TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Bốn mươi năm - những quyết sách của Đảng theo điều “Trước hết” trong Di chúc của Bác Hồ
Ngày cập nhật 17/09/2009

Trong “Di chúc” để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta, Bác Hồ dành lời dặn đầu tiên cũng là sự quan tâm “Trước hết” cho công tác xây dựng Đảng. Bởi lẽ, theo Bác, mọi việc của dân, của nước, mọi thành, bại của sự nghiệp cách mạng đều tùy thuộc vào phẩm chất và năng lực của Đảng cầm quyền. Bốn mươi năm - những quyết sách của Đảng theo điều “Trước hết” của Bác đã đạt được những kết quả to lớn, tạo nên những thắng lợi vẻ vang của cách mạng. Song vấn đề thường xuyên này đang đòi hỏi phải được tăng cường nhiều hơn nữa.

 

Lời Bác dặn về xây dựng Đảng cầm quyền

Trước hết, toàn Đảng, toàn dân phải nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng. Chúng ta có thể thấy, ngay sau khi tìm được con đường “cách mạng vô sản” trong học thuyết Mác - Lê-nin và hướng cách mạng Việt Nam theo đó, điều đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm là xây dựng chính đảng cách mạng. Người nói: “Cách mệnh... trước hết phải có Đảng cách mệnh để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”. Trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, Bác luôn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng với tư cách là chăm lo hạt nhân lãnh đạo, để Đảng luôn ngang tầm với đòi hỏi của sự nghiệp cách mạng cao cả của dân tộc. Nhờ đó, cách mạng Việt Nam đã làm nên những “huyền thoại” trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ vững chắc nền độc lập Tổ quốc, chủ quyền an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ.

Từ năm 1949, tại Hội nghị cán bộ của Đảng lần thứ sáu (ngày 18-1-1949), sau khi đề cập đến những vấn đề cần làm trên nhiều lĩnh vực, Bác đã nêu rõ ý nghĩa có tính chất quyết định của công tác chỉnh đốn Đảng: “Muốn làm được những việc trên, trước hết phải chỉnh đốn nội bộ Đảng. Phải nêu ra những việc chính, nắm lấy đó mà làm.

Đảng ví như cái máy phát điện, các công việc trên ví như những ngọn đèn, máy mạnh thì đèn sáng...”(1). Cho đến những suy nghĩ sau cùng trong Di chúc thì tư tưởng về xây dựng, củng cố Đảng cầm quyền vẫn được Người quan tâm trước hết. Bởi, “Đảng có vững cách mệnh mới thành công”. Cần thấm nhuần sâu sắc rằng, xây dựng Đảng là nâng cao chất lượng “máy phát điện” trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. “Máy mạnh thì đèn sáng”.

Hai là, mục tiêu của công tác xây dựng Đảng. Ngay khi Đảng mới cầm quyền, trong thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng (tháng 10-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì...

Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải là để đè đầu dân...

Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm.

Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”(2).

Và đến khi dặn lại toàn Đảng, toàn dân, Bác nói rõ lại mục tiêu của công tác xây dựng Đảng nhằm làm cho Đảng trong sạch, đoàn kết, thống nhất, có đạo đức, có trí tuệ, tức là Đảng vững mạnh, để “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, “một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc”.

Lich sử Việt Nam đương đại khẳng định chân thực rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định làm nên mọi thắng lợi to lớn của cách mạng. Tuy nhiên, cũng cần nhận thức một cách biện chứng rằng, không phải cứ có Đảng lãnh đạo là cách mạng lúc nào cũng thành công. Bác chỉ rõ mấu chốt của vấn đề là ở chỗ: “Đảng có vững cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. Sự nghiệp xây dựng đất nước sau khi đã đánh cho “Mỹ cút, ngụy nhào” là cuộc cách mạng “khổng lồ” đầy khó khăn, thử thách, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, đối ngoại... càng đòi hỏi Đảng phải thực sự “là đạo đức, là văn minh”.

Niềm tin của nhân dân vào Đảng chỉ có được khi trong thực tế đời sống, Đảng phục vụ tốt cho nhân dân, cho Tổ quốc ở cả hai tư cách: người lãnh đạo và người đầy tớ. Đó là cơ sở để dân ủy thác cho Đảng vai trò lãnh đạo, cầm quyền mà Hiến pháp đã thể hiện.

Một lần nữa Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng đối với cách mạng Việt Nam, là cội rễ mọi thành công. Đó không chỉ là nguyên nhân cơ bản tạo nên những thắng lợi đã qua của cách mạng mà mãi mãi vẫn là nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ của nhân dân ta nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.

