TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Đội ngũ báo cáo viên - cầu nối Đảng với dân
Ngày cập nhật 20/02/2009

Trải qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta luôn đặc biệt quan tâm tới vị trí, vai trò và đánh giá cao kết quả hoạt động của công tác tư tưởng, trong đó khẳng định công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên là một bộ phận cực kỳ quan trọng trong việc tuyên truyền phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong Đảng và trong nhân dân, động viên cổ vũ toàn Đảng, toàn dân ta dũng cảm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc đổi mớí đất nước, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Tuyên truyền miệng là phương thức được tiến hành bằng lời nói trực tiếp, có nhiều ưu thế, có sức lan toả nhanh, phù hợp với từng nhóm đối tượng, không hạn chế nội dung mà các loại hình tuyên truyền khác không thực hiện được và có thể nhận biết ngay hiệu quả tác động của thông tin đến đối tượng tuyên truyền.

Trong điều kiện bùng nổ thông tin hiện nay, tuyên truyền miệng là kênh thông tin chính thống giúp thông báo kịp thời, có định hướng những vấn đề thời sự quan trọng trong nước và thế giới, chuyển tải những thông tin nội bộ mà vì lý do nào đó không thể đưa trên các phương tiện thông tin đại chúng, giải thích cho nhân dân hiểu rõ thông tin, trên cơ sở đó định hướng dư luận xã hội, góp phần tạo ra sự thống nhất về chính trị, tư tưởng trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội. Thực tiễn công tác tuyên truyền thời gian qua, chúng ta chưa phát huy hết những ưu thế của loại hình này.

Để tiếp tục chỉ đạo công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, ngày 15/10/2007, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) đã ban hành Chỉ thị số 17 - CT/TW “về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”.

Kể từ khi có Chỉ thị 17-CT/TW, đến nay, đội ngũ báo cáo viên đã được các cấp uỷ Đảng quan tâm chỉ đạo xây dựng, củng cố và kiện toàn về tổ chức, phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng từ Trung ương đến cơ sở, xứng đáng là lực lượng tin cậy, nòng cốt và chủ lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ công tác tuyên truyền miệng của Đảng. Đến nay, cả nước đã có trên 100.000 báo cáo viên các cấp, thực sự trở thành lực lượng quan trọng của các cấp uỷ trên mặt trận tư tưởng.

Riêng đối với đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh, thành phố, trong những năm qua đã không ngừng được kiện toàn, củng cố, với lực lượng khá đông; được bồi dưỡng các kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và trang bị các điều kiện vật chất khá đầy đủ. Chất lượng hoạt động của đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh, thành phố ngày càng được nâng cao, góp phần tích cực và có hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từ đó tạo nên sự thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng và xã hội.

Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, song trước yêu cầu và thách thức mới ngày càng gay gắt, phức tạp, công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh, thành phố hiện nay vẫn bộc lộ rõ những hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được những đòi hỏi mới. Đó là: Đội ngũ đông nhưng chưa mạnh, phương thức hoạt động còn mang nặng tính một chiều từ trên xuống, ít chú trọng nắm bắt thông tin hai chiều, thiếu khả năng chủ động lắng nghe, đối thoại. Vì thế, hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh, thành phố trong thời gian qua còn chưa thật cao, chưa tương xứng với vị trí, vai trò của mình.

Những hạn chế, bất cập của báo cáo viên cấp tỉnh, thành phố có nhiều nguyên nhân, trong đó phải nói đến những nguyên nhân chủ yếu sau:

Thứ nhất, mặc dù các cấp uỷ đảng đã nhận thức khá rõ vai trò, vị trí của hoạt động báo cáo viên, nhưng trong thực tế vẫn còn một số cấp uỷ chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng lực lượng và nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên.

Thứ hai, năng lực của đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh, thành phố tuy đã được chú trọng nâng cao, thông qua việc chọn lựa kỹ càng của cấp uỷ và bồi dưỡng chuyên đề, nghiệp vụ cũng như cung cấp các loại thông tin cần thiết, song vẫn còn không ít báo cáo viên hạn chế về khả năng thuyết trình, khả năng nói trước công chúng, mang nặng tính độc thoại, né tránh những vấn đề bức xúc, nhạy cảm nảy sinh từ thực tiễn mà dư luận đang quan tâm, nên chưa tạo được sự lôi cuốn và thuyết phục người nghe.

