Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa về kinh tế cùng quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta hiện nay, tham nhũng và chống tham nhũng đã trở thành vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Theo tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), chỉ số minh bạch của Chính phủ Việt Nam thấp và có chiều hướng đi xuống từ 2,8 năm 1997, xuống còn 2,6 năm 2005.
Đảng và Nhà nước ta xác định, tham nhũng là “quốc nạn”, một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ và coi chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên của tổ chức đảng (TCĐ) và cả hệ thống chính trị (HTCT). Ngày 29-11-2005, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Phòng chống tham nhũng. Theo điểm 2, Điều 1 Luật Phòng chống tham nhũng thì tham nhũng được hiểu là “hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”. Luật này xác định, người có chức vụ, quyền hạn bao gồm:
a) Cán bộ, viên chức, công chức;
b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn-kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;
c) Cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của Nhà nước; cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;
d) Người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.
Như vậy, trong phạm vi bảo vệ chính trị nội bộ, chủ thể của tham nhũng có thể là những cán bộ, đảng viên có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, trong lực lượng vũ trang nhân dân và trong các tổ chức chính trị-xã hội đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi.
Điểm qua những vụ án hình sự đã và đang được xử lý trong khoảng hơn 10 năm qua (1993-2005), trong đó có những vụ án lớn như Tân Trường Sanh (1997), Năm Cam (2001), Lã Thị Kim Oanh (2003), vụ mua, bán Cô-ta xuất khẩu hàng dệt may ở Bộ Thương mại (2004) ... và gần đây nhất là vụ PMU 18... đã khởi tố điều tra 6.763 vụ, 13.892 bị can phạm tội về kinh tế, trong đó có 2.029 vụ với 4.007 bị can phạm tội tham nhũng (chưa kể số đối tượng có hành vi tham nhũng trong các vụ án hình sự, ma túy), tham ô 2.709 vụ, thiệt hại 9,1 tỷ đồng; cố ý làm trái 3.955 vụ, thiệt hại 3.709 tỉ đồng; lạm dụng tín nhiệm 1.640 vụ, thiệt hại 1.831 tỉ đồng; hối lộ 178 vụ, tài sản nhận hối lộ là 12 tỉ đồng (Tạp chí Cảnh sát Nhân dân, số 7/2005, tr.20). Thực tiễn đó cho thấy, tội phạm tham nhũng ngày một tăng về số lượng, trong đó, số có chức vụ ngày càng cao (từ đảng viên thường, đến cán bộ cao cấp); phạm vi đối tượng phạm tội ngày càng rộng, từ các cơ quan kinh tế, tham nhũng len lỏi vào các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật, gần đây đang có dấu hiệu vươn “cái vòi bạch tuộc” của nó tới một số cơ quan đảng. Có thể nói, hành vi tham nhũng không còn là một hành động đơn lẻ, cá biệt mà đã có sự tham gia của nhiều người, nhiều ngành, cấp trong một vụ, thậm chí đã hình thành những dây tham nhũng, đưa hối lộ; mức độ thiệt hại về tiền của thường là vụ sau lớn hơn vụ trước gấp nhiều lần. Hậu quả về kinh tế của các vụ tham nhũng thì đã rõ, nhưng còn hậu quả về mặt tinh thần xã hội, nhất là niềm tin của nhân dân vào Đảng vào chế độ thì không thể đo đếm được.
Thực tiễn tham nhũng và chống tham nhũng ở nước ta trong những năm qua, có thể nêu lên một số nguyên nhân sau đây:
Một là, do quản lý nhà nước về kinh tế-xã hội yếu kém, lỏng lẻo, tạo nhiều sơ hở cho các hành vi tham nhũng, tiêu cực có điều kiện phát triển. Biểu hiện cụ thể là: Hệ thống pháp luật lạc hậu, thiếu đồng bộ và không hoàn thiện; nhiều thủ tục hành chính rườm rà, qua nhiều khâu trung gian nên dễ bề lợi dụng để thực hiện hành vi trục lợi cá nhân, chưa xác định được các quy định với những tiêu chí cụ thể, rõ ràng để phòng ngừa và xử lý tham nhũng một cách hữu hiệu. Trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức còn nhiều non kém, một bộ phận sa sút về phẩm chất, đạo đức, lối sống, không đáp ứng yêu cầu của sự phát triển đất nước. Cơ chế chịu trách nhiệm cá nhân và cơ chế kiểm tra, thanh tra chức trách cán bộ, công chức và hoạt động công vụ chưa rõ ràng, minh bạch; kỷ cương xã hội bị buông lỏng.