Ba là, biện pháp (có tính phương hướng) để đạt được mục tiêu của công tác xây dựng Đảng. Di chúc đã nêu các giải pháp lớn là: vừa phát huy truyền thống, vừa giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình; thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng; phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau; thực hành dân chủ rộng rãi. Phải coi công tác chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ cơ bản, thường xuyên, bởi cách mạng là khó khăn và vận động. Chỉnh đốn để Đảng ngang tầm với đòi hỏi ngày càng cao của cuộc sống vừa là nhu cầu của xã hội đối với Đảng cầm quyền, vừa là yêu cầu nội tại của bản thân Đảng. Xem nhẹ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong bất cứ hoàn cảnh nào là đồng nghĩa với sự tự loại bỏ tư cách cầm quyền vốn là sứ mệnh của Đảng. Những lời tâm huyết sau cuối của Bác về công tác xây dựng Đảng vừa phản ánh sự nhận thức được cái tất yếu khách quan từ phía xã hội, cái đương nhiên thuộc về chủ quan của Đảng với vai trò là nhân tố quyết định chiều hướng phát triển của đất nước.

Bốn mươi năm xây dựng Đảng theo Di chúc của Bác

Trải qua 7 kỳ đại hội toàn quốc, Đảng đều đặc biệt quan tâm xây dựng Đảng trên cả ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Những quyết sách lớn đó được Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa cụ thể hóa, chỉ đạo sát sao trong hơn hai mươi nghị quyết chuyên đề, hàng chục chỉ thị, thông tri. Xuyên suốt 40 năm xây dựng Đảng theo Di chúc của Bác là sự kết hợp biện chứng giữa nhiệm vụ lãnh đạo dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến thần thánh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, xây dựng đất nước, đổi mới, hội nhập quốc tế với không ngừng xây dựng, củng cố và phát triển Đảng, từ việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; nâng cao chất lượng đảng viên; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng; chỉnh đốn Đảng; đến xây dựng tổ chức đảng ở các loại hình doanh nghiệp; xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức... để Đảng xứng đáng với sự ủy thác của dân tộc. Bốn mươi năm qua Đảng ta xác định rất rõ: công tác xây dựng Đảng và nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân xây dựng, bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ có quan hệ biện chứng, là nhân – quả của nhau trong sự tồn tại và trưởng thành của Đảng và sự phát triển đất nước.

Trước hết, Đảng tập trung làm cho toàn Đảng, toàn dân thấy rõ tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng là để: “Mỗi đảng viên ta phải là một chiến sĩ tích cực gương mẫu, xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng và của nhân dân.

Mỗi chi bộ ta phải là một hạt nhân vững chắc, lãnh đạo đồng bào thi đua yêu nước, cần kiệm xây dựng nước nhà. Mỗi cấp ủy Đảng phải là một động cơ mạnh mẽ thúc đẩy phong trào cách mạng sôi nổi tiến lên”(3).

Nhờ đó, 40 năm qua trong thực tế, công tác xây dựng Đảng đã được toàn Đảng, toàn dân tích cực tham gia với tinh thần trách nhiệm cao trước Tổ quốc, dân tộc. Vì thế, Đảng không ngừng lớn mạnh, đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp cách mạng: Đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào, thống nhất đất nước, rồi đổi mới, hội nhập quốc tế với những thành tựu to lớn. Trong thực tế cuộc sống, sự nghiệp xây dựng Đảng đã trở thành nhiệm vụ chung của cả dân tộc, nhằm phát huy sức mạnh toàn xã hội chăm lo công tác xây dựng Đảng. Thực chất, đó cũng là xã hội hóa công việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nước là của dân, Đảng là lực lượng lãnh đạo, cho nên xây dựng Đảng là xây dựng đất nước. Đảng vững mạnh thì sự nghiệp xây dựng đất nước của toàn dân mau đến thắng lợi. Nhờ vậy, phong trào toàn dân tham gia xây dựng Đảng ngày càng sôi nổi, đi vào thực chất hơn, có hiệu quả thiết thực trong đời sống chính trị của Đảng và đời sống thực tiễn của xã hội. Những chủ trương, chính sách của Đảng được nhân dân tham gia xây dựng thông qua các tổ chức chính trị, xã hội mà họ tham gia, khi trở thành chỉ thị, nghị quyết thì nhân dân được học tập để thấm nhuần và cùng thực hiện. Gắn với Cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trong những năm gần đây, nhận thức và hành vi của toàn xã hội về tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng được nâng lên một bước và ngày càng thiết thực, mang lại nhiều kết quả to lớn.

Thứ hai, bốn mươi năm qua, Đảng ta hết sức chú trọng và nghiêm túc phấn đấu cho mục tiêu của công tác xây dựng Đảng được Bác chỉ ra là nhằm làm cho Đảng trong sạch, đoàn kết, thống nhất, có đạo đức, có trí tuệ, tức là Đảng vững mạnh, để “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, “một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc”.

