Cả ta và đối phương đều có sự quan tâm đặc biệt đến mặt trận dư luận nhằm tranh thủ dư luận trong nước và quốc tế đối với cuộc chiến tranh cũng có thể nói là rất đặc biệt có một không hai này mà đỉnh cao là thời kỳ triển khai thi hành Hiệp định Pa-ri về Việt Nam (1973 - 1975).
Lúc này Sài Gòn là trung tâm hội tụ đông đảo đại diện các báo hình, báo nói, báo viết... Vì lẽ vào thời điểm này miền Nam Việt Nam là một tiêu điểm của tình hình nóng bỏng trên thế giới, lại là nơi mà Mỹ buộc phải chấp nhận rút quân, công nhận quyền độc lập: chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Rất nhiều hãng thông tấn, vô tuyến truyền hình, đài phát thanh và các tờ báo lớn của 21 nước (như Mỹ, Anh, Pháp, Cộng hòa liên bang Ðức, Ô-xtrây-li-a, Ca-na-đa, Thụy Sĩ, Ðan Mạch, Na Uy...) với hơn một trăm phóng viên đến Sài Gòn để thông tin về sự kiện được coi là đặc biệt này của thế giới. Riêng Mỹ, nước gây ra cuộc chiến tranh xâm lược này có tới hai hãng thông tấn, ba hãng truyền hình, một đài phát thanh, đặc biệt có tới 15 tờ báo lớn (như Washington Post, Los Angeles, Time...) so với 33 tờ báo của 20 nước khác. Họ những tưởng rằng với cái gọi là ưu thế "chủ nhà" lại được họ tạo mọi thuận lợi về sinh hoạt, về nghiệp vụ... họ có thể tranh thủ giới báo chí nước ngoài thông tin có lợi cho họ. Họ đã nhầm, đúng hơn là đã sai lầm và phải trả giá đắt cho sự sai lầm không tránh khỏi đó.
Nhiều cán bộ phóng viên thông tấn báo chí, có năng lực và kinh nghiệm của Thông tấn xã Việt Nam, Thông tấn xã Giải Phóng, Ðài Tiếng nói Việt Nam, Ðài Phát thanh Giải Phóng, các báo lớn như Nhân Dân, Quân đội Nhân dân... cùng một số nhân viên kỹ thuật tê-lếch giỏi được chọn vào Trại Ða-vít hình thành một ban thông tấn báo chí mạnh giúp đắc lực cho hai đoàn ta trên trận địa quan trọng này. Ban thông tấn báo chí của ta chỉ có hơn mười sĩ quan và phương tiện truyền tin chỉ có một giàn tê-lê-típ (télétipe 150 w của TTXVN đưa từ Hà Nội vào lắp) lại bị phía Sài Gòn bao vây, phá sóng gây nhiễu... lại phải đấu tranh trên mặt trận dư luận với cả bộ máy chiến tranh tâm lý của đối phương, với hàng trăm nhà báo Sài Gòn và nước ngoài có mặt tại Sài Gòn lúc bấy giờ, với đầy đủ phương tiện truyền tin rất hiện đại được tự do hành nghề.
Thế nhưng, ta lại có thế mạnh tuyệt đối mà đối phương không thể có được: Ta có chính nghĩa lại được Hiệp định Pa-ri làm cơ sở pháp lý, được đông đảo nhân dân tiến bộ và dư luận rộng rãi trên thế giới đồng tình ủng hộ.
Cuộc đấu tranh trên mặt trận dư luận giữa sào huyệt địch này càng về sau càng phức tạp và quyết liệt không phải bằng lý luận, bằng khái niệm trừu tượng mà bằng những sự việc cụ thể diễn ra hằng ngày. Có không ít trường hợp đột xuất, bất ngờ mà phía ta chưa kịp chuẩn bị trước, nhưng không bao giờ ta ở vào thế bị động chống đỡ mà luôn ở vào thế chủ động đối phó tiến công đối phương làm hài lòng và tranh thủ sự đồng tình các nhà báo, nhất là các nhà báo nước ngoài.
Vận dụng 11 điều ưu đãi miễn trừ đã được Ban liên hợp quân sự bốn bên thỏa thuận, ta đòi được tổ chức hằng tuần cuộc họp báo vào sáng thứ bảy và quyền liên lạc trực tiếp bằng điện thoại với các nhà báo. Sáng thứ bảy ngày 17-3-1973, Trung tướng Trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLTCHMNVN) đã mở cuộc họp báo đầu tiên tại trụ sở của Ðoàn tại Trại Ða-vít. Ðã có gần 100 nhà báo nước ngoài và Sài Gòn đến dự. Ðây cũng là dịp đầu tiên để Ðoàn ta trình bày với dư luận về lập trường của ta là nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Pa-ri về Việt Nam và đòi đối phương nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định mà chính họ đã ký kết.