Hai là, do biến động mạnh của nền kinh tế chuyển từ hành chính bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, các quy luật của kinh tế thị trường chi phối, nhiều giá trị văn hóa truyền thống bị tổn thương. Đáng chú ý là hiện tượng phe cánh, cục bộ, thiên vị trong giới công chức bắt nguồn từ quan hệ thân quen, sự thông đồng, cấu kết giữa các quan chức trong bộ máy công quyền với các doanh nhân để vụ lợi. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, việc trao đổi thương mại và sự luân chuyển các nguồn tài chính, hiện tượng “rửa tiền”... cũng là những yếu tố làm trầm trọng thêm tình trạng tham nhũng.
Ba là, do kinh tế của ta vẫn trong tình trạng một nước nghèo, đời sống nhân dân còn thấp, dân chủ XHCN chưa được hoàn thiện, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao; tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước chậm đổi mới, cồng kềnh, chồng chéo, nhiều tầng nấc, kém hiệu lực; công tác xây dựng đảng còn nhiều yếu kém, khuyết điểm, chưa theo kịp đòi hỏi của tình hình mới.
Điều đáng chú ý là việc trả lương cho cán bộ, công chức trong HTCT rất thấp, không thật sự xuất phát từ tài năng và hiệu quả công việc. Chính vì vậy mà cán bộ, công chức thường lợi dụng những sơ hở của cơ chế, chính sách, khi có điều kiện là thực hiện tham nhũng. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, nhũng nhiễu, cửa quyền, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức nhất là ở các cơ quan trực tiếp công việc của dân và doanh nghiệp chậm được khắc phục đều là những tác nhân dẫn đến tham nhũng. Bên cạnh đó, nhiều TCĐ ở cơ sở thiếu sức chiến đấu và không đủ năng lực giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh.
Bốn là, một nguyên nhân khác đã hạn chế việc ngăn chặn, đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, một phần là do công tác bảo vệ chính trị nội bộ chưa được các cấp ủy và TCĐ quan tâm chỉ đạo đúng mức, nên còn nhiều hạn chế, nhất là trong việc xem xét vấn đề chính trị hiện nay. Trong đó, có việc chậm phát hiện và xử lý cán bộ, đảng viên tham nhũng. Bởi một trong những nhiệm vụ của bảo vệ chính trị nội bộ là bảo vệ cán bộ, đảng viên chống lại sự phá hoại từ bên ngoài và “tự diễn biến” từ bên trong dẫn đến suy thoái về đạo đức, lối sống, suy thoái về phẩm chất chính trị. Xét trong mối quan hệ với quyền lực thì tham nhũng không chỉ là sự suy thoái về đạo đức, lối sống mà còn là sự suy thoái về phẩm chất chính trị. Mà, suy thoái về phẩm chất chính trị là thuộc về vấn đề chính trị hiện nay, một nhiệm vụ trọng tâm của công tác bảo vệ chính trị nội bộ.
Để góp phần vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xét từ góc độ bảo vệ chính trị nội bộ, chúng tôi thấy cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cấp ủy, TCĐ nhất là cấp cơ sở (chi bộ, đảng bộ) cần nêu cao vai trò, vị trí của mình trên thực tế, thường xuyên quan tâm làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, nắm chắc và quản lý cán bộ, đảng viên cả về phẩm chất chính trị và đạo đức, lối sống. Coi trọng việc nắm chắc tình hình cán bộ, nhất là những vấn đề chính trị hiện nay. Trong đó, rất chú ý đến các hành vi tham nhũng. Đồng thời với lãnh đạo thực hiện nghiêm Luật Phòng chống tham nhũng, Nhà nước cần có các chế định đủ để bảo đảm kiểm soát và ngăn chặn sự lạm quyền của những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, những người nắm giữ những vị trí công tác trọng yếu. Vì vậy, cần thiết phải tiếp tục chỉ đạo thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao vai trò, vị trí của cấp ủy, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, gắn liền với nâng cao chất lượng hoạt động của cả HTCT.
Thứ hai, mỗi cán bộ, đảng viên phải trung thành, trung thực với Đảng trước những vấn đề về chính trị của bản thân và gia đình, tự giác kê khai tài sản theo đúng quy định của pháp luật và yêu cầu mới của công tác bảo vệ cán bộ, không giấu diếm, man khai. Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải là một chiến sĩ cách mạng tiên phong, gương mẫu, nói đi đôi với làm, thực sự tỏ rõ vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, nêu cao đạo đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với các hành vi tham nhũng.
Thứ ba, củng cố kiện toàn cơ quan tham mưu của các cấp ủy đảng về công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Một mặt, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, đi đôi với tăng cường cán bộ có phẩm chất chính trị vững vàng và năng lực chuyên môn, đủ sức đáp ứng yêu cầu của công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình mới. Đồng thời, phải xây dựng và thực hiện tốt quy chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan trong việc phòng, chống tham nhũng. Cần sớm tổng kết việc thực hiện Quy định số 75-QĐ/TW của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn công tác bảo vệ chính trị nội bộ của thời kỳ mới, trong đó có việc phòng chống tham nhũng, một nội dung thuộc vấn đề chính trị hiện nay.
Mai Chiến