Thứ ba, cấp uỷ chưa xây dựng được một quy chế hoạt động cụ thể, có một số đồng chí cấp uỷ được lựa chọn làm báo cáo viên, song do bận quá nhiều công việc chuyên môn nên chưa chú trọng làm tốt chức trách của người báo cáo viên, sinh hoạt không đều kỳ...

Thứ tư, cơ chế chính sách đãi ngộ và cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ hoạt động của báo cáo viên cấp tỉnh, thành phố hiện còn nhiều bất cập, chưa tạo được động lực để thu hút động viên những người có tâm huyết, năng lực phát huy cao nhất khả năng của mình.

Kinh nghiệm thực tiễn chỉ ra rằng, trong tiến trình cách mạng, bao giờ công tác tư tưởng nói chung, công tác tuyên truyền miệng nói riêng, phải đi trước một bước, đón trước những vấn đề mới, dự báo đúng tình hình, chủ động triển khai trên mặt trận tư tưởng, góp phần mở đường cho phong trào quần chúng thực hiện nhiệm vụ mới của cách mạng. Kinh nghiệm đó đòi hỏi chúng ta phải chuẩn bị mọi mặt cho công tác tuyên truyền miệng, xây dựng được một đội ngũ báo cáo viên đủ mạnh, khẩn trương đề xuất việc cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền trong thời kỳ mới.

Trước những yêu cầu mới, đòi hỏi ngày càng cao đối với công tác tư tưởng trong điều kiện bùng nổ và tác động mạnh mẽ, phức tạp của thông tin, tác động của các luồng tư tưởng khác nhau hiện nay và những năm tới, hơn lúc nào hết, cần sử dụng tối đa và phát huy cao độ vai trò, chức năng và ưu thế của tuyên truyền miệng và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cùng với các kênh thông tin, tuyên truyền khác để nâng cao sức mạnh tổng hợp và hiệu quả của công tác tư tưởng trong thời kỳ mới theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khoá X) “về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới”, trong đó khẳng định: “nâng cao hiệu quả và chất lượng của công tác tuyên truyền miệng” và chỉ ra những định hướng cơ bản đối với công tác này.

Trong những năm tới, công tác tuyên truyền miệng của Đảng đứng trước thách thức mới và phải tiến hành trong bối cảnh, điều kiện rất mới. Đặc điểm đó tất yếu phải đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên truyền miệng. Công tác tuyên truyền miệng, hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, nhất là đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh, thành phố hiện nay phải hướng đến quần chúng nhân dân, phục vụ quần chúng nhân dân theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tuyên truyền: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân biết, dân hiểu, dân theo, dân làm. Nếu không đạt mục đích đó là tuyên truyền thất bại”. Công tác tư tưởng là công tác đối với con người theo quan điểm của Đảng nêu trong Nghị quyết Trung ương 5, khóa X: “Công tư tưởng là công tác đối với con người, phải kết hợp yêu cầu định hướng tư tưởng với sự tự nguyện, giữa lý trí với tình cảm, giữa lời nói và việc làm, giữa xây và chống, lấy xây làm chính, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh, thành phố trong giai đoạn mới, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc Chỉ thị 17, ngày 15-7-2007 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”; khắc phục triệt để hiện tượng thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng lực lượng và nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên; các đồng chí cấp uỷ được phân công làm công tác báo cáo viên phải bố trí thời gian vật chất thích hợp để tham gia sinh hoạt đầy đủ và có chất lượng.

Hai là, không ngừng đổi mới nội dung và phương pháp trong hoạt động của đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh, thành phố.

Hiệu quả tuyên truyền phụ thuộc chủ yếu vào nội dung và phương pháp truyền đạt. Vì vậy, việc đổi mới nội dung và phương pháp tuyên truyền được xác định là khâu đột phá trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ BCV cấp tỉnh, thành phố trong giai đoạn mới.

Phải khắc phục tình trạng thiếu sáng tạo, đơn điệu, một chiều, thiếu chú ý đúng mức tới “con tim” và “lợi ích thiết thực” của đảng viên và nhân dân. Để làm được điều này cần thực hiện thường xuyên, thành nền nếp phương châm thông tin hai chiều, kích thích tư duy, tạo không khí hứng thú, đồng cảm và tăng cường đối thoại. Việc đổi mới phương pháp tuyên truyền phụ thuộc chủ yếu vào năng lực của báo cáo viên, đặc biệt là năng lực nắm và hiểu đối tượng, năng lực xử lý thông tin và sử dụng ngôn ngữ phù hợp với đối tượng. Chính vì vậy, bên cạnh việc chọn lựa các đồng chí có khả năng thuyết trình tốt, cần có chế độ định kỳ để bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh, thành phố. Thời gian tới Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo, thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo các tỉnh, thành uỷ để xây dựng tài liệu và tổ chức tập huấn nghiệp vụ, cũng như các chuyên đề chuyên sâu cho đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh, thành phố.

