nguyễn Huệ - Quang Trung tưng bừng trống trận suốt từ ngày 29-1. Trong khi đó, Hà Nội dựng nhạc vũ kịch sử thi Cành đào báo tiệp nhắc nhở người dân cả nước nhớ về vị anh hùng đã đánh tan 29 vạn quân Thanh.

 
Màn múa rồng trong lễ hội-Ảnh: TRẦN VIỆT DŨNG 

Nghìn trùng cờ hoa

Tại Bình Ðịnh, quê hương người anh hùng áo vải cờ đào, lễ hội diễn ra trong hai ngày 29 và 30-1 (mồng 4 và mồng 5 Tết Kỷ Sửu) ở Bảo tàng Quang Trung, làng Kiên Mỹ, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn. Trong hai ngày diễn ra đại lễ, trên các đường làng huyện Tây Sơn đến các đường phố của thị trấn Phú Phong, Bình Ðịnh, ven hai bờ sông Côn lịch sử và dọc cầu Kiên Mỹ rực rỡ trong nghìn trùng cờ hoa và tưng bừng, giục giã trống trận Tây Sơn. Hàng ngàn du khách cả nước về dự lễ hội dâng hoa dâng hương, chiêm bái nơi phát tích phong trào Tây Sơn ngay tại quê hương của Tây Sơn tam kiệt và các văn thần võ tướng.

Sau lễ thượng cờ Quang Trung và cờ Tổ quốc được dàn dựng trang trọng là chương trình nghệ thuật tổng hợp đặc sắc, nổi bật là tiết mục biểu diễn trống trận Tây Sơn, múa cờ "Nghĩa khí Tây Sơn", múa võ "Quang Trung hành binh thần tốc". Chương trình diễn tấu cồng chiêng và múa dân gian Ba Na tại nhà rông trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung thể hiện tình đoàn kết Kinh - Thượng gắn bó keo sơn ngay từ buổi đầu của phong trào Tây Sơn từ hạ đạo đến miền thượng đạo núi rừng An Khê - Tây nguyên.

Tại TP.HCM, chiều mồng 5 tết ở công viên văn hóa Tao Ðàn (Q.1), rất đông người dân TP đi du xuân tham gia các trò chơi dân gian ôn lại chiến công oai hùng của vua Quang Trung: thi hành quân nhanh, nấu cơm nhanh, đấu cờ người… Tối cùng ngày, tại sân khấu chính công viên văn hóa Tao Ðàn, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP.HCM tổ chức chương trình nghệ thuật sân khấu hóa tái hiện chiến thắng Ðống Ða lịch sử để tôn vinh vua Quang Trung và Ngọc Hân công chúa.

 

Ấn tượng Cành đào báo tiệp

Tại Hà Nội, nghi thức kỷ niệm thiên về phần nghệ thuật, bởi ý tưởng xây dựng kịch bản của nhà văn Nguyễn Khắc Phục muốn nhắc nhở người dân cả nước nhớ về một Quang Trung võ nghệ tuyệt luân đồng thời là một đấng trượng phu hào hoa, đã cứu Thăng Long khỏi vó ngựa xâm lược của quân Mãn Thanh. Kịch bản lễ hội Ðống Ða của ông mang tên Cành đào báo tiệp được dàn dựng dưới hình thức nhạc vũ kịch sử thi.

Từ 5g mồng 5 tết (30-1), lễ dâng hương tưởng nhớ vua Quang Trung và các nghĩa sĩ Tây Sơn được cử hành tại chùa Bộc và chùa Ðồng Quang - hai ngôi chùa đặc biệt gắn liền với chiến công của Quang Trung. 6g sáng, kiệu có đặt bài vị của vua Quang Trung được rước từ Bảo tàng Quang Trung ra trước sân tượng đài. Ðoàn Phật tử từ đất Phật Yên Tử và đoàn tế của các lão bà ở huyện Mê Linh tiến theo sau. Ước tính có hơn 10.000 người dân Hà Nội và các vùng khác nhau trong cả nước về dự lễ hội.

Ðại cảnh ấn tượng nhất là cảnh đoàn quân tiến vào Thăng Long trong sự chờ mong khắc khoải của người dân, và người anh hùng áo vải gửi một cành đào báo tin chiến thắng về công chúa Ngọc Hân đang ngóng tin chiến thắng ở tận kinh thành Phú Xuân xa xôi. 600 nghệ sĩ và vận động viên võ thuật thuộc các đoàn nghệ thuật và trường nghệ thuật của Hà Nội đã tham gia màn đại cảnh này. Ca khúc Ai tư vãn do nhạc sĩ Trọng Ðài sáng tác lần đầu tiên đến với công chúng được thể hiện qua giọng ca Tấn Minh khá xúc động.

Giữa tiếng trống hội Thăng Long do nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Tú dàn dựng là rối to, mặt nạ, nhào lộn, trượt patin, tung hứng, đứng thang, đánh cờ người... Ðây mới là không khí của ngày hội khi các trò này đều được kéo xuống sân hội cho gần khán giả hơn.

Ðiểm đáng chú ý là lễ hội năm nay tuy đông đúc nhưng khá trật tự, quần áo phục trang của các nghệ sĩ được thiết kế khá đẹp, cầu kỳ và tương đối chính xác so với niên đại lịch sử. Có bàn tay đạo diễn của lãnh đạo hai nhà hát chính của Hà Nội là Trọng Ðài (giám đốc Nhà hát Thăng Long) và Quốc Toàn (nguyên giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội) nên chương trình lễ hội tuy hơi dài (40 phút) nhưng được dàn dựng khá chặt chẽ, không bị rời rạc hoặc ôm đồm quá nhiều chi tiết, nhân vật lịch sử.


Tiết mục múa võ Tây Sơn tại Bảo tàng Quang Trung (Bình Định)- Ảnh: Văn Lưu

Theo Tuoitreonline
Các tin khác
Xem tin theo ngày