Tế nhị và kín đáo làm loãng bớt đi bầu không khí trầm lắng, cô Tần nhắc đến câu thơ mà cả lớp 10C từng ngồi im như tượng trong buổi thầy Tg..lên lớp "...Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội. Những phố dài xao xác hơi may. Người ra đi đầu không ngoảnh lại. Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy...". Rồi bàn tiệc lại lặng đi khi S.. lên tiếng: "Dạo ấy thầy là thần tượng của chúng em. Buổi thầy trình bày về Paven Coocsaghin trong "Thép đã tôi thế đấy" cả lớp nuốt từng lời. Và rồi sau đó, chính câu thơ thầy giảng trên lớp: "Tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy. Thì xa xôi gấp mấy cũng lên đường. Sống ở Thủ đô mà dạ để mười phương..." đã giục giã em vào bộ đội. Hôm đi B, em chỉ đến có mỗi nhà bạn Tâm nhờ chuyển lời chào các bạn rồi từ đó em ra thẳng ga lên tàu vào Vinh". Cô Tần gợi lại chuyện một học sinh gặp cô sau 15 năm trụ bám trên Tây Bắc, đã phàn nàn về cái thời ấu trĩ "sống ở thủ đô mà dạ để mười phương" ấy khiến cho giờ đây mình bị thua chúng kém bạn về bằng cấp, về cuộc sống.
|
Ảnh: Hoàng Hà
|
Người thầy giáo trầm ngâm khẽ hỏi học trò: "Các em nghĩ thế nào về cái thời gọi là "ấu trĩ" ấy? Đôi lúc tôi tự hỏi mình: đúng hay sai khi tôi gieo vào tâm hồn các em để rồi thúc giục các em "khi hướng đời đã thấy" thì cần dấn mình nhập cuộc với lời thầm thì giục giã: "Mỗi người chỉ sống có một lần. Vậy hãy sống như thế nào để khi nằm xuống không phải ân hận". Cô giáo chủ nhiệm lại thủ thỉ: "Không hiểu có ai trong các em oán chúng tôi về một thời ấu trĩ ấy không?".
Hh...nhà doanh nghiệp thành đạt trả lời không chút ngập ngừng: "Xin thưa thật với cô, với thầy, quả là dạo ấy, không phải là chúng em đã hoàn toàn tin những điều rất lý tưởng mà thầy truyền đạt như cậu đại tá này tin đâu. Cũng có những cái lướng vướng, nhưng điều phải khẳng định là chúng em biết đó là cái cần hướng tới, và đó chính là cái làm cho chúng em không bị gục ngã. Ấu trĩ thì quả là có, nhưng đẹp cô ạ".
Nhẹ nhàng và khẽ khàng, Phg.., rồi BgT.., rồi Đc...lên tiếng: "Đúng là một thời ấu trĩ cô ạ. Nhưng chúng em sẵn sàng đánh đổi cái bon chen, thực dụng nghiệt ngã một cách hối hả hưởng thụ với bao nhiêu những hư hỏng từng chứng kiến, để đổi lấy thời ấu trĩ ấy". Nh...dịu dàng nhưng không kém phần quyết liệt: "nhưng chính nhờ cái ấu trĩ đẹp của một thời ấy đã khiến cho chúng em đôi lúc phẫn nộ và thất vọng trước sự "tỉnh táo và thực dụng" của những người đang nói một đằng làm một nẻo, họ càng nói đến lý tưởng bao nhiêu chúng em càng buồn bấy nhiêu trước những việc làm bẩn thỉu của họ. Hồi ấy, chúng em "ấu trĩ" nhưng chúng em tin thật và làm thật, mà do vậy mà học trò của thầy, của cô không gục ngã, chúng em có thể đàng hoàng ngẩng cao đầu và không hổ thẹn khi khuyên dạy con cháu của chúng em".