Sau 60 ngày hoạt động kể từ ngày 28-1-1973, Ban liên hợp quân sự bốn bên Trung ương kết thúc nhiệm vụ bằng một cuộc họp cuối cùng vào ngày 28-3-1973 và giải thể.
Ban liên hợp quân sự hai bên gồm Ðoàn đại biểu quân sự CPCMLTCHMNVN và Ðoàn đại biểu quân sự Việt Nam Cộng hòa nhận trách nhiệm và họp phiên đầu tiên vào ngày 29-3-1973. Thời kỳ này cuộc đấu tranh buộc đối phương thi hành Hiệp định Pa-ri của Ðoàn ta thực chất là đấu tranh trên mặt trận dư luận diễn ra căng thẳng hơn, phức tạp hơn và quyết liệt hơn nhiều so với thời kỳ Ban liên hợp quân sự bốn bên Trung ương.
Chính quyền Sài Gòn một mặt điên cuồng và trắng trợn vi phạm Hiệp định, nhưng lại lấp liếm tội ác, lớn tiếng vu cáo phía ta vi phạm Hiệp định. Các nhà báo ở Sài Gòn nhất là các nhà báo nước ngoài một số tuy là biết Sài Gòn vi phạm Hiệp định nhưng vì nhiều lý do cho nên họ khó nói lên sự thật; một số chưa tin rằng phía ta thật sự tôn trọng ngừng bắn, số khác lại nghĩ rằng cả hai phía đều vi phạm Hiệp định...
Lãnh đạo Ðoàn ta chủ trương nhất quán là đấu tranh không khoan nhượng đối với hoạt động và luận điệu xuyên tạc của đối phương, nhưng bằng mọi cách tranh thủ lực lượng báo chí, nhất là giới báo chí nước ngoài. Ta hiểu rõ mọi động thái của Ðoàn ta đối với Ðoàn Sài Gòn, Ủy ban quốc tế, nhất là cách giải quyết có tình, có lý những sự việc diễn ra khắp miền Nam Việt Nam đều được giới báo chí theo dõi sát sao, thông tin kịp thời nên ta luôn có thái độ cư xử đúng mức, tranh thủ họ ngày càng thông tin có lợi cho ta, không có lợi cho đối phương. Ðiều đó khiến chính quyền Sài Gòn không hài lòng, có khi bực tức, xử sự cửa quyền, hách dịch và thấy dư luận không có lợi cho họ thì họ lập tức thực hiện biện pháp hạn chế trắng trợn mà không nước nào áp dụng với báo chí như: cản trở không cho nhà báo đi dự họp báo thường kỳ của Ðoàn ta, cắt điện thoại liên lạc của họ với Ðoàn ta. Trong tám tuần lễ liền từ 13-4 đến 1-6-1974 họ tìm cách phá không để Ðoàn ta tổ chức họp báo. Họ còn có hành động trắng trợn, thô bạo xúc phạm giới báo chí nước ngoài như ngày 6-7-1973 trục xuất đại diện báo A-sa-hi Shim-bun của Nhật Bản vì đã dám nói lên sự thật: "Việt Nam Cộng hòa còn giam giữ hàng trăm nghìn tù chính trị". Nghiêm trọng và bỉ ổi hơn là đầu năm 1975, Cảnh sát Sài Gòn đã bắn chết nhà báo Pháp Paul Léandry ngay tại trước cửa Văn phòng Cảnh sát vì đã đưa tin không lợi cho chế độ Sài Gòn và cãi lại cảnh sát khi bị chất vấn (?).
Từ thực tế đó, các nhà báo ngày càng thấy rõ bộ mặt thật và ý đồ phá hoại có hệ thống và trắng trợn Hiệp định của tập đoàn bán nước Nguyễn Văn Thiệu; ngày càng hiểu ta hơn, đồng tình với thái độ và hành động của ta, nếu không cũng tỏ ra thông cảm. Thông tin của họ ngày càng có lợi cho ta hơn, bất lợi cho đối phương, góp phần không nhỏ vào cuộc đấu tranh trên mặt trận dư luận của ta. Một cử chỉ đẹp đáng được ghi nhận lúc bấy giờ là Ban Chấp hành Hội Nhà báo nước ngoài ở Sài Gòn đã xin vào Trại Ða-vít chào và bày tỏ cảm tình với Ðoàn ta. Và có lẽ một trong những hành động khiến Ðoàn ta cảm động nhất là một nhà báo Mỹ, tranh thủ lúc giải lao tại cuộc họp báo đã đến gặp Thượng tá Dương Ðình Thảo (Ủy viên Ðoàn đại biểu quân sự CPCMLT CHMNVN) chủ trì cuộc họp báo, trao một hộp bánh và nói rất chân tình rằng: "Tôi biết các ông và nhân dân Việt Nam đang kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi không đem hoa đến được vì sẽ bị Chính quyền Sài Gòn ngăn cản và gây khó khăn cho hoạt động nghề nghiệp của tôi...". Không ít phóng viên nước ngoài xin được đi thăm vùng giải phóng đã được Ðoàn ta tổ chức cho đi và khi về họ thông tin khá tốt, có lợi cho ta. Một số nhà báo hết hạn trước khi về nước tìm cách xin gặp lãnh đạo Ðoàn ta chào từ biệt và nói những lời tốt đẹp và sau này khi về nước chính họ là những người đưa tin, viết bình luận hướng dư luận có lợi cho ta...