Tại Đại hội VI, Đảng xác định quyết tâm “phải làm trong sạch Đảng, trước hết phải loại bỏ ngay những phần tử thoái hóa biến chất”. Trong Cương lĩnh năm 1991, Đảng xác định phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực lãnh đạo. Đại hội VII của Đảng xác định quyết tâm “làm trong sạch và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên”, “khai trừ khỏi Đảng những đảng viên thoái hóa biến chất về chính trị và đạo đức, gây chia rẽ, bè phái, tham ô, hối lộ, ức hiếp quần chúng”. Và đã quyết định “Đưa ra khỏi Đảng bằng các hình thức thích hợp những đảng viên không tha thiết với Đảng, giảm sút ý chí chiến đấu, thực sự không có tác dụng đối với công tác lãnh đạo của Đảng(4). Đại hội VIII của Đảng tiếp tục khảng định: “Đảng phải tiếp tục tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao hơn nữa sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của mình” và chỉ ra 7 nhiệm vụ, giải pháp lớn, trong đó nhiệm vụ hàng đầu là giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Do đó, trong nhiệm kỳ khóa VIII, Đảng tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng với Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2).

Tại Đại hội IX, sau 15 năm đổi mới, Đảng rút ra 4 bài học và khảng định việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng là thường xuyên, đồng thời chỉ ra một số mặt yếu kém, khuyết điểm, nhất là khuyết điểm về công tác giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đại hội chỉ rõ: “Trong những năm tới, toàn Đảng tiếp tục thực hiện các nghị quyết về xây dựng Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII”, tập trung vào vấn đề hàng đầu là giáo dục tư tưởng chính trị, rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân. Mỗi cấp ủy, chi bộ có kế hoạch định kỳ kiểm điểm việc thực hiện Di chúc của Bác về nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân.

Tuy vậy, trong thực tế chưa chặn đứng được tình trạng suy giảm đạo đức của của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Tại Đại hội X, Đảng khẳng định: “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa đạt yêu cầu”(5). Đại hội xác định, Đảng phải tiếp tục tự đổi mới, tự chỉnh đốn với mục tiêu “tăng cường bản chất giai cấp công nhân và tính tiên phong, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức cách mạng trong sáng, có tầm trí tuệ cao, có phương thức lãnh đạo khoa học, luôn gắn bó với nhân dân”. Chín nhiệm vụ và giải pháp lớn về xây dựng Đảng, trong đó có đề xuất việc “Học tập, quán triệt, làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh” đã được tổ chức thành cuộc vận động đang mang lại hiệu quả thiết thực cho công tác xây dựng Đảng trong thực tế.

Thứ ba, trong hành trình 40 năm xây dựng Đảng, đứng vững trên lập trường mác-xít, Đảng ta không ngừng xây dựng khối đoàn kết, nhất trí, thống nhất trong toàn Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Đoàn kết trên cơ sở giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ - tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thường xuyên tự phê bình và phê bình, đảm bảo cho Đảng thống nhất về nhận thức và hành động. Chính vì vậy mà ngay cả lúc khó khăn, thách thức nhất là khi các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô tan rã, tác động không thuận đối với chế độ xã hội chủ nghĩa và Đảng cầm quyền, thì nội bộ của Đảng vẫn thống nhất, giữ vững lập trường mác-xít, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Vấn đề dân chủ trong Đảng và trong xã hội được Đảng đặc biệt quan tâm, kiên trì xây dựng. Điều này được thể hiện từ việc xây dựng đường lối, công tác tổ chức, đến tự do tư tưởng trong sinh hoạt Đảng. Nhiều nghị quyết của Đảng về vấn đề này đã được ban hành và có sức sống bền vững trong thực tế sinh hoạt nội bộ Đảng cũng như trong toàn xã hội. Những hoạt động dân chủ ở cơ sở đầy hiệu quả trong những năm qua là minh chứng hùng hồn về vấn đề này.

Nhìn lại 40 năm xây dựng Đảng theo Di chúc của Bác, chúng ta càng vững tin vào những quyết sách của Đảng về công tác này, tự hào về những kết quả bước đầu của công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới mà toàn Đảng, toàn dân đang đồng thuận tiến hành. Xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh là nhân tố cơ bản đưa đến thắng lợi to lớn của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đổi mới, hội nhập quốc tế trong những năm qua và là cơ sở vững chắc cho niềm tin tất thắng vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.

Đoàn Thế Hanh 

Theo Tạp chí Cộng sản số 17(185) năm 2009
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.798.022
Truy câp hiện tại 6.709