"Có lẽ không nên nghĩ đến chuyện "đánh đổi" ấy các em ạ. Người ta không thể cùng tắm hai lần trên một dòng sông, vì các con sông đều chảy", người thầy giáo trầm giọng nói với học trò mà như nói với chính mình. "Phải thấy cho ra cái ấu trĩ của một thời mới hiểu rõ được ý nghĩa của việc vượt qua cái ấu trĩ ấy, cho dù là nó có cái "đẹp" theo một ý nghĩa nào đấy, để vươn tới sự đổi mới. "Năm xưa ta nói rất nhiều "cực kỳ" và "hết sức". Tội nghiệp nhất là ta nói chân thành rất mực. Chưa biết rằng "trời" còn xanh hơn "trời xanh"... Ta đã thấy những chỗ lõm chỗ lồi trên mặt trăng sao. Những vết bùn trên tận đỉnh chín tầng cao...Năm xưa ta vô tình tô đẹp cuộc đời để mà tin. Nay ta càng thêm tin mà không cần tô vẽ gì nữa cả...Ta đã trả giá đau và ta đã học nhìn".*
Đúng vậy, cái giá phải trả càng đau thì cái nhìn càng trầm tĩnh và thấu đáo. Đúng là "một cuộc thám hiểm thật sự không phải ở chỗ tìm kiếm những vùng đất mới, mà ở chỗ cần có đôi mắt mới"**. Cũng trời đất ấy, thế giới ấy, con người thế ấy nhưng với đôi mắt mới sẽ nhìn ra những điều mà một tầm mắt hạn hẹp, thiển cận và nô lệ vào những định kiến và những tín điều, sẽ không thể nào nhìn ra được. Có đôi mắt mới sẽ nhìn ra được vẻ đẹp thật sự của lý tưởng mà chúng ta đang theo đuổi với nhận thức sâu sắc rằng một cuộc sống không có lý tưởng là một cuộc sống mù lòa. Lý tưởng đó là lý tưởng vĩ đại mà vì nó, bao thế hệ Việt Nam đã phải ngả xuống để đất nước đứng dậy. Lý tưởng được Bác Hồ ghi trọn vẹn và rõ ràng trong Di Chúc : Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập dân chủ và giàu mạnh.
Câu chuyện tạm dừng lại với một câu hỏi đặt ra: Thầy ơi, em vẫn nhớ câu hỏi thầy gợi ra từ dạo ấy : Gớt nói phải hành động. Lênin thì đòi hỏi phải ước mơ. Vậy Gớt đúng hay Lênin đúng, hay cả hai đều đúng?
"Vâng, phải biết ước mơ, song ước mơ chỉ có ý nghĩa khi nó giục giã con người hành động. Lý tưởng chỉ đẹp khi bằng hành động cụ thể và thiết thực để lý tưởng không chỉ là một lời xưng tụng. Để làm rõ hơn điều này tôi kể cho các em về mấy câu thơ của Vũ Đình Huy vừa đem đến tặng tôi. Huy, cùng khóa với các em, bây giờ là Giáo sư Viện sĩ rồi đấy ***. Bài đầu của tập thơ "Tàu xanh lướt sóng" là bài "Tâm sự ngày Xuân" với câu mở đầu "Sự nghiệp chưa gì, nghĩ xót xa"...để dẫn đến câu cuối là "Sống không có ích cho nhân loại/ Thà chết ngay hơn sống đến già" Nhân S... nhắc đến Paven Coocsaghin, tôi đọc hai câu trong bài thơ số 28 trong tập thơ của Huy "Ảnh tượng nhà văn Nga A.N. Ôstrốpxky", "Bao nhiêu suy nghĩ còn chưa nói/ Nên tượng dường như nhấp nhổm ngồi". Thế đấy các em ạ "Bao nhiêu suy nghĩ còn chưa nói" .
Chậm rải trả lời, người thầy giáo già đưa tặng các học trò của mình tập bài báo đã đăng gần đây với đoạn thơ của Nadim Hikmet làm lời đề tựa: Nếu tôi không cháy lên, Nếu anh không cháy lên, Thì làm sao, Bóng tối, trở thành, Ánh sáng?
__________________
* Việt Phương "Cửa Mở".
** Marcel Proust
*** Giáo sư Vũ Đình Huy, tiến sĩ khoa học ngành khoa học ăn mòn kim loại, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học New York