Tính từ thời điểm giải phóng Buôn Ma Thuột (10-3-1975) đến 17-4-1975 quân và dân ta đã nổi dậy tiến công liên tục giải phóng rất nhiều vùng rộng lớn. Một nghịch lý là nếu trước đây phía Sài Gòn luôn tìm cách ngăn cản sự tiếp xúc của Ðoàn ta với báo chí, nhất là giới báo chí nước ngoài và phá các cuộc họp báo của ta, nhưng trong hai tháng 3 và tháng 4 đầu năm 1975 họ lại để thông suốt điện thoại và để các nhà báo dễ dàng vào Trại Ða-vít hàng tuần lễ, trong đó có khá nhiều "nhà báo" Sài Gòn.
Có thể nói trước thất bại nặng nề và liên tục của quân đội Sài Gòn và xu thế tiến công, chiến thắng như chẻ tre của quân và dân ta trên khắp các chiến trường miền Nam Việt Nam, Chính quyền Sài Gòn bắt buộc tận dụng mọi biện pháp, cơ hội, trong đó có mối quan hệ của Ðoàn ta với giới báo chí để tìm hiểu ý đồ của ta, xem ta đánh đến đâu, có nối lại thương lượng nữa không; đặc biệt là có nhà báo nước ngoài hỏi thăm dò Ðại tá Võ Ðông Giang rằng: Các ông có tiến công Sài Gòn không? Ðại tá Võ Ðông Giang trả lời hóm hỉnh rằng: "Rất tiếc là Bộ Chỉ huy của chúng tôi không có thói quen nói trước ý đồ của mình...". Với cách trả lời khéo léo này, ta vẫn tranh thủ được dư luận của giới báo chí và vẫn giữ được bí mật quân sự.
Phòng họp báo tuy khá rộng nhưng cuộc họp báo nào các nhà báo cũng đến dự rất đông với hơn 100 người. Trong đó mọi người nhớ mãi là cuộc họp báo cuối cùng vào ngày 26-4-1975 trùng hợp ngẫu nhiên với ngày mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Ðại tá Võ Ðông Giang, Phó trưởng Ðoàn đại biểu quân sự CPCMLTCHMNVN, người trực tiếp phụ trách và chỉ đạo Ban Thông tấn báo chí của Ðoàn (B), chủ trì cuộc họp chỉ cách bốn ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975.
Thế là từ lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, ngụy đã nhào, Chính quyền Sài Gòn sụp đổ, các cơ quan thông tin và bưu điện tan rã... tin tức, bài vở của phóng viên nước ngoài không phát đi được. Sáng 1-5-1975, một phóng viên báo nước ngoài đã có sáng kiến trương trên xe một lá cờ lớn xanh đỏ có ngôi sao vàng (cờ của CPCMLTCHMNVN) cùng với một tấm biển lớn có chữ "nhà báo" xin vào Trại Ða-vít cho kỳ được, vừa chúc mừng ta thắng lợi, vừa nhờ Ðoàn ta giúp phát tin, bài đi bằng tê-lếch và vô tuyến điện. Một số nhà báo nước ngoài khác cũng bắt chước tiếp tục vào theo nhờ Ðoàn ta giúp họ chuyển tin về nước. Hoạt động báo chí lúc này thật sôi nổi, nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Tin tức, bình luận của họ phát ra nước ngoài đã góp phần đáng kể vào việc tuyên truyền, tranh thủ dư luận thế giới đồng tình, ca ngợi chiến thắng của quân và dân ta trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử này.
Có thể nói cuộc đấu tranh trong suốt 823 ngày đêm của hai Ðoàn ta ở Trại Ða-vít thực chất là cuộc đấu tranh trên mặt trận dư luận và nó đã trở thành nhiệm vụ cơ bản của hai Ðoàn ta trong Ban liên hợp quân sự bốn bên và hai bên Trung ương. Và trong cuộc đấu tranh phức tạp và quyết liệt này có vai trò to lớn và tác dụng tích cực của báo chí, nhất là báo chí cách mạng, trong đó có đội ngũ báo chí của Ban Thông tấn báo chí của hai Ðoàn ta được tổ chức sớm và cùng hoạt động công khai giữa sào huyệt địch.
Nguyễn Hùng Ðào
(Nguyên sĩ quan báo chí Ðoàn đại biểu
quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời
Cộng hòa miền Nam Việt Nam)