Trong tuyên truyền miệng, bài nói của báo cáo viên có mục đích tư tưởng rất rõ rệt. Bằng lời nói, nghệ thuật sử dụng ngôn từ, nội dung tuyên truyền miệng dù theo chủ đề nào, cũng đặt ra không chỉ mục đích thông tin mà quan trọng hơn là mục đích tác động về mặt tư tưởng (hình thành niềm tin, cổ vũ con người). Cho nên, nội dung bài nói của báo cáo viên phải đạt tới yêu cầu định hướng thông tin, định hướng tư tưởng về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về các sự kiện chính trị trọng đại trong nước và trên thế giới, từ đó chủ động giải thích cho người nghe nhận thức đúng hơn, sâu hơn, tạo dựng được niềm tin và hành động tích cực đối với người nghe.

Tính tư tưởng, tính chiến đấu đòi hỏi báo cáo viên, khi thông tin về những quan điểm khác nhau phải có định hướng, phân tích theo lập trường, quan điểm của Đảng; lập luận chặt chẽ, lý lẽ sắc bén, dẫn chứng sát thực, sinh động có tính thuyết phục cao, để khẳng định và bảo vệ quan điểm, chủ trương và đường lối đúng đắn của Đảng.

Ba là, tổ chức hoạt động của báo cáo viên gắn chặt với từng đối tượng, đặc biệt chú trọng các đối tượng có tính đặc thù và đang có dấu hiệu nằm ngoài sự tác động của công tác tư tưởng, như: thanh niên, sinh viên; trí thức; công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất; đồng bào có đạo; đồng bào dân tộc thiểu số; người Việt Nam ở nước ngoài. Tăng cường tổ chức tuyên truyền theo nhóm, từng người, thường xuyên đối thoại với quần chúng nhân dân.

Đổi mới căn bản công tác tuyên truyền miệng nhân các sự kiện chính trị, xã hội, kỷ niệm các ngày lễ, những vấn đề hệ trọng của đất nước; huy động tổng lực các lực lượng, tạo sự phối hợp chặt chẽ trong các cao trào, các đợt tuyên truyền trọng điểm. Đẩy mạnh hơn nữa mật độ, tính nhanh, nhạy và hiệu quả của công tác thông tin nội bộ trong hoạt động của báo cáo viên; tập trung tìm tòi đổi mới nội dung và các hình thức thông tin, bảo đảm kịp thời, có tính định hướng cao cho hoạt động của báo cáo viên.

Tổ chức lại lực lượng báo cáo viên cấp tỉnh, thành phố tham gia đấu tranh phản bác các nội dung thông tin, quan điểm sai trái, thù địch; nâng cao tính chiến đấu sắc bén, tính thuyết phục trong hoạt động của báo cáo viên, nhằm phục vụ hiệu quả cuộc đấu tranh này.

Bốn là, tiếp tục rà soát củng cố đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh, thành phố theo hướng tinh gọn, hiệu quả, chú trọng chất lượng chính trị và năng lực chuyên môn của báo cáo viên. Có quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện, chức năng, nhiệm vụ và quyền lợi của báo cáo viên cấp tỉnh, thành phố; thực hiện nghiêm chế độ sinh hoạt định kỳ, chế độ khen thưởng và kỷ luật đối với báo cáo viên. Đội ngũ báo cáo viên nên được tổ chức theo các tổ chuyên đề ở cấp trung ương và cấp tỉnh, thành phố. Báo cáo viên cấp dưới thực hiện theo hướng thông tin phổ cập về đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật, nghị quyết, chỉ thị, tình hình thời sự trong nước và quốc tế.

Năm là, chăm lo đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật theo hướng hiện đại và cung cấp kịp thời, đầy đủ các tài liệu thông tin cần thiết cho đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh, thành phố. Cần duy trì Hội nghị Báo cáo viên thường kỳ.

Sáu là, xây dựng và kiến nghị thực hiện chế độ bồi dưỡng vật chất phù hợp cho đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh, thành phố.

Xây dựng các chức danh, tiêu chuẩn và có mã ngạch riêng đối với cán bộ làm công tác chuyên trách tuyên truyền miệng (báo cáo viên, báo cáo viên chính, báo cáo viên cao cấp)./.

Theo Ban Tuyên giáo TW
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.994.888
Truy câp hiện tại 845